Hà Nội sẽ đẹp hơn nếu mỗi cá nhân thay đổi chính mình

ANTD.VN - Nếp sống người Hà Nội từ xa xưa đã mang một phong cách riêng, phong cách thanh lịch, tao nhã, không xô bồ: “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Mai một dần những nét văn hóa người Hà Nội

Mấy chục năm qua, do biến động về lịch sử, trải qua những cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, rồi đất nước ở trong hoàn cảnh khó khăn kinh tế triền miên, người dân Hà Nội sống trong điều kiện bao cấp, vì lẽ đó Hà Nội đã bị biến dạng méo mó đi nhiều. Những hình ảnh mang đậm nét nhân văn như trên đường phố như một em học sinh, một cậu thanh niên dắt người già, người tàn tật qua đường đã trở nên hiếm thấy. Trên những chuyến xe buýt công cộng, hình ảnh người trẻ nhường ghế cho người cao tuổi cũng không còn. Hay khách đến nhà chơi ít được các em nhỏ lễ phép chào, trong bữa cơm gia đình các con bỏ hẳn nếp mời cha mẹ.

Những nét văn hóa mang đậm phong cách người Hà Nội giờ đây đang bị mất dần. Nó cũng chẳng khác nào những di tích vật thể, phi vật thể chúng ta không biết bảo tồn, giữ gìn, sau này sẽ không bao giờ còn lấy lại được. Hiện tại nhiều người lớn tuổi sống lâu năm Hà Nội mỗi khi ra đường những hình ảnh phản cảm luôn đập vào mắt. Họ trăn trở với suy nghĩ, có một lớp trẻ ngày nay với lối sống thực dụng, buông thả, từ phong cách ăn mặc, đến giao tiếp. Các cô gái mới lớn ra đường mặc quần đùi, váy ngắn cũn cỡn vào những nơi công cộng như chốn không người. Cách giao tiếp thiếu văn hóa, phần lớn là chắp vá qua một số quốc gia du nhập về. Nhiều người còn nghi ngại một phần là do nhà trường thiếu sự quan tâm, giáo dục về đạo đức, lẽ sống, việc mà nền giáo dục trước đây coi đó là môn học chính thống bắt buộc cho học sinh từ cấp Tiểu học.

Thanh lịch như người Tràng An

Một người nước ngoài sống và làm việc lâu năm tại Hà Nội nhận xét: “Hà Nội đẹp lắm. Nhưng nếu người Hà Nội biết tổ chức, có ý thức văn hóa, đường phố sắp xếp gọn gàng, kinh doanh buôn bán trong nhà, dành vỉa hè cho người đi bộ, người tham gia giao thông không chen lấn, biết nhường nhau, thì mọi thứ sẽ đẹp hơn. Chúng ta có thể uống bia tùy nơi, tùy chốn, nhưng không thể kê bàn ghế ra vỉa hè, cởi trần mặc quần đùi ngồi cất cao giọng “zô zô, trăm phần trăm” với nhau. Vệ sinh môi trường nhiều khu phố, khu chợ, nơi công cộng đều rất bừa bãi, gây ô nhiễm, mất vệ sinh.

Giữ gìn bảo tồn những kiến trúc văn hóa

Trong xây dựng thì kiến trúc lộn xộn, nhiều khu phố cổ đã có hàng trăm năm tuổi với các ngôi nhà gỗ, mái ngói thâm nâu mang đậm nét phương Đông đang ngày bị méo mó, biến dạng.

Thay vào những ngôi nhà bê tông cốt thép nhiều tầng dáng dấp tân kỳ, diêm dúa xen kẽ những kiến túc cổ xưa không khác nào khoác lên mình chiếc áo vá nhiều mảnh. Tâm lý người dân khi có tiền ai cũng muốn chòi lên cao (có thể vì lý do đất chật), nhưng còn một lý do khác là muốn mình phải hoành tráng hơn người. Đây là lời nhận xét của một người nước ngoài đã sinh sống lâu năm ở Hà Nội. Có một câu nói của anh làm tôi phải suy nghĩ thấm thía: “Ở quốc gia nào trên thế giới cũng phải trải qua thời kỳ đầu khôi phục. Trong những năm chiến tranh, Hà Nội bị máy bay Mỹ tàn phá nhiều công trình, nhà cửa, nhà máy xí nghiệp… vì vậy cũng phải trải qua thời kỳ đầu khôi phục, xây dựng, tôn tạo”.

Như London (Anh) là một thành phố đông dân, cuộc sống cũng rất phức tạp, sinh hoạt đắt đỏ, cũng có người giàu, người nghèo, người cơ nhỡ, tệ nạn xã hội, trẻ em lang thang… nhưng pháp luật ở đây rất nghiêm, mọi trật tự sinh hoạt, giao thông phải tuân theo quy định bắt buộc.

Hà Nội nên giữ gìn bảo tồn những kiến trúc văn hóa sẵn có, vừa mang tính lịch sử, vừa mang nét kiến trúc đặc trưng của phương Đông. Nhà cao tầng nước nào chẳng có, còn những kiến trúc cổ, đặc thù của Việt Nam chắc rằng ít quốc gia có được. Hà Nội phải tiếp nối, tiếp nối vững chắc nhất là những kiến trúc của Pháp đã tồn tại qua hàng trăm năm nên giữ gìn bảo quản. Ngoài ra, những khu nhà tập thể xây dựng từ những năm thập niên 60-70 thế kỷ trước đã xuống cấp, hư hỏng nguy cơ không an toàn nên phá bỏ thay đổi dần, không nên tồn tại.

Khu Phố cổ Hà Nội là quần thể kiến trúc độc đáo, mang đậm bản sắc

Qua những nhận xét ấy, chúng ta mới giật mình suy nghĩ, người nước ngoài đến Hà Nội mà đã có tâm huyết, quan tâm nhận xét như vậy thì tại sao chúng ta những người đang sống, làm việc trên mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến lại có thể thờ ơ trước những vi phạm, nhức nhối, tồn tại từ năm này qua năm khác mà người ta vẫn làm ngơ?

Người Hà Nội có quyền tự hào, hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp ngay giữa một thành phố có bề dày văn hóa, một thành phố trải qua bao cuộc chiến tranh nhưng không bị khuất phục. Đây vẫn là câu chuyện của tương lai, hiện tại Hà Nội còn rất nhiều việc phải làm, những thách thức không nhỏ trong phát triển đồng bộ về xây dựng, giao thông, an ninh trật tự, nhất là nếp sống văn hóa của một bộ phận lớp trẻ đang ngày một xuống cấp. Nó đòi hỏi từ mỗi cá nhân chúng ta trước tiên phải thay đổi chính mình.