Giải bài toán hàng nghìn tấn thanh long Bình Thuận tắc đầu ra

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước tình trạng hàng nghìn tấn thanh long Bình Thuận đang vào mùa thu hoạch nhưng chưa tìm được đầu ra, Bộ NN&PTNT đã kết nối các doanh nghiệp đưa công nghệ chế biến sâu xuống vùng nguyên liệu, giảm áp lực tiêu thụ cho bà con nông dân.

Đưa công nghệ chế biến sâu xuống vùng nguyên liệu

Thời gian vừa qua, do phía Trung Quốc tăng cường biện pháp phòng chống dịch Covid-19 dẫn đến tình trạng nhiều xe hàng thanh long bị ùn ứ ở các cửa khẩu. Tại Bình Thuận, một lượng lớn thanh long đang vào vụ thu hoạch nhưng chưa tìm được đầu ra, giá thanh long tươi rớt giá chỉ còn 500-1.000 đồng/kg.

Thanh long Bình Thuận rớt giá do không xuất khẩu được.

Thanh long Bình Thuận rớt giá do không xuất khẩu được.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận Phan Văn Tấn chia sẻ địa phương có khoảng 33.000ha trồng thanh long với sản lượng 700.000 tấn/năm, trước đây chủ yếu tiêu thụ quả tươi ở thị trường Trung Quốc. Nhưng do dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ thanh long của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Trên địa bàn tỉnh có một số đơn vị chế biến sấy thanh long bằng công nghệ sấy nhiệt cũ nhưng công suất thấp, không đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Chế biến thanh long tươi thành thanh long sấy dẻo và khô góp phần tiêu thụ lượng lớn thanh long đến kỳ thu hoạch.

Chế biến thanh long tươi thành thanh long sấy dẻo và khô góp phần tiêu thụ lượng lớn thanh long đến kỳ thu hoạch.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn 970 “kết nối tiêu thụ nông sản” của Bộ NN&PTNT đã phối hợp Công ty cổ phần Cánh Đồng Vàng Lạng Sơn vận chuyển và lắp đặt máy bảo quản, chế biến nông sản điều khiển bằng công nghệ 4.0 xuống vùng nguyên liệu nhằm hỗ trợ đầu ra cho bà con nông dân. Trong đó, Công ty TNHH Nước ép Phúc Hà thông qua sự kết nối hỗ trợ của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận và Diễn đàn 970 đã hợp tác với Công ty Cổ phần Cánh Đồng Vàng Lạng Sơn hình thành khu bảo quản và chế biến thanh long sấy dẻo với công suất lên đến hơn 600 tấn/tháng.

Chế biến thanh long tươi tại Công ty TNHH nước ép Phúc Hà

Chế biến thanh long tươi tại Công ty TNHH nước ép Phúc Hà

Được biết đây là hệ thống bảo quản và sấy nông sản hiện đại được điều khiển hoàn toàn bằng công nghệ 4.0 với dải nhiệt độ sấy từ 0 - 85 độ C. Với công nghệ siêu tiết kiệm năng lượng, chi phí điện năng tiêu thu để sấy 5 – 7 tấn nông sản trong vòng 24h chỉ khoảng 2 triệu đồng. Chi phí này rẻ hơn các công nghệ sấy thông thường khoảng 10 lần.

Cung ứng vào hệ thống siêu thị trên cả nước và xuất khẩu

Bà Lê Thị Nguyên Hà – Giám đốc Công ty TNHH nước ép Phúc Hà cho biết: “Công ty chúng tôi đã có kinh nghiệm thu mua và chế biến thanh long lâu năm tại Bắc Bình. Chính vì vậy chúng tôi đánh giá được tầm quan trọng của việc đầu tư công nghệ chế biến cho quả thanh long. Nếu đưa sản phẩm này vào chế biến sẽ mang lại giá trị kinh tế cao và tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân. Chúng tôi rất cảm ơn Diễn đàn 970 của Bộ Nông nghiệp đã hỗ trợ kịp thời để chúng tôi có được dây chuyền sấy hiện đại thu mua được nhiều thanh long hơn cho bà con nông dân”.

Mỗi hệ thống bảo quản và sấy nông sản đa năng CĐV – Eco có công suất sấy khoảng 5 tấn ruột thanh long/mẻ tương đương với khoảng 10 tấn thanh long tươi/ ngày. Với 2 hệ thống chế biến này Công ty Phúc Hà có khả năng thu mua cho bà con gần 600 tấn thanh long tươi/ tháng và tạo ra việc làm với thu nhập ổn định 220.000 đồng/ ngày/người cho 30 lao động địa phương.

Sản phẩm thanh long sấy dẻo và sấy khô của Công ty TNHH nước ép Phúc Hà sau khi sản xuất sẽ được cung ứng vào hệ thống các siêu thị trên cả nước như Big C, Coop mart, Nutri mart và xuất khẩu sang thị trường Trung quốc và Trung Đông.

Trong thời gian tới, Diễn đàn 970 “kết nối tiêu thụ nông sản” sẽ tiếp tục phối hợp với Công ty Cổ phần Cánh đồng vàng Lạng Sơn triển khai đưa 200 hệ thống bảo quản và sấy nông sản đa năng CĐV-ECO xuống các vùng sản xuất nông sản tập trung như vùng vải tỉnh Bắc Giang, vùng nhãn và xoài của tỉnh Sơn La, vùng trồng cà rốt của tỉnh Hải Dương, vùng trồng khoai của tỉnh Long An và vùng trồng bơ và mít ở Tây Nguyên.