Khi học sinh… phạm tội

ANTĐ - Tình trạng bạo lực xảy ra trong thanh thiếu niên đang trở nên nghiêm trọng và đáng lưu tâm hơn bao giờ hết. Không chỉ những nam sinh thích sử dụng “nắm đấm” để nói chuyện, giờ đây xu hướng nữ sinh dùng vũ lực cũng trở nên phổ biến. Đáng báo động là lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay rất ích kỷ, thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm; a dua theo nhiều xu hướng hưởng thụ vật chất; lười phấn đấu…đã khiến họ dễ vấp phải những lỗi lầm không đáng có.

Ảnh minh hoạ


Kinh hoàng bạo lực học đường

Sáng 30-11, em Nguyễn Đăng Hồ hiện đang học THCS Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa – Vũng Tàu) đã bị bạn đâm trọng thương dẫn tới tử vong sau đó. Hung thủ là Lê Duy Tâm, 14 tuổi, học sinh lớp 9 và cũng là bạn cùng trường với nạn nhân. Trước đó, Hồ và Tâm không hề có mâu thuẫn, nhưng chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ từ những người bạn của Tâm, Tâm đã tới gặp Hồ nói chuyện. Và khi câu chuyện trở nên căng thẳng hơn, Tâm đã rút dao bấm trong túi đâm Hồ rồi bỏ chạy.

Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) vừa tiếp nhận trường hợp Đinh Minh Thiện, học sinh lớp 6, trường THCS Ma Lâm (thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) bị bạn chém trọng thương. Thiện được chuyển vào bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng mất máu mặc dù đã được truyền 3 túi máu trước đó tại Bình Thuận. Mặc dù Thiện đã qua cơn nguy kịch nhưng vẫn đang nằm điều trị tại phòng cấp cứu khoa Tai mũi họng. Theo tìm hiểu, được biết sau giờ học thể dục ngày 22-11, Thiện vừa ra khỏi cổng trường thì bị Lê Minh Chính, học sinh lớp 9 cùng trường dùng dao chém nhiều nhát vào mặt. Vết chém nặng nhất dài hơn 10cm nằm bên mặt phải. Nhà Chính và Thiện nằm sát vách nhau, và cùng cách trường học khoảng 40m. Hiện Chính đang bị công an địa phương tạm giữ để làm rõ nguyên nhân dẫn đến vụ việc nghiêm trọng này.

Vừa qua, CATP Lạng Sơn cũng đã hoàn tất hồ sơ đưa năm đối tượng: Ngô Hồng Lạc, Tằng Việt Dũng, Vũ Anh Tuấn, Toàn Quốc Anh, Trần Quang Tùng đều là trẻ vị thành niên và trú tại thành phố Lạng Sơn vào cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng theo quyết định của UBND TP Lạng Sơn. Các đối tượng trên liên tục tái phạm về hành vi cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Ngoài ra, còn rất nhiều vụ việc khác xảy ra trên toàn quốc mà đối tượng phạm tội còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Có lẽ trường hợp Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng Ngọc Bích tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang cướp đi 3 mạng người đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Thời điểm Luyện gây án, y chưa đủ tuổi thành niên.

Mốt xé áo, quay clip... tung lên mạng

Bốn nữ sinh trường THPT Phố Mới (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) đã vây đánh dã man một nữ công nhân, quay clip và tung lên mạng đã bị đuổi học. Đoạn clip ghi lại hình ảnh ba nữ sinh trực tiếp đánh một cô gái, nữ sinh còn lại đứng quan sát và quay lại bằng điện thoại. Sau khi điều tra, công an huyện Quế Võ đã xác định danh tính những nữ sinh tham gia đánh người là Nguyễn Thị Thùy Trang; Nguyễn Thị Huệ và Nguyễn Thị Thúy (học sinh lớp 11A7 trường THPT Phố Mới); người dùng điện thoại quay clip là Nguyễn Thị Thủy (học sinh lớp 11A5). Nạn nhân trong clip trên là Trần Thị T, hiện đang là công nhân của một nhà máy dệt tại huyện Quế Võ.

Một clip khác đã được phát giác quay cảnh 2 nữ sinh lớp 12 đánh 1 nữ sinh lớp 11 được tung lên mạng Internet. Cơ quan công an xác định 2 học sinh trực tiếp đánh bạn là Nguyễn Thị Phương và Vũ Thị Quyên, Đào thị Hà quay clip, đều là học sinh lớp 12A9 trường THPT An Lão (huyện An Lão, Tp Hải Phòng). 3 học sinh này đã bị buộc thôi học. 5 học sinh chuyển tải đoạn clip bị buộc nghỉ học một tuần. 4 học sinh đứng xem và ngay cả học sinh bị đánh là Trịnh Thị Mai Phương, lớp 11B3 cũng bị cảnh cáo toàn trường. Trong clip này, dù nạn nhân là Mai Phương đã hết lời van xin nhưng hai “đàn chị” vẫn không ngừng đấm đá, túm tóc, hành hung cô học sinh lớp dưới.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, trú tại xã Quảng Tiến, huyện Trảng Bom vừa gửi đơn tố cáo một số đối tượng hành hung và quay phim con gái bà là Nguyễn Trần Tr, hiện đang là học sinh lớp 7, trường THCS Lý Tự Trọng (huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Sáng chủ nhật ngày 20-11, khi Tr đang ngồi trong một quán internet tại thị trấn Trảng Bom thì bị một nhóm 8 nữ sinh kéo ra sân vận động Trảng Bom đánh và quay phim. Bà Thủy cũng đã cung cấp cho cơ quan công an địa phương một video clip được copy từ máy điện thoại di động có độ dài khoảng 2 phút ghi lại rất rõ cảnh Tr bị đánh đập hành hung một cách dã man.

Không chỉ dừng lại ở những hành động đánh đập xé áo, quay phim tung lên mạng… nhiều nữ sinh ngày nay còn sẵn sàng vác dao gây án. Khoảng 10h25 ngày 18-11, 5 nữ sinh lớp 8 của trường THCS Hải Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) gồm Phan Thị Thảo, Hồ Ngọc Ánh và Trần Thị Thu Hằng (Sn 1988) đã hẹn nhóm của Lê Thị Ánh Ngọc và Hoàng Thị Hoa Hậu là những học sinh cùng trường, đi ra khu vực nhà văn hóa phía sau trường học để đánh nhau. Trong lúc bị nhóm của Thảo vây đánh tới tấp, Lê Thị Ánh Ngọc đã lấy con dao từ bên trong cặp sách ra để đe dọa và đâm trúng vào bụng nữ sinh Hồ Ngọc Ánh. Đồng thời gây thương tích ở chân đối với Trần Thị Thu Hằng khiến 2 nữ sinh này phải vào viện cấp cứu. Thông tin từ phía trường THCS Hải Trạch, tất cả những học sinh tham gia vào vụ ẩu đả trên đều tạm thời bị đình chỉ học, sau khi có kết quả điều tra từ phía cơ quan công an, nhà trường mới ra quyết định kỷ luật cuối cùng.

Đi tìm lời giải

Nhóm nghiên cứu thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội, đã tiến hành khảo sát vấn đề bạo lực với 2.000 thanh niên thuộc nhiều thành phần ở nông thôn, thành thị, kết quả cho thấy 75% thanh niên chưa bao giờ đánh nhau, 18,8% hiếm khi ẩu đả, 4% thỉnh thoảng và 2,2% còn lại thì rất thường xuyên đánh nhau. TS Phạm Hồng Trung (Phó Trưởng ban Khoa học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhận định xu hướng hành xử bằng bạo lực của thanh niên hiện nay đang gia tăng. Ông cho biết mỗi năm có 11.000 - 12.000 người bị thiệt mạng và hàng chục nghìn người khác mang thương tích vì tai nạn giao thông, nhưng đáng buồn khi có khoảng 75% nạn nhân và thủ phạm là thanh niên.

TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận Xã hội, Viện Xã hội học cho rằng qua một vài nghiên cứu nhỏ lẻ và các trường hợp được dư luận xã hội quan tâm cho thấy hiện tượng bạo lực trong thanh niên xuất hiện ngày càng nhiều và đáng báo động. Theo ông Bình, hành vi bạo lực có mối liên hệ với cách ứng xử và hành vi của cha mẹ. Trong số những thanh thiếu niên có hành vi bạo lực, 77% các em sống trong gia đình mà các thành viên ít quan tâm lẫn nhau. Mức độ quan tâm của cha mẹ đến đời sống tâm lý, tinh thần của con cái cũng có sự khác biệt, 52% cho rằng cha mẹ ít quan tâm, 14,7% cho biết cha mẹ không quan tâm tới con cái; và 33% cha mẹ luôn quan tâm đến tâm lý của con em mình.

Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ: “Có thể giải thích tình trạng này do tác động của văn hóa bạo lực từ phim ảnh, các trò chơi điện tử trên mạng Internet. Bên cạnh đó do hệ thống giá trin sống của giới trẻ ngày nay thường đề cao các giá trị cá nhân nên khi có chuyện không hài lòng, các bạn trẻ thường hành động để thỏa mãn cảm xúc mà không hề nghĩ đến hậu quả. Bên cạnh đó sự thiếu hụt các kỹ năng sống như kìm chế cảm xúc, giải quyết xung đột, ứng xử… cũng là nguyên nhân khiến cho giới trẻ sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, và nghiêm trọng hơn là sẵn sàng giết chết đối thủ”.

Vừa qua Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các phòng GD-ĐT quận, huyện, thị xã và hiệu trưởng các trường trực thuộc trên địa bàn để giải quyết dứt điểm vụ việc mất trật tự trường học nhằm đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự cho năm học 2011-2012. Các đơn vị cần nâng cao trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm lớp, phát huy vai trò tự quản của các tổ chức đoàn, đội trong việc theo dõi và quản lý học sinh. Đồng thời phải phản ánh kịp thời với lãnh đạo nhà trường những diễn biến bất thường của học sinh. Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc lịch trực tất cả các ngày trong tuần, xác định rõ nhiệm vụ của lãnh đạo trực, kịp thời giải quyết dứt điểm những vụ việc gây mất trật tự, an toàn trường học… Ông Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Thành đoàn Hà Nội cũng cho biết, Đoàn sẽ tăng cường làm cầu nối, phối hợp với nhà trường, gia đình và các ban nghành để đưa các hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, thanh niên Thủ đô.

Giới trẻ ngày nay do được tiếp cận rất sớm với cuộc sống và các phương tiện truyền thông. Trong nhưng thông tin mà họ được tiếp cận có cả những thông tin xấu và đây cũng là lứa tuổi dễ bị tác động, dễ bị theo tâm lý đám đông, a dua. Cùng với sự thiếu hụt về kỹ năng sống, nhận thức pháp luật thấp nên rất dễ bị kích động và thích hành xử theo ý mình. Vì vậy trước khi chờ sự giáo dục của nhà trường và xã hội thì trong gia đình, cha mẹ cần phải biết cách làm bạn với con cái, chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống. Những người làm cha mẹ cũng phải là những tấm gương phản chiếu về tình yêu thương để con em mình học tập.