Đường hầm xuất hiện ở Moscow gần như kể từ khi thành lập thành phố, tức là từ thế kỷ XII. Trong những căn hầm đó, người dân thủ đô Nga giấu tài sản của mình, sơ tán phụ nữ và trẻ em trong cuộc bao vây của kẻ thù. Đến nửa sau thế kỷ XVI, khi Nga hoàng Ivan cai trị đất nước, mạng lưới mê cung dưới lòng đất tràn ngập thủ đô Nga theo đúng nghĩa đen của nó.
Nhiều người khẳng định rằng trong một hầm ngầm ngay dưới các bức tường của điện Kremlin Moscow có ẩn giấu thư viện nổi tiếng của Nga Hoàng Ivan - bộ sưu tập bản thảo độc nhất vô nhị ở châu Âu. Người ta đã cố gắng tìm kiếm thư viện này trong nhiều thế kỷ, nhưng mạng lưới “mê cung” đường hầm ngầm này vẫn cất giữ kín những bí mật trong lòng mình.
Việc xây dựng các công trình ngầm quy mô từng được bắt đầu từ thời Liên Xô. Metro Moscow, hệ thống cống ngầm và tiện ích ngầm khác chỉ là phần nổi của “tảng băng trôi.” Tại thủ đô Moscow, dưới thời Liên Xô xuất hiện hàng chục bunker bí mật của chính phủ và quân đội kết nối bằng các đường sắt ngầm. Hệ thống ngầm trong lòng thủ đô là một trong những đối tượng được bảo vệ cẩn mật nhất trong cả nước.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, các nhà báo đang say tự do vội vàng lao vào khám phá những bí mật và thường sáng tác ra những câu chuyện đáng kinh ngạc nhất. Ví dụ, họ viết rằng có “một mạng lưới đường hầm bí mật" chạy song song với tuyến đường tàu điện ngầm Matxcơva để sơ tán giới thượng lưu chính trị và các vị chỉ huy quân sự của Liên bang Xô Viết trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Một số người thậm chí còn “tưởng tượng” rằng, dưới lòng đất có hẳn một thành phố rất lớn với các khu nhà ở, nhà kho, thực phẩm và thậm chí cả rạp chiếu phim, được bảo đảm tất cả các nhu yếu phẩm cần thiết trong… nhiều thập kỷ, nơi mà nếu bị tấn công nguyên tử có thể thành chốn nương thân cho 15.000 nhân vật “tinh hoa” của Liên Xô.
Ngày nay, những câu chuyện do báo chí thổi phồng đã lắng xuống, nhưng những câu hỏi trên vẫn chưa có lời đáp. Liệu có thực sự tồn tại một thành phố dưới lòng đất và hệ thống tàu điện ngầm bí mật dành cho các nhân vật đầu não hay không? Theo nguồn tin chính thức, tất cả những câu chuyện về "thành phố ngầm" mà người ta đồn thổi đều là chuyện hoang đường.
Các chuyên gia có thẩm quyền trong việc xây dựng và sử dụng công trình ngầm khẳng định không hề có "thành phố ngầm" nào dưới lòng đất Matxcơva. Chỉ có những hầm ngầm nằm ở trung tâm thủ đô, được xây dựng trong những năm 1930, một số khác được xây trong những năm 1950, đến nay vẫn duy trì trạng thái hoạt động. Đồng thời, du khách có thể tham quan một số cơ sở như vậy.
Một trong những cấu trúc đó là hầm trú ẩn của Bộ Tham mưu Hồng quân gồm nhiều tầng sâu dưới lòng đất. Mỗi hầm có chiều dài 180m, chiều rộng 15m. Hiện nay vẫn bảo tồn văn phòng làm việc ngầm của Joseph Stalin dưới sân vận động ở khu Izmailovo phía đông Moscow. Các phòng rộng rãi được triển khai ở độ sâu 37m có thể chứa đến 600 người. Ở đây bạn có thể được tham quan văn phòng của Stalin, đồ dùng cá nhân của ông, trên tường treo các bức áp-phích thời chiến tranh thế giới thứ hai.
Ngoài ra còn có “Bảo tàng Chiến tranh lạnh”, hay còn được gọi là "Bunker Taganka". Hầm chống hạt nhân "Tagan" được xây dựng vào những năm 50, có diện tích rất lớn (khoảng 7000 m2), nằm dưới độ sâu 60m ở trung tâm thành phố và kết nối với ga tàu điện ngầm "Taganskaya". Tại bảo tàng này, bạn được giới thiệu về lịch sử cuộc đối đầu hạt nhân và có thể biết các nhân viên sống và làm việc ở đây như thế nào, hầm ngầm được bảo vệ ra sao nếu bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc xem các bộ phim về cuộc chạy đua vũ trang.
Đến thăm “Bảo tàng Chiến tranh lạnh”, khách tham quan có thể cảm nhận rõ hơn, nhân loại đã đến gần nguy cơ chiến tranh thế giới thứ ba (chiến tranh hạt nhân) như thế nào trong những năm 1960. Du khách có cơ hội để chụp hình với bộ quần áo chống vũ khí hóa học và đồng phục của các chiến sỹ liên lạc. Và cuối chuyến tham quan, các nhân viên bảo tàng sẽ thực hiện hiệu ứng đặc biệt mô phỏng tiếng nổ của bom hạt nhân.
Các chuyên gia chính thức phủ nhận sự tồn tại của đường tàu điện ngầm dành cho VIP. Tuy nhiên, những người nghiên cứu đường ngầm Moscow lại có một cái nhìn khác. Họ khẳng định là có tồn tại các cơ sở bí mật được bảo vệ rất cẩn mật nằm ở trong lòng đất Moscow, một số công trình được trong xây dựng thời Liên Xô, một số khác chỉ mới xây trong thời kỳ hậu Xô Viết, tất cả các cơ sở vật chất vẫn đang vận hành và sẵn sàng để bảo vệ "các vị khách quý" trong trường hợp khẩn cấp.
Ý kiến của các chuyên gia này không phải không có cơ sở, hệ thống công trình ngầm dành cho các quan chức lãnh đạo chóp bu đất nước ở Moscow không phải là duy nhất, có những cấu trúc tương tự với mức độ bí mật khác nhau tồn tại ở các nước, từ Triều Tiên cho đến Hoa Kỳ. Gần đây, người ta cũng bắt đầu đưa tin về hệ thống công trình ngầm dưới lòng đất ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc.