Hành trình theo dấu vua ban đưa sắc phong trở về (1): Lần theo dấu vết các đạo sắc phong bên ngoài lãnh thổ Việt Nam

ANTD.VN - Tháng 4-2023, nhà nghiên cứu “tay ngang” Trần Ngọc Đông (Thị trấn Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phúc) đưa ra những thông tin rất cụ thể về phiên đấu giá “Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm” của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn”. Rà lại lịch sử giao dịch được website của nhà đấu giá Trung Quốc đăng tải có cả thảy 102 đạo sắc có nguồn gốc từ Việt Nam đã, đang và sẽ đấu giá tại thời điểm đó. Địa phương có số lượng sắc lớn nhất có tên trên sàn đấu giá là Hà Nội với 31 đạo sắc thuộc các huyện: Thạch Thất, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Đan Phượng, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức và Gia Lâm (địa danh trước thuộc thôn Tế Xuyên, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh).

LỜI TÒA SOẠN

Cổ vật Việt Nam “bỗng dưng” xuất hiện trong các phiên đấu giá của nước ngoài vốn là việc không hề xa lạ. Những người yêu di sản, có ước mong bảo tồn văn hóa của dân tộc mỗi lần “va chạm” với thực tế phũ phàng này đương nhiên đau xót! Tiếc nuối đấy thì làm được gì (?!). Có kêu đến tuyệt vọng thì nạn trộm cắp cổ vật trong di tích, buôn lậu cổ vật ra nước ngoài cũng chẳng vì thế mà thuyên giảm đi được.

Thực tế phũ phàng hiện hữu ngay trung tuần tháng 4-2023, Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” công bố phiên đấu giá với tên gọi “Giấy cũ phồn hoa - Lịch sử văn hiến và bằng sắc trăm năm”. Phiên đấu giá có ký hiệu S23041 được ấn định ngày 22-4-2023 tại Khách sạn Majesty Plaza ở Thượng Hải. Đáng chú ý, trong số 672 món đồ bằng giấy được đấu giá, có 12 đạo sắc khả năng là hiện vật gốc, có nguồn gốc từ Việt Nam, trong đó có các đạo sắc ghi rõ địa chỉ huyện Tam Nông (Phú Thọ), Mỹ Đức, Gia Lâm (Hà Nội)…

Thông tin về phiên đấu giá công khai thực sự là cú “sốc” nặng nề cho những người yêu di sản, đặc biệt là các nhà quản lý văn hóa. Bởi lẽ, những cổ vật thông thường như cái bình, cái lọ hay bức tượng không thể “lên tiếng” về thân thế của mình, không thể “kể” được chuyện mình đã bị lấy đi như thế nào, nhưng sắc phong lại khác. Sắc phong có “duy danh định nghĩa” - tức là có tên, có tuổi, chủ nhân của sắc phong là ai, cùng với đó là nguồn gốc, niên đại được viết rõ ràng, chính xác tuyệt đối (sắc thời Nguyễn).

Đó là chuyện hiện tại, quay ngược thời gian về năm 2021, mấy chục đạo sắc phong vẫn còn nguyên vẹn trong đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ); hay vừa mới trước thời điểm giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19 năm 2021, hơn 25 đạo sắc còn vẹn nguyên ở đình Hữu Bằng (xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất), thậm chí đã được Sở Nội vụ TP Hà Nội đưa vào “Đề án sưu tầm tư liệu quý hiếm để bảo tồn”. Ấy vậy mà bước đi ngoảnh lại, chớp mắt một cái là các đạo sắc ấy đã “xuất ngoại” và “chễm chệ” trong cuộc đấu giá công khai ở nước ngoài.

Di sản Việt Nam bị đánh cắp trong nước, có mặt trong phiên đấu giá ở nước ngoài, xót xa ấy, không biết dùng ngôn từ nào diễn tả nổi!

Sắc phong là một hiện vật thiêng liêng trong di tích. Sắc phong được ví như “trái tim”, như “linh hồn” của di tích. Bởi vậy, đạo sắc luôn được đặt trong hậu cung, vị trí thiêng liêng nhất của ngôi đình. Chỉ khi có lễ trọng, hộp sắc mới được cẩn trọng mở ra, để cẩn cáo với trời đất, thánh thần, có khi là mỗi năm một lần, không thì vài năm mới may mắn thấy một lần.

Sắc phong được cho là ở đền Quốc Tế, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ được Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” giới thiệu trong phiên đấu giá (Ảnh: Yangming Auction)

Sắc phong được cho là ở đền Quốc Tế, xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ được Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” giới thiệu trong phiên đấu giá (Ảnh: Yangming Auction)

Cuộc sống ngày càng đổi thay theo hướng tích cực, nhưng mặt trái của nó phải nhìn thẳng và nói thật, đó là không gian linh thiêng bị xâm hại một cách trắng trợn không thương tiếc. Đình làng - di tích vốn tồn tại, hiện hữu trong những thiết chế mở thì nay cửa đóng then cài để… chống trộm. Nhưng kể cả tường có cao, cửa có chắc, khóa có chặt thì những gì trong đình làng có thể hoán đổi ra tiền thì kẻ gian vẫn rình mò ghé thăm. Chưa hết, ngoài việc phải tự mình đối mặt với “phường trộm, kẻ cắp” thì sắc phong, thứ được coi là “tối linh” còn phải đối diện với muôn vàn thách thức khác đến từ thiên nhiên khắc nghiệt, khí hậu ẩm, nồm, mốc đặc trưng của xử sở nhiệt đới gió mùa. Không hiếm các địa phương, sau bao năm kiêng kị “cấm động chạm vào hiện vật”, đến một ngày mở hòm, sắc phong hình rồng 5 móng chỉ còn lại những mảnh vụn mục nát, sắc thì mối mọt “ăn ruỗng” hết cả.

Quay trở lại với “cú sốc” mang tên “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” đã thực sự gây choáng váng cho nền bảo tồn di sản Việt Nam, nhưng người lạc quan thì lại suy nghĩ rằng - đôi khi là cần thiết, là “giáo cụ trực quan sinh động” để “đánh thức” chúng ta thấy được, nhìn vào và sửa mình. Dân tộc Việt Nam đã phải trải qua biết bao hy sinh, gian khổ suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, phải gồng mình đối diện với biết bao cuộc chiến để bảo vệ độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ. Trải qua bao binh biến thăng trầm, qua tiêu thổ kháng chiến, vẫn còn nguyên bao di sản tinh thần lẫn vật chất, vậy mà, hòa bình và phát triển, di sản lại mất mát, mai một, tàn phai nhanh đến vậy sao (?!). Phải chăng là điều đáng trách lắm hay sao (?!).

Sắc phong thần được Công ty đấu giá giới thiệu của Vua Thiệu Trị, ban năm 1844 (Ảnh: Yangming Auction)

Sắc phong thần được Công ty đấu giá giới thiệu của Vua Thiệu Trị, ban năm 1844 (Ảnh: Yangming Auction)

Không bao giờ là quá muộn khi đặt vấn đề bảo tồn di sản văn hóa - đặc biệt quý giá thì phải giữ cho chặt, nắm cho chắc. Bây giờ chính là lúc, toàn bộ hệ thống sắc phong còn lại của di tích phải được bảo vệ theo một chuẩn riêng, chứ không thể cứ mãi coi đó như một hiện vật đơn thuần trong di tích với chế độ và hình thức bảo quản tương đương với ngói với gỗ hay đầu đao, gác mái. Sắc phong phải được nhìn nhận ở cả hai chiều di sản phi vật thể và di sản vật thể.

Trong các “Group” (hội, nhóm) liên quan đến di sản Việt thì chẳng ai lạ gì Trần Ngọc Đông - một thành viên trẻ tuổi, nhiệt tình và năng nổ. Các thông tin phát ra từ Đông bao giờ cũng mang tính học thuật, chính xác và đầy đủ sự tin cậy. Và câu chuyện sắc phong Việt Nam xuất hiện trên sàn đấu giá nước ngoài đầu tháng 4-2023 như đã đề cập ở trên, không ai khác, chính Trần Ngọc Đông là người đầu tiên lên tiếng. Cũng xuất phát từ những lời cảnh báo, những thông tin mà Trần Ngọc Đông đưa ra khiến nhóm tác giả thực hiện tác phẩm này có thêm niềm tin, nhiệt huyết bước vào “Hành trình theo dấu vua ban đưa sắc phong trở về”.

Chuyện người khơi chuyện

Tất nhiên, để hiểu được ngọn ngành câu chuyện thì nhất định phải gặp bằng được người khơi chuyện. Bởi lẽ, nếu không có đam mê, nhiệt huyết và tình yêu đặc biệt đối với di sản, thì mấy ai như Trần Ngọc Đông - một người trẻ tuổi, một nhà nghiên cứu “tay ngang” lại tẩn mẩn, mò mẫm đi “soi” tận sàn đấu giá ở tận Trung Quốc.

Chúng tôi gặp và ngồi trò chuyện cùng Đông dưới mái đình Hương Canh cổ kính, thật tình cờ, trên bức tường đối diện có treo một khung ảnh, bên trong ghi lại danh sách 22 đạo sắc mà các vị vua từ triều Lê đến triều Nguyễn sắc phong cho 3 ngôi đình Hương Canh. Trần Ngọc Đông thở dài khi được hỏi về danh sách những gạch đầu dòng đang treo trên bức tường trong đình. 22 đạo sắc đó giờ lưu lạc phương nào hoặc mất trong hoàn cảnh nào thì buồn một nỗi, người làng Hương Canh bây giờ không ai biết. Nhưng cũng may sao, tất cả thông tin về các đạo sắc, thờ ai, vua nào ban, thời điểm nào của đình Hương Canh đều đã được lưu lại trong đợt điền dã “thần phả, thần tích” của Viện Viễn Đông Bác cổ (Pháp) từ năm 1938 thế kỷ trước.

Đình Tri Chỉ- Tri Trung Phú Xuyên từng có 27 đạo sắc bị mất năm 2006 và nay 22 đạo sắc đã trở về

Đình Tri Chỉ- Tri Trung Phú Xuyên từng có 27 đạo sắc bị mất năm 2006 và nay 22 đạo sắc đã trở về

Câu chuyện với Trần Ngọc Đông bắt đầu như thế! Và với Đông, thời điểm mới tròn 20 tuổi, chân ướt chân ráo từ Vĩnh Phúc về Hà Nội học đại học, “dắt lưng” chút kiến thức về Hán Nôm tự học đã tìm lại danh sách “thần phả, thần tích” của làng mình còn lưu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Viện Thông tin khoa học xã hội. “Việc làm ấy hình như hơi già so với tuổi của mình?” - Chúng tôi hỏi Đông thì câu trả lời đi kèm nụ cười của chàng trai ấy vẫn theo lối suy nghĩ “không thể già dặn hơn”: “Từ nhỏ, em lớn lên trong một ngôi làng giàu có với đình, chùa to lớn. Những ngày còn bé, sống bên mái đình làng được nghe các cụ kể những tích xưa chuyện cũ, cùng với sự đau đáu về việc hơn hai chục đạo sắc phong bị mất từ hồi kháng chiến chống Pháp. Nỗi niềm của lớp người xưa muốn tìm lại “phần hồn” của đình làng đã thôi thúc em tự mày mò, tìm hiểu về những tư liệu cũ của làng cũng là để biết làng mình còn thờ ai, lịch sử như thế nào”.

Trần Ngọc Đông thở dài khi được hỏi về danh sách những gạch đầu dòng đang treo trên bức tường trong đình. 22 đạo sắc đó giờ lưu lạc phương nào hoặc mất trong hoàn cảnh nào thì buồn một nỗi, người làng Hương Canh bây giờ không ai biết. Lâu nay đơn thuần chỉ nghĩ sắc phong Việt Nam nếu có thất lạc cũng chỉ loanh quanh đâu đó trong nước. Vậy mà đùng một cái, một người bạn trước kia học cùng lớp Hán Nôm với Đông là Bùi Quang Tuấn gửi cho cái ảnh sưu tầm trên mạng Internet có nội dung của sắc phong làng Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Lần mò tìm hiểu, trên tấm ảnh đó có tên một website đấu giá nước ngoài...

Nguyễn Tuấn Duy kể, xuất phát ban đầu là đam mê lịch sử, trong một lần tình cờ “lang thang” trên mạng Internet để tìm kiếm thông tin về lịch sử các triều đại phong kiến của Việt Nam tìm thấy những hiện vật cổ “hình như là của Việt Nam” ở một website của Nhật Bản. Không rõ vì sao, vào thời điểm nào mà 28 đạo sắc bị lưu lạc sang đất nước Nhật Bản. Hành trình di chuyển của các đạo sắc đến Nhật Bản bằng cách nào? Do chiến tranh loạn lạc hay do buôn bán cổ vật (?!).

Cũng giống như suy nghĩ của nhiều người, Trần Ngọc Đông kể lại rằng lâu nay đơn thuần chỉ nghĩ sắc phong Việt Nam nếu có thất lạc cũng chỉ loanh quanh đâu đó trong nước. Vậy mà đùng một cái, một người bạn trước kia học cùng lớp Hán Nôm với Đông là Bùi Quang Tuấn gửi cho cái ảnh sưu tầm trên mạng Internet có nội dung của sắc phong làng Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Lần mò tìm hiểu, trên tấm ảnh đó có tên một website đấu giá nước ngoài... Vốn thích Hán Nôm, từng có thời gian học tiếng Trung, lại có đam mê di sản văn hóa, Đông mày mò tìm lại các thông tin lịch sử, lại cũng đã từng có may mắn được xem qua ảnh sắc phong của đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) nên ngay lập tức Đông dò tìm theo địa chỉ trang web kể trên. Vào website mở rộng Dương Minh, thấy toàn là cổ vật… Tra thêm một hồi, đọc thấy các địa danh của Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Thọ, Hà Nam... Lại thấy cả sắc mang tên đình Hữu Bằng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) - nơi từng mất sắc phong vào năm 2021.

Trong số các đạo sắc có nguồn gốc từ Việt Nam được đem ra đấu giá, có sắc phong có giá khởi điểm là 2.000 Nhân dân tệ, có cái đã giao dịch xong, có cái chờ đến ngày 22-4-2023 mới đấu giá. Thời điểm Trần Ngọc Đông lên tiếng cảnh báo, lập tức ngay sau đó Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, các Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch có liên quan đã vào cuộc rà soát, xác minh, so sánh, đối chiếu. Sau khi Bộ ngoại giao Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã có những cuộc đàm phán, đại diện Cục Văn hóa và Du lịch Thượng Hải đã yêu cầu công ty đấu giá dừng bán đấu giá các hiện vật nói trên và sẵn sàng làm việc với cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp tục giải quyết các vấn đề liên quan. Đến nay, trên website của Công ty đấu giá “Thượng Hải Dương Minh phách mại hữu hạn” đã không còn tìm thấy thông tin liên quan đến các hiện vật, sắc phong khả năng có nguồn gốc từ Việt Nam. Trong văn bản gửi các tỉnh, thành phố có liên quan đến vụ đấu giá, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hoàng Đạo Cương nhận định, việc các cơ quan chức năng của Thượng Hải sớm đáp ứng yêu cầu của phía Việt Nam thể hiện thiện chí của nước bạn trong việc giải quyết vấn đề này

Cũng theo tìm hiểu của Trần Ngọc Đông, thị trường mua bán di sản tư liệu bao gồm sách cổ, giấy tờ cổ, bằng sắc… ở châu Á hiện khá sôi động. Nhiều công ty đấu giá “tung” người đi thu mua sách cổ, giấy tờ cổ… trên cả thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam phát hiện có sắc phong Việt được chào bán công khai trên một trang đấu giá. Và tất nhiên, ở Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung có cả nghìn công ty thu mua và bán đấu giá sách cổ, giấy tờ cổ... Nghĩa là, có hẳn một thị trường sôi động. Sắc phong, sách cổ “chảy máu” ra nước ngoài, không có công ty này mua thì doanh nghiệp khác mua, không có thị trường nước này mua thì nước khác sẽ mua mà thôi.

Các vị vua từ triều Lê đến triều Nguyễn ban 22 đạo sắc phong cho 3 ngôi đình Hương Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

Các vị vua từ triều Lê đến triều Nguyễn ban 22 đạo sắc phong cho 3 ngôi đình Hương Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

Sau khi có sự can thiệp của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Bộ Ngoại giao, các thông tin về sắc phong Việt Nam trên trang đấu giá nước ngoài đã bị gỡ bỏ. Cuộc đấu giá ngày 22-4-2023 tại Thượng Hải đã không diễn ra. Thông tin về hai sắc phong cuối cùng đang chờ đấu giá trong ngày hôm đó mang mã 2248, niên hiệu sắc phong Tự Đức (niên hiệu 1880 với địa danh trên sắc là Mỹ Đức - Tuy Lai (hiện là xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), tên thần (mỹ tự) Thần Tối linh. Sắc phong mang mã số 2251 có niên hiệu Duy Tân 2 (1909), địa danh Tế Xuyên, huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc thôn Tế Xuyên, xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội); Tên thần: Bản cảnh Thành Hoàng… đã hủy trên website.

Đáng chú ý, Công văn số 1142 của UBND huyện Gia Lâm gửi Sở Văn hóa - Thể thao TP Hà Nội có gửi kèm bản chụp các phiếu kiểm kê sắc phong, ảnh chụp sắc phong. Có nghĩa, bản chụp sắc phong thôn Tế Xuyên với đầy đủ nội dung sắc vẫn được UBND huyện Gia Lâm lưu trong hồ sơ di tích. Trong số 31 bản sắc có địa chỉ liên quan đến Hà Nội thì có tới 12 bản sắc, hiện vẫn đang được một số quận, huyện còn có bản lưu hình ảnh, như “thần phả, thần tích”.

PGS.TS Phạm Lan Oanh (Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) khẳng định, sắc phong là loại văn bản quý của Triều đình Nhà nước phong kiến dành cho hệ thống thần linh đất nước và những cá nhân xuất sắc trong gia tộc, dòng họ. Tài liệu văn bản đặc biệt này đã tồn tại cả mấy trăm năm. Hiện nay, sắc phong hiện còn giữ được cổ nhất được biết tới là sắc dưới triều Vua Lê Thái Tổ, niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433) sắc cho thôn Thượng, xã Thiện Trạo, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh (Trưởng phòng Nghiên cứu Lịch sử Văn hóa - Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, việc ban sắc phong thần ở nước ta được sử liệu ghi chép từ sớm. Việt điện u linh cho biết, Vua Lý Thái Tổ khi mới thiên đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về miền đất Đại La đã phong cho thần Tô Lịch là Quốc đô Thăng Long hoàng thành đại vương. Vua Lý Thái Tông sắc phong cho Hiệp Chính Hựu Thiên Trinh Liệt chân Mãnh phu nhân làm Hiệp chính nương. Vua Lý Anh Tông sắc phong cho Nhị Trưng phu nhân là Trinh linh phu nhân.

Chuyện “linh hồn” của di tích trong trái tim người trẻ

Câu chuyện về đấu giá sắc phong có nguồn gốc từ Việt Nam ở nước ngoài còn chưa lắng xuống thì ngày 23-7-2023, một tài khoản mạng xã hội là Nguyễn Tuấn Duy (huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn) tiếp tục đưa lên “Group Hoàng Triều Hậu Lê” một thông tin đáng tin cậy về 28 đạo sắc phong Việt Nam được thông tin đầy đủ trên website của Bảo tàng Kyushu (Nhật Bản). Thông tin ngay lập tức được nhiều người quan tâm và bỏ công dịch thuật cũng như tìm hiểu.

Trao đổi cùng phóng viên, Nguyễn Tuấn Duy kể, xuất phát ban đầu là đam mê lịch sử, trong một lần tình cờ “lang thang” trên mạng Internet để tìm kiếm thông tin về lịch sử các triều đại phong kiến của Việt Nam, Tuấn Duy tìm thấy những hiện vật cổ “hình như là của Việt Nam” ở một website của Nhật Bản. Sau đó, toàn bộ thông tin, hình ảnh và đường link của website được Nguyễn Tuấn Duy gửi vào “Group Hoàng Triều Hậu Lê”, nơi có sự tham gia của đông đảo người yêu di sản Việt. Những người biết Hán Nôm và tiếng Nhật đã cùng nhau dịch chữ và dịch nghĩa để tìm cho ra nguồn gốc sắc phong đó là ở địa phương nào.

Cũng theo Nguyễn Tuấn Duy, sở dĩ đưa thông tin lên mạng xã hội để xem về phía các địa phương xuất hiện tên trên sắc có còn lưu trữ những bản sắc phong này không, hay do chiến tranh, thời cuộc lưu lạc nên những sắc phong này đang nằm trong tay các nhà sưu tập quốc tế. Chàng trai yêu di sản văn hóa truyền thống sinh năm 1998 Nguyễn Tuấn Duy trong cuộc trò chuyện với chúng tôi còn động viên ngược lại phóng viên rằng: “Anh chị yên tâm, dù sao thì Bảo tàng Kyushu - Nhật Bản cũng đang bảo quản các sắc phong được cho là có nguồn gốc từ Việt Nam rất tốt”.

Nói là thế, nhưng Nguyễn Tuấn Duy cũng không tránh khỏi những trăn trở rằng: “Không rõ vì sao, vào thời điểm nào mà 28 đạo sắc bị lưu lạc sang đất nước Nhật Bản. Hành trình di chuyển của các đạo sắc đến Nhật Bản bằng cách nào? Do chiến tranh loạn lạc hay do buôn bán cổ vật (?!). Nguyễn Tuấn Duy kể thêm, đình làng quê Duy trước có 7 đạo sắc phong, giờ cũng thất lạc hết cả, chưa biết có thể tìm được ở đâu! Bởi thế, thấy ở đâu nhắc đến sắc phong là Duy cũng mày mò tìm đọc, may ra thấy được sắc của đình làng mình bởi lẽ: “Chỉ mong những di sản này được quay trở về với đúng quê hương của nó, vì đó là những tài liệu vô giá, là chứng tích lịch sử đặc biệt quan trọng. Có thể coi các sắc phong như “trái tim”, “linh hồn” của một di tích nào đó, vì qua những bản sắc phong ấy, ta lấy được nhiều dữ kiện lịch sử quan trọng về mặt giá trị tâm linh cũng như tên gọi, địa chí. Sắc phong phải được trân trọng và bảo quản không kém gì thư tịch văn bản địa bạ, đinh bạ, sử ký…” - Nguyễn Tuấn Duy chia sẻ.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu các đạo sắc phong đang lưu giữ để tiếp tục nhờ sự hỗ trợ của các Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm giám định, dịch, tạo lập hồ sơ để trao trả các địa phương (Ảnh: Trần Quân)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu các đạo sắc phong đang lưu giữ để tiếp tục nhờ sự hỗ trợ của các Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm giám định, dịch, tạo lập hồ sơ để trao trả các địa phương (Ảnh: Trần Quân)

Hiện tại, 28 đạo sắc phong thần đang được kê khai tại Bảo tàng Kyushu (Nhật Bản) có niên đại sớm nhất là thời Vua Lê Thần Tông niên hiệu Dương Hòa và muộn nhất là nhà Nguyễn niên hiệu Khải Định. Các sắc phong này có phong cho một số vùng, bao gồm Phú Xuyên, Thanh Oai (Hà Nội); huyện Thanh Liêm, Duy Tiên (tỉnh Hà Nam); huyện Hương Thủy (Phủ Thừa Thiên); huyện Trực Ninh, Nam Trực cũ (tỉnh Nam Định).

Chuyện sắc phong trong dòng chảy lịch sử Việt Nam

PGS.TS Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam giải thích theo cách đơn giản nhất thì sắc phong được hiểu là những văn bản do nhà vua ban tới các địa phương nhằm lấy đó làm căn cứ cho việc thờ phụng thần thánh tại đình làng. Tuy nhiên, nghiên cứu về văn bản sắc phong sẽ cho góc nhìn đa nghĩa hơn. Không chỉ là văn bản liên quan đến việc thờ phụng Thành hoàng làng, các sắc phong còn là văn bản mang tính khen thưởng, ngợi ca của Triều đình đối với dòng họ, hoặc cá nhân ai đó có công với đất nước dưới nhiều góc độ khác nhau. Chính vì thế, sắc phong không chỉ được xuất hiện và lưu giữ tại đình làng, mà còn là tài sản của các dòng họ hoặc cá nhân.

Các sắc phong thần - thánh được thờ tự trong cộng đồng làng, xã thường có nhiều đạo khác nhau, gắn với các đời vua ở mỗi triều đại. Tức là, cùng một hay nhiều vị thần trong làng, các đời vua nối tiếp nhau gia phong sắc thần, cho địa phương tiếp tục được thờ phụng với những mỹ tự mới, gọi là gia tăng phẩm trật cho thần. Cũng có khi, đời vua sau hạ phẩm trật của thần so với đời vua trước, thậm chí, không cho thờ phụng nữa với lý do liệt thần làng, xã đó vào loại “dâm thần”, nghiêm cấm thờ phụng. Tuy nhiên, trường hợp giáng truất thần thánh như trên không nhiều. Các sắc phong chủ yếu vẫn là ca ngợi và tôn vinh. Các sắc phong đời vua sau thường gia tăng thêm mỹ tự (chữ đẹp) và phẩm trật cho thần, hoặc giữ nguyên phẩm trật của thần và đồng ý cho địa phương thờ phụng như cũ.

Thông thường, mỗi đạo sắc phong thường có những yếu tố gồm: Địa chỉ nơi thờ thần (thôn, xã, phủ, huyện, tỉnh…). Tên gọi của thần (bao gồm thần hiệu, huy hiệu, duệ hiệu, mỹ tự…). Lý do thần được sắc phong hoặc nâng cấp phẩm trật (Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần). Trách nhiệm của thần đối với dân sở tại (che chở, bảo hộ cho dân). Trách nhiệm của dân đối với thần (tôn kính, thờ cúng thần). Ngày tháng năm (thuộc đời vua nào) được ban sắc. Các sắc phong cho cá nhân và gia tộc có những vị đóng góp nhiều công trạng cho đất nước thường được kết cấu tương đối giống các yếu tố đã nêu trong sắc phong cho thần thánh. Vì lý do sắc phong cho người - còn sống hoặc đã khuất nên các yếu tố công trạng, thành tích cũng được ghi cụ thể tỉ mỉ hơn. Phần khen thưởng bằng vật chất thường cũng được liệt kê thể hiện trong sắc phong.

Trong lịch sử Việt Nam, nhiều đợt sắc phong dưới các triều vua đã được ban ra. Người có công lớn trong việc soạn và biên chép các sắc phong là Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ, Nguyễn Bính (Hồng Phúc thứ nhất (1572) và Quản giám bách thần tri điện, Hùng lĩnh thiếu khanh Nguyễn Hiền (Vĩnh Hựu thứ ba (1737). PGS.TS Phạm Lan Oanh khẳng định, sắc phong là loại văn bản quý của Triều đình Nhà nước phong kiến dành cho hệ thống thần linh đất nước và những cá nhân xuất sắc trong gia tộc, dòng họ. Tài liệu văn bản đặc biệt này đã tồn tại qua gần nghìn năm. Hiện nay, sắc phong hiện còn giữ được cổ nhất được biết tới là sắc dưới triều Vua Lê Thái Tổ, niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433) sắc cho thôn Thượng, xã Thiện Trạo, huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình. Cùng với các tín ngưỡng dân gian, hệ thống sắc phong đã trở thành di sản quý báu của địa phương, được các thế hệ công dân Việt Nam gìn giữ, bảo quản nơi làng xã qua nhiều thế kỷ. Các sắc phong đã trở thành tư liệu chữ viết quan trọng cùng với hệ thống hoành phi, câu đối, thần phả, truyền thuyết địa phương khiến cho việc phục dựng khuôn diện tín ngưỡng cha ông ta có những cơ sở đáng tin cậy.

Trong một nghiên cứu mang tên “Định chế và mô thức sắc phong thần triều Nguyễn” từng công bố trên Tạp chí Hán Nôm năm 2018, Tiến sĩ Đinh Thanh Hiếu cho biết, sắc phong thần là một loại hình văn bản hành chính của các triều đại quân chủ Trung Hoa và một số quốc gia nằm trong ảnh hưởng của văn hóa Hán. Thần khi được sắc phong tức là được sự nhìn nhận của Triều đình tư cách Chính thần, Phúc thần và được liệt vào tự điển (điển lễ tế tự) với một phẩm trật nhất định cùng các mỹ tự nằm trong sự quản lý của Bộ Lễ triều đình.

Sắc, ngoài chức năng phong tặng phẩm trật cho bề tôi theo định chế của từng triều đại, còn có một chức năng khác, đó là dùng để phong tặng bách thần. Theo quan niệm truyền thống của thể chế chuyên chế Trung Hoa (và các nước trong ảnh hưởng), thiên tử nhận mệnh trời trị thiên hạ, ngoài tư cách là chủ sở hữu tất cả hiện hữu dưới gầm trời “Phổ thiên chi hạ, mạc phi vương thổ; suất thổ chi tân, mạc phi vương thần (Dưới gầm trời không gì không phải đất đai của thiên tử; suốt khắp đất đai bờ bến, không ai không phải bề tôi của thiên tử) (Kinh Thi - Bắc sơn) thì còn là chủ của bách thần trong thế giới u linh “Bách thần nhĩ chủ hĩ” (Bách thần ngài làm chủ) (Kinh Thi).

Bách thần có nhiệm vụ phải “hiệu linh (dốc sức linh ứng), “hiệu thuận (dốc sức thuận theo) phù trợ cho thiên tử, vị đại diện của trời dưới trần gian. Như thế, bách thần cũng có tư cách bầy tôi (trong thế giới u linh) và nhiệm vụ “âm phù” cho thiên tử cùng với các bầy tôi trên nhân gian đảm nhận chức năng “dương trợ”. Với quan niệm như thế, bách thần cũng phải được nhận sắc phong của nhà vua để chính thức hóa danh phận và ngôi thứ của bách thần cũng phỏng theo quan giai cõi người mà chia ra phẩm trật Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần, Hạ đẳng thần cùng các duệ hiệu, mỹ tự thông qua các đạo sắc phong.

Tiến sĩ Nguyễn Doãn Minh (Trưởng phòng Nghiên cứu Lịch sử Văn hóa - Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, việc ban sắc phong thần ở nước ta được sử liệu ghi chép từ sớm. Việt điện u linh cho biết, Vua Lý Thái Tổ khi mới thiên đô từ Hoa Lư, Ninh Bình về miền đất Đại La đã phong cho thần Tô Lịch là Quốc đô Thăng Long hoàng thành đại vương. Vua Lý Thái Tông sắc phong cho Hiệp Chính Hựu Thiên Trinh Liệt chân Mãnh phu nhân làm Hiệp chính nương. Vua Lý Anh Tông sắc phong cho Nhị Trưng phu nhân là Trinh linh phu nhân. Phổ biến hơn là vào năm Trùng Hưng thứ nhất (1285), thứ 4 (1288) đời Trần Nhân Tông (1285) và năm Hưng Long thứ 20 (1312) ghi chép các sự kiện, ban mỹ tự. Như vậy việc sắc phong và gia phong mỹ tự cho bách thần, theo ghi chép còn lại thì đã là điển lệ có ít nhất từ thời Trần. Tuy nhiên, một số đạo sắc sớm ít ỏi còn lại đến nay trên thực tế chỉ có niên đại Lê sơ và Mạc. Hiện tại, sắc phong thần chủ yếu còn lại là niên đại Lê Trung hưng, Tây Sơn và Nguyễn. Trong đó, sắc phong thần triều Nguyễn chiếm số lượng nhiều nhất và cũng được điển chế hóa nhất.

Quyết tâm trao tặng tất cả sắc phong về nơi nó thuộc về!

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

- Phóng viên: Bắt nguồn từ đâu, nguyên do nào ông và nhóm Nhân sĩ Hà Đông trong nhiều năm qua cất công tìm kiếm, gìn giữ, trao tặng lại tất cả những đạo sắc phong cho làng quê Việt Nam - nơi ghi dấu vua ban vốn dĩ nó thuộc về?

- Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam): Ngày xưa, anh em chúng tôi trong nhóm Nhân sĩ Hà Đông có một vài người sưu tầm các đạo sắc phong, hoàn toàn đơn thuần mang tính chất chơi cổ vật chứ chưa hiểu hết những giá trị của nó. Theo thời gian, trong quá trình tìm hiểu nhận ra giá trị lịch sử và văn hóa thiêng liêng của sắc phong dần dần lan tỏa đến các thành viên trong nhóm. Cũng phải đến 10 năm rồi, lặng lẽ và bền bỉ. Chúng tôi thường xuyên trao đổi với nhau về những vấn đề văn hóa dân tộc. Sắc phong, phải hiểu sâu hết nó là cổ vật, được làm ra bởi một chất liệu đặc biệt, được đóng dấu bởi nhà vua, và có giá trị về mặt thời gian, 100-200 năm tùy theo từng đời. Dông dài kể chuyện các bạn nghe, tối qua thôi, nhóm Nhân sĩ Hà Đông lại họp nhóm, để bàn việc kiểm kê xem sắc phong nào đang lưu giữ mà chưa dịch, để hoàn tất những công đoạn còn lại nhằm tiến hành trao trả. Xót xa trước di sản văn hóa dân tộc bị mất mát, thất lạc, tản mát, hư hỏng, rồi bỗng dưng trở thành thứ hàng hóa được mua đi bán lại, cả nhóm đã bàn nhau tìm kiếm bằng nhiều phương cách. Khi có được sắc phong, nhóm thuê dịch, hợp tác với chuyên gia, phân loại để biết sắc phong đó được vua ban cho địa phương nào. Khi xác định được nguồn gốc, xuất xứ của sắc phong, nhóm sẽ tìm cách liên hệ với địa phương bị mất để tặng lại. Nhóm Nhân sĩ Hà Đông quyết tâm trao tặng tất cả những sắc phong mà chúng tôi có về nơi vốn dĩ nó thuộc về!

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (bên phải) trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô (Ảnh: Vân Quế)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (bên phải) trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô (Ảnh: Vân Quế)

- Cá nhân ông quan niệm thế nào về giá trị của sắc phong trong dòng chảy lịch sử văn hóa dân tộc?

- Có sắc phong, giữ sắc phong, hiểu sắc phong để thấy giá trị của di sản này. Các đạo sắc được quy ước như một giá trị quý báu về cả tinh thần lẫn vật chất. Đó là văn bản cổ do nhà vua ban tặng cho những người có công với đất nước; ân điển của nhà vua được các địa phương coi đó là sự xác nhận tối cao về mặt lịch sử, văn hóa, hành chính lẫn tâm linh. Sắc phong gần như là một bản phong thần, là hồ sơ thể hiện hai khía cạnh rất quan trọng về mặt pháp lý của quốc gia, giá trị văn hóa của một dân tộc, đồng thời có giá trị về mặt tâm linh trong đời sống tinh thần của cộng đồng.

Về mặt pháp lý, sắc phong thể hiện một quốc gia có chế độ, có vua, triều đình, có hệ thống chính trị, những vấn đề về văn hóa, tâm linh; đặc biệt, sắc phong xác lập được chủ quyền về mặt hành chính đối với các địa danh, sắc phong cho làng, xã nào thì thông qua đó có thể vẽ được bản đồ hành chính với đầy đủ quy định, nguyên tắc và luật lệ kèm theo. Sắc phong là một trong những hồ sơ gốc khẳng định pháp lý chủ quyền lãnh thổ mà không phụ thuộc vào quốc gia khác, là một quốc gia độc lập có vua tôi, địa lý, hành chính, luật pháp. Về văn hóa, những gì được ghi trên sắc phong có ý nghĩa là bản đồ văn hóa, trong đó có làng nước, phong tục tập quán, là “căn cước” văn hóa của một quốc gia.

Chuyện “chảy máu” sắc phong là có thật…

- Chúng tôi tìm đến ông, phần nào đó trong tâm thức cũng để hiểu thêm về tình trạng mất sắc phong! Vì sao mất? Mất từ bao giờ? Sao mất nhiều thế?...

Với cá nhân tôi, dưới cách nhìn của một nhà văn mà thấy vô cùng xúc động bởi lẽ, phía cuối sắc phong thường có câu đại ý rằng “Phong thần cho khanh để che chở và bảo vệ lê dân của Trẫm”. Tiếp nối mạch nguồn thiêng liêng ấy, chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ các đạo sắc phong như “báu vật” của lịch sử dân tộc”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam)

- Mất mát nhiều lắm mà chúng tôi chẳng tìm lại được hết, ước tính cũng phải 40%. Chúng ta có hồ sơ gốc vô cùng quan trọng liên quan đến chủ quyền, lịch sử, liên quan đến “căn cước” văn hóa mà bị lãng quên, thất thoát, mất mát, phá hủy ở rất nhiều góc cạnh, từ biến thiên của thời gian, tác động của thiên nhiên đến cả sự vô cảm của con người, để giá trị tinh thần được mua bán như vật chất. Lấy cắp… dễ lắm! Sắc phong được để trong hậu cung, mỗi năm lễ hội, ngày linh thiêng mới được mở ra, nên mất cắp lúc nào không ai biết, chẳng ai hay. Việc bảo quản sắc phong cũng là một thách thức, mặc dù hơn 100 năm, được để trong hậu cung thiếu ánh sáng, ẩm thấp của mùa nồm miền Bắc rất khủng khiếp mà sắc phong vẫn vẹn nguyên, nhưng chất liệu bằng giấy sao trường tồn được mãi.

Cách đây vài năm, tôi đã nghe chuyện về một người đang giữ tới cả nghìn đạo sắc phong, sau này cũng nghe rằng số sắc phong đó được định giá khoảng 5 tỷ đồng và phải mua hết chứ họ không bán lẻ. Một là chúng tôi không có khả năng kinh tế, hai là vào thời điểm đó ý thức chưa thật sự mạnh mẽ, sau này thấy rằng bản thân có thể kêu gọi các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, doanh nhân cùng chung tay đóng góp, đặt lại vấn đề mua nhưng không thành vì họ tránh, cũng có thể chủ quan suy luận rằng vì… sợ liên lụy! Chuyện “chảy máu” sắc phong là có thật, đã, đang và sẽ còn diễn ra ngày một nghiêm trọng hơn.

- Góc nhìn khái quát, đa chiều của ông về hiện trạng sắc phong của Việt Nam hiện nay?

- Hiện có 5 vấn đề đang “đe dọa” sắc phong. “Đe dọa” thứ nhất chính là sự không hiểu biết, không đánh giá đúng giá trị về mặt pháp lý liên quan đến quốc gia, dân tộc, hành chính; “đe dọa” thứ hai là hầu như cơ quan quản lý lâu nay không để ý đến sắc phong; “đe dọa” thứ ba là sự phá hủy của thời gian trong khi không hề có hướng dẫn công tác bảo quản, một số đạo sắc phong đã bị hư hại, có dấu hiệu mủn nát xung quanh; “đe dọa” thứ tư là biện pháp bảo vệ thế nào để không bị mất cắp và đưa ra nước ngoài bán theo hình thức công khai lẫn không công khai; “đe dọa” cuối cùng chính là công tác tuyên truyền về di sản văn hóa dân tộc này quá ít, chưa muốn nói là hầu như không, nên chính trong cộng đồng cũng không có ý thức bảo quản, gìn giữ. Có thể nói, từ quản lý đến nhận thức đến việc bảo vệ mang tính vật chất đều bất cập, đều phải xem xét lại, “mẫu gene gốc” về văn hóa dân tộc không được bảo vệ thì đến một ngày, chúng ta sẽ thất thoát hết, mất hết!

Trần Ngọc Đông là người đầu tiên lên tiếng về việc sắc phong Việt Nam xuất hiện trên sàn đấu giá nước ngoài đầu tháng 4 - 2023

Trần Ngọc Đông là người đầu tiên lên tiếng về việc sắc phong Việt Nam xuất hiện trên sàn đấu giá nước ngoài đầu tháng 4 - 2023

- Ông có thể kể một vài câu chuyện trong việc tìm kiếm và trao trả sắc phong cho chúng tôi lẫn độc giả biết về hành trình giữ lại di sản văn hóa dân tộc?

- Có những câu chuyện thú vị lắm! Đó là chuyến trao trả sắc phong tại một địa phương ở tỉnh Hà Nam. Lần theo địa chỉ có ghi trong sắc phong, một địa phương có từ hơn một thế kỷ trước, đến nơi, nhờ cả cơ quan chức năng ở tỉnh tìm giúp nhưng không thấy. Lần mò cả một ngày trời, cuối chiều thì quyết định quay về, khi đi qua một cánh đồng, nhóm chúng tôi dừng xe để nghỉ tạm trong một quán nước nhỏ lụp xụp. Tại đây, tình cờ gặp mấy cậu thanh niên tay xăm trổ đầy mình, thấy khách ở xa đến thì hỏi: “Các chú đi đâu mà gần tối rồi còn dừng chân vào quán này?”. Thuật lại câu chuyện thì được đáp: “Thế thì bọn cháu dẫn các chú đến gặp một người” kèm theo lời quả quyết: “Người đó mà không biết thì không ai biết”.

Đó là một căn nhà cũ, ngay từ cửa đã thấy hương hoa, mùi thuốc Bắc tỏa ra, ngồi đó là một ông giáo già gần 90 tuổi người Nghệ An ra đây dạy học, về hưu làm nghề bốc thuốc, đọc sách, xem kinh dịch. Nghe chuyện chúng tôi, ông giáo già ôm cuốn sách cổ ra tra cứu, và thế là tìm ra tên ngôi làng hiện đang được ghi trong sắc phong… Quay xe trở lại, tình cờ gặp tiếp một cụ già khác, cụ khẳng định, đúng là ngày xưa tên làng như vậy. Thế là chúng tôi đã tìm được nơi cần tìm theo cách kỳ diệu như vậy… Hành trình ấy như được các Ngài “đưa đường dẫn lối” cho chúng tôi.

Hầu hết những nơi mất sắc phong đều rơi vào trường hợp không có khả năng tìm, hoặc chấp nhận bỏ tiền ra để chuộc lại. Với chúng tôi, tự ý thức được bản thân mình không đủ sức làm một việc lớn như thế trong suốt quá trình lâu dài nên thường đưa thông tin lên mạng xã hội, kêu gọi ai đang giữ sắc phong hãy dâng tặng, ai trước đây mua bao nhiêu thì để lại giá ấy cho dân làng. Chứng kiến hoạt động ý nghĩa của nhóm Nhân sĩ Hà Đông, một số người buôn bán thì dừng lại, có người sưu tập đã tặng lại khoảng 50 đạo sắc phong họ đang giữ, họa sĩ Lê Thiết Cương cũng sưu tầm được một vài đạo sắc phong cũng trao lại cho chúng tôi. Nhóm nhận nhiệm vụ kết nối, làm việc với địa phương để trao trả bằng nghi lễ long trọng về văn hóa, tinh thần người dân hoan hỉ, mừng vui. Nhưng nói thật là có những nơi còn nghèo lắm, chúng tôi dịch sắc phong, đặt mua hộp đựng sơn son thếp vàng, rồi tài trợ kinh phí để địa phương tổ chức lễ đón rước.

Có một câu chuyện cách đây 3 năm trước khi đại dịch Covid-19 hoành hành, chúng tôi muốn tặng lại Bảo tàng Cao Bằng 335 hiện vật liên quan đến văn hóa của các vùng dân tộc thiểu số như Tày, Mường, Mèo, Thái… nhưng không hiểu vì lý do gì họ không nhận (?!) Sau đó, chúng tôi trao lại cho Hòa Bình, một triển lãm rất lớn được tổ chức và người dân Hòa Bình đến xem rất đông. Theo các chuyên gia về cổ vật định giá khoảng 1,5 triệu USD, chúng tôi trao hết, trọn vẹn, từ cồng chiêng, đồ thờ cổ, sách cổ, tranh thờ cổ… rất đẹp để đưa vào bảo tàng thành một hệ thống trưng bày tốt hơn.

“Đình làng chúng tôi không có hồn cho đến ngày sắc phong trở về”

- Dù chỉ là hành động của một nhóm nhân sĩ, nhưng quan trọng hơn là đã “đánh thức” được một số người trong chuyện gìn giữ, bảo vệ, trả lại đạo sắc phong, phải không ông?

- Các thành viên nhóm Nhân sĩ Hà Đông không nhớ nổi đã đến bao nhiêu làng quê Việt Nam để trao trả lại đạo sắc phong. Chúng tôi hạnh phúc bởi đã “đánh thức” được ý thức lẫn sự quan tâm của người dân với những di sản văn hóa dân tộc. Ban đầu chúng tôi nghĩ sắc phong chỉ có người cao tuổi, các ông từ quan tâm, nhưng thực tế đến giờ nhiều người trẻ ở nhiều vùng miền cũng đặc biệt quan tâm. Khi công bố lên mạng xã hội Facebook là hiện nay chúng tôi đang giữ cái gì, ở đâu, của ai, thì không ít người trẻ ở những địa phương bị mất đã nhờ đến chúng tôi tìm cho, có thấy thì báo giúp thông tin. Làm bền bỉ cả chục năm nay, tính tới thời điểm này, nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã trao tặng khoảng 500 đạo sắc phong; hiện giờ tôi vẫn đang giữ khoảng 200 đạo sắc phong để tiếp tục nhờ sự hỗ trợ của các Ủy viên Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm giám định, dịch, tạo lập hồ sơ để trao trả các địa phương. Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam… lần lượt đến nhận đưa sắc phong trở về.

- Theo ông, vụ việc sắc phong có nguồn gốc của Việt Nam được đem ra đấu giá tại Trung Quốc đủ khiến chúng ta “giật mình” về hiện trạng bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam?

- Chỉ khi mất sắc phong, nước ngoài bán đấu giá các đạo sắc phong có nguồn gốc của Việt Nam, mạng xã hội, báo chí quan tâm, lên tiếng chúng ta mới “giật mình” (?!) Chúng ta nói về văn hóa, cả xã hội hô hào bảo vệ giá trị văn hóa, nhưng hoàn toàn không thực thi một cách đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ di sản. Buôn bán đồ cổ thoải mái, sắc phong lại càng dễ vì đơn thuần chỉ là một tờ giấy, không ai để ý đến giá trị nhiều mặt của nó.

Sắc phong chỉ thuần được coi là một hiện vật trong di tích; bảo vệ sắc phong hiện đơn thuần là trách nhiệm của một cộng đồng làng xóm, của địa phương chứ chưa hề có chủ trương, chính sách của cơ quan quản lý các cấp…

- Tới đây, ông và nhóm Nhân sĩ Hà Đông có dự định gì để tiếp tục lan truyền và góp tiếng nói mạnh mẽ về việc phải bảo tồn bằng được sắc phong?

- Cuối năm nay, dự kiến khoảng tháng 12, với nỗ lực và sức lực cá nhân, chúng tôi sẽ tổ chức một cuộc triển lãm và tọa đàm về sắc phong Việt Nam. Triển lãm để đông đảo người dân đến xem sắc phong, tọa đàm sẽ mời các chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian nêu bật lên được giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh của sắc phong. Có lẽ, chưa bao giờ, và khi diễn ra, đây là sẽ là lần đầu tiên nói cho người Việt Nam biết đến câu chuyện sắc phong, sắc phong là gì, giá trị ở đâu, hiện trạng thế nào để làm nổi bật giá trị sắc phong trong đời sống xã hội. Từ đó sẽ đề nghị cơ quan chức năng, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch có những biện pháp bảo vệ sự an toàn và bền vững của sắc phong trong dòng chảy lịch sử, văn hóa dân tộc.

10 năm đã qua, chưa một cơ quan quản lý nào tìm đến chúng tôi (?!) Duy nhất ở giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” lần thứ 13 - năm 2020, ở hạng mục “Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội” đã trao cho nhóm Nhân sĩ Hà Đông với việc dâng tặng lại sắc phong. Việc làm của chúng tôi muốn gửi đi một thông điệp đến người dân và toàn thể xã hội rằng, sắc phong là một di sản của dân tộc, phải ý thức và nhận thức lại giá trị văn hóa lịch sử.

Kể thêm với các bạn câu chuyện này, có những ngôi đình mà người dân cung tiến vào đó rất nhiều đồ đắt tiền, vậy mà người già trong làng vẫn nói rằng: “Đình làng chúng tôi không có hồn cho đến ngày sắc phong trở về”. Còn với cá nhân tôi, dưới cách nhìn của một nhà văn mà thấy vô cùng xúc động bởi lẽ, phía cuối sắc phong thường có câu đại ý rằng “Phong thần cho khanh để che chở và bảo vệ lê dân của Trẫm”. Tiếp nối mạch nguồn thiêng liêng ấy, chúng ta phải có trách nhiệm bảo tồn, gìn giữ các đạo sắc phong như “báu vật” của lịch sử dân tộc.

Hy vọng, mọi việc với câu chuyện sắc phong sẽ tốt lên!

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

(Còn nữa)