- Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết lùi tiến độ hoàn thành đến tháng 6-2023
- Bốn dự án cao tốc trọng điểm ở phía Nam đứng trước tình trạng “đói” vật liệu
- Theo dõi sát nhà thầu chậm tiến độ cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây, cắt giảm khối lượng nếu vẫn chậm
Đất đắp nền cản trở tiến độ dự án
Dù đã sắp đến hẹn phải về đích, nhưng đến nay 2 tuyến cao tốc này vẫn thiếu đất đắp nền tới 1,5 triệu m3.
Ông Lê Quyết Tiến, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, tiến độ của hai dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và Phan Thiết - Vĩnh Hảo hiện đang được kiểm soát chặt chẽ từng ngày. Mục tiêu hoàn thành đưa vào khai thác dịp 30/4/2023 vẫn không thay đổi.
Nếu đến ngày 30/4, gói thầu nào chưa hoàn thành, Bộ GTVT sẽ xem xét lại hợp đồng với nhà thầu để có những biện pháp xử lý theo quy định (huỷ hợp đồng với các nhà thầu này tại các dự án khác do Bộ GTVT làm chủ đầu tư; không cho tham gia các dự án của Bộ GTVT trong thời gian từ 3 - 5 năm).
Tuy vậy, theo ông Tiến, điểm khó nhất hiện nay là nguồn vật liệu đất đắp để thi công đường gom, đường đầu cầu.
Cụ thể tuyến Dầu Giây - Phan Thiết đang thiếu 600.000m3; tuyến Phan Thiết - Vĩnh Hảo đang thiếu 900.000m3. Nếu vấn đề này không được giải quyết sớm, sẽ gây khó khăn cho việc hoàn thành toàn bộ dự án theo kế hoạch.
Cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết hiện còn thiếu đến 900.000m3 đất đắp nền dù phải hoàn thành trước 30/4 |
Ông Đinh Công Minh, Giám đốc Ban QLDA 7 thông tin, hiện vẫn còn một số vị trí vướng đường điện. Về nguồn đất đắp, tuyến được cấp 6 mỏ đất nhưng đến nay đã hết hạn. Nếu cấp theo các thủ tục hiện nay thì không thể kịp với tiến độ dự án, bởi chỉ còn 45 ngày.
Tương tự, ông Phạm Thanh Bình, Phó Giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, với cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Ban đặt kế hoạch với các nhà thầu đến 20/4 phải xong toàn bộ dự án, sau đó là công tác hoàn thiện và bàn giao đưa vào khai thác. Nhưng điểm khó khăn chung hiện nay là nguồn vật liệu đất, riêng các đường gom và cầu vượt trên địa bàn Đồng Nai đang thiếu 600.000m3 đất đắp.
Cho phép vừa khai thác vừa làm thủ tục gia hạn
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, do Thanh tra Chính phủ đang kiểm tra về việc cấp phép tài nguyên khoáng sản trên địa bàn, vì vậy, tỉnh đang chờ ý kiến của Thanh tra Chính phủ cho phép gia hạn 4 mỏ đất đã cấp.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, đối với 2 tuyến cao tốc nói trên, nhà thầu đã huy động thiết bị, nhân lực để hoàn thành tuyến chính, đảm bảo thông xe trước 30/4. Tuy nhiên, nếu các đường gom, cầu vượt không hoàn thành vì thiếu đất đắp thì rất lãng phí.
Ông Huy cho rằng, vướng mắc ở đây chủ yếu là khâu thủ tục, câu chữ trong văn bản. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ, Bộ TN-MT và các địa phương ủng hộ cho phép vừa khai thác để thi công, vừa hoàn thiện các thủ tục để đảm bảo tiến độ hoàn thành trong 45 ngày tới.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chỉ rõ các nguyên nhân khiến dự án chậm, trong đó một số nhà thầu chưa bố trí đủ nhân lực, thiết bị, thi công 3 ca, 4 kíp như chỉ đạo của Bộ GTVT. Một số nhà thầu còn khó khăn về tài chính.
Cùng với đó là khó khăn về nguyên vật liệu đất đắp tương đối lớn, khoảng 1,5 triệu m3 cho cả hai dự án, tập trung ở đường gom, đường hai đầu cầu.
“Không thể để đường gom, cầu vượt chưa hoàn thành khi tuyến chính khánh thành, đưa vào khai thác dịp 30/4. Tôi nhắc lại, 30/4 phải khánh thành. Chúng ta chỉ có một con đường, đó là tiến lên”, ông Thắng yêu cầu.
Với các nhà thầu, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu bố trí đủ các mũi thi công, 3 ca, 4 kíp, tài chính, nhân lực để đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng thời hạn. Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình thi công dự án.
Về vấn đề nguồn vật liệu, Bộ trưởng Thắng đề nghị hai địa phương Đồng Nai, Bình Thuận phối hợp để báo cáo, kiến nghị Chính phủ cho gia hạn các mỏ đất để cấp cho dự án. Bởi nếu tiến hành theo các thủ tục thông thường như hiện nay sẽ không đủ thời gian thực hiện.