Hà Nội: Hàng loạt trường đại học báo lịch trở lại trường, sinh viên nháo nhào tìm nhà trọ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các trường đại học tại Hà Nội đã thông báo lịch học trực tiếp (thường bắt đầu từ cuối tháng 2/2022). Thông tin này khiến nhiều sinh viên ngoại tỉnh cuống cuồng đi tìm nhà trọ, đặc biệt là những tân sinh viên chưa một lần đặt chân tới trường.

Nháo nhào tìm phòng trọ

Từ khi biết tin trở lại trường, bạn Nguyễn Thu Hà ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương - tân sinh viên trường ĐH Luật vừa mừng lại vừa lo. Mừng vì sau nửa năm học online ở nhà nay sẽ được đặt chân đến giảng đường, gặp gỡ các bạn, thầy cô mới, lo vì đây là lần đầu tiên xa nhà sống tự lập tại vùng đất mới.

Để tìm nhà trọ hầu như ngày này Hà cũng lên mạng vào các hội nhóm cho thuê nhà để tìm phòng. Tuy vậy, hầu hết những thông tin Hà tìm được đều qua người môi giới.

“Khi em gọi điện bên môi giới thường đưa ra các thông tin khá hấp dẫn như phòng mới đẹp, điện nước công tơ riêng, vệ sinh khép kín, không ở cùng chủ, an ninh đảm bảo… Song khi em nhờ người nhà đến tận nơi xem thử thì thực tế khác xa quảng cáo. Bên cạnh đó, nếu thông qua môi giới em sẽ bị mất 1 tháng tiền thuê nhà cho họ. Chắc vài ngày tới em phải lên Hà Nội trực tiếp đi tìm nhà trọ” - Hà chia sẻ.

Với tâm trạng tương tự, Trần Văn Đức - một sinh viên năm thứ 3 cho biết, trước đây Đức đã thuê phòng trọ gần trường để tiện đi lại. Song từ khi dịch bệnh bùng phát, trường chuyển sang học trực tuyến, Đức đã trả phòng về quê. Khi nhận được thông báo của trường về việc học trực tiếp, Đức liên lạc lại chủ phòng trọ cũ thì được biết phòng đã có người thuê. Do vậy, trước mắt Đức đã chọn phương án ở nhờ nhà người chú họ tại Hà Nội.

Hình ảnh thực tế của nhiều nhà trọ khác xa hình ảnh đăng tải trên mạng (ảnh minh hoạ)Hình ảnh thực tế của nhiều nhà trọ khác xa hình ảnh đăng tải trên mạng (ảnh minh hoạ)

Theo khảo sát của chúng tôi, vào thời điểm này khi hầu hết các trường đại học ở Hà Nội đều yêu cầu sinh viên quay lại trường học trực tiếp thì nhà trọ vốn đang ế ẩm bỗng trở nên “hot”. Sinh viên ở các trường có lịch học tập trung muộn hơn thì cơ hội tìm được phòng trọ ưng ý sẽ thấp hơn… Trong khi đó, hiện hệ thống ký túc xá của một số trường vẫn chưa sẵn sàng đón sinh viên vào ở nên lượng sinh viên thuê phòng trọ ngoài là rất lớn.

Chị Nguyễn Thị Hằng ở Tiên Lữ, Hưng Yên, người có con gái là tân sinh viên trường ĐH Kinh tế cho biết, do không có người quen tại Hà Nội nên chị đã cho con đăng ký ở Ký túc xá của trường. Tuy vậy, khi hai mẹ con đến “tham quan” phòng ở, cô con gái của chị đã nằng nặc muốn “đảo ngũ”.

“Phòng chật chội ấm mốc, tường rêu bám xanh rì, bong tróc nham nhở do lâu không có người ở, không đảm bảo điều kiện sinh hoạt. Sau một hồi nghe mẹ thuyết phục, còn gái tôi cũng miễn cưỡng đồng ý chỉ ở tạm tại đây một thời gian ngắn, đến khi tìm được phòng trọ sẽ chuyển ra ngoài” - Chị Hằng thở dài.

Thận trọng kẻo sập bẫy “cò”

Trước những lời quảng cáo có cánh được đăng tải trên mạng xã hội như “phòng trọ giá rẻ, giờ giấc tự do, lối đi riêng, wifi, gần trạm xe buýt, giữ xe miễn phí…” do sợ mất phòng giá tốt nên không ít tân sinh viên đã nhanh chóng đặt cọc. Song đến khi “đích mục sở thị” người thuê mới té ngửa khi phòng trọ thực chất chỉ bằng một phần “phòng trọ trên mạng” nên đành hủy giao kết, chấp nhận mất tiền đặt cọc.

Về các quy định pháp lý liên quan đến đặt cọc, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, Điều 328 BLDS 2015 quy định, đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

Tuy vậy, thông thường hợp đồng đặt cọc thuê nhà thường có các điều khoản mập mờ như “bằng giấy thỏa thuận giữ chỗ này bên cho thuê sẽ giữ phòng cho bên thuê khi có phòng trống”. Khi đó, chủ nhà trọ sẽ tự quyết định muốn giao phòng nào cho người thuê vào thời điểm nào cũng được, bất chấp việc người thuê đã đặt cọc giữ phòng. Nếu đến ngày hẹn bên cho thuê nói chưa có phòng trống, bên thuê vẫn phải đợi, nếu không chấp nhận sẽ mất luôn tiền đặt cọc.

Để tránh “tiền mất, tật mang”, sinh viên khi tìm phòng trọ trên mạng xã hội cần quan tâm đến những bài đăng về cho thuê nhà ở có cụm từ “liên hệ chính chủ để xem phòng”, cảnh giác với thông tin “liên hệ để xem phòng” vì thường thông qua môi giới. Với những trường hợp tìm nhà trọ qua mạng, trước khi đặt cọc cần nhờ người quen đến xem trực tiếp.

Ngoài ra, trước khi đặt cọc, bên thuê cần tham khảo ý kiến người dân xung quanh khu vực nhà trọ. Việc đặt cọc phải được lập thành văn bản, có chữ kí của của hai bên. Khi ký hợp đồng thuê nhà cần kiểm tra kỹ các điều khoản về giá cả, thời gian thuê - Luật sư Hồng Vân khuyến cáo.