Hội nghị Thượng đỉnh BRICS 2024 tạo bước ngoặt trong địa chính trị toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (BRICS) 2024 tại Kazan, Nga, đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử địa chính trị toàn cầu với mục tiêu hướng tới một thế giới đa cực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự buổi hòa nhạc bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan (Nga) ngày 22-10

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự buổi hòa nhạc bên lề Hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan (Nga) ngày 22-10

Tầm nhìn mới về chủ nghĩa đa phương

Chiều 22-10, Tổng thống nước chủ nhà Liên bang Nga Vladimir Putin đã khai mạc Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (BRICS) lần thứ 16 tại thành phố Kazan, thủ phủ Cộng hòa Tatarstan thuộc Liên bang Nga. Hội nghị năm nay có sự tham gia của khoảng 20.000 đại biểu đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 22 nguyên thủ quốc gia, cùng lãnh đạo của 6 tổ chức quốc tế, trong đó có Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres. Đây cũng là hội nghị đầu tiên của BRICS theo định dạng mở rộng gồm 9 nước, ngoài các thành viên sáng lập là Brazil, Liên bang Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, còn có thêm các nước mới gia nhập BRICS là Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE).

BRICS ngày nay không còn chỉ là một liên minh kinh tế mà đang khẳng định mình là một giải pháp thay thế khả thi cho trật tự thế giới do các nước phương Tây xây dựng. Bằng cách hình thành các liên minh chiến lược, BRICS với tiềm lực hơn 45% dân số thế giới, 35% kinh tế toàn cầu và sở hữu thị trường khổng lồ với hơn 3 tỷ người không chỉ tìm cách tăng cường ảnh hưởng của mình mà còn cung cấp một nền tảng thay thế cho các nước đang phát triển, những nước thường cảm thấy bị gạt ra ngoài lề trong các tổ chức Bretton Woods truyền thống như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hoặc Ngân hàng Thế giới (WB).

Trong bối cảnh đó, Hội nghị thượng đỉnh Kazan là cơ hội chưa từng có để BRICS vẽ nên bản đồ hợp tác quốc tế mới. Hội nghị có thể đưa ra một tầm nhìn mới về chủ nghĩa đa phương, bao trùm hơn và phù hợp hơn với thực tế hiện tại. Mô hình này có thể tạo ra sự tương hỗ giữa các quốc gia ở Nam bán cầu, đề xuất một giải pháp thay thế cho sự cứng nhắc của khuôn khổ phương Tây hiện tại. Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng có thể mở ra một cơ hội cho các nước Nam bán cầu, những nước muốn lên tiếng trên trường quốc tế nhưng hiện gần như không có tiếng nói trong các quyết định mang tính toàn cầu.

Hướng tới mục tiêu trên, Hội nghị thượng đỉnh Kazan bao gồm 2 phần, phần thứ nhất sẽ diễn ra với khẩu hiệu: “Tăng cường quan hệ đa phương vì lợi ích phát triển công bằng và an ninh toàn cầu”, phần thứ hai tập trung vào chủ đề “BRICS và Nam bán cầu: Cùng nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”. Trước hết, các thành viên BRICS là những nước lớn như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Brazil và các nước khác sẽ tìm cách tăng cường hợp tác để đối phó với một thế giới đang bị chia rẽ và thay đổi nhanh chóng do các cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra ở Ukraine và Trung Đông.

Tiếp đó, các nhà lãnh đạo BRICS tập trung thảo luận việc tạo ra một hệ thống tài chính và chính trị mới với đặc trưng công bằng, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, ủng hộ các nguyên tắc đa phương và tăng cường vai trò của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu. Dư luận hy vọng Hội nghị sẽ có thể định hình những nguyên tắc cơ bản mới phát triển thế giới, thông qua các hình thức hợp tác mới để các nước Nam bán cầu có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm và nguồn lực của BRICS phục vụ cho nhu cầu phát triển của họ. BRICS cũng xem xét cơ chế về “các nước đối tác” để qua đó thiết lập mô hình hợp tác, hội nhập, giúp cho BRICS ngày càng có ảnh hưởng cũng như đem lại nhiều lợi ích hơn cho các nước tham dự.

Nỗ lực chống lại sự độc quyền của đồng USD

Một trong những vấn đề mà dư luận đặc biệt quan tâm với Hội nghị Kazan lần này là việc tăng cường vai trò của BRICS trong hệ thống tài chính - tiền tệ quốc tế, phát triển hợp tác liên ngân hàng và mở rộng việc sử dụng các đồng nội tệ trong thương mại song phương. Kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ thống trị. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều quốc gia không còn chấp nhận thực tế này.

Việc phương Tây tìm cách thúc đẩy quá trình sử dụng lợi tức từ số tài sản của Nga bị đóng băng cũng có thể là nguyên nhân khiến các nước không còn tin tưởng vào hệ thống tài chính của phương Tây như một nơi lưu giữ tài sản tin cậy. Báo chí mô tả rằng phương Tây về bản chất là chủ nghĩa tư bản, và hành động tịch thu tài sản của các nhà tư bản khác chẳng khác nào việc họ vi phạm nguyên tắc bảo vệ tư bản. Việc các Ngân hàng Trung ương tìm cách đa dạng hóa việc dự trữ bằng cách chuyển sang nắm giữ vàng là bằng chứng rõ nhất cho thấy sự lo ngại trước sự thống trị của phương Tây trong hệ thống tài chính toàn cầu.

Giải thích về các nỗ lực độc lập tài chính của BRICS, phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS 2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Chúng ta không đánh đổi các nguyên tắc, khuất phục trước áp lực bên ngoài hoặc hành động như chư hầu của quốc gia khác. Các quy tắc quốc tế phải được tất cả các quốc gia cùng nhau viết ra, duy trì dựa trên các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương LHQ, thay vì bị chi phối bởi những quốc gia có sức mạnh và tiếng nói nhất”.

Chính vì thế, tại hội nghị lần này, các thành viên BRICS sẽ thảo luận về sự chuyển đổi của hệ thống tài chính quốc tế, phát triển hợp tác liên ngân hàng và mở rộng thanh toán lẫn nhau bằng đồng nội tệ. Theo đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin có kế hoạch đề xuất thành lập một hệ thống thanh toán và tài chính toàn cầu thay thế mới, nhằm củng cố vị thế của khối và bảo vệ các quốc gia trước các lệnh trừng phạt. Ông Putin cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền chung BRICS để định giá các giao dịch, dựa trên kim loại vàng và các loại tiền tệ phi USD khác. Một hệ thống thanh toán như vậy, khi hình thành sẽ cho phép giao dịch rẻ hơn và nhanh hơn, thu hút các nền kinh tế đang phát triển cũng như thúc đẩy dòng thương mại và đầu tư.

Mặc dù vấn đề thống nhất một loại tiền tệ duy nhất cho BRICS vẫn chưa có quyết định cuối cùng nhưng các thành viên trong khối đang nỗ lực tăng cường quyền tự chủ và chủ quyền tài chính của mình. Trong cuộc chiến chống lại sự độc quyền của phương Tây, BRICS đang hướng tới mục tiêu làm suy yếu sự thống trị của đồng USD trong các giao dịch tài chính quốc tế. Nhóm cũng đang phát triển các cơ chế thanh toán có khả năng chống lại rủi ro bên ngoài, bảo đảm hoạt động bình thường và phát triển thương mại giữa các nước BRICS.

Tuy nhiên, đây là điều không dễ dàng bởi cho đến nay, khoảng 58% dự trữ ngoại hối thế giới vẫn được giữ bằng USD. Dù rất cố gắng nhưng Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của BRICS cũng chỉ đủ sức cho vay bằng đồng nội tệ vào khoảng 30% vào năm 2026, còn lại vẫn phải phụ thuộc vào đồng USD. Thêm vào đó, Mỹ vẫn có thể gây sức ép với các thành viên quan trọng của BRICS như Brazil, Ấn Độ, Ả rập Xê út hay thậm chí là cả Trung Quốc. Việc Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của BRICS phải đình chỉ các dự án ở Nga là bằng chứng cho thấy BRICS cần phải phát triển hơn nữa để giảm thiểu tình trạng dễ bị tổn thương trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.