Hệ thống phòng không Abakan của Nga mất hợp đồng đầu tiên vì THAAD

ANTD.VN - Hệ thống phòng không Abakan của Nga chưa thể có hợp đồng xuất khẩu đầu tiên khi nó đã bị THAAD của Mỹ "đánh bại".

Vào tháng 9/2021, có thông tin cho rằng đại diện của Saudi Arabia và Liên bang Nga đang đàm phán về khả năng cung cấp hệ thống phòng không 98Р6E Abakan cho nhiệm vụ chống tên lửa đạn đạo.

Như chính người Nga thừa nhận, 98P6E Abakan thực chất là phiên bản xuất khẩu "cắt giảm tính năng" dựa trên tổ hợp S-300V4 - được thiết kế để bắn hạ tên lửa đạn đạo chiến thuật ở cự ly tới 45 km và ở độ cao 25 km.

Saudi Arabia quan tâm đến Abakan vì họ đang tìm kiếm một giải pháp thay thế khả thi cho hệ thống phòng không Patriot của Mỹ trong nhiệm vụ chống lại tên lửa đạn đạo của Iran, được nhóm vũ trang Houthis ở Yemen phóng đi một cách thường xuyên.

Vào năm 2021, Houthi đã thực hiện khoảng 400 cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo Zolfagar và nhiều loại máy bay không người lái cảm tử. Hệ thống Patriot của Saudi Arabia trong trường hợp "vắt kiệt" hiệu suất cũng chỉ chặn được 50% mục tiêu.

Ở Riyadh, họ cho rằng không nên tăng hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa bằng cách bổ sung một vài hệ thống đắt tiền, mà nên rải đều "chiếc ô" thông qua những tổ hợp rẻ hơn. Đó là lý do tại sao người Nga vội vàng "chộp lấy" một cơ hội như vậy.

Nhưng toàn bộ hoạt động kinh doanh mà phía Nga đặt kỳ vọng rất lớn đã bị "làm hỏng" vào tháng 11/2021 bởi Mỹ, khi Washington chấp thuận bán hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tối tân cho Saudi Arabia.

THAAD tốt hơn rất nhiều so với Abakan, khiến giá thành cao của nó lại không được quan tâm nữa. Do vậy Riyadh không còn tiếp tục đàm phán với Liên bang Nga nhằm mua phiên bản xuất khẩu "cắt ngắn" của S-300V4.

Cần nhắc lại, Mỹ và Saudi Arabia đã đi tới việc ký kết hợp đồng cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD với tổng chi phí 15 tỷ USD vào năm 2017, số lượng khẩu đội không được tiết lộ.

Nhưng sau đó Nhà Trắng quyết định "đóng băng" thỏa thuận này sau vụ việc xảy ra với nhà báo đối lập Jamal Khashoggi vào năm 2018, Washington cáo buộc có sự tham gia của các đại diện cấp cao từ Saudi Arabia.

Tuy nhiên như chúng ta có thể nhìn thấy, sau một thời gian, mối quan hệ giữa hai bên đã "tan băng" và các hợp đồng vũ khí ký kết trước đó lại tiếp tục được thực hiện.

Ví dụ kể từ tháng 8/2022, Công binh Lục quân Mỹ đã bắt đầu công việc xây dựng các địa điểm cho THAAD ở Saudi Arabia. Việc triển khai đầy đủ hệ thống phòng thủ tên lửa sẽ hoàn thành vào năm 2027 - 2028.

Trong bối cảnh như vậy, không có gì ngạc nhiên khi người Nga muốn quên đi việc họ đã đánh mất một cơ hội quan trọng cho ngành công nghiệp quân sự của mình như thế nào.

Việc mới đây khinh hạm Đô đốc Gorshkov và tàu chở dầu Kama của Hải quân Nga vào cảng Jeddah của Saudi Arabia để bổ sung lương thực và nhiên liệu - sự kiện được Moskva gọi là mang tính bước ngoặt có lẽ cũng không mang tới nhiều tác động.

Rất khó để Saudi Arabia mua vũ khí Nga trong giai đoạn hiện nay khi Moskva hứng chịu những lệnh cấm vận nặng nề và còn bị ngắt khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc tế (SWIFT).