Những bức xúc liên quan đến cà phê Tây Nguyên (2):

Khi thương hiệu bị đánh cắp trắng trợn

ANTĐ - Lâu nay, việc xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, đăng ký chỉ dẫn địa lý xuất xứ sản phẩm cà phê của nước ta chưa được quan tâm đúng mức.

Hiện cả nước có 530 nghìn ha cà phê. Theo Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa), niên vụ 2010-2011 cả nước xuất khẩu hơn 1.170 nghìn tấn cà phê với tổng kim ngạch 2,47 tỷ USD; dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2011-2012 khoảng 1,1 triệu tấn, không tăng so niên vụ trước và đầu vụ thu hoạch này, 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn đã thống nhất kế hoạch tạm trữ ít nhất 300.000 tấn, với nguồn vốn khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Vicofa phần lớn sản phẩm cà phê xuất khẩu của nước ta mới chỉ ở dạng chế biến thô, tỷ lệ sản phẩm cà phê tinh chế còn thấp.

Cũng vì lẽ đó mà lâu nay, việc xây dựng, đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, đăng ký chỉ dẫn địa lý xuất xứ sản phẩm cà phê của nước ta chưa được quan tâm đúng mức. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến vụ việc Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co. Ltd, có trụ sở tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đăng ký bảo hộ và được cấp văn bằng bảo hộ tại Trung Quốc với 2 nhãn hiệu số: 7611986 và 7970830.

Người lao động đến tỉnh Đắc Lắc thu hái thuê cà phê với thù lao 120-150 nghìn đồng/ngày công 

 Người lao động đến tỉnh Đắc Lắc thu hái thuê cà phê
với thù lao 120-150 nghìn đồng/ngày công

Như vậy, để xảy ra tình trạng Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột bị “đăng ký nhầm” tại Trung Quốc, trước hết là do chúng ta đã chậm trễ, thậm chí không coi trọng việc đăng ký Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột ở nước ngoài. Đắc Lắc vốn là vùng chuyên canh cà phê của cả nước, sản lượng hàng năm đạt khoảng 400 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 600 triệu USD/năm.

Thế nhưng, việc đăng ký Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột mới chỉ dừng lại ở việc đăng ký trong nước, chưa đăng ký ở nước ngoài. Cụ thể, ngày 14-10-2005, Cục Sở hữu trí tuệ có Quyết định định số: 896/QĐ-STTH, cấp đăng bạ cho Chỉ dẫn điạ lý cà phê Buôn Ma Thuột, có giá trị bảo hộ trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tiếp đó, tháng 10-2010 Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột ra đời, với 77 hội viên. Và đến nay, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột mới chỉ cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho 8 doanh nghiệp với tổng diện tích trong vùng địa danh là 8.852 ha, sản lượng hàng năm đạt khoảng 26 nghìn tấn cà phê nhân.

Tiến sỹ Y Ghi, Giám đốc Sở Khoa học-Công nghệ Đắc Lắc cho biết: Sau khi phát hiện vụ việc trên, UBND tỉnh Đắc Lắc ủy quyền cho Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tiến hành thủ tục khởi kiện doanh nghiệp Trung Quốc để hủy bỏ hiệu lực 2 nhãn hiệu trên ở Trung Quốc; đồng thời tiến hành đăng ký Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại 16 quốc gia. Ông Trần Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học-Công nghệ) cho rằng: “Cơ sở pháp lý để tiến hành các thủ tục yêu cầu hủy bỏ hiệu lực các đăng ký nhãn hiệu Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại Trung Quốc chính là các Điều 10, 16,41, 43 Luật Nhãn hiệu của Trung Quốc. Cơ quan thực hiện thủ tục pháp lý này là Ban Khiếu nại và Xét xử thuộc Tổng cục Quản lý hành chính công thương Trung Quốc. Trong trường hợp yêu cầu hủy bỏ không được chấp nhận, thì phải tiến hành thủ tục khiếu kiện tại Toà án Nhân dân Trung Quốc.

Nhiều nông dân ở xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc mua sắm được ô tô nhờ sản xuất cà phê 

 Nhiều nông dân ở xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc
mua sắm được ô tô nhờ sản xuất cà phê

Trong khi đó, Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn, Trưởng Văn phòng Luật sư Phạm và Liên Danh (Hà Nội)-đơn vị được UBND tỉnh Đắc Lắc xét chọn làm công tác hỗ trợ tư vấn pháp lý trong vụ việc này nhận định: “Chí phí cho việc yêu cầu hủy bỏ 2 nhãn hiệu số: 7611986 và 7970830 tại Trung Quốc khoảng 7.500USD (trường hợp phải kiện ra toà sẽ tốn kém 30.000USD) và kinh phí đăng ký Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột tại 16 quốc gia là 13.500USD, với thời gian thực hiện từ 2-3 năm”.

Như vậy, để đòi lại và bảo vệ được Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột chúng ta sẽ phải tốn nhiều công sức và tiền bạc. Đây cũng là bài học cần rút ra trong quá trình xây dựng, đăng ký, bảo hộ những thương hiệu sản phẩm nổi tiếng khác, đừng để đến khi bị nước ngoài “mượn”, “đăng ký nhầm”  hoặc “xâm hại” mới lo bảo vệ và đăng ký.

Vụ việc Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co. Ltd, đăng ký bảo hộ và được cấp văn bằng bảo hộ tại Trung Quốc và hành trình đòi thương hiệu không mấy dễ dàng mà tỉnh Đắc Lắc đang triển khai còn là bài học để các địa phương vùng Tây Nguyên-nơi có những thương hiệu cà phê nổi tiếng khác cần tính đến việc đăng ký chỉ dẫn địa lý và bảo hộ thương hiệu ở trong nước và cả ở nước ngoài, nhất là những quốc gia, vùng lãnh thổ đang nhập khẩu sản lượng lớn cà phê của nước ta.