Khẳng định vị thế và đóng góp của Việt Nam trong giải quyết thách thức toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2023 diễn ra khi thế giới đang có quá nhiều biến động lớn, phức tạp, tác động sâu sắc tới đời sống chính trị, an ninh và kinh tế toàn cầu. Việc nước chủ nhà Nhật Bản mời Thủ tướng Chính phủ nước ta tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay đã khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp cho nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì tăng trưởng và giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế.

Chương trình nghị sự “nóng” của G7

Các nhà lãnh đạo Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tiến hành Hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong 3 ngày từ 19 đến 21-5 với sự tham dự của nhiều nguyên thủ, lãnh đạo các tổ chức lớn nhất trên thế giới. Hội nghị thượng đỉnh thường niên của G7 năm 2023 diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh, kinh tế thế giới tiếp tục có những biến động sâu sắc, phức tạp, khó lường, tác động nhiều mặt tới môi trường chính trị - an ninh toàn cầu, các khu vực cũng như nền kinh tế thế giới và mỗi quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tại Nhật Bản

Trong đó bao phủ là cuộc xung đột quân sự khốc liệt, kéo dài giữa Nga và Ukraine tác động sâu rộng tới tình hình chính trị - an ninh và kinh tế thế giới; nguy cơ khủng hoảng tài chính toàn cầu nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế lớn nhất thế giới; nguy cơ ách tắc chuỗi cung ứng toàn cầu và việc đa dạng hóa chuỗi cung toàn cầu cùng nhiều vấn đề quan trọng khác như kinh tế số, trí tuệ nhân tạo (AI), an ninh năng lượng, an ninh lượng thực…

Là những cường quốc hậu thuẫn Ukraine, theo giới quan sát, các nhà lãnh đạo G7 dành thời lượng đáng kể để thảo luận thông qua các biện pháp nhằm siết chặt thêm trừng phạt nhằm vào lĩnh vực năng lượng và thương mại của Nga. Theo đó, các biện pháp mới được các nhà lãnh đạo G7 công bố sẽ nhắm mục tiêu vào các hành động “lách” các lệnh trừng phạt liên quan đến các nước thứ ba, đồng thời tìm cách làm suy yếu hoạt động sản xuất năng lượng trong tương lai của Nga và hạn chế thương mại của nước này, theo đó tất cả hàng xuất khẩu sẽ tự động bị cấm trừ khi chúng nằm trong danh sách các mặt hàng được phê duyệt.

Đi đôi với việc siết chặt trừng phạt Nga, theo các nguồn tin, lãnh đạo G7 cam kết sẽ dành khoản hỗ trợ ngân sách và kinh tế trị giá 44 tỷ USD cho Ukraine trong cả năm 2023 và đầu năm 2024. Tuyên bố trước đó của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 nhấn mạnh, những cam kết hỗ trợ này “mang lại sự yên tâm cho Ukraine, đồng thời cho phép các cơ quan hữu quan của họ duy trì khả năng hoạt động của chính phủ, tiếp tục cung cấp những dịch vụ cơ bản, triển khai các công tác sửa chữa thiết yếu đối với cơ sở hạ tầng bị tàn phá và ổn định nền kinh tế”.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn bất ổn do tác động của đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, các nhà lãnh đạo G7 thảo luận về các nỗ lực và hành động nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, nhất là khi phải chịu thêm những tác động hết sức tiêu cực sau khi một loạt ngân hàng Mỹ phá sản cũng như nguy cơ khủng hoảng nợ công tại Mỹ. Trong tuyên bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G7 cam kết sẵn sàng thực hiện “các hành động thích hợp để duy trì sự ổn định tài chính và khả năng phục hồi của hệ thống tài chính toàn cầu”.

Để duy trì đà phục hồi ổn định của nền kinh tế toàn cầu, các quốc gia G7 bàn thảo về việc khởi động các nỗ lực xây dựng chuỗi cung ứng mạnh mẽ với các quốc gia đang phát triển, muộn nhất là vào cuối năm nay. Theo kế hoạch, các nền kinh tế G7 sẽ cung cấp viện trợ cho các nước có thu nhập thấp và trung bình để những nước này có thể đóng vai trò lớn hơn trong chuỗi cung ứng cho các sản phẩm liên quan đến năng lượng.

Nhiều đề xuất, sáng kiến của Việt Nam được ghi nhận

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 đến ngày 21-5 theo lời mời của nước chủ nhà Kishida Fumio. Đây là lần thứ ba Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và là lần thứ hai tham dự theo lời mời của Nhật Bản. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự các Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng vào tháng 5-2016 tại Nhật Bản và vào tháng 6-2018 tại Canada.

Việc Nhật Bản hai lần mời lãnh đạo nước ta tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 cho thấy sự coi trọng của Nhật Bản, Chủ tịch G7 năm 2023 nói riêng và nhóm G7 nói chung đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là cơ hội để ta triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII “độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại”, truyền tải thông điệp về một Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả, tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm đối với hòa bình, phát triển và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Khách mời của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay gồm lãnh đạo cấp cao của 8 quốc gia và 6 tổ chức quốc tế lớn. Cùng với Indonesia đang giữ cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2023, Việt Nam là một trong hai nước Đông Nam Á được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng. Sự tham dự của Việt Nam khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp cho nỗ lực chung nhằm thúc đẩy hợp tác, duy trì tăng trưởng và giải quyết các thách thức chung của cộng đồng quốc tế.

Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm 2023 với chương trình nghị sự dự kiến gồm 3 phiên thảo luận với các chủ đề: “Hợp tác xử lý đa khủng hoảng”, tập trung vào các chủ đề lương thực, y tế, phát triển, bình đẳng giới; “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững”, tập trung vào các chủ đề khí hậu, môi trường và năng lượng; và “Hướng tới một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, hướng tới các chủ đề hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, hợp tác đa phương. Đáng chú ý, Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay tại Nhật Bản dự kiến thông qua “Chương trình hành động Hiroshima về An ninh lương thực toàn cầu tự cường”. Đây là lần đầu tiên một Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng thông qua một văn kiện chung.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Nhật Bản tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng khi Việt Nam đã hoàn thành thành công nhiệm kỳ thứ hai (nhiệm kỳ 2020-2021) làm Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, hiện đang là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (nhiệm kỳ 2023 - 2025) và là nước có tiếng nói quan trọng trong ASEAN. Năm 2023 cũng đánh dấu tròn 50 năm Nhật Bản và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao.

Trong các lần tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 cũng Hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Việt Nam đã thể hiện trách nhiệm và đóng góp khi đưa ra những đề xuất, sáng kiến về nhiều vấn đề cấp bách, quan trọng ở khu vực và thế giới như từ việc phát triển lưu vực sông Mê Kông, tăng cường liên kết kinh tế, phát triển bền vững, khai thác bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chống biến đối khí hậu… cho đến xây dựng môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển. Những đóng góp của Việt Nam đã được ghi nhận, thể hiện trong các văn kiện, Tuyên bố chung của các Hội nghị thượng đỉnh G7 và G20.

Việc tham gia các Hội nghị thượng đỉnh như G7, G20 và các diễn đàn đa phương quan trọng hàng đầu thế giới khác cho thấy trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế của mình, Việt Nam luôn nhất quán với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm, tin cậy trong cộng đồng quốc tế. Để khẳng định được vị thế và uy tín quốc tế như một đối tác tích cực, trách nhiệm, tin cậy của cộng đồng quốc tế như ngày nay, Việt Nam nỗ lực bền bỉ đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải, sáng kiến, tích cực, có trách nhiệm” tại các diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước, phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể.