Cảnh sát giao thông lập danh sách 3.370 học sinh vi phạm gửi Sở giáo dục và đào tạo Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ ngày 1 đến 22-10, thực hiện kế hoạch cao điểm của Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an về việc xử lý đối với học sinh, phụ huynh vi phạm khi tham gia giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông CATP đã gửi Sở GD&ĐT Hà Nội danh sách 3.370 em vi phạm.

Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, đại diện Phòng CSGT - CATP Hà Nội cho biết, triển khai đồng bộ các biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh khi tham gia giao thông, lực lượng CSGT Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, chính quyền địa phương và các cơ sở giáo dục để tổ chức 142 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông.

Những buổi tuyên truyền này đã tiếp cận trực tiếp đến 129.108 học sinh và 11.077 giáo viên ở các cấp học. Đặc biệt, thông qua việc ký cam kết bảo đảm an toàn giao thông với 43.092 học sinh, ý thức chấp hành luật giao thông của các em đã có sự cải thiện rõ rệt.

Vẫn còn tình trạng phụ huynh chở con em không đội mũ bảo hiểm tới trường

Vẫn còn tình trạng phụ huynh chở con em không đội mũ bảo hiểm tới trường

Các mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, “Cổng trường an toàn văn minh” cũng được xây dựng tại nhiều trường học, góp phần bảo đảm trật tự giao thông trước cổng trường vào giờ cao điểm.

Cùng với đó, trong “chiến dịch” tuyên truyền, lực lượng CSGT đã trao tặng 1.124 mũ bảo hiểm và nhiều phần quà liên quan cho các em học sinh, giúp nâng cao ý thức về việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Qua đây, có thể thấy nhận thức của các em học sinh về an toàn giao thông đã có sự tiến bộ đáng kể. Nhiều em đã biết chấp hành quy định, đội mũ bảo hiểm đầy đủ và tuân thủ đúng luật khi tham gia giao thông.

Các tổ công tác đặc biệt của Công an Hà Nội tăng cường xử lý vi phạm giao thông liên quan tới học sinh

Các tổ công tác đặc biệt của Công an Hà Nội tăng cường xử lý vi phạm giao thông liên quan tới học sinh

Bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng CSGT Hà Nội cũng tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm TTATGT liên quan đến lứa tuổi học sinh. Trong 3 tuần triển khai đợt cao điểm, đã có 6.037 trường hợp học sinh vi phạm bị xử lý.

Cụ thể, có 5.303 trường hợp không đội mũ bảo hiểm và 1.092 trường hợp học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ điều kiện. Đặc biệt, lực lượng chức năng đã tạm giữ 2.928 phương tiện các loại trong quá trình xử lý vi phạm.

Một số phụ huynh chưa gương mẫu chấp hành, có thể gây ảnh hưởng không tốt tới nhận thức của các em học sinh

Một số phụ huynh chưa gương mẫu chấp hành, có thể gây ảnh hưởng không tốt tới nhận thức của các em học sinh

Không chỉ dừng lại ở việc xử lý học sinh vi phạm, lực lượng CSGT cũng đã kiên quyết xử lý 338 trường hợp phụ huynh hoặc chủ phương tiện giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển.

Lực lượng CSGT Hà Nội cũng đã xác minh và lập danh sách 3.370 trường hợp học sinh vi phạm để gửi thông báo đến Sở GD&ĐT Hà Nội. Đây là biện pháp mạnh nhằm cảnh tỉnh và nâng cao nhận thức cho cả học sinh và phụ huynh trong việc chấp hành nghiêm túc các quy định về an toàn giao thông.

Mặc dù công tác tuyên truyền và xử lý vi phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng thực tế cho thấy vẫn còn không ít phụ huynh chưa thực sự gương mẫu trong việc tuân thủ luật giao thông. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân họ mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các em học sinh, đặc biệt là trong bối cảnh giao thông phức tạp tại các đô thị lớn như Hà Nội.

Nếu phụ huynh không làm gương, có lẽ rất khó để giáo dục các em học sinh chấp hành quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Nếu phụ huynh không làm gương, có lẽ rất khó để giáo dục các em học sinh chấp hành quy định khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông

Trong thời gian tới, lực lượng CSGT Thủ đô sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông liên quan đến học sinh và phụ huynh. Mục tiêu không chỉ là nâng cao văn hóa giao thông mà còn giảm thiểu tối đa các vụ tai nạn giao thông có thể xảy ra, đặc biệt là những vụ va chạm liên quan đến lứa tuổi học sinh.

Khi và chỉ khi mỗi học sinh, phụ huynh và người dân đều nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông, an toàn trên các tuyến đường mới thực sự được bảo đảm.