Hành trình theo dấu vua ban đưa sắc phong trở về (4): Nỗi gian truân không biết tỏ cùng ai!

ANTD.VN - Tiếp theo kỳ trước của loạt bài viết này, về câu chuyện của nhà sưu tầm Bùi Văn Quang (Nam Định) trao tặng hai đạo sắc phong thời Nguyễn cho di tích Quán Vật (thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội); về câu hỏi của chúng tôi với ông Quang “với nỗi niềm khi làm được một việc ý nghĩa” khi tìm mua, thuê người dịch, tìm đến địa danh trên sắc, liên hệ với địa phương, trao tặng và nhận lại cái lắc đầu khẳng định: “Tôi thấy thật nặng nề và mệt mỏi” của ông! Tại sao vậy (?!)...

Theo nhà sưu tầm Bùi Văn Quang, hành trình ấy mất tròn 3 năm! Hơn 1.000 ngày liên lạc qua lại giữa người cung tiến và địa phương, cụ thể ở đây là thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ thì hai đạo sắc của vua Duy Tân ban cho Quán Vật mới “trở về… được” đúng nơi vốn dĩ nó thuộc về!

Nhóm Nhân sĩ Hà Đông trong lần trao tặng lại đạo sắc phong bị mất cho huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (Ảnh: FB Nguyễn Quang Thiều)

Nhóm Nhân sĩ Hà Đông trong lần trao tặng lại đạo sắc phong bị mất cho huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam (Ảnh: FB Nguyễn Quang Thiều)

Cung tiến sắc phong: Lập công hay có tội (?!)

Lễ cung tiến hai đạo sắc cho di tích Quán Vật diễn ra ngày 25-7-2023 (tức là trước đúng một ngày giỗ đức Thánh của Quán Vật). Nghĩa là, trước đó 3 năm (năm 2020), sau khi sưu tầm được hai đạo sắc phong, ông Quang đã đăng tải thông tin lên mạng xã hội cá nhân về nội dung đạo sắc cùng thành ý trao tặng lại cho nhân dân và chính quyền địa phương theo đúng địa danh ghi trên sắc. Bản thân “chủ nhân” của hai đạo sắc nhiều lần liên lạc, thậm chí còn có lần ông Bùi Văn Quang một mình đi xe máy từ tỉnh Nam Định lên tới huyện Chương Mỹ (Hà Nội), vào tận di tích, gặp gỡ người dân địa phương, hỏi han xem có di tích còn tồn tại hay không, hay do những biến thiên của lịch sử di tích mất rồi.

Cụ Nguyễn Hữu An - một trong những thủ từ ở di tích Quán Vật luận giải rằng, ngót nghét 3 năm mới đón rước được sắc phong trở về, để có ngày vui như hôm nay là vì nhiều nhẽ. Thứ nhất, là do chưa hiểu, thứ hai là do chính quyền và người dân còn chưa thống nhất được. Cũng may là con trai cụ An (anh Nguyễn Hữu Dương, vốn tốt nghiệp đại học chuyên ngành Hán Nôm chính quy, hiện đang công tác tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn) lại có tình yêu đặc biệt đối với di sản cha ông nên anh Dương đã đóng vai trò “giao liên”, đả thông tư tưởng người nhận, động viên tinh thần người trao. Thành ra câu chuyện mới kéo dài 3 năm, lộ trình để “Bản sắc phong Tự Đức năm thứ 7 (1853) ban cho Trấn Duy Đôn Tĩnh Hùng Tuấn trác vĩ Thượng đẳng thần” và “Bản sắc phong Duy Tân năm thứ 3 (1909) ban cho Ngũ vị Đại vương” trở về tuy dài nhưng tâm niệm người trao lẫn người nhận cũng đã hoàn thành. Để rồi hôm nay đây, giữa không gian Quán Vật linh thiêng, tất cả đều hoan hỉ!

Nhà sưu tầm Bùi Văn Quang tâm sự, thường ở những nơi ông đề đạt nguyện vọng muốn cung tiến sắc phong, nếu đúng là đạo sắc của làng mình thật thì rất nhanh chóng, chính quyền và người dân trong làng cắt cử người đến nhận luôn vì nỗi sợ “đêm dài lắm mộng” hay “nhỡ đâu được giá ông ấy đổi ý, lại bán cho chỗ khác rồi thì mất toi”. Nhưng cũng có không ít địa phương, chính quyền thận trọng như di tích Quán Vật. Một ví dụ nữa, năm 2013, tại đền Bảo Lộc, xã Bảo Lộc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nhà sưu tầm Bùi Văn Quang chính là người cung tiến bức sắc phong cổ, quý hiếm được vua Thiệu Trị triều Nguyễn ban cho Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn năm 1845. Để hoàn thành việc cung tiến này, ông Bùi Văn Quang cũng đã phải trải qua một quá trình dài tới 3 năm với 3 đời thủ nhang.

Hộp đựng sắc phong cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX được tìm thấy tại Huế (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử TP.HCM)

Hộp đựng sắc phong cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX được tìm thấy tại Huế (Nguồn: Bảo tàng Lịch sử TP.HCM)

Và trên hành trình đưa được sắc phong trở về đúng nơi nó vốn thuộc về, cá nhân ông Quang đã phải phối hợp cùng nhiều nhà nghiên cứu và một số cán bộ Phòng Nghiên cứu - Sưu tầm thuộc Bảo tàng tỉnh Nam Định, dịch nghĩa, nghiên cứu, xác định chính xác niên đại, hồ sơ như một công trình khoa học để căn cứ vào đó Bảo tàng Nam Định khẳng định: hình thức, kích thước, hoa văn trang trí, bố cục, thư pháp... của sắc phong được trao tặng hoàn toàn phù hợp với những quy chuẩn của sắc phong triều Nguyễn nói chung và sắc phong thời Thiệu Trị nói riêng. Về nội dung, đây là sắc phong cho Hưng Đạo Thượng đẳng thần và sắc phong thực sự có nguồn gốc từ đền An Lạc (nay là đền Bảo Lộc) bị thất lạc trong quá trình di chuyển và xây dựng lại ngôi đền vào năm 1928-1929. Sắc phong này trước đó được nhà sưu tầm Bùi Văn Quang mua lại từ một nhà sưu tập ở TP.HCM.

Ông Quang trầm ngâm kể tiếp, bây giờ ông có trở về đền Bảo Lộc để xin một lá ấn vào đêm khai ấn linh thiêng thì những người ở đây hầu hết không biết ông là ai! Nếu như ông muốn nhận được một lá ấn được đóng trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới thì vẫn cứ phải “lao mình” vào đám đông, chen - lấn - xô - đẩy, may ra… mới có.

Trong suốt hành trình đi cung tiến sắc phong, bản thân ông Quang cũng đã gặp vô số những chuyện buồn - vui lẫn lộn mà nói theo chữ của ông là “kể cả ngày không hết”. Có địa phương 3 làng cạnh nhau, có 3 ngôi đình nhưng chỉ có duy nhất 1 sắc phong. Hàng năm vẫn cứ rước hộp sắc từ làng nọ sang làng kia rồi luân phiên mỗi đình giữ sắc phong 2 năm. Đùng một cái, bỗng dưng không thấy sắc phong đâu nữa, làng nọ nghi kị làng kia tham lam, muốn giữ luôn không trả. Mâu thuẫn nội bộ trầm trọng cũng từ đó mà ra. Thế rồi, bản sắc bị thất lạc đó được ông Quang tình cờ mua lại được, dịch xong, mang trao tặng lại cho địa phương. Thế là cả 3 làng thở phào, hóa ra trước đây toàn nghĩ oan cho nhau, mâu thuẫn làng xóm cũng từ đó mà hóa giải. Bây giờ, 3 làng lại khôi phục tục lệ cũ. Mỗi làng giữ sắc 2 năm, nhưng giữ thật cẩn thận và lúc bàn giao thì có người chứng kiến, ký tá sổ sách hẳn hoi.

Mới đây, nhà sưu tầm Bùi Văn Quang tiếp tục đặt vấn đề cung tiến hai đạo sắc phong cho một tỉnh phía Bắc. Rút kinh nghiệm, lần này ông Quang gọi điện tới thẳng số điện thoại của Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch tỉnh. Giám đốc Sở giao cho Giám đốc Bảo tàng tỉnh cùng nghiên cứu, xác định giá trị xong rồi mới nhận. Nghiên cứu tới lui một hồi thì phía bên kia bảo chỉ có một sắc của vua Duy Tân là chuẩn, sắc còn lại thời vua Khải Định nghi là “có vấn đề” vì chữ “Tuấn” trên sắc bị thay bằng chữ khác cùng với triện bị nhòe. Sự việc được đưa ra bàn thảo trong nhóm những nhà nghiên cứu lịch sử. Tất thảy đều khẳng định rằng vua Khải Định tên thật là Nguyễn Phúc Tuấn, cho nên “kỵ húy” mới viết chệch chữ Tuấn thành chữ khác. Còn ấn triện nhòe thì ai cũng biết, năm Khải Định 9 ban tứ tuần đại khánh. Sắc năm đó có thếp vàng, khi triện đóng lên vàng thì mực son không ăn vào giấy như bình thường. Có đóng cả nghìn bức cũng nhòe tất cả… Sau khi tranh luận về các chi tiết lịch sử như vậy, vị lãnh đạo bảo tàng vẫn tiếp tục quở trách “đây là tôi giúp anh cơ mà…”, chứ họ cũng không nghĩ rằng, mục đích xác minh và dịch nghĩa rõ ràng cho sắc phong để tặng lại cho chính tỉnh nhà.

Không chỉ thi thoảng bị lãnh đạo trách móc vô cớ, những người mang sắc phong trở về làng như ông Bùi Văn Quang còn thường xuyên bị “ném đá”. Bởi lẽ, có nhiều người quan niệm rằng, việc mua lại sắc phong mà không rõ nguồn gốc là tiếp tay cho trộm cắp, có người mua ắt hẳn có người bán. Có người mang cả chuyện thả chim phóng sinh ra để so sánh với việc trao tặng sắc. Rằng thì, trước khi thực hiện việc phóng sinh thì phải giăng lưới bẫy chim, sau đó thì nhốt vào lồng rồi đem đi bán cho người mua để thả…

Lễ trao tặng lại đạo sắc phong cho đình thôn Nhì, xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định từ chị Hồ Hải Hà (thứ hai từ trái sang) vào ngày 4-9-2022 (ảnh: FB Cổ Nguyệt Đề)

Lễ trao tặng lại đạo sắc phong cho đình thôn Nhì, xã Yên Bằng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định từ chị Hồ Hải Hà (thứ hai từ trái sang) vào ngày 4-9-2022 (ảnh: FB Cổ Nguyệt Đề)

“Sở hữu” sắc phong: “Nhân duyên không thể bỏ qua” (!)

Nhưng có lẽ, từ sau sự kiện Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” đem sắc phong Việt công khai đấu giá, thì những việc làm của ông Quang mới được nhìn nhận góc độ rộng hơn và ít thiên kiến hơn. Nghĩ một cách tích cực, nếu không có các nhà sưu tập trong nước mua lại rồi giữ gìn, trao tặng, thì chắc chắn con đường ngắn nhất của sắc phong sẽ là ra nước ngoài. Cũng chẳng khó khăn gì để không hình dung được việc, sau phiên đấu giá vừa rồi, rất có thể sẽ lại có thêm vài công ty đấu giá khác, ở các quốc gia khác lại tiếp tục niêm yết công khai đấu giá sắc phong có nguồn gốc từ Việt Nam.

Cũng là một trong những người hoạt động tích cực mua lại sắc phong từ dân chơi đồ cũ, đồ cổ rồi tìm kiếm địa chỉ, cung tiến cho các di tích, Cổ Nguyệt Đề là cái tên hoạt động trên mạng xã hội mà nhiều người yêu di sản đều biết rõ. Cổ Nguyệt Đề tên thật là Hồ Hải Hà - một cô giáo của trường THCS Tuy Lộc (xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Chị kể với tôi rằng, hồi còn nhỏ, có lần chị được về nhà thờ tổ giỗ họ, rồi tình cờ được xem lá sắc của dòng họ, thế là cứ đam mê những hình ảnh rồng mây trong đó. Rồi lớn lên, dù làm cô giáo bận rộn đến mấy cũng không quên được niềm đam mê di sản.

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đức Dũng, chuyên viên chính Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cho biết, nếu đánh giá câu chuyện mang sắc phong trở về với đình làng của các cá nhân, tập thể, các nhà sưu tầm hiện nay là hai mặt của một vấn đề thì phần tốt nhiều hơn cả. Cá nhân nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Dũng đã từng dịch và chứng kiến toàn bộ quá trình 22 đạo sắc phong trở về với đình Tri Chỉ (xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) sau 16 năm thất lạc. Có những đạo sắc, các nhà sưu tầm tình cờ mua được, họ giữ cũng phải trên dưới 20 năm ở nhà như “báu vật”, nhưng đến một giai đoạn nào đó, tự dưng có tâm nguyện, nên phát tâm hiến tặng, có thế thôi!

Chị Hồ Hải Hà nhớ lại, sắc phong đầu tiên mà chị bỏ tiền ra mua là từ cách đây khoảng 20 năm trước trên một website bán đồ cổ, đồ cũ. Lúc đó, chị chưa biết Hán Nôm, chưa có đông bạn bè và những người giúp đỡ nhiều như bây giờ. Nên cũng có lúc phải dùng đến cách là vay ngân hàng mới có đủ tiền mua một bản sắc mà chị nghĩ là “nhân duyên không thể bỏ qua”. Chúng tôi hỏi chị: “Không có tiền, vay tiền ngân hàng đi mua sắc rồi thì tiền đâu mà trả nợ?” thì chị cười đáp: “Công nợ trả dần”. Bây giờ có hẳn một nhóm cùng chung sức với chị, rất chuyên nghiệp. Dịch xong thì đi xác minh từng địa chỉ, liên hệ với chính quyền từng địa phương, từ Bí thư, Chủ tịch xã, Trưởng thôn rồi đến các cụ cao niên, đồng ý nhận là hẹn ngày đến bàn giao sắc.

Cũng không khác là mấy như nhà sưu tầm Bùi Văn Quang, chị Hồ Hải Hà cũng gặp vô vàn gian truân, thậm chí là những nỗi niềm mà theo chị “chẳng biết tỏ cùng ai” từ những lời nói ác ý vì đã “tiếp tay cho trộm cắp”. “Tôi quen rồi, kệ thôi, việc mình mình làm”; “Trao được sắc phong về với di tích và người ta nhận là tôi vui rồi” - chị Hồ Hải Hà tâm sự. Khá thông thuộc thị trường mua bán sắc phong, chị Hồ Hải Hà kể, thời điểm buôn bán, giao dịch, trao đổi sắc phong sôi động nhất là vào khoảng những năm 90 thế kỷ trước - thời kỳ sau Đổi mới. Sau đó, “cơn sốt” sắc phong tiếp tục được “nóng” trở lại vào khoảng những năm 2008 đến 2013, lúc này thị trường Trung Quốc thu mua khá nhiều. Nếu di tích nào mất đạo sắc vào thời điểm này thì xác định cầm chắc việc nó đã “bay” ra nước ngoài rồi, sự trở về gần như vô vọng!

Theo thống kê của chị Hồ Hải Hà, riêng ở địa bàn Hà Nội chị đã từng trao tặng lại sắc phong cho các di tích như: Đình Nam Dư Thượng (Thanh Trì); Vân Điềm, Vân Hà (Đông Anh); Ngũ Luân, Đại Hùng (Ứng Hòa); Nội Đồng, Đại Thịnh (Mê Linh); Cống Khê, Hồng Sơn (Mỹ Đức)… Cùng với đó là các di tích ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hưng Yên… Hiện tại, chị Hồ Hải Hà đang có mấy chục đạo sắc mua lại được, trong thời gian tới, chị sẽ tiếp tục dịch và liên hệ với các địa phương để cung tiến sắc phong về di tích.

Lễ trao tặng lại hai đạo sắc phong cho di tích Quán Vật (thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) từ nhà sưu tầm Bùi Văn Quang (ở giữa) vào ngày 25-7-2023 (Ảnh: Trần Quân)

Lễ trao tặng lại hai đạo sắc phong cho di tích Quán Vật (thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) từ nhà sưu tầm Bùi Văn Quang (ở giữa) vào ngày 25-7-2023

(Ảnh: Trần Quân)

Không nhận sắc phong: Nguyên do vì đâu (?)

Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, chị Hồ Hải Hà nhắc đi nhắc lại rằng, chị không lấn cấn gì về chuyện tiền bạc, việc chị cung tiến sắc phong cho đình làng là xuất phát từ cái tâm. Chỉ cần chính quyền địa phương và người dân trong làng, trong xã nhận, bảo quản cẩn thận, tránh bị mất thêm một lần nữa là chị vui rồi. Điều đó có nghĩa, có sắc phong đấy, biết rõ là địa phương nào rồi, nhưng mà để được tặng lại (chưa nói đến chuyện tiền) đã là hẳn một hành trình gian truân.

Có lần mua được sắc phong, dịch ra thì địa chỉ sắc ở một di tích thuộc Hải Phòng. Đến tận nơi “thực địa” thì các cụ cao niên trong làng, từ đình cũng như chính quyền địa phương bảo “vớ vẩn”, sắc phong của đình tôi còn nguyên trong hộp, làm gì có chuyện mất bao giờ mà nói linh tinh trao với cả tặng. Khẩn khoản hết lời, thuyết phục hết nhẽ một hồi thì các cụ mới chiếu cố làm lễ mở hộp sắc. Lúc mở ra thì hốt hoảng: “Trời đất ơi, sắc phong đình làng tôi mất từ bao giờ rồi”. Thế là từ người đang xin được tặng sắc, người bị “soi” với muôn vàn ánh nhìn nghi kị bỗng hóa… “người hùng”. Câu chuyện diễn ra sau đó rất vui vẻ, các cụ trong làng ai ai cũng tay bắt mặt mừng, nhận lời cảm ơn không xuể. Tưởng thế là xong. Ai ngờ sáng hôm sau, xe vừa đỗ xuống, một toán các bà các chị đang ngồi buôn chuyện ngoài chợ, thấy chị Hồ Hải Hà cùng vài người bạn mang sắc về đình liền xông ra mắng chửi té tát. Rằng “chúng mày là một lũ ăn cắp; chúng mày ăn cắp sắc phong làng tao, thánh vật chúng mày, “nuốt không trôi” thì phải mang đi trả chứ gì”... Tự dưng bị chửi tối tăm mặt mũi, chả biết làm sao, có thanh minh cũng không đủ sức. Cũng may, đình ngay đầu chợ, lãnh đạo xã, huyện cùng các cụ cao tuổi liên tục chạy mắng át đi, rồi lôi mấy chị nóng tính vào phân tích cụ thể tình hình. Chắc sau đó hiểu ra vấn đề nên ai về nhà nấy, không thấy mắng thêm tiếng nào.

Người dân làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội tổ chức đại lễ, mừng 22 đạo sắc trở về sau 16 năm lưu lạc (Ảnh: Trần Quân)

Người dân làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội tổ chức đại lễ, mừng 22 đạo sắc trở về sau 16 năm lưu lạc (Ảnh: Trần Quân)

Nhà nghiên cứu “tay ngang” Trần Ngọc Đông - người đã từng phát hiện và lên tiếng cảnh báo về việc sắc phong Việt được bán đấu giá công khai trên sàn đấu giá Trung Quốc đã từng lên tiếng lý giải việc bỏ tiền túi ra mua sắc phong, trao tặng lại di tích nhưng chính quyền và người dân rất thờ ơ. Không nhận là vì đối với một số người, sắc phong chỉ là “nửa tờ giấy A2 vàng vàng có mấy chữ Tàu đen đen” không hơn không kém - đây được xem là lý do nhận thức. Và cũng theo Trần Ngọc Đông, thực tế không chỉ từ nhận thức mà còn nhiều nguyên nhân khác. Thứ nhất là do quan niệm, rất nhiều người đang suy nghĩ những người đem trao tặng sắc phong là đồng lõa với trộm cắp, hoặc biết rõ kẻ xấu là ai, thậm chí chính là “F0”, vì “nuốt không trôi” phải mang lễ trả cho đình để “chuộc tội”. Chưa hết, nhiều người cho rằng dù họ có là người mua đi chăng nữa, tức là “F2”,“F3, “F4” thì cũng là “mua của phường trộm cắp”. Người sở hữu sắc phong là kẻ tàng trữ vật phẩm do phạm tội mà có. Nhận hay mua lại đều tiếp tay cho tội phạm. Cuối cùng, có những người tự an ủi nói sắc đã có tên làng, sớm muộn cũng sẽ trở về vì không làng nào thèm lấy.

Chị Hồ Hải Hà (xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) kể lại, có lần mua được sắc phong, dịch ra thì địa chỉ sắc ở một di tích thuộc Hải Phòng. Đến tận nơi “thực địa” thì các cụ cao niên trong làng, từ đình cũng như chính quyền địa phương bảo “vớ vẩn”, sắc phong của đình tôi còn nguyên trong hộp, làm gì có chuyện mất bao giờ mà nói linh tinh trao với cả tặng. Khẩn khoản hết lời, thuyết phục hết nhẽ một hồi thì các cụ mới chiếu cố làm lễ mở hộp sắc. Lúc mở ra thì hốt hoảng: “Trời đất ơi, sắc phong đình làng tôi mất từ bao giờ rồi”. Thế là từ người đang xin được tặng sắc, người bị “soi” với muôn vàn ánh nhìn nghi kị bỗng hóa… “người hùng”.

Nhà sưu tầm Bùi Văn Quang tâm sự, thường ở những nơi ông đề đạt nguyện vọng muốn cung tiến sắc phong, nếu đúng là đạo sắc của làng mình thật thì rất nhanh chóng, chính quyền và người dân trong làng cắt cử người đến nhận luôn vì nỗi sợ “đêm dài lắm mộng” hay “nhỡ đâu được giá ông ấy đổi ý, lại bán cho chỗ khác rồi thì mất toi”. Nhưng cũng có không ít địa phương, chính quyền thận trọng như di tích Quán Vật. Một ví dụ nữa, năm 2013, tại đền Bảo Lộc, xã Bảo Lộc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nhà sưu tầm Bùi Văn Quang chính là người cung tiến bức sắc phong cổ, quý hiếm được vua Thiệu Trị triều Nguyễn ban cho Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn năm 1845. Để hoàn thành việc cung tiến này, ông Bùi Văn Quang cũng đã phải trải qua một quá trình dài tới 3 năm với 3 đời thủ nhang.

Nguyễn Tuấn Duy - một người trẻ, yêu di sản và cũng là người lên tiếng về việc sắc phong Việt Nam đang ở Bảo tàng Nhật Bản cho biết, trong vài năm gần đây, việc nhiều nhóm và tổ chức tìm mua lại được những hiện vật sắc phong và trao tặng lại cho những địa phương tạo nên một sự trở lại kỳ diệu ở nhiều làng xã. Những giá trị của cha ông được “hồi hương”, những di vật đã được trao truyền, gìn giữ qua nhiều thế hệ. Việc nhiều nhóm và tổ chức tìm lại được sắc phong và trao trả lại cho các di tích là một việc làm đáng hoan nghênh!

Nhưng sự thật bây giờ đang cho thấy, sắc phong là độc bản, không có bản thứ hai, và sắc phong Việt trên thị trường đấu giá lúc nào cũng là một món đồ cổ đắt khách. Nếu làng không nhận, ngộ nhỡ, cái người vốn dĩ hảo tâm kia sẽ bán, cho người khác, khi đó, có thể sắc sẽ lưu lạc ra nước ngoài, vĩnh viễn không bao giờ thấy lại đạo sắc này nữa. Hiện tại, nhóm Nhân sĩ Hà Đông cho biết sẽ gửi tặng thư viện, bảo tàng nếu làng không nhận. Hoặc cũng như nhà sưu tầm Bùi Văn Quang đã nói, nếu làng không nhận sắc, ông sẽ trao tặng cho các bảo tàng và Sở Nội vụ TP Hà Nội vì lẽ, Sở Nội vụ đang có “Đề án sưu tầm tư liệu quý hiếm” để bảo tồn và phát huy giá trị. Còn nhà sưu tầm Hồ Hải Hà thì bảo, địa phương nào không nhận, chị sẽ vẫn gìn giữ ở nhà, thờ cúng cẩn thận.

Một lý do nữa của việc không nhận lại đạo sắc là vướng “thủ tục hành chính”. Thực tế, ở một số địa phương, khi được thông báo có người trao tặng lại đạo sắc thì phải báo cáo lên các cấp chính quyền và yêu cầu thủ tục nhận là phải có “giấy phép con”, tức là “giấy xác nhận đây là sắc thật”. Ở đâu là nơi xác nhận thật - giả của đạo sắc và cấp giấy chứng nhận có dấu đỏ thì các bên liên quan vô cùng lúng túng. Tất thảy đều không biết xin ở đâu (?!). Hiện tại, Viện Nghiên cứu Hán Nôm là cơ quan cao nhất đảm trách các vấn đề của văn bản Hán Nôm thì chỉ có trách nhiệm phiên âm dịch nghĩa chứ không có nhiệm vụ xác nhận văn bản thật - giả.

* * *

Làng Việt đang biến đổi và ý niệm về tinh thần của làng cũng khác xưa. Nhưng việc sắc phong không trở về được với di tích vì “vướng” những lý do rất “giời ơi đất hỡi” là một thực trạng đáng buồn và thực sự tổn thất cho di sản Việt Nam. Sắc phong lưu lạc, rồi lại tiếp tục được bán ra nước ngoài với giá cao thì còn gì đau xót hơn! Tất nhiên, đình, đền, chùa, miếu… vẫn còn đó, có suy chuyển đi đâu đâu. Về mặt vật chất là thế, nhưng về mặt di sản tinh thần nó đã khuyết đi một mảng lớn, không gì bù đắp được. Chính vì thế, quan điểm về việc mang sắc phong cung tiến của làng của những nhà sưu tầm tư nhân cũng nhận được những đánh giá tích cực từ những nhà nghiên cứu, nhà quản lý. Ông Lê Hồng Vệ - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhìn nhận, khi ai đó có duyên sở hữu những đạo sắc phong từ nhiều yếu tố khác nhau, nay liên lạc để trao tặng lại cho di tích từng bị thất lạc là việc làm cao quý và đáng được trân trọng!

Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh: Sắc phong chưa phải là di sản tư liệu, cũng không phải di sản cần bảo vệ khẩn cấp

“Việc bảo vệ, bảo quản hiện vật đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với giá trị của chính hiện vật đó. Hơn 20 năm trước, khi sắc phong liên tục bị mất ở các đình, đền, Hội Di sản văn hóa Việt Nam cùng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã từng phát động phong trào bảo vệ sắc phong. Năm 2004, Hà Nội thậm chí còn có cả hội nghị chuyên đề về bảo vệ cổ vật, nhưng hầu như những đạo sắc phong bị mất cũng không thể tìm lại được. Cho nên việc gìn giữ, bảo quản, bảo vệ đối với sắc phong luôn là vấn đề cấp thiết” - đó là nhận định của bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội khi trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô xung quanh vấn đề này.

Tiến sĩ Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VHTT Hà Nội
Tiến sĩ Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở VHTT Hà Nội

Qua soi chiếu rất khó để Hải quan phát hiện ra sắc phong

- Phóng viên: Việc cổ vật bị mất, cổ vật Việt Nam bị đem ra đấu giá ở nước ngoài thì xưa nay chúng ta vẫn coi là chuyện bất khả kháng, dù có đau xót nhưng cũng không biết phải làm thế nào. Nhưng với sắc phong, trên đó còn ghi rõ địa chỉ thôn, xã (đơn cử như sắc phong triều Nguyễn) thì chúng ta có cách gì không? Như đợt đấu giá vừa rồi của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” (Trung Quốc) thì Hà Nội là địa phương có số lượng lớn nhất trên sàn đấu giá với 31 đạo sắc phong!

- Bà Phạm Thị Lan Anh - Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội: Những việc này đối với cấp địa phương như Hà Nội thì không đủ thẩm quyền mà phải ở tầm quốc gia, bởi nó liên quan đến Công ước quốc tế về di sản văn hóa. Khi tham gia Công ước thì chúng ta có quyền lên tiếng để được bảo vệ, nhưng quyền này không được phân cấp về các tỉnh, thành phố mà Chính phủ phải can thiệp, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan. Ví dụ như vừa rồi chúng ta có “hồi hương” được ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” (kim ấn triều Nguyễn được làm bằng vàng, đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820-1841) từ sàn đấu giá bên Pháp (Hãng đấu giá Millon, thành lập năm 1928, có trụ sở chính tại Thủ đô Paris) cũng phải cấp Chính phủ can thiệp bằng con đường ngoại giao và văn hóa. Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã cử một đoàn công tác sang Pháp để làm việc và cuối cùng chiếc ấn đã được “hồi hương”.

Nghi lễ linh thiêng tại di tích Quán Vật (thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) khi nhận lại sắc phong (Ảnh: Trần Quân)

Nghi lễ linh thiêng tại di tích Quán Vật (thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) khi nhận lại sắc phong (Ảnh: Trần Quân)

- Một pho tượng, bộ gốm, sứ… nghi ngờ là cổ vật đi qua cửa khẩu, Hải quan soi chiếu có thể dễ dàng phát hiện, giữ lại để truy xuất nguồn gốc và tính hợp pháp, nhưng với một đạo sắc phong để trong vali thì theo bà lực lượng chức năng có phát hiện ra không?

- Điều này tùy thuộc vào thiết bị và chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ thực thi. Theo nhận định của cá nhân tôi thì rất khó để Hải quan phát hiện ra, bởi sắc phong là chất liệu giấy, hoàn toàn khác với pho tượng hay các loại hiện vật như gốm, sứ, sắt, đồng… Rất khó để máy soi chiếu có thể phân biệt được các loại giấy thời xưa và thời nay. Một đạo sắc phong cuộn lại, khi qua soi chiếu cũng giống như một bức tranh Hàng Trống, tranh Đông Hồ vốn bán nhan nhản trên phố cổ mà thôi. Tôi đã mua những bức tranh như vậy và mang theo trong các chuyến công tác làm quà tặng thì chưa bao giờ bị lực lượng chức năng hỏi cả.

- Các chuyên gia cho rằng, sắc phong là một loại di sản hội tụ cả 2 hình thái vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, tính bền vững vật lý của nó lại kém hơn rất nhiều so với các loại hiện vật di sản khác được làm bằng đá, gỗ, kim loại... Trong khi đó, những người được giao nhiệm vụ cất giữ sắc phong đã có các biện pháp bảo quản rất cực đoan, phản khoa học dẫn đến hư hại. Hà Nội có tập huấn hay hướng dẫn các đình, đền về phương pháp bảo quản sắc phong không, thưa bà?

- Nếu nói sắc phong bằng giấy là loại vật liệu kém bền hơn các hiện vật khác thì chưa hẳn đúng. Thực tế đã minh chứng, có những nơi vẫn còn giữ được nguyên vẹn những đạo sắc phong có tuổi thọ đã 400 năm, nhưng cũng có những cấu kiện kiến trúc đã hư hỏng khi mới có 100 năm. So sánh vậy để nói rằng, tất cả là do cách bảo quản. Ở di tích bao giờ cũng có những hiện vật đặt trong cung cấm theo cách bảo quản truyền thống, ví dụ như long ngai, bài vị, thần phả, sắc phong, mũ, áo, hia, hài... và người ta chỉ đem ra trong những kỳ lễ trọng. Những hiện vật như long ngai, bài vị cũng chỉ đến kỳ lễ mới mang ra “bao sái”, nói nôm na là lau chùi, bảo dưỡng. Nhưng riêng sắc phong thì tôi thấy đến 90% là các cụ không dám tự tiện mở ra mà thường cất giữ theo đủ cách khác nhau. Có cụ thì cho vào hộp rồi nhét vào sau ban thờ, có cụ thì treo tít lên mái đình, tóm lại là cứ cất theo lối suy nghĩ làm sao để không ai biết và lấy trộm được.

Thị trường tiêu thụ sắc phong đã tồn tại từ rất lâu rồi. Trong thời kỳ chiến tranh, đền, miếu… hư hỏng, người dân thu nhặt các hiện vật, trong đó có cả sắc phong mang đi sơ tán, tản cư. Sau này quay về, do thiếu hiểu biết nên đôi khi họ mang đến các di tích một cách nhầm lẫn. Có trường hợp cán bộ bảo tàng đi cơ sở thấy người dân bảo quản không tốt, thế là xin đưa về bảo tàng. Cách đây mấy năm, Bảo tàng Hà Nội cũng đã xác minh, dịch, rồi bàn giao lại sắc phong cho các di tích có địa chỉ cụ thể ghi trên đạo sắc. Tôi nhớ là có di tích ở xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai (Hà Nội) có 6 đạo sắc phong, lúc đó bảo tàng còn bỏ tiền để phục chế một chiếc hộp đựng sắc rồi trao lại cho các cụ…”.

Bà Phạm Thị Lan Anh (Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội)

Những năm 2002-2004, ngành Văn hóa đã cảnh báo rất nhiều lần về vấn đề này và thường tập huấn hàng năm cho những người quản lý đình, đền, chùa chiền, thậm chí cả Ban khánh tiết, Trưởng thôn, Bí thư chi bộ thôn có di tích. Ấy vậy mà khi về họ vẫn bảo quản theo cách riêng của mình, bởi đó là tập tục kiêng kị từ xưa đã hằn in trong tiềm thức. Họ luôn nghĩ rằng, sắc vua ban thì không thể ai cũng vào xem được, thậm chí còn cấm phụ nữ đến gần. Có những nơi kiêng đến mức, trời nóng sẽ không được mở hộp sắc, trời nồm ẩm càng không được mở, phải đợi đến khi tiết thu hanh hao thì mới mang sắc phong ra để hong, gọi là “hong hanh”. Ngày xưa các cụ cuộn sắc phong rất chặt và cất trong ống quyển, thế nên có nơi khi lôi ra thì sắc đã giòn, gẫy, rách, mủn. Giấy sắc nếu bảo quản đúng thì sẽ rất dai, bền. Cho nên có những đạo sắc đã 400 năm nhưng vẫn tốt là vì thế. Chúng tôi khuyến nghị các cụ vẫn có thể dùng ống quyển, nhưng ống quyển phải to một chút để sắc được cuộn lỏng, đến lúc muốn lấy ra cũng dễ dàng. Thứ nữa là các di tích phải thường xuyên kiểm kê, kiểm tra mỗi năm 1 lần, tuy nhiên không phải nơi nào cũng làm được như vậy.

- Hiện nay, để chống mất cắp, nhiều nơi giao cho người quản lý đình, đền mang sắc phong về nhà cất, thậm chí giao cho Bí thư chi bộ lưu giữ. Theo bà làm như vậy có tối ưu không?

- Tuy không phải tối ưu, nhưng nó là phương pháp an toàn, vì kẻ xấu sẽ không biết đạo sắc phong cất ở đâu mà rình rập. Còn nhớ có năm tôi về huyện Thanh Trì, người ta còn đem sắc phong ra cất nhờ ở két sắt của Ủy ban nhân dân xã. Cũng có nơi thì cất trong két sắt nhà riêng và chỉ 3 cụ giữ chìa khóa mới biết cái két ấy để ở nhà nào. Các cụ giữ kín, không báo cáo với bất kỳ ai kể cả xã, thôn, muốn lấy ra thì phải 3 cụ cùng mở. Vẫn biết là các cụ cẩn thận, nhưng như thế thì cực đoan quá. Tôi nghĩ, nếu không may mất mát, hư hỏng thì 3 cụ sẽ thành “tội đồ” của làng mất. Bây giờ có những việc mà chúng tôi rất băn khoăn, đó là xưa kia di tích luôn được coi là chốn linh thiêng, người ta bảo vệ di tích bằng tính linh thiêng đó. Nhưng nay thì tính thiêng đã bị suy giảm, thành ra có những đối tượng không còn e ngại gì thần thánh và sẵn sàng lấy trộm bất cứ thứ gì miễn là có thể bán ra tiền, thế nên mới xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật nói chung và sắc phong nói riêng nhiều như vậy.

“Bản sắc phong Tự Đức năm thứ 7 (1853) ban cho Trấn Duy Đôn Tĩnh Hùng Tuấn trác vĩ Thượng đẳng thần” và “Bản sắc phong Duy Tân năm thứ 3 (1909) ban cho Ngũ vị Đại vương” đã được nhà sưu tầm Bùi Văn Quang cung tiến cho di tích Quán Vật (thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) (Ảnh: Trần Quân)

“Bản sắc phong Tự Đức năm thứ 7 (1853) ban cho Trấn Duy Đôn Tĩnh Hùng Tuấn trác vĩ Thượng đẳng thần” và “Bản sắc phong Duy Tân năm thứ 3 (1909) ban cho Ngũ vị Đại vương” đã được nhà sưu tầm Bùi Văn Quang cung tiến cho di tích Quán Vật (thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) (Ảnh: Trần Quân)

- Chúng tôi đã gặp khá nhiều cá nhân, tập thể từng mua lại các sắc phong được rao bán trên thị trường cổ vật rồi đem trao trả, tặng lại cho di tích nơi chúng thuộc về. Nhưng điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là có nơi lại dửng dưng, thậm chí còn không muốn nhận. Bà nghĩ sao về câu chuyện này?

- Tôi biết những câu chuyện đó và hiểu suy nghĩ của người dân địa phương nơi bị mất trộm sắc phong. Đôi khi họ dửng dưng là bởi cách quan niệm rất giản đơn: “Trống làng nào thì làng ấy đánh, thánh làng nào thì làng ấy thờ”. Họ nghĩ, ông có giữ sắc phong của các cụ làng tôi thì cũng chẳng giải quyết được việc gì. Điều này cũng giống như việc chẳng ai đi rước bài vị, bát hương gia tiên nhà anh hàng xóm rồi mang về nhà mình thờ phụng cả. Có mà dở hơi! (Cười). Nhưng họ không hiểu, người ta mua sắc phong là để chơi, để sưu tầm vì thú vui cá nhân chứ không phải mua về thờ. Thêm nữa, họ quan niệm những người sưu tầm cổ vật là tiếp tay cho trộm cắp, vì rõ ràng phải có người mua thì mới có kẻ ăn trộm đem bán. Tuy nhiên, số địa phương như chúng ta vừa nói ở trên là không nhiều.

Sắc phong bị bán ra nước ngoài sẽ rất khó thu hồi, hoặc sẽ mất vĩnh viễn

- Sau trường hợp Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” đưa ra đấu giá sắc phong của Việt Nam thì mới thấy, nếu không có những người sưu tầm có tâm đem trả, tặng lại cho di tích thì những hiện vật ấy sẽ ra nước ngoài và cơ hội quay về gần như bằng 0. Bà có nghĩ đây là câu chuyện có tính hai mặt của một vấn đề?

- Sắc phong thì phải ở trong đình, phải được giữ trong hậu cung, đó là vị trí đích thực của nó. Nhưng có những giai đoạn như tôi vừa nói, sắc phong buộc phải gửi trong két sắt của Ủy ban nhân dân xã. Đình, đền là một thiết chế văn hóa mở, nhưng bây giờ lại phải đóng cửa thường xuyên bởi cứ mở ra là bị mất cắp. Câu chuyện sắc phong đã “mở ra” rất nhiều vấn đề, chúng ta không chỉ mất sắc phong mà còn bị trộm nhiều thứ khác. Và câu chuyện sưu tầm cổ vật thì nhìn dưới góc độ nào cũng thấy vừa đúng, vừa sai.

Khía cạnh đầu tiên, sắc phong bị mất là điều không ai muốn. Kẻ lấy trộm không bán được cho người này sẽ bán được cho kẻ khác, không tiêu thụ được ở trong nước thì tuồn ra nước ngoài. Thậm chí, nếu không bán được cho ai thì chúng sẵn sàng phi tang, tiêu hủy, và lúc đó chúng ta vĩnh viễn mất di sản. Vậy nên, các nhà sưu tầm ở trong nước có mua (mua bằng cách nào thì họ không bao giờ tiết lộ) thì hiện vật vẫn sẽ còn ở lại trong nước, đấy là khía cạnh nên nhìn nhận theo hướng tích cực. Khi còn những người sưu tầm lại của những người sưu tầm (như nhóm “Nhân sĩ Hà Đông” chẳng hạn) rồi hoàn trả, trao tặng lại cho di tích là rất đáng quý và trân trọng. Khía cạnh thứ hai, khi lấy trộm được thì kẻ gian sẽ bán và người mua sẽ có hai mục đích. Một là sưu tầm, hai là tiếp tục mua đi bán lại kiếm lời. Cả hai mục đích ấy buộc họ phải có ý thức giữ gìn, bảo quản thật tốt. Nhưng dù có ở khía cạnh nào thì vẫn mong hiện vật còn ở trong nước, chứ nếu bán ra nước ngoài thì sẽ rất khó thu hồi, hoặc sẽ mất vĩnh viễn.

- Nếu chúng ta phát động phong trào mang trả lại hiện vật cho di tích thì liệu có khả thi và hiệu quả không, thưa bà?

- Phát động thì dễ, nhưng khó ở việc liên quan đến những vấn đề pháp lý kèm theo. Người ta có thể, có quyền đặt câu hỏi: Do đâu mà anh có nhiều cổ vật như vậy? Liệu lúc đó người tặng có vi phạm pháp luật hay không? Trừ khi chúng ta phải cam kết nếu đem tặng lại di tích sẽ không bị phiền hà bất cứ vấn đề gì về mặt pháp lý thì may ra họ mới dám làm.

- Có một điều xưa nay chúng ta vẫn rất đau đáu là văn hóa luôn bị xếp sau kinh tế hoặc các ngành nghề khác về đầu tư. Theo bà, nếu tới đây chúng ta tăng mức đầu tư các nguồn lực cho văn hóa thì sẽ có những bước đi dài hơn trong công cuộc bảo tồn di sản hay không?

- Câu hỏi này khiến tôi tới nhớ tới vấn đề số hóa di sản. Cùng là một hiện vật, nhưng giữa bản gốc và bản ảnh thì đã khác nhau rất nhiều, muốn chính xác thì phải số hóa. Nhưng để số hóa chính xác lại cần phải có công nghệ và đó mới chỉ là để bảo tồn, tư liệu hóa. Tiếp đến, cũng không phải chỉ là tăng đầu tư đâu mà còn nhiều vấn đề khác. Ví dụ như, hiện kinh phí dành cho tu bổ di tích của Hà Nội không phải ít, nhưng để sử dụng được thì cần rất nhiều quy trình, thủ tục. Nếu triển khai khởi công, các công ty tham gia có thể đủ giấy tờ, tư cách pháp nhân, nhưng chưa chắc đã đủ năng lực thực sự. Nói một cách đơn giản, cùng tốt nghiệp đại học nhưng có người rất xuất sắc, nhưng cũng có anh trình độ chỉ… làng nhàng.

Công ty tu bổ cũng vậy, có công ty thì nhân lực tốt, họ có đội ngũ thợ có thể làm ra được những con rồng, vân mây chuẩn, còn các công ty khác chưa chắc đã có người thợ như thế dù về giấy phép thì họ vẫn có đủ để hoạt động. Rồi còn vấn đề định mức, tu bổ di tích phải có định mức trong khi có những thứ chưa thể có định mức chuẩn. Bây giờ tôi đặt câu hỏi: Để làm một cái cột thì cần bao nhiêu công của nghệ nhân? Bao nhiêu công của thợ phổ thông? Định mức hao phí vật tư, tức là để biến một cây gỗ thành một cái cột đình thì hao phí bao nhiêu phần trăm gỗ? Để sửa một cái hương án, một pho tượng bị hỏng thì định mức sẽ như thế nào? Quy chuẩn kỹ thuật ra sao? Những định mức này hiện đang không có. Vì vậy, có muốn làm thì đến Sở này họ bảo chỉ làm được cái này, đến Cục kia lại bảo chỉ làm được cái kia. Rất khó…

Chưa có văn bản nào coi sắc phong là di sản tư liệu

- Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đang sửa đổi Luật Di sản văn hóa, trong đó có việc đưa Di sản tư liệu vào thành 1 Chương của Luật. Theo bà, thì khi sắc phong được coi là Di sản tư liệu và được luật hóa thì nó sẽ được bảo tồn như thế nào?

- Chúng ta chưa có văn bản nào coi sắc phong là di sản tư liệu. Di sản tư liệu là loại hình gì thì trong Luật chưa quy định. Để tôi kể bạn nghe câu chuyện này. Khi chúng tôi làm về bia Tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Từ Giám là muốn thế giới công nhận đó là Di sản thế giới. Và để thế giới công nhận thì trước tiên phải được khu vực châu Á - Thái Bình Dương công nhận đó là di sản tư liệu. Để ra đến quốc tế thì chúng ta phải có di sản tư liệu được quy định trong Luật. Tư liệu đó phải gắn với tấm bia, gắn với mỹ thuật, chất liệu, và đó phải là những hiện vật vật thể. Vậy như thế nào là di sản tư liệu? Di sản đó có gắn với vật thể hay không, có gắn với thứ gì khác hay không, tất cả cần phải được đưa vào trong Luật và các văn bản dưới Luật. Sau đó mới đến bước tiếp theo là quy định một bộ hồ sơ di sản tư liệu gồm những gì? Chứ chúng ta làm hồ sơ di sản thế giới xong, quay về làm hồ sơ ở trong nước thì lại không có. Quay lại câu chuyện sắc phong, chúng ta sẽ xếp nó vào cái gì? Hiện nay trong Luật đang xếp nó vào hiện vật thuộc di tích, nó không phải di sản tư liệu, cũng chẳng phải di sản cần bảo vệ khẩn cấp. Cho nên chúng ta sẽ còn nhiều thứ cần phải sửa, phải ban hành và hướng dẫn.

- Có ý kiến cho rằng, ngành Nội vụ công nhận tài liệu lưu trữ đặc biệt đối với sắc phong là một sự chồng chéo, dẫm chân vào lĩnh vực văn hóa, bà nghĩ sao?

- Có một câu chuyện vui thế này, trước đây chúng tôi hay đi các di tích để khảo sát cùng các nhà khoa học. Về đến nơi, nhìn thấy cái gì cũng giá trị nên thường tư vấn với các cụ là cái này hay lắm, cái kia quý lắm, các cụ dặn con cháu cố gắng giữ gìn, bảo quản thật cẩn thận. Nhưng khốn nỗi, cứ dặn bảo vệ cái gì thì y như rằng cái đó sẽ mất. Thế là các cụ đổ tại các ông, các bà ngành Văn hóa, cứ nói là quý với hiếm nên mới bị mất, có khi đi “do thám” hộ kẻ trộm cũng nên (Cười). Mà khi đã mất thì thường họ rất sợ, vì không biết mất từ bao giờ, vì sao mất, có phải lỗi tại mình hay do lỗi của người được giao nhiệm vụ coi giữ trước đó. Về sau chúng tôi quay lại dứt khoát họ không tiếp, không thừa nhận là đã mất, không khai báo. Cho nên mới dẫn đến tình trạng có đình, đền đã mất sắc phong từ rất lâu nhưng không ai hay. Sau này kể cả khi có công việc, có nhiệm vụ chính thức nhưng các cụ vẫn không hợp tác. Nói như thế để thấy, bây giờ giải pháp như thế nào cũng là cả một vấn đề…

- Theo bà, cách phân cấp quản lý như hiện nay có vấn đề gì không? Vì ở địa phương đôi khi sự hiểu biết còn hạn chế và phương thức bảo quản cũng chưa thực sự khoa học, liệu chúng ta có cần rà soát lại?

- Chúng ta tinh giản bộ máy thì phải phân cấp, vấn đề còn lại chỉ là ý thức và trách nhiệm thôi. Ngày xưa các cụ làm nhiệm vụ cho làng, xã thì không quan trọng công xá như thế nào mà hoàn toàn xuất phát từ cái tâm. Các cụ từ đình, từ đền khi đã được bầu lên thì rất toàn tâm toàn ý cho việc chung. Ngày nay, những nơi thu được tiền công đức thì có thể phát lương cho cụ từ, phát lương cho Ban quản lý di tích và họ sẽ dành thời gian cho việc làng. Nhưng những nơi không có nguồn thu ấy mà cụ từ cũng nghèo thì làm sao có thể đòi họ hỏi dồn tâm dốc sức ra được.

Cho nên, chúng ta một mặt vẫn tuyền truyền, nhưng không phải tuyên truyền suông mà lãnh đạo cũng phải làm gương, quan tâm đến di tích. Tôi nói thật, nhiều nơi từ huyện đến xã cũng có ỏ ê gì đến di tích đâu. Có ngôi chùa mà hiện vật quý từ thời Trần đến thời Lê đều xuống cấp nghiêm trọng, đổ nát tan hoang. Rồi có nhà sư về trụ trì không biết hợp tác với ai xây ngay một ngôi chùa mới 2 tầng bên cạnh, vậy thì ý thức lãnh đạo để đâu? Từ thời Hà Tây còn chưa sáp nhập về Hà Nội, chúng tôi đã vận động địa phương làm hồ sơ để xếp hạng, nhưng họ không làm. Mà họ đã không muốn thì chúng tôi cũng không thể “đè ngửa” ra bắt phải xếp hạng được. Vậy nên tôi mới nói, lãnh đạo phải nêu gương, phải quan tâm, phải có ý thức trách nhiệm là vì vậy.

Điều cuối cùng cũng rất quan trọng, đó là khi chúng tôi về cơ sở thì thấy vô cùng áy náy, đó là sự xô bồ. Không thể coi di sản giống như văn hóa cơ sở được. Ví dụ, lễ hội thì quy định là 3 năm làm 1 lần, điều này khiến tâm thức người dân luôn có sự tôn trọng và họ sẽ chuẩn bị trong suốt 3 năm để chờ đến kỳ lễ hội. Nhưng bây giờ thì năm nào cũng có lễ hội. Hay như nghi thức ngày xưa là cấm đàn bà con gái vào hậu cung chẳng hạn, nhưng nhiều lãnh đạo nữ cứ yêu cầu “tôi là lãnh đạo, phải cho tôi vào”. Đôi khi sự dễ dãi, dung tục quá lại thành ra là coi thường tính thiêng của di tích. Hay như lãnh đạo địa phương mà thỉnh thoảng đến thăm di tích, quan tâm, nhắc nhở thì Trưởng thôn ý thức cũng sẽ khác. Ông Trưởng thôn hay qua di tích kiểm tra, nhắc nhở thì người trông coi di tích ý thức cũng sẽ khác. Những việc đó phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của lãnh đạo.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

(Còn nữa)