Khi người lớn không gương mẫu

(ANTĐ) - Việc học sinh đi xe máy đến trường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, có một thực tế rằng không thể đổ lỗi hết cho nhà trường và các cơ quan chức năng, khi các ông bố, bà mẹ của những học sinh này và một số đông người lớn đang hàng ngày, hàng giờ vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Tuyên truyền Luật Giao thông trong trường học - kỳ 3:

Khi người lớn không gương mẫu

(ANTĐ) - Việc học sinh đi xe máy đến trường xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, có một thực tế rằng không thể đổ lỗi hết cho nhà trường và các cơ quan chức năng, khi các ông bố, bà mẹ của những học sinh này và một số đông người lớn đang hàng ngày, hàng giờ vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

>>>Kỳ 2: Những “lỗ hổng” chết người

>>>“Quái xế” tuổi học trò

Những tấm gương “mờ”

Theo đánh giá của các chuyên gia tâm lý, những hình ảnh của cha mẹ khi vi phạm Luật Giao thông sẽ có tác động rất lớn đến sự nhận thức của con trẻ. Con cái thường đi tìm những hình mẫu để cho mình có thể học tập và noi theo, một trong những hình mẫu đó chính là bản thân bố mẹ chúng.

Những hành động mà các bậc phụ huynh ngỡ rằng “vô hại” như đi xe leo lên vỉa hè, vượt đèn đỏ, dừng xe dưới lòng đường… sẽ tác động rất mạnh đến trẻ nhỏ.Đứng lố nhố, lộn xộn trên vỉa hè và tràn cả xuống lòng đường là những hình ảnh thường thấy tại các cổng trường mẫu giáo, tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố vào mỗi buổi sáng, buổi chiều khi các bậc phụ huynh đưa đón con đến trường.

Đưa con đi học và “quên” mũ bảo hiểm của con
Đưa con đi học và “quên” mũ bảo hiểm của con

Tại cổng trường THCS Nguyễn Du nằm trên phố Lý Thường Kiệt, hàng ngày hàng trăm bậc phụ huynh đứng chờ con trên vỉa hè và tràn cả xuống lòng đường gây ách tắc và cản trở giao thông cũng như nguy cơ tiềm ẩn TNGT.

Chị Nguyễn Thị Nga, phụ huynh của cháu Tuấn Anh cho biết: “Cháu nhà tôi còn ít tuổi nên chưa thể tự đi về nhà được. Hơn nữa nhà cũng xa, hai vợ chồng tôi phải thay phiên nhau đưa đón cháu về. Đưa con đi học còn nhanh chứ đến đón con thì phải đợi. Nhiều khi phải đến sớm mới có chỗ đứng, chứ nếu đến muộn thì có khi phải dựng xe ra gần giữa đường để chờ con”.

Khi được hỏi về việc chị và các bậc phụ huynh khác có biết nguy cơ TNGT khi để xe lộn xộn dưới lòng đường, chị Nguyễn Thị Nga giãi bày: “Vẫn biết làm thế là vi phạm Luật Giao thông và gây cản trở giao thông nhưng chúng tôi cũng chẳng có cách nào khác. Trường nằm sát phố, nhà trường cũng không có chỗ nào dành cho các phụ huynh đứng chờ khi đến đón con thì chúng tôi cũng chỉ biết đứng ở ngoài”.

Không chỉ có những bậc phụ huynh học sinh, phần đông những người lớn trong mắt của trẻ em, con cái… đang trở thành những tấm “gương mờ” về việc chấp hành Luật Giao thông. Cô Lê Thị Mỹ Hạnh - Phó Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết: Có những phụ huynh đến đón con thậm chí đã không mang mũ bảo hiểm cho con chứ chưa nói đến việc đội mũ bảo hiểm.

Nhiều bậc phụ huynh viện dẫn ra các lý do như muốn cho con em mình đỡ vất vả khi đi học nên đã sắm sửa và cho phép con đi xe máy. Bên cạnh đó, những hành động như điều khiển môtô, xe máy không đội mũ bảo hiểm trên phố của người lớn hàng ngày diễn ra trên khắp các tuyến đường.

Những cá nhân đó không phải không biết đến các quy định tối thiểu của Luật Giao thông như phải đội mũ bảo hiểm khi điều khiển môtô, xe máy, dừng lại khi gặp đèn đỏ… mà họ cố tình không biết và không chấp hành. Và sự tệ hại hơn nữa đó chính là thái độ coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của người khác và chính bản thân mình.

Xa vời “văn hóa giao thông”

“Văn hóa giao thông” - cụm từ đã được nhắc đến nhiều lần qua những bài viết, các phương tiện thông tin đại chúng khi tuyên truyền về Luật Giao thông trong nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến nay chưa có ai dám khẳng định tất cả người dân chúng ta mỗi người đều đã mang trong mình văn hóa giao thông khi đi trên đường? Để hình thành nên một thói quen có văn hóa là rất khó khăn và phải qua một quá trình lâu dài.

Nếu như mỗi người dân khi tham gia giao thông nâng cao hơn ý thức chấp hành Luật Giao thông thì điều đó không những đảm bảo an toàn cho bản thân, những người xung quanh mà còn góp phần thúc đẩy “văn hóa giao thông” nhanh chóng định hình, lan tỏa rộng khắp trong xã hội.

Nét văn hóa cũng được biểu hiện qua những việc làm, hành động tưởng chừng như rất nhỏ nhặt. Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về điều khiển phương tiện cũng như các quy chuẩn bảo hộ an toàn khi tham gia giao thông đó chính là đã góp phần hình thành nên một nét “văn hóa giao thông” trong xã hội.

Nguy cơ TNGT và ùn tắc giao thông tại những cổng trường giờ tan học
Nguy cơ TNGT và ùn tắc giao thông tại những cổng trường giờ tan học

Hơn ai hết, bản thân mỗi người phải tự trang bị ý thức chấp hành nghiêm Luật Giao thông và có trách nhiệm nhắc nhở con em mình và những người xung quanh không vi phạm Luật Giao thông. Không thể phó mặc chuyện nhắc nhở, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ đến con em mình cho nhà trường và xã hội.

Nếu như ý thức không chuyển biến, không chấp hành nghiêm những quy định an toàn… thì cho dù hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông có hoàn chỉnh đến đâu cũng chẳng thể kiềm chế và chặn đứng được TNGT.                

 Tiểu Minh