Kế hoạch 'biểu dương lực lượng' bằng oanh tạc cơ Tu-160 của Nga bị thay đổi ngoài ý muốn

ANTD.VN - Oanh tạc cơ Tu-160 được xem như "đại sứ sức mạnh quân sự" của Nga, bởi vậy trong thời gian qua Moskva rất tích cực đưa phương tiện này đi khắp thế giới để quảng bá.

Nga đã lên kế hoạch cho một chiến dịch truyền thông bài bản với oanh tạc cơ Tu-160 là yếu tố cốt lõi.

Thống kê từ trang Military Balance 2024 cho biết, Hàng không Chiến lược Nga hiện chỉ có 13 máy bay ném bom Tu-160 sẵn sàng chiến đấu, ngoài ra còn 3 chiếc Tu-160M ​​phiên bản nâng cấp nằm trong tình trạng "đang thử nghiệm".

Tuy vậy không phải chiếc Thiên nga trắng nào cũng sẵn sàng tung cánh lên bầu trời ngay lập tức, vì vậy đối với Điện Kremlin việc có thể đưa dù chỉ 2 chiếc Tu-160 lên không trung vào thời điểm hiện nay cũng là một sự kiện đáng chú ý.

Không quân Nga đã lên kế hoạch đưa 2 máy bay Tu-160 tới Nam Phi trong một chuyến thăm chính thức, dự kiến biên đội ​​​​sẽ hạ cánh xuống một trong các sân bay quân sự vào ngày 29/10 và trở về trong ngày 1/11.

Sự kiện tương tự từng được Hàng không Chiến lược Nga thực hiện, đó là chuyến hành trình dài và hạ cánh ở Nam Phi của oanh tạc cơ Tu-160 vào năm 2019, sau khi thực hiện chuyến thăm tới Venezuela.

Căn cứ không quân Waterkloof gần thành phố Pretoria - thủ đô Cộng hòa Nam Phi được xác định là nơi hạ cánh của máy bay ném bom Nga. Đi kèm 2 chiếc Tu-160, các máy bay Il-62 và An-124 cùng nhân sự và thiết bị hộ tống cũng sẽ đến.

Cuộc "biểu dương lực lượng" của Hàng không Chiến lược Nga theo kế hoạch sẽ diễn ra cùng thời điểm với chuyến thăm của phái đoàn cấp cao Bộ Quốc phòng Nam Phi tới Moskva.

Kế hoạch gửi Tu-160 đến Nam Phi theo nhận xét là dịp để Nga phô trương sức mạnh quân sự và củng cố các mục tiêu chiến lược của Moskva ở châu Phi, cũng như tăng cường quan hệ quốc phòng với Pretoria.

Đây cũng là một cơ hội để Nga thúc đẩy hoạt động xuất khẩu vũ khí bởi Tu-160, một trong những công nghệ quân sự tiên tiến nhất của Nga, thu hút được sự quan tâm từ nhiều quốc gia châu Phi đang tìm cách tăng cường tiềm lực quân sự.

Tu-160 có sải cánh rộng 55,7m, chiều dài 54,1 m và cao 13,1m. Được trang bị 4 động cơ NK-32, máy bay có thể đạt tốc độ tối đa 2.531 km/h, trọng lượng cất cánh tối đa 275 tấn, phạm vi hoạt động 12.300 km.

Oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 có thể mang theo 45 tấn bom và tên lửa bên trong 2 khoang vũ khí, 2 bệ phóng dạng trống quay có thể chứa 6 tên lửa hành trình Kh-55SM/101/102/555, hoặc 12 tên lửa tầm ngắn AS-16 Kickback mỗi bên.

Mặc dù đặt kỳ vọng rất cao nhưng chuyến thăm của Hàng không Chiến lược Nga tới Nam Phi đã bị hoãn, trong khi mốc thời gian mới vẫn chưa được nêu rõ, và bản thân Moskva cũng không đưa ra bình luận nào.

Theo giải thích từ giới truyền thông phương Tây, lý do chủ đạo khiến chuyến thăm của oanh tạc cơ Tu-160 bị hoãn là do quan điểm khác biệt của một trong số bên tham gia chính phủ liên minh cầm quyền tại Cộng hòa Nam Phi.

Sự xuất hiện của Tu-160 bị đánh giá là "vi phạm tính trung lập" của Nam Phi, đặc biệt khi lời mời được đưa ra dành cho Quân đội Nga mà không có động thái tương tự gửi tới Lực lượng vũ trang Ukraine, chính vì vậy mà Thiên nga trắng đành lỡ hẹn với Pretoria.