"Hùng thiêng Đất mẹ" - Câu chuyện cảm động về kỷ vật chiến tranh

ANTĐ -  “Lần đầu tiên ý tưởng tìm kiếm liệt sỹ qua kỷ vật bảo tàng được đưa vào trong khuôn khổ một chương trình an sinh xã hội lớn như chương trình 'Hùng thiêng đất Mẹ'. Chương trình chạm đến cảm xúc của người xem còn bởi hành trình trở về quá khứ với câu chuyện tấm đắp của người liệt sỹ”. Trong hơn 30 năm làm nghề, sưu tập được hàng nghìn kỉ vật chiến tranh, trực tiếp tham gia tìm kiếm chủ nhân của kỷ vật trong chương trình lần này, Thượng tá Trần Thanh Hằng – Nguyên cán bộ Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam xúc động khi nói về chương trình “Hùng thiêng Đất mẹ” được truyền hình trực tiếp trên VTV1 tối 18/7, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp tổ chức.

- PV: Thay vì chỉ hỗ trợ về vật chất, lần này, ngành ngân hàng đã có ý tưởng tìm liệt sỹ qua kỷ vật bảo tàng. Bà có nhận xét gì về ý tưởng này?

Thượng tá Trần Thanh Hằng: Đây là một ý tưởng mới, rất hay, có ý nghĩa xã hội và nhân văn rất lớn. Từ trước đến nay vẫn có những hoạt động tổ chức tìm kiếm thông tin và trao kỷ vật cho các thân nhân, gia đình liệt sĩ, nhưng đều do các cá nhân hoặc ban liên lạc tự phát làm.

Đây là lần đầu tiên, ý tưởng tìm kiếm liệt sỹ qua kỷ vật bảo tàng được đưa vào trong khuôn khổ một chương trình an sinh xã hội lớn như chương trình “Hùng thiêng đất Mẹ”.  Tôi tin hoạt động này sẽ tạo ra hiệu ứng mạnh, có sức lan toả cao trong toàn xã hội, góp phần động viên nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị cá nhân khác tham gia tích cực hơn nữa, tìm ra nhiều cách sáng tạo hơn nữa trong phong trào đền ơn đáp nghĩa, tri ân những anh hùng, liệt sĩ, những người có công với sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tá Trần Thanh Hằng gặp bà Hàn Thị Trang

- Là người gắn bó với công tác sưu tầm hiện vật trong quân đội, bà có thể chia sẻ cảm xúc hay điều gì làm bà ấn tượng nhất trong quá trình phối hợp cùng ban tổ chức đi tìm và xác minh chủ nhân của kỷ vật là chiếc tấm đắp ?

34 năm làm công tác sưu tầm hiện vật bảo tàng, tôi cũng đã có nhiều lần làm công việc tìm liệt sỹ qua kỷ vật bảo tàng. Ví dụ: Trong cuốn nhật ký của Liệt sỹ Nguyễn Văn Bào hy sinh tại Điện Biên Phủ năm 1954 có đoạn viết “Xin phép đồng chí Hồng Cư về nhà cưới vợ”. Từ dòng viết này, chúng tôi tìm gặp Trung tướng Hồng Cư thủ trưởng của đồng chí Bào. Trung tướng cho biết đồng chí Bào ở Trung đoàn 36 Đại đoàn 308, khi đó đơn vị làm nhiệm vụ chốt chặn quân Pháp ở Điện Biên Phủ, đồng chí Bào hy sinh tại xóm Mấn. Từ những thông tin đó, chúng tôi đã tìm được phần mộ của Liệt sỹ Bào.

Tuy nhiên, việc đi tìm và xác minh chủ nhân của chiếc tấm đắp của Liệt sĩ Thành lần này đối với tôi có nhiều cảm xúc rất đặc biệt.

Ngay từ giây phút đầu tiên, trong đầu tôi xuất hiện kỷ vật tấm chăn đắp mà Trung tướng Lư Giang tận tay trao cho bảo tàng. Một vị tướng chiến trường suốt mấy chục năm trời cất giữ bên mình kỷ vật của một người lính đã hy sinh, rồi cất công đi tìm cách để gửi lại cho thân nhân liệt sĩ - đó chẳng phải là một biểu hiện vô cùng ý nghĩa của tình đồng đội hôm nay, của tinh thần “tướng sĩ một lòng phụ tử; hoà nước sông chén rượu ngọt ngào” của người xưa đó sao.

Tôi là người tiếp nhận tấm chăn ấy, đã tận tay đo đạc, ghi chép những thông số của nó. Có thể, đối với ai đó, tấm chăn chỉ là một miếng vải cũ, thậm chí vô tri vô giác. Nhưng tôi biết, đối với thân nhân của liệt sĩ, đó sẽ là một báu vật, là hình ảnh thân thương, là hơi ấm còn lại của chồng, con, anh, em...mình.

Đã nhiều năm trong nghề, tôi cũng hiểu rằng, trong khi những người lính ra trận, hy sinh mất mát rất nhiều thì những người ở hậu phương cũng phải chịu đựng biết bao vất vả, gian truân. Những người mẹ mất con, những người vợ đã trở thành goá bụa, đã không bao giờ được gặp lại người con, người chồng yêu quý. Vì thế, việc tìm và trao lại cho họ, dù chỉ là những kỷ vật nhỏ nhoi cũng là việc nghĩa, là trách nhiệm của người đang sống đối với các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc. Đầu tiên là sự lo lắng: liệu mình có làm được không. Bởi thông tin quá ít, thời gian đã quá lâu rồi, những nhân chứng chính đã không còn. Liệt sĩ quê ở đâu, thân nhân ai còn, ai mất... Nguồn tư liệu không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn. Có lúc chúng tôi tưởng đã có kết quả đến nơi nhưng rồi lại tắc.

Dưới cái nắng lửa nhiệt độ lên tới 39-40 độ của Hà Nội những ngày qua, chúng tôi không hề quản ngại, đi tất cả các nơi, tìm hỏi tất cả những địa chỉ những người cần tìm để tìm hiểu thông tin.  Nhưng dù khó khăn, chúng tôi vẫn tin là mình như có cơ duyên trong việc này. Hình như anh linh của Trung tướng Lư Giang và Liệt sỹ Thành ban đầu thử thách sự kiên nhẫn của chúng tôi rồi lại mách bảo chúng tôi tìm được đến gia đình Liệt sỹ Thành. Thật khó lòng tả lại chúng tôi đã vỡ òa trong niềm vui thế nào lúc ấy. Nhưng tiếp đến lại là nỗi băn khoăn có phải Liệt sỹ Thành chủ nhân của tấm đắp kia không?

Chúng tôi làm phép thử bằng cách đem bức ảnh của Liệt sỹ Thành đến hỏi Đại tá Lê Anh Sáng, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 3 thời chiến tranh. Ông thốt lên: “Tôi khẳng định 95% đây là cậu Thành, y tá liên lạc của Sư trưởng Lư Giang”.

Lúc này thì chúng tôi đã tràn đầy hy vọng nhưng cũng vẫn hồi hộp khi  đến số 6 Yersin để gặp bà Hàn Thị Trang. Rồi điều kỳ diệu đã xảy ra. Bà nhìn bức ảnh và nhận ra ngay y tá Thành năm nào bà đã gặp. Bà ôm bức ảnh vào lòng, nước mắt rịn bên khóe mắt: “Các cháu làm cho bà một tấm ảnh nhỏ, bà đặt bên bức ảnh của ông để bà thờ”. Bà có nguyện vọng được đến nhà “cậu” Thành thắp hương và nói để Thành biết rằng, Sư trưởng Lư Giang đã phù hộ để cho các anh chị tìm được chủ nhân của tấm đắp mà Sư trưởng đã giữ bên người mấy chục năm trời.

Còn chúng tôi, nhìn cảnh tượng ấy cũng không cầm được nước mắt. Vì xúc động trước những hy sinh mất mát của thế hệ đi trước, vì cảm phục tình sâu nặng của những người đồng đội, đâu có kể là thủ trưởng và chiến sỹ...Và cũng xen chút vì tự hào mình đã làm tròn được ước nguyện của người đã khuất. Chắc hẳn rằng, tấm đắp sẽ làm vong linh của Trung tướng Lư Giang và Liệt sỹ Nguyễn Văn Thành sẽ thêm ấm lại ở nơi xa thẳm...

Giây phút bà Trang nhận ra liệt sỹ Thành

Khó khăn nhất trong quá trình tìm chủ nhân của kỷ vật này là gì, thưa bà? Và nếu tiếp tục tham gia các chương trình tri ân các hùng liệt sỹ, bà có tiếp tục ủng hộ ý tưởng tìm liệt sỹ qua kỷ vật bảo tàng như ban tổ chức chương trình "Hùng thiêng Đất mẹ" đã thực hiện để góp phần làm dịu những nỗi đau, sự mất mát của các gia đình liệt sỹ?

Tất nhiên là có nhiều khó khăn rồi. Chúng tôi chỉ có trong tay 3 thông tin ngắn ngủi: tên liệt sĩ (không có họ); chức vụ y tá và quê (chỉ có tỉnh, không có huyện , xã).

Chiến tranh đã lùi xa. Những người từng trải qua hai cuộc chiến số thì qua đời, số còn lại phần lớn già yếu, bị di chứng của chiến tranh nên không còn minh mẫn. Bom đạn ngập trời, hàng triệu cán bộ, chiến sỹ nằm lại nơi chiến trường, đến những người ghi chép về thông tin liệt sỹ cũng hy sinh. Bộ đội hy sinh bằng hàng trăm cách khác nhau: Chiến đấu hy sinh. Đi công tác hy sinh. Đi lấy gạo hy sinh. Mưa lũ, núi lở cũng hy sinh. Sốt rét hy sinh… Chiến đấu trực tiếp với địch hy sinh một phần, hy sinh ngoài chiến đấu có khi đến hai ba phần. Không phải tất cả  những người lính trong số đó có dược phần mộ

Các thông tin về liệt sỹ ghi chép trong chiến tranh không thể đầy đủ, thậm chí mẫu thuẫn nhau. Khi tra cứu danh sách liệt sỹ ở Cục Chính sách Tổng cục Chính trị, riêng của Sư đoàn 3, chúng tôi tìm thấy 17 trường hợp có tên Thành. Chúng tôi phải phân tích các trường hợp hy sinh, những liệt sỹ có tên Thành hy sinh trước năm 1968 và sau 1970, khi đồng chí Lư Giang chưa về Sư đoàn 3 và đã đi khỏi Sư đoàn 3 sẽ không nằm trong danh sách đi tìm.
Cuối cùng tìm được hai đồng chí Thành một người quê xã An Thịnh,  một người  xã Yên Thịnh cùng huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh. Chúng tôi tìm gặp đồng chí Quê của Ban Chính sách của Sư đoàn 3 hỏi thông tin về 2 liệt sỹ tên Thành nhưng rất tiếc cả hai Nguyễn Văn Thành đều không có trong danh sách liệt sỹ của Sư đoàn 3.
Tiếp theo đó, chúng tôi tìm gặp Đại tá Nguyễn Đình Thác, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh nhờ tìm giúp. Anh thông báo với chúng tôi, trong danh sách liệt sỹ của Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Ninh hiện không có  tên Liệt sỹ Thành của Sư đoàn 3. Mọi hy vọng lại tan biến. Chúng tôi tìm gặp mặt 600 cựu chiến binh Sư đoàn 3 tổ chức tại Học viện Quốc phòng để tìm thông tin. Chúng tôi mò mẫm đến từng nhà, gọi điện thoại đi mọi nơi nhưng chỉ nhận được thông tin chờ sẽ đi hỏi  giúp. 

Hơn một tháng đi tìm nhân chứng trong cái nắng 39, 40 độ, chúng tôi tưởng chừng đã hoàn toàn thất vọng. Nhưng cuối cùng khó khăn mấy, chúng tôi cũng đã tìm được  Liệt sỹ Thành, chủ nhân của tấm đắp.

Bây giờ tôi đã nghỉ hưu, thời gian có nhiều hơn, với những kinh nghiệm tích lũy trong 34 năm làm công tác bảo tàng trong quân đội, tôi rất hoan nghênh và ủng hộ những ý tưởng như thế, góp phần làm dịu những nỗi đau, sự mất mát của các gia đình liệt sỹ. Tôi mong muốn tới đây, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam cùng các Bộ, ngành và các cơ quan truyền thông tiếp tục phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh, tri ân các anh hùng liệt sỹ, mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh, những người có công với cách mạng, đặc biệt có thể qua các chương trình này có thể tìm được hài cốt các liệt sỹ đã hy sinh.

- Theo bà, đâu là điểm nhấn để làm nên sức nặng hay chiều sâu của chương trình Hùng thiêng Đất mẹ?

Theo tôi, điểm nhấn của chương trình là hành trình trở về quá khứ với câu chuyện tấm đắp của Liệt sỹ Thành mà Trung tướng Lư Giang bao năm cất công tìm kiếm đã được thực hiện theo di nguyện của ông. Cũng qua đây thấy được trách nhiệm của người đang sống đối với các anh hùng liệt sỹ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với đất nước và cả những người thân của họ đang gặp khó khăn.