Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam sẽ thay đổi tình hình địa chính trị thế giới

ANTD.VN - Nga cùng với các đối tác đang nỗ lực đưa hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam vào hoạt động khi nhận ra lợi ích to lớn mà tuyến đường nói trên mang lại.

“Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam có thể tạo ra một bước ngoặt địa chính trị khu vực cũng như trên phạm vi toàn thế giới”, tờ báo Geopolitical Monitor (GM) của Canada đưa ra nhận xét nói trên.

Theo giới chuyên gia, tầm quan trọng của tuyến đường gia thương nối Ấn Độ với Nga và khu vực Trung Á, cũng như Nga với các quốc gia ở Nam bán cầu trở nên đặc biệt quan trọng khi được xem xét một cách tổng thể.

Mặc dù các lệnh trừng phạt của Mỹ được dự báo sẽ làm chậm đáng kể tiến độ của sáng kiến nói trên, tuy vậy việc phân tích những thách thức và cơ hội mà tuyến đường mang lại là rất cần thiết đối với nhiều quốc gia liên quan.

"Đối với Ấn Độ, hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam chắc chắn là giải pháp hiệu quả nhằm thay thế cho Dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc khi New Delhi và Bắc Kinh được xem như đối thủ địa chính trị lớn của nhau”.

“Tuyến đường đi qua Nga sẽ mang tới lợi ích như một cửa ngõ mới vào thị trường châu Âu, đi kèm nguồn cung cấp năng lượng giá rẻ từ Nga, cũng như là một ‘kênhh bảo hiểm' trong trường hợp New Delhi bất hòa với phương Tây".

"Còn đối với Nga, hành lang thương mại mới mang đến một lối thoát khỏi sự phong tỏa do các lệnh trừng phạt phương Tây áp đặt, hứa hẹn thiết lập cho Moskva một vị trí đặc quyền trong dòng chảy thương mại tương lai".

"Trường hợp Iran và Azerbaijan, cơ hội nhận tiền từ các nhà tài trợ chính của dự án (Nga và Ấn Độ) đang đến gần, hứa hẹn mang lại cho họ vô số lợi ích không thể thống kê hết vào thời điểm hiện nay”.

“Chưa dừng lại đây, đối với các quốc gia khác thuộc Tổ chức BRICS, họ có cơ hội thể hiện sức mạnh bằng cách thực hiện một dự án táo bạo nhằm thay đổi hướng dòng chảy thương mại vượt quá phạm vi trừng phạt của Mỹ", tờ GM bình luận.

Cần nhấn mạnh, sáng kiến ​​xây dựng Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam không phải mới được đưa ra mà thực chất dự án đã bị đình trệ gần 20 năm do thiếu nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết.

"Sự chậm trễ chủ yếu liên quan đến Iran - một thành viên sáng lập và cũng là mắt xích quan trọng trong hành lang thương mại, khi Tehran là mục tiêu của các lệnh trừng phạt của phương Tây".

"Hạn chế được đưa ra qua nhiều đời Tổng thống Mỹ và chưa có dấu hiệu giảm bớt đã gây quá nhiều khó khăn cho các công ty Ấn Độ và Nga khi hoạt động ở Iran", ấn phẩm Canada nói rõ.

Từ góc độ hiệu quả thuần túy, Hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam là một giải pháp thay thế hấp dẫn cho Kênh đào Suez, với tiềm năng giảm 40% thời gian vận tải cũng như hạ thấp chi phí tới 30%.

Chính vì lý do trên mà ngoài các nước tham gia ban đầu như Iran, Nga, Ấn Độ và Azerbaijan, các quốc gia gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Oman và cả Syria cũng hướng sự chú ý đến “tuyến đường cao tốc” đối với hàng hóa này.

Mới đây, Nga và Ấn Độ đã đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng cho hành lang vận tải quốc tế Bắc - Nam trên lãnh thổ Iran - động thái thúc đẩy tuyến đường sớm đi vào hoạt động đầy đủ.