Hà Nội: Nam thanh niên suýt tử vong vì nhầm lẫn sốt xuất huyết với Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ giữa tháng 5 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn Hà Nội bắt đầu có xu hướng gia tăng, đáng chú ý là đã có những trường hợp người lớn nguy kịch suýt tử vong vì biến chứng nặng…
Điều trị cho một bệnh nhân mắc SXH tại Bệnh viện Thanh Nhàn

Điều trị cho một bệnh nhân mắc SXH tại Bệnh viện Thanh Nhàn

Dịch SXH tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc thường bắt đầu gia tăng vào mùa mưa và lúc này chính là thời điểm dịch bước “vào mùa”. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong tuần từ ngày 14-5 đến 20-5, Hà Nội ghi nhận 15 ca mắc SXH tại 10 quận, huyện, tăng 7 ca so với tuần trước đó.

Theo cảnh báo từ bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp - Bệnh viện Thanh Nhàn, tính theo chu kỳ 5 năm đỉnh dịch xuất hiện một lần thì năm 2022 dịch SXH vào đúng chu kỳ “lên đỉnh”.

Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 47 ca mắc SXH, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy vậy, các bác sĩ cho rằng, năm nay do thời tiết có nhiều biến động, cụ thể vào giữa tháng 5 vẫn có thời tiết lạnh, vì thế có thể dịch sẽ bùng muộn hơn, vào khoảng tháng 7, tháng 8, do vậy người dân tuyệt đối không nên chủ quan.

Bác sĩ Hường cho biết, tại Bệnh viện Thanh Nhàn hiện đã bắt đầu tiếp nhận một số ca mắc SXH phải nhập viện điều trị, đáng chú ý đã có một số trường hợp nguy kịch. Mới nhất là một nam bệnh nhân nhập viện khi sốt 3 ngày vì chủ quan nghĩ rằng các triệu chứng là do mình mắc Covid-19. Khi nhập viện, bệnh nhân rất mệt mỏi, tiểu cầu giảm nhưng may mắn chưa xuất hiện tình trạng xuất huyết nội tạng, dưới da...

Trước đó một nam thanh niên 26 tuổi, mắc SXH đúng lúc dịch Covid-19 đang bùng cao điểm nên ngại đến viện thăm khám. Khi xuất hiện tình trạng nặng, được đưa vào viện thì tiểu cầu của bệnh nhân đã giảm gần như bằng 0, bị biến chứng tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, xuất huyết nhiều nơi. Trường hợp này sau đó được cứu sống nhưng khó tránh khỏi di chứng lâu dài.

Từ những trường hợp trên, bác sĩ Hương cảnh báo, nhiều trường hợp nhập viện gần đây thường nhầm lẫn SXH với Covid-19. Khi có biểu hiện sốt, nhiều người nghĩ mình bị Covid-19 nên chủ quan, cho rằng đã tiêm vaccine rồi chỉ 1-2 ngày sẽ đỡ. Thậm chí có trường hợp test âm tính thì lại càng yên tâm hơn. Đây thực sự là vấn đề rất đáng cảnh báo, vì mắc SXH tiểu cầu giảm nhanh, nếu không được can thiệp thì sẽ rất nguy hiểm.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi thấy có các triệu chứng nghi ngờ SXH như: sốt rất cao, thậm chí trên 40 độ; đau mỏi người, đau cơ, xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội; chảy máu chăng răng, xuất huyết tiêu hóa… thì người bệnh cần đến bệnh viện để được chẩn đoán sớm.