Giữa tâm bão lũ

ANTĐ - Chuông báo thức đổ dồn dập từ chiếc điện thoại, đang chìm trong giấc ngủ sâu, cô tung chăn bật dậy lẩm bẩm “dậy đi họp bão”.

Đi cứu trợ đồng bào lũ quét tại xã Sủng Hoảng, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai năm 2005

Sợ chuông báo thức

Vệ sinh cá nhân nhanh chóng, vội vàng lao đến cuộc họp trong khi trời đất đang mưa vần vũ. Ướt lép nhép, mặt vẫn còn ngái ngủ, bật chiếc laptop lên gõ. Một ngày của phóng viên theo dõi bão, lũ vào những ngày mưa gió bắt đầu như vậy.

7h sáng, cuộc họp bắt đầu, nhưng phóng viên phải đến trước 10 phút để ổn định chỗ ngồi, tránh lộn xộn. Kết thúc họp vào 8h sáng, xong việc, phóng viên lại tất tả lên cơ quan để kịp đẩy tin bài với những phóng viên báo mạng, còn phóng viên báo giấy, lúc đó mới kéo nhau đi ăn sáng và bắt đầu những công việc khác. Thu Hoài, phóng viên Báo Đất Việt chia sẻ, theo dõi bão lũ khi vào mùa thì bận tối mắt, tối mũi, lúc nào cũng cuống lên vì họp hành, để biết chỉ đạo về còn tuyên truyền. “Mình vừa đẩy bài cho báo điện tử vừa làm báo giấy. Nên cứ tan cuộc họp sáng là lại tất tưởi mua 1 gói xôi ngô ở ngay cổng Bộ NN&PTNT về cơ quan, vừa ăn vừa gõ, khi hết gói xôi cũng là lúc bài hoàn thành”, Thu Hoài cho biết.

Mỗi cơn bão, trận lũ về thường kéo dài từ 5-7 ngày, trung bình một ngày khi bão sắp đổ bộ, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương họp 2 lần bất kể thời gian, giờ giấc. Có thể là 7h sáng, 10h sáng, 13h30 chiều hay thậm chí là 21h tối để cập nhật tình hình và phổ biến chỉ đạo từ Trung ương tới các địa phương cho sát sao. Phóng viên Thu Hoài tâm sự: “Theo dõi 2-3 ngày liên tiếp là mọi thứ trở nên uể oải, mệt mỏi kinh khủng, sáng sáng, cứ nghe tiếng chuông báo thức lại giật mình thon thót. Nhất là khi BCĐ PCLB Trung ương cứ nhằm vào những giờ “hiểm” để họp như 6h chiều, 9h tối. Họp xong phóng viên lại phải tức tốc viết bài để gửi về cho kịp lên báo vào ngày hôm sau. Xong việc thì người mệt nhoài, chao đảo dắt chiếc xe ra về giữa trời mưa gió, bụng đói mà không còn tâm trạng ăn uống, chỉ muốn về nhà ngủ thật nhanh, lấy tinh thần, sáng mai còn theo dõi bão tiếp”.

Bão “ép” cho ra “bã”

Những phóng viên son rỗi còn vậy, cực nhất là phóng viên đã có gia đình, con cái. Hà Yên, phóng viên có thâm niên trong lĩnh vực bão lũ của Báo Vietnamnet chia sẻ, làm báo mạng chịu sức ép rất lớn, đòi hỏi thông tin nhanh. Gần 10 năm làm phóng viên bão lũ, vào mùa mưa bão, chị ăn không ngon, ngủ không yên. Những năm đầu chưa có con, thấy việc bám thông tin bão lũ cũng bình thường. Nhưng từ khi sinh em bé, cứ mỗi mùa bão lũ đến, chị thấy chao đảo, quay cuồng. “Nhà tôi cũng may gần Bộ NN&PTNT, nhưng sáng cũng phải dậy từ 6h kém để chuẩn bị các thứ cho con, rồi đi họp bão, xong lại tức tốc về cơ quan để viết bài ngồi viết mà vẫn nơm nớp lo đứa con ở nhà ngủ dậy, ăn uống ra sao”. Phóng viên Hà Yên kể lại, có lần mải lo đi họp hành bão lũ, mà cửa sổ ở nhà mở tung, thành thử mưa lớn đổ xuống, khi chị về được đến nhà thì đống chăn ga, gối đã bị hắt ướt hết quá nửa, nước lũng sũng dưới sàn nhà.

Mưa bão ngày một cực đoan, ngay tại Hà Nội, nơi tưởng chừng như sẽ không bao giờ biết cảnh ngập, lụt, nhưng nhiều năm trở lại đây, thành phố thường xuyên ngập sau mỗi trận mưa lớn, và phóng viên bão lũ lại được dịp tác nghiệp ngay tại chỗ. Còn nhớ, trận mưa lớn gây ngập lụt lịch sử tại Hà Nội vào năm 2008, phóng viên bão lũ chạy ngược xuôi cả tuần, ai cũng phờ phạc, lên cơ quan trong tình trạng ướt như chuột lột.

Ngọc Yến, phóng viên Báo Công an nhân dân nhớ lại, trong hơn 10 năm theo dõi lĩnh vực này, chị chưa bao giờ chứng kiến trận mưa nào khiến cả Hà Nội bồng bềnh trong biển nước như vậy. Ngày nào cũng lên cơ quan trong bộ dạng quần ngố, áo cộc, dép lê mà vẫn ướt lướt thướt, về nhà trong tình trạng mệt lừ. “Tôi nhớ có hôm về đến nhà là gần 22h đêm, vừa đặt mình xuống giường, anh bạn đồng nghiệp ở Báo Hà Nội mới gọi, em ơi, hình như vỡ đê sông Nhuệ rồi. Quá mệt, tôi đánh liều, anh ơi, đê vỡ thì em cũng ngủ đây, em hết sức rồi”, Ngọc Yến nhớ lại.

Tác nghiệp trên mọi địa hình

Phóng viên theo dõi bão lũ, có lẽ vất vả và cơ động nhất là những người đi hiện trường tác nghiệp. Bão tới, lũ về, người dân sơ tán thì phóng viên lại là những người lao vào nguy hiểm. Phóng viên Tuấn Phùng, Báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh kể: “Đáng nhớ nhất là chuyến đi lũ Tùng Chỉn (Trịnh Tường, Bát Xát, Lào Cai)  năm 2008. Đường vào Bát Xát bị sạt lở, ách tắc nghiêm trọng, xe ô tô không thể đi được, tôi phải thuê xe ôm rồi đi bộ, lặn lội cả ngày trời mới vào được đến nơi”. Theo phóng viên Tuấn Phùng, những chuyến đi thực tế lũ bão bao giờ cũng đầy vất vả, hiểm nguy. Nhiều khi ăn không được no, quần áo không đủ mặc vì bị mưa ướt. Nhưng chính những chuyến đi ấy lại giúp cho phóng viên thêm trưởng thành hơn trong cuộc sống, có được hơi thở chân thực trong bài viết. Nên dù mệt, dù biết hiểm nguy, nhưng chưa lần nào anh từ chối sự phân công của tòa soạn đến với bà con vùng lũ.

Dự báo bão, công việc nhiều khi không mang lại kết quả đúng như thực tế diễn ra. Cũng bởi vậy, mà có nhiều chuyện bi hài về đón bão hụt đối với phóng viên Tuấn Phùng chia sẻ, năm 2010, anh được toà soạn phân công đi đón bão ở Hải Phòng, bởi theo dự báo, tâm bão sẽ vào khu vực này. Hăm hở xách ba lô lên đường, nhưng xuống đến nơi, bão đâu không thấy, chỉ thấy trời hanh nắng, gió nhẹ, thỉnh thoảng có mưa nhỏ rải rác. “Nghe dự báo, bão đã dịch chuyển xuống Nam Định, Ninh Bình, tôi lại chạy sang, đuổi theo bão. Nhưng sang đến Nam Định cũng tương tự. Lúc ấy, tôi mới thở phào, bão đã tan rồi. Thế là mình đi đón bão hụt”, phóng viên Tuấn Phùng nói.

Có lẽ, trong các lĩnh vực mà phóng viên phụ trách, không lĩnh vực nào cần sự năng động, xông pha của người phóng viên như lĩnh vực bão lũ. Hơn 7h sáng còn ngồi dự họp cùng Ban chỉ đạo để nắm tình hình bão đi đâu về đâu, gần trưa đã có thể nhận lệnh đi xuống hiện trường đón bão. Bão lũ thường đổ bộ, gây thiệt hại lớn cho khu vực miền núi hoặc vùng biển. Miền núi thì điện đóm phập phù, khổ nhất là việc tìm quán internet để gửi tin bài cho kịp về tòa soạn. Nhiều khi, phải lội bộ hàng kilomet chỉ để tìm địa điểm có kết nối internet. Công nghệ 3G nhiều khi cũng chào thua bão lũ. Anh Tuấn Phùng nhớ lại: “Tôi lặn lội được vào  tới bản Tùng Chỉn thì khắp nơi tan hoang, nhà cửa đổ nát, tang thương bao trùm cả bản. Nhưng điện thì mất, điện thoại cũng tắt ngóm sóng, 3G cũng phải chào thua, không còn cách nào để có thể gửi tin bài về tòa soạn, cuối cùng, khi đã thu thập đủ thông tin, tôi lại phải ngược trở ra. Nghĩ lại, thấy lúc đó nhiệt huyết công việc của mình thật lớn”.

Thời gian còn đó, sẽ còn nhiều những câu chuyện vui, buồn trong quá trình tác nghiệp của phóng viên theo dõi bão, lũ. Phóng viên sau này, có thể được luân chuyển để theo dõi lĩnh vực khác, nhưng quãng thời gian phụ trách, theo dõi thông tin và tác nghiệp về bão lũ sẽ là những khoảng ký ức khó quên nhất.