Khám phá “lá chắn thần siêu hạng” trên các chiến hạm Aegis

ANTĐ - Hệ thống Aegis trên tàu chiến có thể phát hiện 300 mục tiêu, theo dõi 100 mục tiêu với phạm vi bao quát 320km và cùng một lúc có thể tấn công 18 mục tiêu khác nhau.

Các hệ thống Aegis (Advanced Electronic Guidance Information System) là một trong 3 hệ thống phòng thủ tên lửa siêu hạng của Mỹ hiện nay, bao gồm: Tên lửa phóng từ mặt đất (PAC-3, THAAD…); tàu chiến Aegis và vũ khí Laser trên máy bay.

Hiện nay hệ thống Aegis đang được triển khai trên tuần dương hạm lớp Ticonderoga và khu trục hạm lớp Arleigh Burke của Mỹ và một số đồng minh như: Nhật Bản có khu trục hạm lớp Kongo, Agato; Hàn Quốc triển khai trên chiến hạm King Sejong the Great (Vua Sejong vĩ đại); Na Uy với Fridtjof Nansen và Tây Ban Nha là Alvaro de Bazan.

Tàu chiến Mỹ phóng thử tên lửa SM-3

Các tàu chiến sử dụng hệ thống Aegis đã nhiều lần thử nghiệm thành công trong lĩnh vực đánh chặn các tên lửa đạn đạo và bắn hạ vệ tinh có quỹ đạo bay thấp nên người Mỹ rất coi trọng phát triển loại vũ khí tác chiến cơ động này.

Để đánh chặn tên lửa hành trình và vệ tinh tầm thấp, các tàu Aegis được tích hợp radar AN/SPY-1D(V) hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó có thể phát hiện 300 mục tiêu và theo dõi 100 mục tiêu với tầm quét 320km. Cùng một lúc, radar này có thể giúp chiến hạm tấn công 18 mục tiêu khác nhau với độ chính xác cao.

Hiện nay, các tàu sử dụng hệ thống radar Aegis cải tiến được điều khiển bằng các hệ thống máy tính cực mạnh, có khả năng chống các xung kích của bom xung mạch điện từ. Hệ thống máy tính có những phần mềm chuyên dụng để phát hiện, bám sát, bắt chết mục tiêu và đồng thời sử dụng 2 loại tên lửa đánh chặn có tính năng tiệm cận nhau là SM-2 Block IV và SM-3 để đánh chặn.
Tên lửa SM-2 có tầm bắn ngắn hơn so với loại SM-3, chỉ bắn hạ được mục tiêu trong khoảng 200 km, nhưng tên lửa SM-3 lại chỉ phù hợp đánh chặn tên lửa đạn đạo, còn SM-2 vừa có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, vừa có khả năng bắn hạ cả máy bay, mà giá của tên lửa SM-2 Block IV lại chỉ bằng một nửa so với SM-3.
Khám phá “lá chắn thần siêu hạng” trên các chiến hạm Aegis ảnh 2
Tên lửa SM-2 và SM-3 được phóng lên từ hệ thống phóng Mk-41

Tên lửa đánh chặn RIM-161A,còn gọi là SM-3 được chế tạo dựa trên nguyên mẫu của loại SM-2 Block IV, có tầm bắn trên 500km, độ cao đánh chặn đạt tới 160km. Cả 2 loại tên lửa này đều được phóng bằng hệ thống phóng thẳng đứng Mk-41.

Quá trình đánh chặn của SM-3 chia làm 4 giai đoạn. 2 giai đoạn đầu, hệ thống động lực đẩy tên lửa bay vào tầng khí quyển, giai đoạn 3 nó điểm hỏa hai lần, đẩy tên lửa đánh chặn bay vượt lên trên tầng khí quyển trái đất. Trước khi mỗi động cơ của tên lửa điểm hỏa, nó thu nhận và đọc dữ liệu định vị của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) để hiệu chuẩn đường bay đến mục tiêu. Giai đoạn 4 là nhiệm vụ của đầu đạn đánh chặn động năng ngoài tầng khí quyển hạng nhẹ (LEAP), có trọng lượng chỉ 9kg. Đầu tiên, nó sử dụng bộ cảm biến hồng ngoại để gây nhiễu mục tiêu, sau đó mới bắn hạ.

Các hệ thống Aegis đặt trên tàu nổi, bao gồm các tuần dương hạm và khu trục hạm được lắp đặt các phần mềm chuyên dụng để phát hiện, bắt chết và đánh chặn mục tiêu. Mỗi tàu sẽ được trang bị 4 hoặc 6 quả tên lửa Standard Missile-3 (SM-3), có giá khoảng 10 triệu USD/quả, ngoài ra còn có các tên lửa SM-2.


Xem clip tàu khu trục JS Kirishima (DDG 174) của Nhật phóng tên lửa SM-3

Tính ra, mỗi tàu sẽ cần cả trăm triệu USD chi phí cho tên lửa, hệ thống radar, hệ thống phóng tên lửa, hệ thống định vị toàn cầu… (riêng tên lửa SM-3 ít nhất đã là 40 triệu USD) nhưng khoản đầu tư đó cũng xứng đáng với giá trị của nó vì trong quá trình thử nghiệm, hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis có hiệu suất đánh chặn tên lửa đạn đạo lên tới 80%.

Hiện nay, hải quân Mỹ có 82 chiếc, bao gồm cả tuần dương hạm và khu trục hạm được trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis, trong đó có 26 chiếc đã được nâng cấp mạnh vào cuối năm ngoái. Sang năm 2013, hải quân Mỹ sẽ tiếp tục nâng cấp những tàu còn lại.

Do hiệu quả tác chiến rất cao của nó, hiện quân đội Mỹ đã tiến hành nghiên cứu, chế tạo phiên bản hệ thống Aegis trên mặt đất.