Huyền bí nghệ thuật Hương đạo

ANTĐ - Trong số các nghệ thuật nổi tiếng của Nhật Bản, Hương đạo không được người nước ngoài biết đến nhiều như Trà đạo, Hoa đạo. Và cũng ít ai biết được, hơn 500 năm qua Hương đạo đã thể hiện mối giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản từ thuở xa xưa.

“Nghe” mùi hương 

Một buổi hướng dẫn Hương đạo tại Trung tâm Văn hóa Nhật Bản

Hương đạo là nghệ thuật thưởng thức mùi trầm - một nghệ thuật độc đáo chỉ có ở Nhật Bản. Những chuyên gia Hương đạo cho rằng, nghệ thuật này mới được định hình từ thế kỷ XV. Tuy nhiên, cũng có nhiều cứ liệu cho thấy Hương đạo đã xuất hiện từ khoảng thế kỷ VI ngay từ khi Phật giáo từ Trung Quốc và Triều Tiên du nhập vào Nhật Bản. Dần dà, Hương đạo phát triển theo nghi lễ dâng hương mỗi dịp lễ tết ở Nhật Bản. Hương đạo giai đoạn thế kỷ XVII, XVIII bắt đầu thịnh hành nhiều kiểu thi thưởng thức trầm. Người ta tổ chức các buổi thi đấu xem ai có thể phân biệt từng loại trầm khác nhau. Từng loại trầm lại được gắn với nguồn gốc xuất xứ, diễn tả những nét văn hóa khác nhau. Chính vì thế nên Hương đạo cũng giúp phản ánh chiều sâu văn hóa của người thưởng thức và cũng giúp tạo thành mối giao lưu văn hóa, tìm tòi sáng tạo.

Trong Hương đạo, người thưởng thức không dùng từ ngửi mà thay vào đó là “nghe” hương. Văn hóa Hương đạo của người Nhật Bản quan niệm rằng, lúc thưởng thức, những vị thần linh ở trên cao sẽ mách bảo cho bạn biết về mùi hương đó. Bởi vậy, “nghe” hương chính là lắng nghe lời nói của ông trời chứ không phải là ngửi.

  

Có một điều đặc biệt, cho đến tận ngày nay, những người yêu thích Hương đạo vẫn coi Việt Nam là quê hương thứ 2 của họ. Bởi lẽ, hương liệu dùng trong Hương đạo mặc dù có thể lấy từ thực vật (hoa, trái cây, rễ cây, lá cây hay nhựa cây), động vật hay khoáng vật, nhưng từ trước tới nay loại hương liệu được yêu chuộng nhất vẫn là các thứ gỗ thơm. Quế và trầm là hai loại gỗ thơm được ưa chuộng nhất và có xuất xứ chủ yếu từ Việt Nam. Trầm, là do cây dó bầu bị sâu ăn, tiết ra nhựa, đông cứng lại rồi lâu năm biến thành. Gỗ mang bộng nhựa của cây dó có tỷ trọng lớn, thả vào nước sẽ “chìm”. “Trầm” chữ Hán có nghĩa là chìm và tên “trầm” bắt nguồn từ đó. Trầm ở các tỉnh ở miền Trung Việt Nam nổi tiếng khắp thế giới. Trầm “kỳ nam” (còn gọi là “già nam hương”) được xem là loại trầm tốt nhất. Trầm không có ở Nhật Bản và Trung Quốc mà chỉ có ở Đông Nam Á; trầm “kỳ nam” chỉ có ở  Việt Nam. 


Và con đường gốm sứ trên biển

Nghệ nhân Imaizumi Fusako giới thiệu về Hương đạo

Khi tìm hiểu về con đường gốm sứ trên biển Đông, nhiều người đã phát hiện ra mối liên hệ giao lưu giữa Nhật Bản và Việt Nam từ cách đây rất lâu. Nhưng không mấy ai chú ý việc Hương đạo chính là cầu nối quan trọng trong mối giao bang giữa hai nước. Đó là bởi, chỉ ở Việt Nam mới có loại trầm quý nhất, được người Nhật ưa dùng nhất trong Hương đạo - Trầm “kỳ nam”. Trong tiếng Nhật Bản gọi là “già la”- viết tắt chữ “đa già la” là phiên âm của tagara tiếng Phạn. Không phải ngẫu nhiên mà loại trầm đặc biệt này có gốc từ tiếng Phạn, bởi lẽ con đường giao thương trên biển thời bấy giờ cũng chính là con đường truyền bá Phật giáo từ Ấn Độ, và “già la”, hay trầm “kỳ nam”, đã đi theo con đường đó cùng với Phật giáo và cũng với tư cách là một sản phẩm độc đáo trong mối giao lưu kinh tế và văn hoá giữa Việt Nam và các nước khác.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản Ogura Sadao đã thực hiện một nghiên cứu về những mặt hàng mà Nhật Bản nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á (Việt Nam, Campuchia, Thái Lan…) trong thời kỳ giao thương bằng thuyền buôn có giấy phép châu ấn vào cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII. Kết quả cho thấy trầm chính là mặt hàng được ưa chuộng nhất. Theo nghiên cứu, lượng trầm Nhật Bản nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 70% tổng số lượng trầm Nhật Bản nhập khẩu vào thời Shuinsen, và cho đến năm 1987, lượng trầm Nhật Bản từ Việt Nam là 16 tấn, vẫn chiếm khoảng 50% tổng số lượng trầm Nhật Bản nhập khẩu (khoảng 32 tấn). 

Cho đến nay, trải qua hơn 500 năm lịch sử biến động, những nghi lễ của Hương đạo vẫn được giữ nguyên. Những người biết đến và yêu quý Hương đạo trên thế giới ngày một nhiều. Mới đây, 7 nghệ nhân Hương đạo Nhật Bản đã tới giao lưu và thuyết trình về Hương đạo tại Trung tâm Văn hóa Nhật Bản. Những người yêu văn hóa Nhật, yêu Hương đạo đã có thêm một sân chơi, một nơi để có thể tìm hiểu sâu thêm về môn nghệ thuật thưởng thức mùi hương này.