- Nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu chống biến đổi khí hậu
- Giải “bài toán” tài chính chống biến đổi khí hậu
Năm 2024 nóng nhất lịch sử
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra từ ngày 11 đến ngày 22-11 tại Thủ đô Baku của Azerbaijan, thu hút sự quan tâm của cộng đồng thế giới. Diễn ra khi mà biến đối khí hậu đang gây ra những hậu quả ngày càng nặng nề cho cả môi trường và sự sống trên Trái đất, COP29 đã thu hút sự tham gia của trên 51.000 đại biểu, trong đó có nhiều vị nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ cùng các chuyên gia, học giả hàng đầu.
|
Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh về 3 định hướng chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại COP29 |
COP29 được tổ chức trong bối cảnh những số liệu thống kê mới nhất cho thấy năm 2024 là năm nóng nhất trong lịch sử, nóng hơn cả năm 2023 và thế giới tiếp tục đối mặt các hậu quả thảm khốc từ lũ lụt, hạn hán, nắng nóng và bão lốc. Năm 2023 vừa qua đã được xem là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua, đưa Trái đất từ thời kỳ “ấm lên” sang thời kỳ “nung nóng”.
Theo cơ quan giám sát khí hậu của Liên minh châu Âu (EU), năm 2024 “gần như chắc chắn” sẽ vượt qua năm ngoái để trở thành năm nóng nhất trong lịch sử. Dự báo cũng cho thấy 2024 có thể là năm đầu tiên nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,5 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900. Mốc nhiệt độ này là một cảnh báo quan trọng, vì giới hạn tăng nhiệt độ 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp được xem như ngưỡng an toàn trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, nhằm hạn chế những tác động nguy hiểm và không thể đảo ngược khi Trái đất nóng lên.
Hậu quả của tình trạng nóng lên toàn cầu có thể thấy rất rõ trong năm 2024 này, Trong đó, chỉ trong vòng 2 ngày, bão Yagi (bão số 3 ở Việt Nam) đã nhanh chóng chuyển thành siêu bão, trở thành cơn bão mạnh nhất trong năm 2024 trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương và là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong 70 năm qua.
Theo các nhà khoa học, việc các đại dương nóng lên do biến đổi khí hậu đang khiến các cơn bão mạnh lên nhanh hơn. Hậu quả là bão Yagi hồi đầu tháng 9 quét qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quốc gia, bao gồm Philippines, Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan, Việt Nam, khiến hàng trăm người thiệt mạng và tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng, cây cối, môi trường. Mới đây, mưa lớn kỷ lục và lũ quét ở Tây Ban Nha hồi cuối tháng 10 đã khiến hơn 210 người thiệt mạng tại Valencia, tới nay gần 90 người vẫn mất tích.
Khi nhiệt độ lên mức kỷ lục, các hiện tượng thời tiết cực đoan, ô nhiễm không khí và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm đang đe dọa sức khỏe của con người trên khắp thế giới. Những cảnh báo từ các chuyên gia cho thấy biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề của môi trường mà đã trở thành vấn đề sống còn đối với sức khỏe cộng đồng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo: “Biến đổi khí hậu đang khiến chúng ta lâm bệnh, và hành động cấp bách bây giờ là vấn đề sống còn”.
Theo báo cáo từ các chuyên gia thuộc tổ chức The Lancet Countdown, 10 trong số 15 tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người đã đạt mức báo động. Số người trên 65 tuổi tử vong vì nắng nóng đã tăng 167% kể từ những năm 1990. Nhiệt độ cực cao có thể gây ra hàng loạt rủi ro sức khỏe nghiêm trọng như rối loạn thận, đột quỵ, các vấn đề về tim mạch, hô hấp, suy nội tạng và thậm chí tử vong.
Các đợt hạn hán, lũ lụt và những hiện tượng thời tiết cực đoan khác cũng ảnh hưởng tới mùa màng, dẫn đến tình trạng thiếu đói và đe dọa an ninh lương thực ở nhiều khu vực. Theo WHO, có tới 99% dân số thế giới hít thở bầu không khí vượt ngưỡng an toàn về ô nhiễm. Tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về hô hấp, đột quỵ, bệnh tim, ung thư phổi, tiểu đường và nhiều vấn đề khác, tạo ra nguy cơ lớn về sức khỏe. Theo ước tính, mỗi năm có gần 7 triệu ca tử vong sớm liên quan ô nhiễm không khí.
Những định hướng chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu
Những tác động, thiệt hại nặng nề trong năm 2024 cho thấy rõ hơn thách thức về biến đổi khí hậu là rất lớn và thế giới đứng trước hai nhiệm vụ cùng lúc: nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời phải chủ động gia tăng khả năng chống chịu và thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu.
Tại các hội nghị COP gần đây, cộng đồng quốc tế đều đạt những bước tiến tích cực trong nỗ lực phối hợp ngăn Trái đất nóng lên và ứng phó với biến đổi khí hậu. Kết quả nổi bật của COP27 ở Ai Cập là thỏa thuận bước ngoặt về việc các quốc gia phát thải nhiều trong quá khứ đền bù tổn thất cho các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.
Tại COP28 ở Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), các bên đã lần đầu tiên nhất trí chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030.
Từ những diễn biến tích cực đó, COP29 được kỳ vọng sẽ tạo thêm “cú hích” cho những hành động chung tiếp theo để đạt được mục tiêu của Hiệp định Paris hồi năm 2015.
Một trong những nội dung chính của hội nghị năm nay là thống nhất một cơ chế tài chính khí hậu mới - “Mục tiêu định lượng tập thể mới” (NCQG), để thay thế cam kết trước đó về khoản hỗ trợ 100 tỷ USD mỗi năm từ các quốc gia phát triển cho các nước đang phát triển. Điểm nhấn quan trọng của chương trình là Quỹ tổn thất và thiệt hại, ra đời từ COP27. Mặc dù đã có những cam kết tài chính ban đầu, nhưng COP29 sẽ tiếp tục thúc đẩy các quốc gia tăng cường đóng góp tài chính và triển khai quỹ này.
Một vấn đề nữa là chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Loại bỏ nhiên liệu hóa thạch theo thỏa thuận của COP28 vẫn là “bài toán khó” với toàn cầu, nhất là vấn đề kinh phí và phương án thực hiện. Muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch, chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo cần đầu tư nguồn kinh phí lớn để phát triển công nghệ mới, đồng thời hỗ trợ xã hội và doanh nghiệp chuyển đổi.
Các quy định về thị trường carbon và tín chỉ carbon cũng sẽ là vấn đề trọng tâm tại hội nghị năm nay. Điều rất tích cực ngay trong ngày khai mạc, gần 200 quốc gia tham gia COP29 đã nhất trí các tiêu chuẩn mới của Liên hợp quốc về thị trường carbon quốc tế. Bước đột phá ngay trong ngày đầu tiên của hội nghị được kỳ vọng sẽ mở ra cánh cửa cho một thị trường hoàn chỉnh trong tương lai gần.
Phát biểu tại COP29, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh đến 3 định hướng chính trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, gồm giảm phát thải, bảo vệ nhân loại trước hậu quả của biến đổi khí hậu và tài chính. Tổng thư ký Antonio Guterres nêu rõ, các nước cần khẩn cấp giảm lượng khí thải để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu, theo đó lượng khí thải phải giảm 9% mỗi năm. Đến năm 2030, chỉ số này phải giảm 43% so với mức năm 2019.
Thứ hai, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo vệ nhân loại khỏi hậu quả tàn khốc của cuộc khủng hoảng khí hậu, nhất là các nước đang bị bỏ mặc trước những hiện tượng khí hậu khắc nghiệt. Về định hướng thứ ba, Tổng Thư ký Antonio Guterres cho biết cần biến cam kết thành hành động. Ông kỳ vọng các nước sẽ thực hiện các cam kết về tài chính, còn các nước phát triển sẽ tăng gấp đôi nguồn tài trợ cho công tác thích ứng với biến đổi khí hậu lên ít nhất 40 tỷ USD vào năm 2025.