Hàn Quốc công bố mảnh tên lửa Triều Tiên được xác định là 'rồng lửa' S-200

ANTD.VN -  Hàn Quốc đăng ảnh chụp bộ phận tên lửa Triều Tiên rơi ngoài khơi nước này, cho biết đây là đạn của hệ thống phòng không "rồng lửa" S-200 do Liên Xô sản xuất.

"Mảnh vỡ thu được dài 3 m và rộng hai mét, hình dáng và đặc tính của nó cho thấy đây là bộ phận của tên lửa phòng không S-200", Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết hôm 9/11 khi công bố kết quả phân tích mảnh vỡ tên lửa Triều Tiên được trục vớt ngoài khơi nước này.

Quân đội Hàn Quốc nhận định"rồng lửa" S-200 có thể được triển khai trong nhiệm vụ tấn công mục tiêu mặt đất, tương tự cách Nga triển khai tên lửa S-300 trong chiến sự tại Ukraine.

"Chúng tôi không chấp nhận các hành động gây hấn đe dọa tính mạng, an toàn của người dân Hàn Quốc và sẽ đối phó bằng những năng lực áp đảo dựa trên liên minh Mỹ - Hàn", Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay.

Giới chức Triều Tiên chưa bình luận về thông tin được phía Hàn Quốc đưa ra.

Triều Tiên hôm 3/11 phóng 23 tên lửa các loại trong một ngày, tần suất cao chưa từng thấy. Một quả đạn bay qua Giới tuyến phía Bắc (NLL) và rơi cách thành phố Sokcho ở phía đông Hàn Quốc khoảng 57 km.

Động thái này đánh dấu lần đầu tên lửa của Bình Nhưỡng bay qua ranh giới trên biển và rơi gần lãnh hải nước láng giềng kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1953.

Bộ tổng tham mưu quân đội Triều Tiên cho biết các vụ phóng tên lửa đạn đạo gần đây là "câu trả lời rõ ràng" với những cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn.

Bình Nhưỡng nhấn mạnh sẽ tiếp tục phản ứng tương xứng bằng các biện pháp quân sự "kiên quyết và áp đảo".

Hoạt động quân sự của các bên khiến tình hình bán đảo Triều Tiên gần đây leo thang. Triều Tiên nhiều lần phóng tên lửa với lý do đáp trả các cuộc tập trận của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trong khi đó, Mỹ và đồng minh lên án các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, coi đó là hành động khiêu khích và gây bất ổn, đồng thời tăng cường tập trận chung.
"Rồng lửa" S-200 Angara/Vega/Dubna, tên ký hiệu NATO SA-5 Gammon là hệ thống tên lửa đất đối không (SAM) tầm xa, trần bắn từ trung bình đến cao.
Chúng được thiết kế nhằm bảo vệ những mục tiêu lớn khỏi các máy bay ném bom hoặc các loại máy bay chiến lược khác của phương Tây (như SR-71 Blackbird).
Mỗi tiểu đoàn biên chế gồm 6 bệ phóng tên lửa đơn và đài radar điều khiển hỏa lực. Hệ thống phòng không S-200 còn có thể liên kết với các hệ thống radar tầm xa khác.
Dù ra đời trong thập niên 1960-1970, tổ hợp S-200 vẫn có khả năng nâng cấp sâu, cho phép kết nối và chia sẻ dữ liệu với những hệ thống phòng không hiện đại như S-300.
Mỗi quả đạn 5V28 của S-200 dài 10,8 m, nặng 7,1 tấn và mang đầu đạn nổ mảnh nặng 217 kg hoặc đầu đạn hạt nhân có sức công phá tương đương 25.000 tấn thuốc nổ TNT.
Tên lửa dùng ngòi nổ chạm hoặc cận đích cho đầu đạn thông thường, trong khi đầu đạn hạt nhân chỉ được kích hoạt bằng lệnh thủ công.
Tên lửa S-200 áp dụng cơ cấu dẫn đường bằng radar bán chủ động (SARH) kết hợp với cập nhật pha giữa bằng tín hiệu vô tuyến.
Sử dụng phương thức SARH trên toàn hành trình giúp tăng độ chính xác của S-200 ở khoảng cách lớn, cải thiện đáng kể hiệu quả so với dùng tín hiệu điều khiển vô tuyến thủ công trên mẫu S-75 Dvina trước đó.
Quả đạn có tốc độ tối đa 9.000 km/h, có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 300 km và độ cao 40 km. Chúng được trang bị 4 động cơ đẩy sơ tốc PRD-81/5S28 hoạt động bằng nhiên liệu rắn.
Tầng đẩy PRD-81/5S28 chỉ hoạt động trong tối đa 5 giây, giúp đạn 5V28 đạt tốc độ đủ lớn trước khi kích hoạt động cơ chính. Sau đó, 4 động cơ đẩy sơ tốc sẽ được tách khỏi thân đạn để giảm khối lượng và lực cản.
Điểm yếu của hệ thống S-200 chính là sử dụng bệ phóng cố định và radar cồng kềnh, không có khả năng cơ động trong điều kiện chiến tranh.
Tuy một số nước như Iran từng hiện đại hóa S-200 để giảm thời gian triển khai và thu hồi.