Giấc mơ của cậu học sinh lớp 10 chỉ cao 98 cm

ANTĐ - Tuổi 16, em chỉ cao 98cm, nặng 20kg, nhưng hàng ngày em vẫn miệt mài đạp xe hơn chục km để đến trường. Hơn 10 năm ngồi trên ghế nhà trường cậu học trò siêng năng mơ ước sau này sẽ làm một kỹ sư công nghệ thông tin. Đó là em Trương Văn Nghĩa ở xã Nghĩa Đồng, Tân Kỳ, Nghệ An.

Em Nghĩa bên bàn học của mình


Cuộc vượt cạn kỳ lạ

Từ cột mốc số 0 ở trung tâm thị trấn Tân Kỳ vượt hơn 15km, chúng tôi tìm về nhà Trương Văn Nghĩa ở xóm 3 xã Nghĩa Đồng. Về đến nơi, hỏi ai cũng dễ dàng chỉ đường vào nhà em. Nghĩa là con thứ hai của anh Trương Văn Lệ và chị Trịnh Thị Thành. Anh chị nên duyên khi hai người đều lấy nghiệp làm thuê, cuộc mướn mưu sinh. Lấy nhau, gia đình hai bên đều nghèo nên anh chị chỉ có hơn hai sào đất nông nghiệp để canh tác. Những lúc nông nhàn, họ lại tranh thủ đi làm thuê, rồi 3 đứa con lần lượt ra đời.

Năm 1995, chị Thành mang thai đứa con thứ hai, trong suốt thời gian thai nghén chị không ốm cũng chẳng có biến cố gì. Lúc chuyển dạ sinh con, chị Thành đã phải chuyển từ tuyến xã lên tuyến huyện, vật lộn với những cơn đau hành hạ. Mấy tiếng sau, chị được cho biết đây là ca khó sinh. Qua 5 lần thăm khám, bác sỹ xác định chân em bé co quắp khác thường. Đứa bé được đưa ra ngoài trong tình trạng toàn thân tím ngặt. Sau một hồi cho thở bình ôxy và hô hấp, cậu bé mới sinh dần tỉnh lại. Từ sự việc may mắn này, gia đình đã đặt tên em là Nghĩa. Lúc mới sinh ra Nghĩa nặng 3,5kg và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Năm lên 3 tuổi, Nghĩa bị bệnh phong kinh giản, gia đình đưa em đi chữa trị khắp nơi, đến năm 12 tuổi thì dứt bệnh.

Thế nhưng, cơ thể của em hầu như không phát triển từ năm học lớp 3, anh Lệ, chị Thành nghĩ con chậm phát triển nên cứ chờ thời gian rồi xem thế nào. Nhà nghèo không có tiền đưa con đi thăm khám, xem trên ti vi thấy quảng cáo loại sữa tăng chiều cao, bố mẹ Nghĩa cũng nhịn ăn, nhịn mặc mua về cho con uống nhưng cũng… không ăn thua. Chị Thành mẹ em Nghĩa tâm sự: “Từ khi dùng sữa tăng chiều cao, thỉnh thoảng lại thấy con lén đo xem mình có cao thêm không mà vợ chồng tôi như đứt từng khúc ruột”. Thấy con quá nhỏ so với các bạn nên anh Lệ đành phải làm lại giấy khai sinh thành ngày 18-6-1996 để Nghĩa học lùi lại một lớp. Đến nay Nghĩa đã học đến lớp 10 trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú Tân Kỳ nhưng thân hình của em chẳng nhỉnh lên phân nào so với hồi em học lớp 3.

“Chú lùn” ước mơ…

Những ngày đầu đến trường, Nghĩa cũng mặc cảm bởi thân hình quá tí hon của mình, bạn bè gọi em là chú lùn. Lâu dần thành quen, đến nay, dù mắc bệnh “không lớn được”, nhưng với tinh thần hiếu học, hàng ngày Nghĩa vẫn cần mẫn đạp xe hơn 10km đi học. Học cấp 2, Nghĩa được bố mẹ trang bị cho chiếc xe bé xíu loại xe tập đi của trẻ con. Đến khi lên cấp 3, đường xa, thấy con đi chiếc xe nhỏ đó vất vả nên bố mẹ mua cho em chiếc xe mini mới nhưng xe quá cao, em không thể với tới đạp được. Thế rồi chiếc xe mới đó phải hạ yên xe xuống mức thấp nhất để Nghĩa có thể đi được.

Trong khi cậu con trai độc nhất của gia đình mắc bệnh không rõ nguyên nhân thì em gái Nghĩa là Trương Thị Đàn sinh năm 1999 lại bị câm điếc bẩm sinh. Hoàn cảnh khó khăn như vậy nên Nghĩa chịu thương chịu khó. Mỗi ngày sau giờ trên lớp, Nghĩa lại làm mọi việc để giúp bố mẹ từ nấu cơm, chăn trâu, quét dọn. Không những thế mấy năm liền Nghĩa đều học khá, năm 2011 em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Ngoài ra em còn nhận được giấy khen của hội khuyến học xã, thầy cô và các bạn đều khâm phục nghị lực của em. Hàng xóm rất quý Nghĩa bởi đức tính siêng năng và rất hòa đồng.

Học giỏi môn hóa và ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin, Nghĩa chia sẻ: “Em muốn được làm việc với máy tính và làm được nhiều việc để giúp đỡ bố mẹ”. Chúc cho mong ước của “chú lùn” đầy nghị lực này có ngày trở thành hiện thực.