Gìn giữ nếp nhà xưa như báu vật

ANTĐ - Nằm trầm mặc giữa những làng quê yên bình ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị) nhiều ngôi nhà cổ được làm bằng gỗ quý nơi đây vẫn được người dân gìn giữ gần như nguyên vẹn. Những ngôi nhà quý giá đó vẫn được mỗi thế hệ chủ nhân tiếp nối nâng niu và trân trọng như những báu vật vô giá...

Những nếp nhà vô giá

Trải qua hàng trăm mùa lá rụng, trổ hoa nhưng cây ngô đồng bên đình làng Cu Hoan, xã Hải Thiện vẫn sừng sững như một chứng nhân lịch sử còn tồn tại đến ngày nay. Trước mặt làng Cu Hoan là cánh đồng lúa bao la- vựa lúa chính của tỉnh Quảng Trị- sau lưng là những trảng cát trải dài rộng lớn- địa thế làng Cu Hoan từ xưa đã mang dáng dấp của một miền quê trù phú. Và có một điều ít người biết được ngôi làng nằm ngay trên đường tỉnh lộ kéo dài từ QL 1A chạy dọc về biển Mỹ Thủy vốn sôi động này hiện còn lưu giữ được những mái nhà cổ xưa đã tồn tại hàng trăm năm.

Ngôi nhà cổ 122 năm tuổi

Ông Lê Xuân Huê là một trong những chủ nhân còn lưu giữ được căn nhà gỗ quý hiếm có niên đại hơn 100 năm. Căn nhà gỗ đã nhuốm màu thời gian nằm im lìm dưới khu vườn đầy hoa trái xanh mướt của ông đã được lưu giữ qua nhiều thế hệ. “Căn nhà này truyền đến đời tui đã đời thứ 3. Dù trải qua bao thăng trầm nguy biến nhưng đến nay căn nhà cơ bản còn nguyên vẹn. Nhà của gia đình tui có lối kiến trúc đặc trưng của nhà rường truyền thống với kết cấu 3 gian, 2 chái, đông phòng- tây phòng đều có chạm cẩn xà cừ và được làm bằng gỗ mít lấy trong rừng sâu. Hồi trước nhiều thương lái lắm tiền đến gạ bán với giá cực cao nhưng gia đình đều cương quyết từ chối. Tiền bạc thì thiếu thật nhưng chưa bao giờ tui nghĩ đến chuyện bán chác gì cả. Với gia đình tui, căn nhà này là báu vật vô giá không thể bán mua”, ông Huê dẫn chúng tôi ngắm căn nhà đã nhuốm màu rêu phong, nói quả quyết. Ông dành gian giữa rộng nhất để làm nơi thờ tự tổ tiên, 2 gian đông- tây là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi của gia đình.

Ông kể, thời cha ông còn sống, căn nhà hoàn chỉnh của ông còn có cả nhà “vỏ cua” (tiếng Pháp gọi là Veranda, nhà có hình dạng giống vỏ con cua) ở phía trước gọi là tiền đường, nhà chính gọi là hậu tẩm. Ngoài ra chỉnh thể của ngôi nhà còn có bức hoành phi gắn ở mỗi gian nhà, mỗi cột cũng gắn câu đối tùy theo vị trí. “Xưa, mỗi lần có khách quý đến nhà, trước khi vào hậu tẩm khách phải đi qua tiền đường. Chỉ khi có khách quý thì gia chủ mới tiếp trọng thể ở hậu tẩm. Do chiến tranh tàn phá cộng với thời tiết khắc nghiệt nên tiền đường của căn nhà gia đình tui đã bị hư hỏng và đành phải tháo dỡ đi”, sờ tay vào vết đạn sượt qua chiếc cột nhà sót lại sau chiến tranh, ông Huê bồi hồi nhớ lại.

Những ngôi nhà cổ được người dân nơi đây giữ gìn như báu vật

Tại xóm 4, làng Cu Hoan, căn nhà gỗ quý của gia đình ông Lê Văn Hoa, 76 tuổi cũng đã tồn tại ngót hơn trăm năm tuổi. Với mái tóc đã bạc trắng, tỉ mẩn lau chùi từng chiếc cột nhà đã lên nước đen bóng, từng cánh cửa bản khoa cũ kĩ, ông Hoa kể: “Căn nhà này do cha của tui thời làm chức Lãnh binh dưới triều đình nhà Nguyễn tích góp tiền mua được. Hồi đó chỉ những gia đình làm quan quyền thế hay những người giàu có mới mua hay dựng được căn nhà bề thế như vậy. Khi cha mất, ông đã dặn anh em tôi dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào nữa cũng phải gìn giữ cho bằng được căn nhà. Và nhiều thế hệ gia đình tui đến giờ đã làm được điều cha dặn”.

Những họa tiết trang trí đặc trưng trong nhà ông Hoa được chạm khắc theo lối: tam sơn, dây lá hóa rồng... khá tinh xảo. Tuy là nhà cổ nhưng mọi sinh hoạt diễn ra trong căn nhà khá thuận tiện, việc sắp xếp, trang trí nội thất hợp lý nên căn nhà cổ không trở nên lạc lõng trong thế giới tiện nghi hiện đại.

“Ngó vậy chớ căn nhà hiện đại ngày nay chưa chắc sánh bằng, mùa đông lạnh giá thế nhưng ở trong nhà thấy ấm áp vô cùng còn mùa hè nắng đổ lửa, ngột ngạt vậy mà bước vô trong nhà là thấy mát lạnh liền”, ông Hoa vừa chỉ lên mái ngói đã nhuốm rêu phong của căn nhà mình khoe với chúng tôi.

Cạnh nhà ông Hoa, cũng tại xóm 4, căn nhà phảng phất nét hoài cổ của gia đình ông Lê Văn Hiền cũng đã qua 3 đời tồn tại. “Trải qua những trận thiên tai lịch sử, nhiều ngôi nhà xây bằng gạch lúc ấy đều bị sụp đổ nhưng căn nhà gỗ của gia đình tui vẫn vững chải chẳng sơ sứt gì, mối mọt cũng chịu thua. Có lẽ do được kết nối tự nhiên bằng gỗ thành một khối mà nó trở nên bền vững vậy. Từ ngày được dựng đến nay nhà tui chưa hề phải sửa chữa gì lớn cả, cũng chỉ thay ngói một lần thôi”, ông Hiền cho hay.

Ở xã Hải Thiện, ngoài những căn nhà gỗ quý hiếm còn hiện diện như trên thì vẫn còn nhiều ngôi nhà khác hay một số đình, nhà thờ học dù được cải tạo nhưng vẫn còn mang dáng dấp của nhà cổ vàng son một thời. “Nhiều gia đình vì muốn cải tạo hay do khó khăn mà bán đi nhưng sau này họ đều cảm thấy tiếc nuối. Bởi căn nhà không chỉ là nơi ở, sinh hoạt bình thường mà nó còn thể hiện điều lớn lao hơn thế: đó là nét văn hóa truyền thống, là nơi mà con người ta cảm thấy ấm áp và gửi gắm vào đó biết bao ước vọng trong cuộc đời, là tấm lòng và niềm tự hào với tổ tiên, dòng tộc...”, ông Lê Xuân Huê trầm ngâm nói.

Ngoài căn nhà cổ, nhiều chủ nhân còn kỳ ông lưu giữ hay sưu tập được nhiều hiện vật có giá trị trang trí nội thất, ngoại cảnh của căn nhà... Ngày nay, đời sống hầu hết của chủ nhân những căn nhà cổ trên chỉ dựa vào hạt thóc, vườn tược nhưng cái cách say mê và gìn giữ ngôi nhà của họ thì thật đáng trân trọng.

(Còn nữa)