Hai dự án cao tốc Bắc- Nam thiếu vật liệu là do khâu khảo sát chưa kỹ

ANTD.VN - Nguyên nhân chính gây thiếu nguyên vật liệu, làm chậm tiến độ cao tốc Phan Thiết- Dầu Giây và Vĩnh Hảo- Phan Thiết về chủ quan, là do khâu khảo sát, đánh giá tình hình của đơn vị tư vấn chưa kỹ càng, không xác định đầy đủ tính pháp lý của khu vực dự kiến cung cấp vật liệu cho các dự án.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Kết luận thanh tra về việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số tỉnh khu vực phía Nam cung cấp cho dự án giao thông quan trọng quốc gia.

Theo kết luận thanh tra, đoàn thanh tra đã tiến hành thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (vật liệu san lấp) cho 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2022.

Các dự án gồm dự án thành phần cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết; dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu của UBND các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Đồng Tháp.

Thanh tra Chính phủ khẳng định, theo quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Đồng Tháp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025- 2030, trữ lượng vật liệu san lấp cao hơn nhiều so với nhu cầu của 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây; cầu Mỹ Thuận và đường dẫn 2 đầu cầu.

Đáng chú ý, tại thời điểm triển khai các dự án, chỉ có dự án thành phần cầu Mỹ Thuận và đường dẫn 2 đầu cầu không gặp khó khăn về vật liệu san lấp.

Hai dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây liên tục bị thiếu nguồn cung vật liệu do phần lớn trữ lượng vật liệu san lấp thuộc khu vực quy hoạch (chưa được cấp phép hoạt động) hoặc các khu vực mỏ vật liệu san lấp đang hoạt động (đã được cấp phép trước đây) có trữ lượng và công suất được phép khai thác quá thấp so với nhu cầu của dự án (công suất khai thác tại tỉnh Bình Thuận đạt 1,054 triệu m3/năm; tại tỉnh Đồng Nai chỉ đạt 60.334 m3/năm).

Cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết

Cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết

Trong khi đó, nhu cầu vật liệu đất đắp tại dự án thành phần cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết là 9,2 triệu m3 trong vòng 2 năm; nhu cầu vật liệu đất đắp tại dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là 3,91 triệu m3 trong vòng 2 năm.

Nguyên nhân chính, về chủ quan, là do khâu khảo sát, đánh giá tình hình của đơn vị tư vấn chưa kỹ càng, không xác định đầy đủ tính pháp lý của khu vực dự kiến cung cấp vật liệu cho các dự án.

Tình trạng phổ biến là khi khảo sát, đơn vị tư vấn đánh giá các mỏ vật liệu đạt yêu cầu về chất lượng, nhưng sau khi công trình được khởi công, thì nhà thầu xác định không đảm bảo chất lượng để sử dụng làm vật liệu thi công, dẫn đến việc chủ đầu tư phải tiếp tục đề nghị cấp có thẩm quyền thực hiện các thủ tục bổ sung quy hoạch khoáng sản; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, cấp phép khai thác khoáng sản và thực hiện các thủ tục đất đai để được khai thác khoáng sản theo quy định.

Tất cả các quy trình trên dù đã được áp dụng các cơ chế đặc thù của Quốc hội và Chính phủ, nhưng vẫn mất rất nhiều thời gian, khiến ngay trong giai đoạn thi công nước rút, nhà thầu vẫn phải “tắt máy” chờ vật liệu.

“Trách nhiệm chính dẫn đến việc chậm cung cấp vật liệu san lấp cho dự án thành phần cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và dự án thành phần cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chủ yếu thuộc về chủ đầu tư (Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA 7); đơn vị tư vấn lập hồ sơ thiết kế, dự toán; các nhà thầu trúng thầu thi công dự công trình”, Thanh tra Chính phủ khẳng định.

Liên quan đến kết luận thanh tra này, Văn phòng Chính phủ cũng đã có Công văn gửi Thanh tra Chính phủ, các Bộ GTVT, TN-MT; KH-ĐT và UBND các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung kết luận, kiến nghị đối với việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại một số tỉnh phía Nam cung cấp cho dự án giao thông quan trọng quốc gia, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, không làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Các Bộ GTVT, TN-MT, KH-ĐT và UBND các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp được yêu cầu thực hiện các nội dung kiến nghị của Thanh tra Chính phủ; xử lý nghiêm các vi phạm, khắc phục các tồn tại, thiếu sót; trường hợp phát hiện dấu hiệu tội phạm thì chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật.