Giới đầu tư đổ xô tìm kiếm cơ hội từ đặc khu kinh tế mới của Trung Quốc

ANTD.VN - Khi tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại sau thời gian dài tăng trưởng nhanh từ chính sách “cải cách mở cửa” cuối những năm 1970, Trung Quốc đã “bung ra” thêm một đặc khu kinh tế với kỳ vọng có thêm một “Thâm Quyến thứ hai”.

Giới đầu tư đổ xô tìm kiếm cơ hội từ đặc khu kinh tế mới của Trung Quốc  ảnh 1Trung Quốc mở đặc khu kinh tế Tân Hùng An với kỳ vọng trở thành một Thâm Quyến thứ hai sau hơn 30 năm 

Thêm một đặc khu kinh tế mới của Trung Quốc đã chính thức được thành lập từ ngày 1-4 vừa qua ở gần Thủ đô nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này, đồng thời giảm bớt tình trạng quá tải từ dân số cho tới môi trường ở Bắc Kinh.

Đây cũng là đặc khu kinh tế lớn thứ ba của Trung Quốc sau các đặc khu kinh tế Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) thành lập từ cuối những năm 1970 và Phố Đông ở thành phố Thượng Hải những năm 1990.

Đặc khu kinh tế mới với tên gọi Tân Hùng An nằm cách Bắc Kinh 100 km về phía Tây Nam, là một phần trong các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác phát triển tại khu vực các thành phố Bắc Kinh, Thiên Tân và tỉnh Hà Bắc. Đặc khu kinh tế Tân Hùng An ban đầu có diện tích 100km2, nhưng tương lai sẽ phát triển tới 2.000 km2, tương đương với diện tích đặc khu Thâm Quyến.

Đặc khu kinh tế mới của Trung Quốc được đánh giá sở hữu nhiều lợi thế như: gần Thủ đô, giao thông thuận tiện, hệ sinh thái và các nguồn tài nguyên phong phú, đáp ứng được nhu cầu của dân cư và phát triển kinh tế. Chính quyền Trung Quốc hy vọng, Tân Hùng An sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông và quá tải dân số trầm trọng hiện nay ở Bắc Kinh, đồng thời tạo ra một trung tâm tăng trưởng mới cho nền kinh tế thứ hai thế giới.

Việc vừa thành lập đặc khu kinh tế mới gần Bắc Kinh đã gây hiệu ứng lan tỏa tới giới đầu tư khi mà Bắc Kinh đã trở lên quá tải. Theo mô tả của hãng tin kinh tế Bloomberg, ngay sau khi thông tin về việc mở đặc khu kinh tế Tân Hùng An phát ra, các con đường cao tốc dẫn tới tỉnh Hà Bắc đã rơi vào cảnh tắc nghẽn bởi giới đầu tư đổ xô tới tìm kiếm cơ hội làm ăn, khiến Chính phủ Trung Quốc phải ban lệnh cấm bán bất động sản ở khu vực mở đặc khu kinh tế mới nhằm ngăn tình trạng đầu cơ.

Giá cổ phiếu của các công ty xi măng, xây dựng, và liên quan đến cảng biển của Trung Quốc… cũng tăng vọt khi các nhà đầu tư hy vọng việc mở đặc khu kinh tế mới sẽ kích thích hoạt động xây dựng.

Tân Hoa xã khi bình luận về về sự kiện này đã đã gọi đây là một “cột mốc lịch sử” nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc tiến vào một “thiên niên kỷ mới”. 

Chính phủ Trung Quốc cũng đặt mục tiêu biến đặc khu kinh tế Tân Hùng An thành một trung tâm tăng trưởng mới trong bối cảnh kinh tế nước này giảm tốc đáng lo ngại sau 3 thập kỷ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, giới quan sát lại cho rằng, việc Tân Hùng An có trở thành một “Thâm Quyến thứ hai” không thì khó có thể biết trước, đặc biệt khi kinh tế Trung Quốc đã phát triển quá nóng thời gian dài và hiện đang gặp phải rất nhiều vấn đề, thách thức từ mặt trái tăng trưởng nhanh cần phải giải quyết.