Khó “gỡ” ách tắc xuất khẩu tôm hùm bông đi Trung Quốc trong ngắn hạn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường cho hay, việc gỡ khó cho xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc trong ngắn hạn đang khó khăn.

Tôm hùm bông bị Trung Quốc liệt vào loại động vật hoang dã

Thực trạng tôm hùm bông xuất khẩu đi Trung Quốc bỗng nhiên bị ách tắc suốt nhiều tháng nay đã khiến các cơ sở nuôi trồng rơi vào tình thế “nước sôi lửa bỏng”, tôm đến lứa nhưng không biết xuất đi đâu.

Ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc đăng ký danh sách cơ sở bao gói tôm hùm cũng như cấp chứng thư cho các lô hàng tôm hùm xuất khẩu thực hiện theo các quy định về an toàn thực phẩm (ATTP) của phía Trung Quốc. Việc thực thi yêu cầu ATTP này về phía Trung Quốc là Tổng cục Hải quan.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc có 2 đơn vị trực thuộc là Cục An toàn thực phẩm và Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật. Lâu nay, Việt Nam vẫn phải đăng ký cơ sở bao gói cua, tôm hùm, tôm sú, tôm thẻ, các mặt hàng sống vào Trung Quốc để thực thi các quy định về ATTP. Đối với các sản phẩm thủy sản sẽ đăng ký với Cục An toàn thực phẩm. Đối với những con còn sống phải đăng ký với Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật.

Hiện nay, Việt Nam có 57 cơ sở được Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật đưa vào danh sách được phép xuất khẩu sống vào thị trường Trung Quốc. Trong đó có 46 cơ sở được xuất khẩu tôm hùm sống (tôm hùm xanh và tôm hùm bông) sang Trung Quốc.

Xuất khẩu tôm hùm Việt Nam sang Trung Quốc 7 tháng đầu năm 2023 diễn ra bình thường. Song từ tháng 8, một số doanh nghiệp Việt Nam phản ánh, các doanh nghiệp Trung Quốc dừng thu mua tôm hùm bông không rõ nguyên nhân.

Đầu tháng 9, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã gửi công văn cho Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đề nghị hỗ trợ tìm hiểu thông tin về các biện pháp, quy định mới của phía Trung Quốc.

Người nuôi trồng tôm hùm bông ở Khánh Hòa đang "ngồi trên đống lửa" vì tôm hùm không thể xuất khẩu được đi Trung Quốc

Người nuôi trồng tôm hùm bông ở Khánh Hòa đang "ngồi trên đống lửa" vì tôm hùm không thể xuất khẩu được đi Trung Quốc

Đồng thời thông báo cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sống trong nước nắm bắt thông tin này để có kế hoạch chủ động sản xuất.

Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng đã ký công văn gửi Hải quan Trung Quốc, trong đó có Hải quan Nam Ninh đề nghị thông tin cho phía Việt Nam các chính sách, quy định mới của Trung Quốc nếu có. Trong giai đoạn áp dụng những chính sách mới (nếu có), tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi bình thường cho xuất nhập khẩu tôm hùm bông giữa hai nước.

Tại cuộc họp trực tuyến giữa các cơ quan chuyên môn và chức năng của Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật; Hải quan các địa phương nhập khẩu tôm hùm bông từ Việt Nam: Thâm Quyến, Quảng Châu, Nam Ninh), phía Trung Quốc thông tin, năm 2021, Trung Quốc đã sửa đổi Danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần được bảo vệ, trong đó tôm hùm bông được đưa vào Danh mục loài cần được bảo vệ cấp độ 2 (có hiệu 2 lực từ ngày 1/2/2021).

Từ tháng 5/2023, Trung Quốc đã sửa Luật Bảo vệ động vật hoang dã, trong đó quy định cấm đánh bắt, sử dụng, kinh doanh các loài trong Danh mục các loài động vật hoang dã nguy cấp cần bảo vệ, trong đó có tôm hùm bông.

Vướng mắc không liên quan chất lượng ATTP

Theo ông Bá Anh, phía Trung Quốc thông tin, sau khi Luật Bảo vệ động vật hoang dã có hiệu lực, Tổng cục Hải quan Trung Quốc chỉ đạo Hải quan các cửa khẩu tuân thủ pháp luật, trong đó có việc các nhà nhập khẩu Trung Quốc phải xin giấy phép của Cục Ngư nghiệp (Bộ Nông nghiệp Trung Quốc) về việc nhập khẩu các loài thủy sản nằm trong danh mục đó.

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc nếu không có giấy phép nhập khẩu của phía Trung Quốc cấp cũng không được nhập khẩu và dẫn đến không thu mua hàng từ các nhà xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.

"Vướng mắc xuất khẩu tôm hùm bông sang Trung Quốc thời gian qua không phải là thủ tục hải quan, ATTP, kiểm dịch động vật mà là việc thực thi pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã”, đại diện lãnh đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường khẳng định.

Để tháo gỡ vướng mắc cho mặt hàng tôm hùm bông, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đã có văn bản gửi Cục Thủy sản đề nghị 2 vấn đề, gồm: Chỉ đạo địa phương thống kê các cơ sở nuôi tôm hùm bông đáp ứng yêu cầu của pháp luật Việt Nam và pháp luật của phía Trung Quốc; tiếp tục trao đổi với Cục Ngư nghiệp Trung Quốc để tìm hiểu, làm rõ Danh mục các loài thủy sản nguy cấp cần được bảo vệ và các quy định quản lý có liên quan để hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp thực hiện.

Đồng thời, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cũng có văn bản gửi các cơ sở bao gói tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đề nghị thực hiện cung cấp đầy đủ thông tin cơ sở bao gói, cơ sở nuôi cung cấp cho cơ sở bao gói.

Các sơ sở nuôi được thống kê phải đáp ứng các quy định của Việt Nam (về nuôi trồng thủy sản) và các quy định của Trung Quốc (về giống, quá trình nuôi).

Ông Bá Anh cho biết, ngay sau khi Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nhận được danh mục các cơ sở bao gói tôm hùm bông xuất khẩu sang Trung Quốc đăng ký, sẽ đối chiếu với các hộ nuôi đã được Cục Thủy sản chỉ đạo địa phương thống kê, thẩm định, đối khớp hai danh sách này lại với nhau. Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường sẽ kịp thời gửi đăng ký với phía Trung Quốc đối với những cơ sở bao gói, cơ sở nuôi tôm hùm đáp ứng đủ yêu cầu.

“Việc gỡ khó cho xuất khẩu tôm hùm bông sang thị trường Trung Quốc trong ngắn hạn đang khó khăn. Theo đó, cần đồng thời tăng cường xúc tiến tiêu thụ tại thị trường trong nước và các nước khác”, ông Bá Anh nêu quan điểm.