Giải mật chuyện Nga suýt tấn công hạt nhân vì vụ phóng tên lửa Na Uy

ANTĐ - Ngay sau khi Israel thừa nhận đã phóng 2 quả tên lửa đạn đạo mô hình từ Địa Trung Hải vào khu vực bờ biển Syria, Moscow đã “nổi điên” với Tel Avip và cảnh báo về việc Israel đã cố tình kích nổ “thùng thuốc súng” Trung Đông. Thứ trưởng quốc phòng Nga Anatoly Antonov đã nhắc lại sự kiện Nga suýt tấn công hạt nhân vào Mỹ và NATO vì vụ phóng tên lửa của Na Uy năm 1995. Vậy đầu đuôi sự việc này ra sao?

Vụ phóng 2 tên lửa đạn đạo mô hình của Israel đã bị một radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo Voronezh-M của Nga đặt ở thành phố miền nam Armavir, phát hiện lúc 10h16 giờ Moscow (06h16 - giờ GMT) ngày 3-9. Hai “mục tiêu đạn đạo” mà quân đội Nga phát hiện hôm 3-9 đã được quân đội Israel phóng trong lần thử nghiệm chung giữa Mỹ và Israel về hệ thống phòng thủ tên lửa của các quốc gia Trung Đông.

Quỹ đạo của 2 tên lửa đạn đạo mục tiêu này bay từ khu vực trung tâm đến phía đông Địa Trung Hải, các tên lửa mục tiêu này đã rơi xuống biển ở Địa Trung Hải, giáp với bờ biển của Syria. Sau khi phát hiện ra 2 tên lửa đạn đạo đang bay vào bờ biển Syria, Bộ chỉ huy trung ương thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Nga đã được đặt trong tình trạng báo động cao nhất.

Ngay sau khi Israel thừa nhận đã phóng 2 quả tên lửa đạn đạo mô hình từ Địa Trung Hải vào khu vực bờ biển Syria, Moscow đã “nổi điên” với Tel Avip và cảnh báo về việc Israel đã cố tình kích nổ “thùng thuốc súng” Trung Đông. Thứ trưởng quốc phòng Nga Anatoly Antonov đã nhắc lại sự kiện, Nga suýt tấn công hạt nhân vào Mỹ và NATO vì vụ phóng tên lửa của Na Uy năm 1995.

Ngày 25/01/1995, Na Uy đã phóng một tên lửa đẩy mang vệ tinh khí tượng lên khoảng không vũ trụ, có quỹ đạo bay về hướng nước Nga, nhưng không hề có thông báo về sự việc này. Các radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo của Nga đã thể hiện khả năng quan sát tầm xa đáng sợ, khi phát hiện một quả tên lửa đạn đạo không rõ chủng loại và khả năng mang đầu đạn hạt nhân, được phóng đi từ khu vực phụ cận Spitsbergen - Na Uy, hướng thẳng về phía Nga.

Giải mật chuyện Nga suýt tấn công hạt nhân vì vụ phóng tên lửa Na Uy  ảnh 1

Tên lửa đạn đạo liên lục địa kiểu cơ động trên xe Topol-M của Nga


Các thiết bị đo đạc của Nga dự kiến tên lửa đạn đạo này chỉ mất khoảng 5 phút nữa là bay đến Moscow, thông tin này ngay lập tức được báo cáo lên Tổng thống Nga, lúc đó là ông Boris Yeltsin, đồng thời, các hệ thống radar dự cảnh, hệ thống chỉ huy, kiểm soát lực lượng phòng thủ tên lửa tự động được đặt trong tình trạng báo động ở mức cao nhất.

Bộ chỉ huy trung ương của Nga cho rằng, đây có thể là một tên lửa đạn đạo liên lục địa của NATO, tấn công vào Nga từ các căn cứ phóng ở Na Uy. Ngay lập tức Tổng thống Boris Yeltsin và các lãnh đạo cấp cao nhất đã hội ý khẩn cấp qua các phương tiện thông tin liên lạc để bàn bạc về “cú phản đòn hạt nhân”, trong khi đó các thông tin về tên lửa này liên tục được cập nhật.

Sau này ông Yeltsin thừa nhận lúc đó chiếc “Vali hạt nhân” huyền thoại đã được chuyển đến trước mặt, buộc ông phải đối diện với một quyết định lịch sử với “quả bóng hạt nhân”. May mắn cho thế giới là trong vòng 5 phút nghẹt thở đó, các hệ thống radar cảnh báo tên lửa Nga đã kịp xác định đó chỉ là một tên lửa đẩy chứ không phải là tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Giải mật chuyện Nga suýt tấn công hạt nhân vì vụ phóng tên lửa Na Uy  ảnh 2

Đồ hình các giai đoạn phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa


Ngòi nổ cho một cuộc chiến tranh hạt nhân thế giới đã kịp thời được tháo gỡ. Sau này, người ta mới biết tên lửa đẩy của Na Uy được phóng đi để mang một vệ tinh khí tượng lên quỹ đạo. Nhiều người tự hỏi, lúc đó nếu radar cảnh báo sớm tên lửa của Nga phát hiện muộn hơn khoảng thời gian 5 phút, không đủ để đo đạc, phát hiện nó là tên lửa đẩy hoặc có quá ít thời gian để người Nga cân nhắc thiệt hơn thì thế giới sẽ ra sao?

Trên thực tế, sự nhầm lẫn giữa tên lửa đẩy và tên lửa đạn đạo liên lục địa cũng là điều dễ hiểu. Tên lửa đẩy vệ tinh và tên lửa liên lục địa đều có kết cấu 3 tầng và cơ chế phân tách các tầng như nhau, đồng thời nguyên lý phóng xuyên qua tầng khí quyển cũng giống nhau. Vì vậy, các tên lửa liên lục địa hoàn toàn có thể thay thế tên lửa đẩy vệ tinh và ngược lại.

Ví dụ như thế hệ tên lửa liên lục địa Đông Phong (DF) của Trung Quốc đều có tính năng so sánh tương đương để thay thế các tên lửa đẩy Trường Chinh (dùng để phóng vệ tinh Bắc Đẩu) khi cần thiết, hoặc tên lửa đẩy Unha-3 dùng để mang các vệ tinh Kwangmyongsong của Triều Tiên, cũng là cơ sở để nước này hoàn tất phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa KN-08 của họ.