Kết thúc vụ “sữa sạn thận” tại Tập đoàn Tam Lộc

(ANTĐ) - Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã bác đơn kháng án của 5 bị cáo trong vụ “sữa sạn thận”, giữ nguyên mức án mà tòa sơ thẩm đã tuyên trước đó. Theo đó, Trương Ngọc Quân và Trương Ngạn Chương, 2 kẻ sản xuất và tiêu thụ “bột protein melamine” đều phải nhận án tử hình và chung thân.

Kết thúc vụ “sữa sạn thận” tại Tập đoàn Tam Lộc

(ANTĐ) - Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc đã bác đơn kháng án của 5 bị cáo trong vụ “sữa sạn thận”, giữ nguyên mức án mà tòa sơ thẩm đã tuyên trước đó. Theo đó, Trương Ngọc Quân và Trương Ngạn Chương, 2 kẻ sản xuất và tiêu thụ “bột protein melamine” đều phải nhận án tử hình và chung thân.

Anh em họ Trương (Trương Ngọc Quân và Trương Ngạn Chương) đã sản xuất và tiêu thụ 600 tấn “bột protein melamine” với trị giá lên tới gần 1 triệu USD. Cảnh Kim Bình cũng phải nhận án tử hình vì đã bán “bột protein melamine” cho Tập đoàn Tam Lộc. 3 cựu lãnh đạo Tập đoàn Tam Lộc phải nhận mức án từ 5 đến 15 năm tù giam.

Trong số những người kháng án lần này có bà Điền Văn Hoa, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Tam Lộc - vẫn bị tòa tuyên phạt tù chung thân cùng khoản tiền bồi thường trị giá gần 25 triệu NDT (3,7 triệu USD). Tuy từng thừa nhận đã sản xuất và bán các sản phẩm sữa giả mạo hoặc kém chất lượng, gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng bà Điền Văn Hoa vẫn cho rằng, điều đó không đủ để khiến mình phải nhận mức án tù chung thân.

Mặc dù từng được coi là điển hình tiên tiến trong giới kinh doanh Trung Quốc, được phong tặng nhiều huân huy chương cùng bằng khen các loại và chế độ ưu đãi đặc biệt của Quốc vụ viện, nhưng bà Điền Văn Hoa vẫn phải chịu trách nhiệm chính đối với những tổn thất do Tập đoàn Tam Lộc và những người khác gây ra.

Quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm (26-3) diễn ra đúng thời điểm Tòa án quận Tân Hoa, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc nhận đơn đòi bồi thường đối với Tập đoàn Tam Lộc và cuộc bán đấu giá tiếp theo của hãng sữa này sẽ tiếp tục diễn ra vào ngày 7-4 tới.

Đây là lần đầu tiên tòa án nhận đơn kiện của đôi vợ chồng sinh sống ở Bắc Kinh, có con bị ốm vì uống phải “sữa sạn thận” chứa hóa chất công nghiệp melamine. Họ đòi bồi thường 31.000 NDT (khoảng 4.538 USD) cho dù Tập đoàn Tam Lộc đã bị phá sản từ ngày 24-12-2008. Theo thống kê, đã có ít nhất 6 trẻ em tử vong và khoảng 300.000 cháu khác phải nhập viện sau khi uống phải “sữa sạn thận”.

Những gia đình có con bị chết được bồi thường 200.000 NDT (khoảng 29.250 USD), còn những cháu bị nhiễm “sữa sạn thận” được bồi thường 30.000-50.000 NDT/người. Trước đó hơn 60 gia đình viết đơn kiện Tập đoàn sữa Tam Lộc và đòi bồi thường gần 2 triệu USD, nhưng tòa án tỉnh Hà Bắc cho rằng, các cơ quan chức năng của Chính phủ vẫn đang trong quá trình điều tra, nên chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng.

Đã có nhiều quan chức ở thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc và Trung ương bị kỷ luật (từ xử phạt hành chính, cảnh cáo, khai trừ đảng, giáng chức và cách chức) sau khi vụ “sữa sạn thận” được công bố. Mới đây nhất (hạ tuần tháng 3), lại có thêm 8 quan chức cấp cao bị cách chức và xử lý hành chính vì liên quan tới những bê bối của Tập đoàn Tam Lộc. Đây là lần xử lý lớn nhất đối với những cán bộ lãnh đạo cấp Bộ liên quan tới vụ “sữa sạn thận”.

Ngay sau khi xảy ra vụ “sữa sạn thận”, các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã ban hành nhiều chỉ thị, chính sách và Luật An toàn vệ sinh thực phẩm vừa được Quốc hội Trung Quốc thông qua sẽ chính thức đi vào cuộc sống từ ngày 1-6 tới. Theo đó, Trung Quốc sẽ có tới 5 phòng tuyến bảo đảm an toàn thực phẩm. Đó là thống nhất quản lý, đánh giá nguy cơ, thống nhất một tiêu chuẩn, xác định chất phụ gia và truy cứu trách nhiệm đến cùng.

Có một điểm đáng quan tâm, đó là Tập đoàn Tam Lộc từng có báo cáo vụ “sữa sạn thận” với cơ quan chức năng của thành phố Thạch Gia Trang từ 2-8-2008, nhưng lại đề nghị lãnh đạo địa phương “quản lý phương tiện truyền thông để tiện khắc phục hậu quả”. Nên nhớ, Tập đoàn Tam Lộc từng là hãng sản xuất sữa lớn nhất Trung Quốc, từng đăng thông cáo báo chí bảo đảm sản phẩm của mình trên mạng Sina và Nhân Dân nhật báo ngay trong ngày 11-9-2008, thời điểm bị cáo buộc “sữa sạn thận”.

Điều đáng nói là sau khi xảy ra vụ “sữa sạn thận” của Tập đoàn Tam Lộc vẫn có nhiều trẻ em mắc bệnh sỏi thận. Cơ quan y tế các cấp đang mở cuộc điều tra toàn diện về vấn đề này. Chính phủ Trung Quốc mới quyết định chi 850 tỷ NDT (khoảng 120 tỷ USD) để cải tổ hệ thống y tế toàn quốc. Bộ trưởng Y tế Trần Trúc từng nhấn mạnh, Chính phủ đặc biệt quan tâm tới vụ “sữa sạn thận” - là vụ vi phạm an toàn thực phẩm cấp độ cao nhất và nhiều lãnh đạo cũng như cán bộ liên quan của ngành y tế đã bị xử lý theo chức trách của họ.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo còn cho rằng, Chính phủ phải chịu trách nhiệm, đặc biệt là trong công tác kiểm tra cho dù vụ “sữa sạn thận” là vấn đề nội bộ của từng hãng sản xuất sữa. Dư luận cho rằng, Trung Quốc muốn kết thúc vụ án gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thương hiệu “made in China”.

Lê Cao Sơn

(Tổng hợp)