Hành trình theo dấu vua ban đưa sắc phong trở về (3): Chuyện bảo quản “báu vật” và những đạo sắc bất ngờ... trở về

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trong quá trình đi thực tế để thu thập tài liệu thực hiện loạt bài viết này, nhóm tác giả đã được nhiều cụ từ đình, từ đền ở những di tích đã từng bị mất, bị hỏng sắc phong gửi lời rằng, nếu biết ở đâu có sắc phong của làng, biết nơi nào phục dựng lại được sắc phong thì nhắn cho các cụ đến chuộc về hoặc tu sửa! Chứ bây giờ mất cả, hỏng hết sắc thế này, mấy nữa "trăm tuổi", xuống “dưới kia” gặp lại tổ tiên, dòng họ, người làng… thì biết ăn nói thế nào! Chúng tôi cũng “vâng, dạ” để các cụ tạm an lòng chứ trong đầu cũng ngổn ngang suy nghĩ, nhìn ngược ngó xuôi câu chuyện sắc phong lúc này khác gì một khối lập phương rubik, tiếp cận mặt nào thì vẫn còn “vướng” những “mặt khác”.
Lễ trao tặng hai đạo sắc phong thời Nguyễn cho di tích Quán Vật (thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) từ nhà sưu tập Bùi Văn Quang (Nam Định) vào ngày 25-7-2023 (Ảnh: Trần Quân)

Lễ trao tặng hai đạo sắc phong thời Nguyễn cho di tích Quán Vật (thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) từ nhà sưu tập Bùi Văn Quang (Nam Định) vào ngày 25-7-2023 (Ảnh: Trần Quân)

Bảo quản sắc phong: Lúng túng và phản khoa học

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - ông Lê Hồng Vệ cho biết, hiện nay, chưa có một thống kê cụ thể trong các làng xã Việt Nam còn lưu giữ được bao nhiêu đạo sắc phong. Bao nhiêu số sắc được cho là có kết cấu còn tốt và nguyên lành; bao nhiêu sắc bị hư hỏng, mục nát do những tác động cả khách quan lẫn chủ quan không mong muốn; sắc hiện tại được lưu giữ, bảo vệ phổ biến ở một số ít cơ quan Nhà nước chuyên ngành, chủ yếu ở các di tích như đình, đền, các nhà thờ dòng họ và một số người yêu quý di sản sưu tập.

Thực tế, vấn đề an ninh, an toàn tại các di tích ở địa phương không đảm bảo. Hàng ngày, ở đâu đó, hiện tượng mất cắp các đạo sắc phong vẫn diễn ra. Vậy phải làm thế nào (?!). Nhiều nơi chọn lựa người có uy tín mang về nhà riêng cất giữ, đợi đến ngày làng hay dòng họ có sự lệ, lúc đó mới cẩn cáo đức thánh, tổ tiên mang ra hành lễ. Quả thật công tác bảo vệ, gìn giữ sắc phong đang gặp nhiều lúng túng, thậm chí phản khoa học về cả về mặt tự nhiên như phòng ngừa côn trùng cũng như chống chế với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở nước ta. Một số nơi, coi sắc phong thiêng hóa đến mức không dám mở ra, hay cuốn bọc nilon kỹ lưỡng và gác lên chỗ cao nhất gần thượng lương của nơi thờ tự để “cách biệt phàm trần”, việc này vô tình làm cho giấy bị khô keo và giòn, dễ rách nát.

Theo tập quán trước đây, mỗi năm trước khi có sự lệ của làng, các cụ có uy tín chọn ngày lành tháng tốt để xin rước sắc ra sân đình “bao xái”, phơi nắng vài canh giờ sau đó mang vào để thực hiện lễ nghi. Đây là một tập tục tốt, vừa để phòng ngừa côn trùng, vừa để kiểm tra biến động “tài sản” quý báu linh thiêng sau một năm gìn giữ. Thế nhưng, do tình hình mất cắp nhiều, có nơi thậm chí còn không dám mang ra làm “thủ tục” truyền thống này nữa.

Ông Lê Hồng Vệ phân tích thêm, lâu nay chúng ta hiểu đơn giản là, cứ cuộn cho vào ống, hộp sắc, cất vào hòm sắt khóa kỹ và gọi đó là “bảo quản” là không đúng. Nội hàm của bảo quản là nghiên cứu, bảo dưỡng, bảo tồn, bảo trì, quản lý, gìn giữ, có cơ sở vật chất thiết bị để duy trì nhiệt độ, độ ẩm cả ngày lẫn đêm phù hợp với chất liệu đó mới gọi là bảo quản mang tính khoa học. Việc này chỉ có các đơn vị Nhà nước chuyên ngành mới có thể có điều kiện làm được.

Người dân làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội tổ chức đại lễ, mừng 22 đạo sắc trở về sau 16 năm lưu lạc (Ảnh: Trần Quân)

Người dân làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội tổ chức đại lễ, mừng 22 đạo sắc trở về sau 16 năm lưu lạc (Ảnh: Trần Quân)

Cất giữ sắc phong: Mỗi di tích theo một cách khác nhau

“Hầu hết những người có trách nhiệm ở di tích đều chưa được hướng dẫn, chưa có cẩm nang chuyên sâu về phòng ngừa, bảo quản liên quan đến khí hậu vùng miền, về chất liệu… - ông Lê Hồng Vệ, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam nhận định - “Theo tôi biết hiện nay, đối với những sắc thời Lê, chất liệu dó vẫn là nguyên liệu chính để bồi sắc, tuy nhiên thời kỳ này làm kỹ hơn rất nhiều so với các sắc triều Nguyễn - đó là phôi sắc được nghè kỹ, hàm lượng keo thực vật và tinh bột giấy nhuyễn đến mức như lụa, mặt giấy sắc trơ lì và được vẽ thủ công hoàn toàn với keo màu thực vật hay hoàn kim bạc, khó để những tác động thời tiết bất lợi xâm nhập. Còn sắc từ triều Tây Sơn trở về sau này đến Bảo Đại, phôi sắc bị xốp, kết cấu hạt giấy không mịn, hoa văn đã kết hợp in và vẽ, phôi sắc dễ bị ẩm mốc, rách và mủn, dễ bị xâm nhập tác hại khi gặp thời tiết nồm ẩm hay nắng nóng”.

Hiện tại, Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm Mỹ thuật trực thuộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam là nơi duy nhất được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch) ra quyết định (ngày 26-1-2006) về chức năng, nhiệm vụ thực hiện bảo quản tu sửa sao chép, chuyển đổi chất liệu phục vụ nhiệm vụ của bảo tàng và các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước có nhu cầu. Ông Lê Hồng Vệ chia sẻ thêm, Trung tâm có bộ phận Giấy lụa, chuyên nghiên cứu bảo quản tu sửa các tác phẩm mỹ thuật, các tư liệu cổ. Nhưng do khối lượng công việc lớn, chủ yếu tập trung thực hiện nhiệm vụ của bảo tàng và nhân sự mỏng, nên không đáp ứng được nhu cầu hiện tại của những nơi cần phục chế sắc. “Cá nhân tôi dù đã nghiên cứu về mảng này trên dưới chục năm nhưng cũng chỉ mới đi vào nghiên cứu chất liệu, hoa văn, hình thức bồi biểu, nghè và các phương pháp làm màu, phủ keo hạn chế nấm mốc… chứ chưa đạt đến mức trọn vẹn, vì để làm được một phôi sắc mất bao nhiêu công đoạn và bao lâu thời gian thì khó để nói, cá nhân tôi chỉ tranh thủ thời gian sau giờ hành chính chứ không phải tập trung dành riêng cho nó. Ước tính, để làm được một bản gọi là “phỏng cổ”, ít nhất cũng 9-10 công đoạn và thời gian có thể 3-4 tuần mới có thể đạt. Chủ yếu địa phương gặp chúng tôi để nhờ tham mưu gợi ý cho chế độ phòng ngừa bảo quản là chính”.

Hiện nay, chưa có một thống kê cụ thể trong các làng xã Việt Nam còn lưu giữ được bao nhiêu đạo sắc phong. Bao nhiêu số sắc được cho là có kết cấu còn tốt và nguyên lành; bao nhiêu sắc bị hư hỏng, mục nát do những tác động cả khách quan lẫn chủ quan không mong muốn; sắc hiện tại được lưu giữ, bảo vệ phổ biến ở một số ít cơ quan Nhà nước chuyên ngành, chủ yếu ở các di tích như đình, đền, các nhà thờ dòng họ và một số người yêu quý di sản sưu tập”.

Ông Lê Hồng Vệ (Phó Giám đốc Trung tâm Bảo quản, tu sửa tác phẩm mỹ thuật, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam)

Với góc nhìn của một chuyên gia về bảo quản, phục chế, ông Lê Hồng Vệ chia sẻ thêm, hiện nay các di tích lớn, nhỏ trên cả nước rất nhiều, về vấn đề gìn giữ, bảo vệ tư liệu cũ có thể hiểu 2 vấn đề, đó là các di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố hay quốc gia đều có Ban quản lý di tích được thành lập phân công trông coi bảo vệ, nhiều nơi có chế độ cho việc này. Còn các di tích chưa được hay chưa đủ điều kiện xếp hạng thì địa phương cũng có nơi lập ra một Ban quản lý di tích cấp thôn, chủ yếu cắt cử người trông coi và đa số là các cụ thủ từ thủ nhang là chính.

Không riêng gì sắc phong mà còn nhiều đồ tế lễ tế tự có giá trị lịch sử - văn hóa trong di tích đều phải được tôn trọng như nhau, phải được gìn giữ, bảo vệ. Vì cho rằng sắc phong là một phần “linh hồn” của cả làng, nên rất nhiều địa phương không muốn gửi gắm hay mang ra khỏi địa bàn sinh sống. Chính vì vậy, công tác bảo quản tư liệu này đặt ra vô số thách thức khó khăn, vì mỗi vùng miền, nhiệt độ, độ ẩm không giống nhau. “Từ những kinh nghiệm xử lý chuyên ngành, theo tôi, những làng xã, dòng họ đang sở hữu, gìn giữ sắc phong cần lưu ý: Nên mua giấy phi a-xít (giấy bọc bảo quản), cứ mỗi tờ sắc lót một tờ giấy này thứ tự lần lượt, sau đó mới cuộn lại cho vào ống quyển và hòm sắc để cất giữ, để nơi khô ráo không có mưa dột ẩm ướt, loại giấy này ở nhiều nơi bán như các cửa hàng thư họa… Hàng năm, phải mở kiểm tra và không bao giờ được tùy tiện mang đi ép plastic hay dùng băng dính keo để can thiệp vào sắc và cho rằng đó là cách bảo quản. Các địa phương nên tăng cường an ninh bảo vệ, thêm số lượng người trông coi. Tôi đặc biệt mong muốn cơ quan chức năng xử lý nghiêm tình trạng trộm cắp di vật, cổ vật trong các di tích hiện nay” - chuyên gia về bảo quản và phục chế Lê Hồng Vệ nhấn mạnh.

Người già, người trẻ thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội ngắm nhìn “báu vật” trở về với Quán Vật

Người già, người trẻ thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội ngắm nhìn “báu vật” trở về với Quán Vật

Đình Tri Chỉ: Chuyện mất trộm và sự trở về tình cờ của 22 đạo sắc phong

Ngày 30-10-2022, người dân làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội tổ chức đại lễ, mừng 22 đạo sắc sau 16 năm lưu lạc ngoài nhân gian, nay đã trở về với đình làng.

Gần 1 năm sau ngày vui được dân làng ví là “không thể tưởng tượng nổi”, chúng tôi đến với Tri Chỉ để gặp lại những người dân trong ngôi làng ngoại thành Hà Nội. Hôm đó, ở Tri Chỉ, chúng tôi gặp Lê Đăng Phát - một Trưởng thôn trẻ thuộc thế hệ 8X - người có công lớn trong việc đi lại, gặp gỡ, trò chuyện với nhà sưu tập Đặng Vũ Khương, phối hợp cùng các nhà nghiên cứu Hán Nôm như Nguyễn Đức Dũng, Chu Xuân Giao tổ chức dịch để đưa sắc về đình. Hôm đó, chúng tôi gặp cả cụ Phạm Vũ Đỉnh - người từng có thời gian dài trông coi đình, dịch và ghi lại tất cả nội dung của 27 đạo sắc phong từ mấy chục năm trước. Cũng là hôm đó, tại đình Tri Chỉ, còn có cả cụ Phạm Quang Vinh, nguyên là Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch xã Tri Trung, bây giờ là Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi; cụ từ đình hiện tại là Nguyễn Văn Công…

PGS.TS Lê Thị Thu Hiền (Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch): Khó khăn trong hoạt động thực tiễn lưu giữ, bảo quản cổ vật

“Cổ vật được lưu giữ, bảo quản chủ yếu tại bảo tàng, di tích và các sưu tập tư nhân. Đối với bảo tàng, di tích đã được xếp hạng, việc bảo quản cổ vật cơ bản đều có các cán bộ được đào tạo tham gia việc bảo quản cổ vật. Tuy nhiên, trong hoạt động thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, cụ thể như sau:

- Nhiều bảo tàng cấp tỉnh vẫn phải dùng chung trụ sở với đơn vị khác, rất khó khăn khi triển khai hoạt động. Nhiều trụ sở bảo tàng cấp tỉnh hiện nay chỉ là các công trình kiến trúc vốn xây dựng cho những mục đích sử dụng khác (kho tàng, công sở, thậm chí là nhà thờ công giáo...), nay được cải tạo để làm bảo tàng, nên không đáp ứng yêu cầu về không gian chức năng và kỹ thuật.

- Mức đầu tư kinh phí cho công tác đầu tư xây dựng bảo tàng, cải tạo nâng cấp trụ sở và kinh phí dành tổ chức hoạt động chuyên môn, thường xuyên của bảo tàng còn thấp.

- Thiếu đội ngũ chuyên gia và cán bộ giỏi trong lĩnh vực chuyên môn bảo tàng. Công tác đào tạo bảo tàng học trong 20 năm qua dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động bảo tàng, công tác đào tạo cơ bản ở nhà trường và trong bảo tàng còn chậm đổi mới. Các kiến thức về quản lý thiết chế bảo tàng, nghiên cứu xây dựng nội dung trưng bày bảo tàng; ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong bảo tàng, xây dựng và tổ chức các chương trình tham quan, giáo dục, marketing bảo tàng, bảo quản phục chế... chưa được hình thành rõ nét.

- Xã hội hóa hoạt động bảo tàng chưa được đẩy mạnh. Đến nay, hầu như vẫn chưa xuất hiện việc các doanh nghiệp, thông qua việc tài trợ cho hoạt động bảo tàng để giới thiệu, quảng bá hình ảnh của mình. Chính sách về thuế, tạo điều kiện cho “quan hệ” này được thúc đẩy trong môi trường thuận lợi, vẫn chưa có những điều chỉnh cụ thể và phù hợp”.

Biết tin chúng tôi về làng để hỏi chuyện sắc phong, từ sớm, các cụ đã đông đủ ra đình làng đón đợi. Gần 1 năm, quả là dư âm vẫn còn mới lắm, vẫn còn nhiều chuyện muốn kể lắm, quả thật, gặp rồi mới thấy, ngày 22 đạo sắc trở về trong tâm trí của các cụ vẫn còn nguyên niềm vui như chỉ mới hôm qua thôi. Cụ Đỉnh kể, làng Tri Chỉ vốn có 28 đạo sắc. 22 đạo sắc do các đời vua nhà Nguyễn ban phong. 6 đạo còn lại là của triều Tây Sơn. Cái ngày xảy ra mất sắc là một buổi chiều ngày 29-10-2006. Hôm đó, thanh niên trong làng vẫn tụ tập ở sân đình đánh cầu lông như mọi khi, trẻ con vẫn chạy chơi quanh đó. Cụ từ đình năm ấy chỉ tranh thủ về nhà ăn cơm lúc trời nhập nhoạng tối, chừng 2 tiếng đồng hồ thôi. Thế mà, ra đến nơi trộm đã phá tung cả 2 lần cửa khóa, vào hậu cung lấy tất cả đạo sắc mang đi. Nhưng may sao, trong lúc vội vàng, tên trộm vô tình làm rớt lại một đạo sắc của Vua Đồng Khánh.

Thế là, đình năm đó, mất 27 đạo sắc và chỉ giữ lại 1 đạo do may mắn. Tất cả bát hương bằng sứ trên ban thờ cũng bị mất. Trộm đổ tung tóe chân hương ra ban thờ. Cơ quan Công an đến, khám nghiệm hiện trường, khoanh vùng điều tra. Niềm an ủi của các bậc cao niên trong làng khi đó là 1 đạo sắc còn lại và tất cả những bản sắc đó đều đã được cụ Đỉnh - người biết chữ Hán Nôm ghi lại nội dung sắc và dịch đầy đủ.

Hồi mất sắc năm đó, cũng còn một cái may nữa, dân làng tin vào sự trong sạch của cụ thủ từ - người đã có 20 năm trông coi và hương khói ở đình. Nhưng niềm hy vọng tìm lại các đạo sắc chưa bao giờ nguôi trong các thế hệ người làng. Cụ Phạm Quang Vinh kể lại, thời điểm 2006 còn đang làm Phó Chủ tịch xã Tri Trung. Ngày ấy, cụ cùng người dân trong làng ngược xuôi tìm sắc, hỏi hết từ những tay chơi cổ vật quanh vùng cho đến ngoài Hà Nội. Việc tìm kiếm vô vọng đến nỗi phải nhờ đến “niềm tin tâm linh” kiểu như “đông tây y tử vi kết hợp cúng bái”. Khi đó, cụ đại diện cho chính quyền địa phương cùng vài người làng đi gặp một nhà ngoại cảm nổi tiếng ở Hải Dương. Cũng phải lần mò qua vài mối quan hệ để “có lời”… nhờ, xếp hàng mãi mới đến lượt vào gặp nhà ngoại cảm. Nhà ngoại cảm ở Hải Dương lúc đó phán: “Về đi, bây giờ chưa thấy, nhưng rồi sẽ thấy!”. “Đoàn quân” đi tìm sắc phong của cụ Vinh thôi thế là thôi, đành đi về và chờ...

Di tích Quán Vật (thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội)

Di tích Quán Vật (thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội)

Năm 2022. 16 năm sau ngày bị mất sắc phong, nhà sưu tập Đặng Vũ Khương đăng lên mạng xã hội nội dung thông tin của 8 đạo sắc thời Nguyễn, có địa chỉ chính xác và tên đình Tri Chỉ, đồng thời bày tỏ muốn tặng lại cho chính quyền và nhân dân địa phương. “Tìm lại được 8 đạo sắc thôi cũng đã sung sướng quá rồi, ầm hết cả làng lên, ai cũng vui. Thật bất ngờ và niềm vui cộng hưởng, sau một thời gian, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Dũng và Tiến sĩ Chu Xuân Giao dịch thêm những bản sắc đang được nhà sưu tập Đặng Vũ Khương lưu giữ thì tổng cộng có 22 đạo sắc của đình Tri Chỉ cả thảy” - cụ Phạm Vũ Đỉnh kể lại - “Lúc đó chúng tôi cũng bày tỏ nguyện vọng tìm lại thêm 5 đạo sắc thời nhà Tây Sơn, nhưng các nhà nghiên cứu giải thích lý do là những sắc của nhà Tây Sơn bây giờ hiếm lắm. Bởi lẽ, khi Vua Gia Long lên ngôi, lập ra nhà Nguyễn thì cái gì tồn dư từ thời Tây Sơn hầu hết đều bị phá bỏ. Đình làng Tri Chỉ còn giữ được 5 đạo sắc đến giờ là quá giỏi. Thêm nữa, sắc phong thời Tây Sơn thường không ghi rõ địa danh cụ thể như thời Nguyễn, nên rất khó tìm. Sắc cầm đây rồi nhưng cũng chưa biết có phải thật sự của đình làng mình không. Nhưng thôi, 22 đạo sắc sau 16 năm mất cắp bằng một sự thần kỳ đến không ngờ đã quay trở về. Tìm lại được sắc phong như là hồn cốt của ngôi đình đã trở về”.

Đình Tri Chỉ thờ Linh Lang đại vương là một võ tướng thời Lý (chính là hoàng tử Hoằng Chân). Thần đã chiến đấu dũng cảm trên dòng sông Như Nguyệt trên trận tuyến sông Cầu chống quân Tống xâm lược. Thần đã hy sinh anh dũng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhà Vua vô cùng thương tiếc ban phong sắc chỉ, truyền các nơi thờ phụng để nhớ công đức. Đình Tri Chỉ thờ Ngài làm Thành hoàng làng. Ngoài thờ Linh Lang đại vương, đình Tri Chỉ phối hợp thờ các vị Đông Hải, Thủy Hải là những người tài cao học rộng, dũng cảm phò Vua Lê trong công cuộc chống quân xâm lược nhà Minh thế kỷ XV.

Đình Tri Chỉ cơ bản vẫn giữ được những nét cổ kính gồm các ngôi đại bái, trung cung và hậu cung. Ngôi đại bái có cấu trúc mặt bằng hình chữ Nhất, gồm có ba gian hai chái. Kiến trúc bên ngoài xây tường hồi vỉ ruồi tay ngai, bốn mái đao cong, lợp ngói mũi. Kết cấu bộ khung bên trong bốn hàng chân cột gỗ, sáu bộ vì với tổng số 24 cột bằng gỗ tứ thiết. Cột gỗ vì giữa có đấu vuông thót đáy là dấu tích còn lại từ thời Lê. Trên thượng lương còn ghi dòng chữ Hán cho biết thời điểm khởi dựng ngôi đình là năm 1771; đến thời Nguyễn năm 1886, 1940, đình được tu sửa và tôn tạo lần cuối vào năm 1988 để có quy mô di tích như hiện nay.

Cấu trúc các bộ vì làm theo kiểu thức thượng rường cốn, hạ bẩy. Điêu khắc nghệ thuật tập trung trên bốn câu đầu dư đục chạm đầu rồng và bức cốn trên hai bộ vì gian giữa trang trí các khối chạm voi, rồng, phượng mang phong cách nghệ thuật thời Lê Trung hưng. Ngoài ra trên cốn, đầu bẩy còn được đục chạm các điển tích tứ linh long, ly, quy, phượng và tứ quý tùng, cúc, trúc, mai miêu tả con rồng đuôi xoắn, bờm rậm, mặt nom dữ tợn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn muộn. Đặc điểm kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc trong đình Tri Chỉ có những mảng khối tương đối rõ nét của hai thời Lê - Nguyễn. Với những giá trị của mình, đình Tri Chỉ được xếp hạng cấp Quốc gia năm 1985.

Người dân thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội chuẩn bị các công đoạn cho thời khắc đón 2 đạo sắc phong thời Nguyễn trở về Ảnh: Trần Quân

Người dân thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội chuẩn bị các công đoạn cho thời khắc đón 2 đạo sắc phong thời Nguyễn trở về Ảnh: Trần Quân

Diện kiến “báu vật” trở về với Quán Vật

Cũng là may mắn, trong quá trình tìm kiếm tư liệu cho loạt bài viết này, chúng tôi tình cờ được tham dự Lễ trao tặng hai đạo sắc phong thời Nguyễn cho di tích Quán Vật (thôn Đồng Nanh, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) từ nhà sưu tập Bùi Văn Quang (Nam Định) vào ngày 25-7-2023. Lễ trao tặng diễn ra trước ngày giỗ đức Thánh của Quán Vật đúng một ngày.

Cụ Phạm Vũ Đỉnh (người dân làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) - người từng có thời gian dài trông coi đình kể lại, làng Tri Chỉ vốn có 28 đạo sắc. 22 đạo sắc do các đời vua nhà Nguyễn ban phong. 6 đạo còn lại là của triều Tây Sơn. Cái ngày xảy ra mất sắc là một buổi chiều ngày 29-10-2006. Hôm đó, thanh niên trong làng vẫn tụ tập ở sân đình đánh cầu lông như mọi khi, trẻ con vẫn chạy chơi quanh đó. Cụ từ đình năm ấy chỉ tranh thủ về nhà ăn cơm lúc trời nhập nhoạng tối, chừng 2 tiếng đồng hồ thôi. Thế mà, ra đến nơi trộm đã phá tung cả 2 lần cửa khóa, vào hậu cung lấy cả 28 đạo sắc mang đi.

Cụ Phạm Quang Vinh kể lại, thời điểm 2006 còn đang làm Phó Chủ tịch xã Tri Trung. Ngày ấy, cụ cùng người dân trong làng ngược xuôi tìm sắc, hỏi hết từ những tay chơi cổ vật quanh vùng cho đến ngoài Hà Nội. Việc tìm kiếm vô vọng đến nỗi phải nhờ đến “niềm tin tâm linh” kiểu như “đông tây y tử vi kết hợp cúng bái”. Khi đó, cụ đại diện cho chính quyền địa phương cùng vài người làng đi gặp một nhà ngoại cảm nổi tiếng ở Hải Dương. Cũng phải lần mò qua vài mối quan hệ để “có lời”… nhờ, xếp hàng mãi mới đến lượt vào gặp nhà ngoại cảm. Nhà ngoại cảm ở Hải Dương lúc đó phán: “Về đi, bây giờ chưa thấy, nhưng rồi sẽ thấy!”. “Đoàn quân” đi tìm sắc phong của cụ Vinh thôi thế là thôi, đành đi về và chờ...

Cụ Vũ Đình Thức vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa kể rằng, nhận được thêm 2 đạo sắc nữa từ nhà sưu tập Bùi Văn Quang không chỉ người già trong thôn đâu mà người trẻ cũng vui lắm. Đây này, cụ nói rồi lấy tay chỉ, cả khoảng sân rộng của Quán Vật hôm nay ngày sắc phong trở về toàn thanh niên trai trắng đỡ đần việc Thánh. Người thì cắt mấy nải chuối xanh ra khỏi buồng, người thì đồ xôi, đóng oản. Kiệu đã được khênh ra giữa sân, chuẩn bị sẵn cho lễ rước tế vào ngày hôm sau. Cụ Thức bảo, di tích làng tôi, tưởng giữ được 2 đạo sắc vua ban đã quý, giờ lại có thêm hai đạo nữa thì chẳng còn niềm vui nào lớn hơn thế!

Quán Vật (thôn Đồng Nanh) nằm trên núi Đồng Nanh, xưa kia gọi là núi Mã Yên. Đứng từ sân Quán Vật bây giờ, có thể phóng tầm mắt ra nhìn khắp cả cánh đồng trước mặt rộng lớn, nhìn được cả sang “bên kia” là trung tâm Hà Nội, nơi có những tòa nhà bê tông cao lừng lững, chen chúc nhau đứng. Ông Nguyễn Hữu An - một trong những thủ từ của Quán Vật cho biết, ngôi quán với lối kiến trúc độc đáo này là 1 trong 5 quán và đình của xã Tiên Phương ngày nay, xưa là Tiên Lữ, thờ Ngũ vị Đại vương, gắn liền với thánh tích chùa Trăm Gian từ thời nhà Trần. Tương truyền, khoảng năm 1310 thời Trần Anh Tông, vua cho xem địa thế đất, xây dựng chùa Trăm Gian đồng thời cho thờ Ngũ phương để trấn yểm nhằm giữ cho chùa và nhân dân Tiên Lữ được bình yên. Do đó, Quán Vật cũng được khởi dựng từ thời điểm này thờ Đức Nam phương đại vương hay còn gọi là Mã Yên cao sơn đại vương.

Qua các triều đại, Đức Nam Phương được thờ ở Quán Vật có nhiều lần hiển linh giúp Vua Trần và các triều đại sau này đánh thắng giặc ngoại xâm nên được vua và các triều đại sau này ban cấp sắc phong là Thượng đẳng thần. Có một điều rất đặc biệt về nội dung của sắc phong ở Quán Vật là, dù là đời vua nào phong thì cũng có hai đạo sắc giống hệt nhau cả về ngày tháng, chỉ khác nhau một chữ “Nội thôn” hoặc “Thượng thôn” mà thôi. Điều này được các cụ trong làng giải thích rằng, thời phong kiến, Tiên Lữ chia làm hai thôn Thượng thôn và Nội thôn đồng thời cũng chia ra làm Đông Lý và Nam Lý cai quản và lo việc cúng tế, xây dựng Quán Vật. Hàng năm luân phiên giữa Đông Lý và Nam Lý lo việc cúng tế. Cũng vì cả hai thôn đều lo việc tế lễ và xây dựng Quán Vật nên các triều đại cũng đã cùng lúc ban cấp sắc phong cho cả hai thôn thờ phụng Đức Nam Phương. Cụ thể nhất là thời Sơn Tây và Vua Duy Tân.

Những người già ở thôn Đồng Nanh kể rằng, cụm di tích gồm 3 quán và 2 đình của xã có khoảng 12 sắc phong qua các triều đại. 10 đạo sắc còn lại mất khi nào, trong bối cảnh nào, thậm chí mất năm nào cũng không ai biết. Người thì bảo thời điểm mất vào khoảng những năm 90 của thế kỷ trước. Người thì khẳng định, chắc chắn phải mất vào khoảng những năm 60.

Rót chén trà đầy rồi đẩy đĩa trầu cau trước mặt chúng tôi mời, cụ Vũ Đình Thức vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa kể rằng, nhận được thêm 2 đạo sắc nữa từ nhà sưu tập Bùi Văn Quang không chỉ người già trong thôn đâu mà người trẻ cũng vui lắm. Đây này, cụ nói rồi lấy tay chỉ, cả khoảng sân rộng của Quán Vật hôm nay ngày sắc phong trở về toàn thanh niên trai tráng đỡ đần việc Thánh. Người thì cắt mấy nải chuối xanh ra khỏi buồng, người thì đồ xôi, đóng oản. Kiệu đã được khênh ra giữa sân, chuẩn bị sẵn cho lễ rước tế vào ngày hôm sau. Cụ Thức bảo, di tích làng tôi, tưởng giữ được 2 đạo sắc vua ban đã quý, giờ lại có thêm hai đạo nữa thì chẳng còn niềm vui nào lớn hơn thế!

Nhà sưu tập Bùi Văn Quang hôm đó cũng có mặt ở thôn Đồng Nanh. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh bảo, không thể lý giải được việc vì sao anh lại “bén duyên” với sắc phong, đi thu mua, thuê dịch rồi mang đến tặng lại cho từng di tích. Mới hai hôm trước thôi, anh đã tặng lại 3 sắc phong cho Thanh Lãm, phường Phú Lãm, quận Hà Đông.

Tìm mua sắc phong, thuê người dịch, tìm đến từng địa danh ghi trên sắc để tìm cho đúng di tích, rồi liên hệ với địa phương và trao tặng… Nếu hiểu theo cách nghĩ thông thường, thì hẳn nhiên nhà sưu tập Bùi Văn Quang làm những việc này vì đam mê. Chúng tôi đã hỏi anh một câu theo đúng “công thức” của phỏng vấn báo chí, tức là mỗi khi làm xong được một việc có ý nghĩa như này, hẳn anh sẽ thấy lòng mình nhẹ nhõm thì nhận lại cái lắc đầu của anh: “Không! Tôi thấy thật nặng nề và mệt mỏi!”.

PGS.TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia: Bảo vệ sắc phong là bảo vệ di sản văn hóa

PGS.TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô

PGS.TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô

* Sắc phong thật sự là một báu vật được giữ kín

* Ứng xử cực đoan đối với di sản là câu chuyện có thật

* Chuyện mất sắc phong râm ran từ những năm 90 thế kỷ trước

* Công cuộc tìm lại cả “phần xác” lẫn “phần hồn” cho di tích

* Đề cao nhận thức sắc phong là di sản tư liệu thiêng

* Bảo vệ sắc phong là trách nhiệm của cả cộng đồng

Từ hòm sắc biến thành… hòm sắt

- Phóng viên: Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết sắc phong được bảo tồn qua các dòng họ, làng, xã… và vẫn luôn chờ đợi các cuộc khám phá sâu rộng hơn của đội ngũ chuyên gia nghiên cứu để khơi mở, làm giàu thêm ý nghĩa và giá trị của các đạo sắc phong. Vậy, sắc phong hình thành và tồn tại thế nào trong ký ức của bà, thưa Phó Viện trưởng?

- PGS.TS Phạm Lan Oanh - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia: Giữa niềm tin linh thiêng và gìn giữ di sản văn hóa, sắc phong thật sự là một báu vật được giữ kín. Tại sao vậy? Bởi những gì liên quan, gắn liền đến vua, thần thường rất thiêng liêng, là sự “kỵ húy” không được nhắc đến, hoặc bàn ra tán vào. “Kính thần như thần tại” là như vậy đó! Người lạ không được lại gần, người làng không có nhiệm vụ cũng không được tiếp cận, hoàn toàn không được biết trong đó có gì. Trong đình, chỉ có ông từ mới được chạm đến các đạo sắc phong. Trải qua thời gian, không gian trong hậu cung cũng vì thế mà bảo mật hoàn toàn, gọi là cung cấm một phần vì lẽ đó. Từ năm 1990 trở về trước hay thậm chí đến những năm 2000, những ông từ, người trông coi hương khói ở các nơi thờ tự là những bậc cao niên giữ nguyên tắc lắm, nên có khi nhìn thấy hòm sắc trong hậu cung cũng không dám mở ra xem, nếu vô tình có thấy cũng không biết nội dung là gì. Khi các đoàn công tác là cán bộ bảo tàng về di tích làm hồ sơ, đề nghị các cụ cho xem sắc phong thì rất nhiều thủ tục được diễn ra. Ông từ hoặc người trông coi di tích vào hậu cung, làm lễ, mời chính quyền địa phương, cán bộ văn hóa thôn, làng đủ đầy thành phần chứng kiến mới dám mở hòm lấy sắc phong cho “người lạ” xem…

Quay trở lại câu chuyện của tôi, bắt đầu đi làm tôi đã biết tới các đạo sắc phong khi đến các di tích đình, đền, nghè… Thường sắc phong được lưu giữ tại đình, đôi khi được cất tại nghè, miếu hoặc từ đường dòng họ, thậm chí có trường hợp cất tại nhà riêng của người trông coi di tích. Thực tế được trải nghiệm mới thấy, chỉ đến lúc cán bộ văn hóa tiếp cận hòm sắc mới biết được có bao nhiêu sắc phong, đời nào, nội dung gì... Sự tôn kính quá mức lại thành bất ổn bởi lẽ, các đạo sắc mỏng manh được gìn giữ “nghiêm ngặt” trong chiếc hòm sắc đôi khi bị mất cắp lúc nào cũng chẳng hay! Một hòm sắc chuẩn được làm bằng chất liệu gỗ, sơn son. Nhưng thực tế, rất nhiều sắc phong được bọc gói kín bằng túi nilon và đựng trong hòm bằng sắt tây để trong hậu cung. Vậy là từ hòm sắc biến thành hòm sắt!

- Theo ý Phó Viện trưởng, việc “mất cắp bất cứ lúc nào” có phải xuất phát từ cả nguyên nhân trong ý niệm cực đoan về bảo quản đồ thờ, mà cụ thể ở đây là các đạo sắc phong?

- Ứng xử rất cực đoan đối với di sản là câu chuyện có thật. Trong quá trình điền dã của chúng tôi, thực sự nhiều cụ từ “ngại cho xem” sắc phong. Nguyên do vì giữ tính thiêng thì như tôi đã trình bày ở trên, thêm nữa cũng có chuyện các cụ kể lại rằng, có đoàn cán bộ văn hóa đến, mở hòm sắt cho xem đạo sắc phong, mấy tháng sau các đạo sắc bỗng dưng… biến mất. Mà đúng thế thật, chuyện sắc phong bị mất trộm đâu có xa lạ gì! Nhưng tất nhiên không phải vì có cán bộ văn hóa về làm việc phục vụ công tác nghiên cứu dẫn đến mất trộm! Chúng tôi là các nhà nghiên cứu, làm công tác bảo vệ di sản chứ có phải những “kẻ môi giới” cho các đối tượng trộm cắp đâu! Mất sắc phong là câu chuyện không hề đơn giản khi truy tìm nguyên do.

Ngày 30-10-2022, người dân làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội tổ chức đại lễ mừng 22 đạo sắc sau 16 năm lưu lạc ngoài nhân gian đã trở về với đình làng

Ngày 30-10-2022, người dân làng Tri Chỉ, xã Tri Trung, huyện Phú Xuyên, Hà Nội tổ chức đại lễ mừng 22 đạo sắc sau 16 năm lưu lạc ngoài nhân gian đã trở về với đình làng

- Theo Phó Viện trưởng, công tác gìn giữ, bảo vệ các đạo sắc phong tại các nơi thờ tự ngoài việc cực đoan còn thực trạng gì nữa không?

- Cực đoan là cho sắc phong vào hòm sắt, cất vào két, xoay mã, khóa chặt. Không ai được xem, chẳng ai được tiếp cận, nhiều năm chẳng mở ra xem trong ruột còn hay mất, thực trạng thế nào. Nhiều người dân không hề biết làng, xã mình có bao nhiêu sắc phong, không biết sắc được phong cho ai, nội dung trong đó viết gì, đúng sai như thế nào. Thời kỳ cải cách ruộng đất, rồi sang Đổi mới, nhiều đồ thờ tự trong quá trình tiêu thổ kháng chiến được dồn về một nơi, di tích nào thiêng thì đưa vào, có thể là chùa, đình, đền, nghè… Giai đoạn này, đình hoặc nghè, là nhiều đồ thờ tự nhất, cất hết vào hòm sắt, niêm phong, khóa chặt, miễn là không mất là được, có gì, còn gì không ai biết, chẳng ai hay. Từ đó dẫn đến việc bảo quản đồ thờ nói chung và các đạo sắc phong nói riêng rất lộn xộn.

Sắc phong được quan tâm trong bối cảnh phục dựng di tích

- Đến khi nào thì đạo sắc phong được người dân địa phương thực sự quan tâm?

- Trong bối cảnh phục dựng di tích. Thứ nhất, trước năm 1954, chúng ta có đình, đền, miếu…; đình bị phá nhưng vẫn may mắn còn lại nhiều nhất, nhưng đền, miếu… bị hư hỏng hoặc mất hết! Trên nền di tích cũ, chính quyền địa phương và người dân có ý định xây dựng lại và bắt đầu đi tìm bằng chứng để được cấp phép xây dựng. Thứ hai, sau khi di tích được phục dựng, sắc phong còn lại là một trong những chứng cứ đắt giá để xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố, quốc gia. Quá trình ấy phục vụ cho công cuộc tìm lại cả “phần xác” lẫn “phần hồn”. Không chỉ sắc phong, từ “ngọc phả”, “thần tích”…, tất tần tật những gì liên quan đến di tích đều được tìm kiếm. Lúc này cơ quan nghiên cứu, giới chuyên môn, cán bộ bảo tàng mới vào cuộc vì hàng năm vẫn được cấp ngân sách phục vụ công tác chuyên môn, mà ở đây là quá trình làm hồ sơ di tích. Tiếp nữa, gắn với các di tích lịch sử - văn hóa của làng, xã không thể thiếu lễ hội nhằm góp phần bảo lưu, phục hồi những nét đẹp truyền thống trong đời sống cộng đồng. Thế là, những câu chuyện gắn với các vua quan, thần thánh xuất hiện để phục dựng lễ hội. Bằng cách nào? Người dân mới nảy sinh ra nhu cầu tìm lại lai lịch thần hoàng làng hoặc thánh thần địa phương. Vậy họ tìm ở đâu? Tìm ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội; các bảo tàng tỉnh, thành phố; các Sở Văn hóa…; thậm chí tìm ở các nhà sưu tập tư nhân và ở thư viện nước ngoài. Trong số này, Viện Thông tin Khoa học Xã hội có nhiều công trình nghiên cứu nhất, được kế thừa tư liệu và sau đó tập hợp in trong 2 tập thư mục về “thần tích, thần sắc” của Viện Viễn Đông Bác cổ từ năm 1938. Chính quyền địa phương nhờ cán bộ bảo tàng tìm tư liệu, chụp lại, phục dựng và rước về làng, xã để thờ phụng, hợp thức hóa lai lịch của các vị thần. Nhờ quá trình truy tìm sắc phong, rất nhiều địa phương đã thành công trong việc đưa trở lại những sắc phong đã bị mất lâu nay về đúng địa chỉ, hoặc có được những thông tin đắt giá, đáng tin cậy về những sắc phong đã từng có ở địa phương, mang lại niềm tự hào cho cộng đồng.

- Trong hành trình tìm lại “phần hồn” cho di tích, sắc phong có giá trị quan trọng như thế nào?

Sắc phong là một hiện vật đặc biệt trong di tích

“Sắc phong là loại văn bản tư liệu chữ viết của Triều đình Nhà nước phong kiến dành phong tặng cho hệ thống thần linh đất nước và những cá nhân có công lao xuất sắc trong gia tộc, dòng họ. Sắc phong cùng với hệ thống hoành phi, câu đối, ngọc phả, truyền thuyết địa phương... khiến cho việc nhận diện khuôn diện tín ngưỡng, tâm linh của cha ông ta trở nên có bề dày và cơ sở đáng tin cậy. Câu chuyện về sắc phong cũng không kém phần ly kỳ, mất khi nào không ai biết, mất cách nào không ai hay nhưng lại trở về đúng nơi xuất phát một cách thần kỳ - “kính thần như thần tại”. Bảo vệ sắc phong là bảo vệ di sản văn hóa, là trách nhiệm của toàn thể cộng đồng”.

PGS.TS Phạm Lan Oanh (Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia)

- Câu chuyện sắc phong lúc này mới đặt ra một cách cấp thiết. Bởi vì làng thờ ai? Có sắc phong không? Thực tế làng có nhiều sắc phong chứng tỏ có các vị thành hoàng làng có bề dày công trạng được các triều đại phong kiến công nhận. Từ nhu cầu chính đáng đó bắt đầu nảy sinh câu chuyện rất đáng suy ngẫm. Đó là dân số người Việt ở Bắc bộ có quy mô “nở”, cứ sau 10 - 20 - 30 năm dân số ở làng ngày một tăng lên, khoảng 50 - 100 nóc nhà là bắt đầu hình thành nên các xóm, trại, thôn, làng mới. Mà đã là làng thì phải có đình - là nơi tụ họp toàn dân, chùa - nơi thờ Phật, nơi nào thờ thần thì xây dựng đền, miếu, có học vấn thì xây văn chỉ, văn từ… Thực tế là quy mô dân số tăng lên sẽ hình thành các thiết chế tâm linh mới phục vụ “phần hồn” trong đời sống người dân. Việc làm đơn giản nhất là quay về chốn xưa làng cũ để xin sao chép ngọc phả. Từ những năm 1938, trong cuộc điều tra của Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, bản khai “thần tích, thần phả” được viết lại bằng chữ Quốc ngữ, chữ Hán Nôm, chữ Pháp, có dấu triện của chính quyền địa phương. Sau này, người dân tìm kiếm từ kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội sao ra để thờ tự. Thế nhưng, làng mới thì lấy đâu ra sắc phong, họ chỉ có thể sao chép “ngọc phả” mà thôi (?!). Chỉ làng gốc mới có sắc phong. Có khi tại làng gốc bị mất sắc phong tự bao giờ còn chẳng biết thì làng mới lấy đâu mà sao chép (?!). Sao chép bằng cách nào (?!). Bởi vậy, giá trị của sắc phong đối với các địa phương càng trở nên quý giá!

Chuyện mất sắc phong lâu rồi, hơn 30 năm nay rồi…

- Vậy chuyện thờ phụng chung sắc phong, chung ngọc phả là có thật?

- Lịch sử hình thành làng, xã có từ rất lâu đời. Sự đa dạng của cơ cấu làng, xã liên quan trực tiếp đến việc chính danh cho các vị thần được thờ phụng ở các địa phương, bằng việc khẳng định các chức danh Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần hay Hạ đẳng thần. Một vị thần có thể từ Hạ đẳng thần, qua năm tháng được “thăng hạng” lên Trung đẳng thần, được ban thêm mỹ tự rồi lên Thượng đẳng thần. Vì vậy, 1 vị thần 10 làng đều thờ dù các làng đó ở cùng hoặc ở các tổng/huyện khác nhau là chuyện hết sức bình thường. Có làng thờ chính, các làng khác chỉ đến góp lễ và rước kiệu về. Hoặc có những vị thần không phải chỉ có một làng thờ mà tầm quốc tế - (tức là vua về tế lễ). Bình thường là quan đầu tỉnh, đầu huyện tế, có những năm vua đích thân về tế chứ không phải làng, xã tế thần.

Về chuyện sắc phong, 3 làng, 10 làng thờ một vị thần nhưng sắc phong chỉ có một làng nhận ân điển, các làng còn lại do quy mô dân cư “giãn, nở” thì sẽ rước vòng quanh, luân phiên giữ sắc phong, ai giữ phải có trách nhiệm bảo vệ an toàn. Nhưng cũng có chuyện, làng tôi là “anh cả/dân tạo lệ” nên có quyền giữ mãi mãi, làng khác phận “làm em” thì đi xin sao chép để làng anh anh giữ, làng em em giữ. Tuy nhiên, theo lệ xưa, chỉ sao chép ngọc phả chứ không được sao chép sắc phong. Vẫn chuyện sắc phong, khi tổ chức lễ hội thì sắc vẫn “đâu yên vị đó”, không mở, không khoe vì các thông tin trong ngọc phả đã được thể hiện trong văn tế đúng niên hiệu, mỹ tự của các thần rồi. Sắc phong vô hình trung là câu chuyện bí mật, hầu như không bao giờ được đề cập đến. Lưu ý, ngọc phả là nội dung liên quan tới các vị thánh thần được thờ tại di tích đó hoặc vùng, miền đó có liên hệ rất chặt chẽ với truyền thuyết địa phương. Nhiều làng, xã có chung ngọc phả nhưng không phải làng, xã nào cũng có sắc phong. Thế nên chung sắc phong là chuyện hy hữu, chung ngọc phả là chuyện bình thường.

Từ những năm 90 thế kỷ trước, khi lễ hội rầm rộ trở lại là râm ran chuyện mất sắc phong. Nghĩa là, câu chuyện mất cắp sắc phong đã lâu lắm rồi! Không phải đến khi Đền Quốc tế ở thôn Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ hay đình Hữu Bằng, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội mất sắc phong, được bán đấu giá ở Trung Quốc gây xôn xao dư luận mới tá hỏa “lạ thay”! Chuyện này lâu rồi, hơn 30 năm nay rồi…

- Chuyện diễn ra lâu, nhưng không phải ai cũng biết, chỉ đến khi Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” phát đi thông tin đấu giá trong đó có những đạo sắc là hiện vật gốc có nguồn gốc của Việt Nam vào lúc 9h30 ngày 22-4-2023 thì đó thật sự là nguy cơ hiện hữu?

- Tôi không chủ quan để nói nhiều người biết, cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý, bảo tàng, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, giới trong nghề… đều biết. Một phần nơi bị mất sẽ báo, cũng có chỗ mang tâm lý giấu giếm thông tin, nhưng nếu đã mất kiểu gì cũng bị lộ ra. Mới đây, khi chúng tôi đi khảo sát một số làng ở huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa, nhờ các cụ mang hết sắc phong ra cho kiểm tra, bỗng dưng thấy có thêm một sắc phong “mới”, hóa ra là có từ lâu rồi nhưng các cụ giữ bí mật nhất quyết không kê khai, hoặc kê khai “thiếu sót”, “đếm nhầm”… Điều đó có nghĩa, việc quản lý di sản, đặc biệt là sắc phong ở nhiều địa phương khá là/hoặc rất là… hời hợt. Thời gian gần đây, khi thông tin báo chí “bùng lên”, dư luận xôn xao về chuyện mất sắc phong như “thông tin giật gân”, nhưng các nhà nghiên cứu, quản lý, bảo tồn di sản đã phải đối mặt từ nhiều năm rồi.

Dự kiến, năm 2024, Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi Luật Di sản văn hóa. Chúng tôi đã nghiên cứu để góp ý xây dựng Luật hơn 2 năm nay, cẩn thận, tỉ mỉ, chi tiết, dự kiến đến tháng 12-2023, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải góp ý xong để hoàn thiện trình Chính phủ. Thực sự đang có rất nhiều việc trên phương diện nghiên cứu được các chuyên gia đặt ra mà chưa xử lý được. Đơn cử, sắc thật đã mất, nhiều nơi có bản chụp hình ảnh nội dung sắc phong, nếu in ra mang về đình thờ thì có được không? Có bị quy là nhái, làm giả sắc của chính địa phương mình không? Có đóng dấu đỏ không? Chất liệu giấy gì, giấy sắc trang trí có đúng niên đại không? Ai làm dịch vụ sao sắc, phục chế sắc… Sắc để ở hậu cung hay treo tường để mọi người cùng biết?... Đây là các vấn đề đã đặt ra từ thực tiễn.

Sắc phong là di sản văn hóa vật thể, nhưng thực hành thờ cúng lại là di sản văn hóa phi vật thể. Niềm tự hào là có thật, nguyện vọng của người dân là chính đáng, nhưng nguyên tắc cũng phải đúng. Câu hỏi đặt ra là làm gì để không vi phạm luật? Sửa đổi luật là trách nhiệm của cơ quan quản lý. Quan trọng nhất là chúng ta sửa đổi luật thế nào để cập nhật, theo kịp được những thực tiễn đặt ra từ công tác quản lý di sản văn hóa trong bối cảnh biến đổi của xã hội hiện nay mà vẫn đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân, tránh sự tự phát dẫn đến vi phạm luật.

Thời gian gần đây, tính chất nghiêm trọng của chuyện mất sắc phong được đẩy lên cao trong sự bức xúc. Nhưng thực ra về phương diện quản lý xã hội thì không có gì bất ngờ, chỉ có điều, chúng ta chưa có quy định trong luật, chưa trở thành chủ đề “nóng” cho mọi người cùng luận bàn. Sắc phong khác nhiều so với những hiện vật đã được công nhận bảo vật quốc gia. Ví dụ như thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế ở dạng “nhất thi nhất họa”, “nhất tự nhất họa” ở cố đô Huế được công nhận di sản văn hóa, là niềm tự hào của quốc gia. Phục chế như thế nào, quy định, tỷ lệ, đánh số, Luật Di sản văn hóa, Luật Sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả đều có rồi (và có thể tham chiếu với các quy định của những nước tiên tiến trên thế giới), nhưng rõ ràng việc tích hợp các luật hay các nghị định chưa gắn với đời sống tâm linh làng, xã mà thường có xu hướng gắn với sản phẩm công nghiệp văn hóa, sản phẩm có tính chất thương mại nhiều hơn.

Thất thoát di sản văn hóa một cách đáng tiếc xảy ra tại cộng đồng

- Mất hàng chục năm về trước, ai cũng biết, vậy tại sao tới tận bây giờ chúng ta mới bàn thảo vấn đề sửa luật?

- Bởi vì chưa thực sự bức xúc ở phạm vi toàn xã hội, thậm chí là ở cả nước ngoài do truyền thông bây giờ quá nhanh!

- Vậy thời điểm này đã đủ cấp thiết, thưa Phó Viện trưởng?

- Rất cấp thiết. Thực ra trước đây mảng di tích và các di vật phụ thuộc (hiểu là đồ thờ tự trong di tích) đã “nóng”, đến bây giờ vẫn “nóng” và trong tương lai càng “nóng”. Mất tượng, mất sắc phong, mất đồ thờ như là đỉnh đồng, lư hương, chóe cổ, bình hoa cổ… đều đã xảy ra. Có những nơi may mắn thì mua/chuộc được về. Có những nơi cực kỳ may mắn thì chính kẻ trộm mang trả lại di tích đồ đánh cắp với tâm thế sám hối ăn năn. Nhưng rất nhiều nơi, đồ thờ đã mất không bao giờ có cơ hội tìm lại. Đây chính là hiện tượng thất thoát di sản văn hóa một cách đáng tiếc xảy ra tại cộng đồng.

- Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu, Phó Viện trưởng đánh giá như thế nào về việc sửa đổi Luật Di sản văn hóa?

- Chắc chắn phải sửa luật. Trong những giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19 diễn ra, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cụ thể là Cục Di sản văn hóa vô cùng tích cực, làm trong âm thầm nhiều năm liền, họp bàn tới hàng chục lần mới ra được một dự thảo. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu vô cùng quan tâm, như cá nhân tôi, chỉ tính riêng Chương về Di sản phi vật thể đã góp ý bằng nhiều hình thức tới cả chục lần rồi.

Vậy giới nghiên cứu đề xuất việc bảo vệ sắc phong được lợi gì? Tôi khẳng định rất được lợi bởi câu chuyện sắc phong là chỉ một ví dụ, giống như đồ thờ trong di tích, như hoành phi, câu đối, y môn, cửa võng, bình phong…, rồi còn sách đồng, “ngọc phả” giấy dó 300-400 năm đã được chụp chiếu để lưu giữ.

Hiện tại, UNESCO phân loại di sản văn hóa phi vật thể có 5 loại, nhưng Luật Di sản văn hóa về nội dung phi vật thể của mình phân ra 7 loại. Có loại vừa là vật thể, vừa là phi vật thể như hoành phi, câu đối, sách cổ, minh văn trên bia, trên đá, chuông đồng, bát hương… thì xếp vào loại gì? Đòn Kiệu thời Hậu Lê đã 300 năm bị mối mọt hết có thay/làm mới được không? Bát hương, hoành phi, câu đối, nhang án… có được làm y như thật không?... Vậy luật nên bổ sung thêm di sản tư liệu dù đề xuất này vẫn đang có nhiều tranh luận. Tất cả phải được tích hợp với các liên quan gắn với trường hợp cụ thể là sắc phong để phân loại. Khi đưa ý kiến góp ý về di sản văn hóa phi vật thể, theo tôi cũng nên phân theo 5 loại để tương đồng với thế giới, ủng hộ một chương viết kỹ hơn về di sản tư liệu.

- Nếu Luật Di sản văn hóa được thông qua thì di sản như sắc phong sẽ được bảo vệ như thế nào?

- Đại hội XIII của Đảng đã ra Nghị quyết khẳng định vị thế của văn hóa. Kế thừa và tiếp nối tinh thần của Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời năm 1943, chúng ta nên đề cao nhận thức sắc phong là di sản tư liệu thiêng. Sắc phong gốc ở di tích nào thì địa phương ấy phải là nơi bảo vệ, gìn giữ một cách an toàn nhất. Địa phương để mất sắc phong nói riêng, cũng như các vật thiêng, bảo vật, cổ vật trong di tích nói chung phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. Cơ quan quản lý văn hóa, ở đây có trách nhiệm của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phải tổng rà soát, kiểm đếm khoa học định kỳ, dịch nghĩa, số hóa, dù tiêu tốn ngân sách vẫn phải làm đối với sắc phong cũng như các di sản văn hóa hiện tồn ở địa phương - đó là một trong những giải pháp hữu hiệu mà đã được quy định trong luật. Bảo vệ sắc phong là trách nhiệm không của riêng ai, mà phải của cả cộng đồng!

(Còn nữa)