Giá vàng phá kỷ lục khi tình trạng khủng hoảng ngân hàng Mỹ gia tăng

ANTD.VN - Giá vàng thế giới đã có lúc phá kỷ lục cũ, thiết lập mức cao nhất mọi thời đại mới khi tình hình hỗn loạn gia tăng trong cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ.

Sáng nay, giá vàng trong nước tăng nhẹ. Vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chỉ tăng 50 nghìn đồng mỗi lượng lúc mở cửa, lên 66,65 – 67,25 triệu đồng/lượng.

Ngược lại, DOJI Hà Nội lại giảm nhẹ 50 nghìn đồng, xuống 66,55 – 67,15 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn tăng mạnh hơn, nhẫn SJC 99,99 đang niêm yết tại 56,30 – 57,35 triệu đồng/lượng.

Dù vậy, mức tăng của giá vàng trong nước là rất thấp so với đà tăng của vàng thế giới.

Trong phiên giao dịch ngày 4/5 (đêm qua giờ Việt Nam), giá vàng giao tháng 6 trên sàn Comex đã có lúc phá vỡ kỷ lục cũ, thiết lập mức cao nhất mọi thời đại mới tại 2.085,4 USD/ounce. Sau đó, kim loại quý gặp áp lực chốt lời nhẹ và giảm dần với mức đóng cửa phiên tại 2.055,7 USD/ounce, tương đương tăng 1% trong phiên.

Giá vàng giao ngay tương tự cũng có lúc vọt lên 2.060 USD/ounce trước khi điều chỉnh nhẹ và đóng cửa tại 2.050,3 USD/ounce, tương đương tăng 10,7 USD mỗi ounce trong phiên.

Với việc giá vàng thế giới tăng mạnh trong khi vàng trong nước ít biến động đã kéo giảm chênh lệch giá giữa 2 thị trường xuống mức thấp kỷ lục hàng chục năm trở lại đây. Vàng SJC trong nước chỉ còn cao hơn giá vàng thế giới khoảng hơn 8 triệu đồng mỗi lượng, trong khi có thời điểm năm ngoái, mức chênh lệch này lên đến gần 20 triệu đồng mỗi lượng.

Vàng phi SJC hiện tại thậm chí còn giao dịch thấp hơn giá vàng quốc tế (quy đổi khoảng hơn 59 triệu đồng/lượng).

Giá vàng thế giới tăng mạnh mẽ khi thị trường tài chính thêm hỗn loạn

Theo các chuyên gia, giá vàng thế giới hiện không chỉ được hỗ trợ bởi việc Fed sẽ dừng thắt chặt sau cuộc họp vừa qua, mà còn được thúc đẩy mạnh mẽ bởi tình trạng hỗn loạn ngân hàng chưa có hồi kết tại Mỹ.

Các báo cáo mới nhất cho biết PacWest Bancorp, một công ty cho vay có trụ sở tại California, đang gặp rắc rối. Giá cổ phiếu của nhà băng này đã giảm tới 60% trong phiên giao dịch ngoài giờ.

Ngân hàng được cho là đang xem xét các lựa chọn chiến lược bao gồm cả việc bán lại cho bên khác. Việc “cân nhắc các phương án chiến lược” giờ được Phố Wall hiểu thành một lời cầu cứu, bởi lần trước ngân hàng First Republic cũng thông báo đang nghiên cứu các phương án chiến lược và rồi cũng sụp đổ.

Cũng như các ngân hàng địa phương khác, giá trị của các khoản cho vay và trái phiếu tại PacWest mất giá trầm trọng trong môi trường lãi suất tăng mạnh. Khách hàng đổ xô rút tiền gửi trong tháng 3/2023 vì sợ rằng ngân hàng sẽ sụp đổ và họ sẽ mất tiền.

Hiện Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) bảo hiểm tiền gửi tới 250.000 USD, nhưng nhiều doanh nghiệp đang gửi tiền nhiều hơn mức này.

PacWest có quy mô nhỏ hơn nhiều so với Ngân hàng Silicon Valley và First Republic Bank đã sụp đổ trước đó. Tuy nhiên, tin tức này đang khiến tình trạng hỗn loạn ngân hàng Hoa Kỳ trở thành tâm điểm của thị trường và khiến các nhà giao dịch và nhà đầu tư lo lắng, nghi ngờ về khẳng định của Chủ tịch Fed về việc hệ thống ngân hàng nước này “lành mạnh và linh hoạt”.

Dù ông Powell nói rằng Fed chưa tính đến việc hạ lãi suất trong năm nay, nhưng ngày càng có nhiều người “phớt lờ” điều này.

Theo công cụ dự báo lãi suất Fed - FedWatch của CME, có 79,5% khả năng Cục Dự trữ Liên bang sẽ tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp FOMC tháng 6 tới và duy trì mức lãi suất hiện tại trong khoảng từ 5% đến 5,25.

Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên hơn là xác suất 20,5% rằng Fed sẽ thực hiện cắt giảm lãi suất 0,25% trong cuộc họp đó.