Xuất khẩu nông sản bằng đường biển: Tốc độ thông quan chậm, chi phí vận chuyển cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãnh đạo Bộ GTVT thừa nhận, việc xuất khẩu nông sản đi Trung Quốc bằng đường biển cũng không thuận lợi hơn đường bộ.

Tại buổi làm việc với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương về giải pháp thú đẩy xuất khẩu nông sản bằng đường biển và đường sắt diễn ra chiều 12/1, ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, hiện có khoảng 30 công ty vận tải biển đang khai thác việc vận chuyển, lưu thông containter từ Việt Nam đi Trung Quốc.

Theo lãnh đạo Bộ GTVT, do đặc thù của containter lạnh, công suất chuyên chở trên mỗi tàu chỉ đạt khoảng 20% tổng số containter vận chuyển.

Tại Việt Nam, hai khu vực vận chuyển đường biển chủ yếu sang Trung Quốc nằm tại TP Hải Phòng và TP. HCM.

Việc xuất khẩu nông sản bằng đường biển cũng không nhanh hơn đường bộ trong khi chi phí có thể cao hơn nhiều lần

Việc xuất khẩu nông sản bằng đường biển cũng không nhanh hơn đường bộ trong khi chi phí có thể cao hơn nhiều lần

Trong đó, containter lạnh đi từ Hải Phòng, tại các cảng Lạch Huyện, Đình Vũ; còn containter chở nông sản xuất phát từ TP. HCM, hoặc làm thủ tục tại đây rồi vận chuyển ra cảng Cái Mép – Thị Vải.

Ông Sang cho biết, trong tháng 12/2021 cũng đã có một sự dịch chuyển đáng kể trong việc vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu. Cụ thể, số container vận chuyển tháng 12 đạt 4.000 gấp gần 3 lần so với tháng 11.

Tuy vậy, lãnh đạo Bộ GTVT cũng thừa nhận có khó khăn trong việc chuyển đổi hình thức vận chuyển hàng nông sản xuất khẩu Trung Quốc từ đường bộ sang đường biển.

Cụ thể, phải là hàng xuất khẩu chính ngạch. Thứ hai, chi phí vận chuyển có thể tăng cao đến mức không kiểm soát, bởi doanh nghiệp phải chịu thêm phí từ một lần chở containter rỗng về Việt Nam.

Tương tự như vận chuyển đường bộ, qua các cửa khẩu đường biển, Trung Quốc cũng duy trì chính sách “Zero Covid”. Bởi vậy, tốc độ thông quan bằng đường biển chưa chắc nhanh hơn đường bộ.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GTVT, một số bến bãi tập kết hàng hóa nông sản ở cảng biển Trung Quốc có dấu hiệu ùn tắc khoảng một tuần trở lại đây. Nếu xuất đường biển, doanh nghiệp trong nước có thể chịu thêm phí lưu bãi, và chịu nguy cơ tăng chi phí thêm 2-3 lần.

"Phía Trung Quốc không những yêu cầu khắt khe mã số vùng trồng, mà còn đòi hỏi thủ tục, giấy tờ nghiêm ngặt, đặc biệt là khi xuất khẩu bằng đường biển. Chỉ cần một khâu không đạt, hàng hóa sẽ bị trả lại. Khi đó chủ hàng phải chịu toàn bộ chi phí", Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.