Gay cấn những cuộc bầu cử Tổng thống trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Từ Pháp, Thụy Điển ở châu Âu, Brazil ở châu Mỹ đến Hàn Quốc, Philippines ở châu Á, năm 2022 sẽ diễn ra các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội đầy gay cấn, hứa hẹn nhiều bất ngờ, bởi về cơ bản có thể định hình lại hệ thống chính trị, thậm chí vận mệnh của các quốc gia này.
Tác giả Hải Yến

Tác giả Hải Yến

Ngày 9-3: Bầu cử Tổng thống Hàn Quốc

Tổng thống Moon Jae-in sẽ hết 5 năm nhiệm kỳ vào năm 2022 sau khi nhậm chức từ năm 2017. Ông lên nắm quyền sau vụ luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye năm 2016, người bị kết án 20 năm tù và bị phạt 17 triệu USD vì bê bối tham nhũng. Bà Park đã được ân xá ra tù ngày 31-12-2021. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Moon Jae-in đã ghi được một số dấu ấn: Xử lý tốt đại dịch Covid-19; tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử tại Khu phi quân sự liên Triều khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un là nhà lãnh đạo Triều Tiên bước sang đất Hàn Quốc và ông Moon là lãnh đạo thứ ba của Hàn Quốc thăm Bình Nhưỡng kể từ khi đình chiến năm 1953.

Quan hệ liên Triều tan băng đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông Moon Jae-in có thời điểm năm 2018 tăng vọt lên tới 80%. Đó là lý do tại sao các đối thủ đảng phái của ông cũng chọn chính sách hòa giải hơn đối với nước láng giềng khi cuộc bầu cử sắp đến. Hai ứng cử viên hàng đầu có thể cạnh tranh, kế nhiệm ông Moon là Lee Jae-myung, cựu Tỉnh trưởng Gyeonggi thuộc Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền và ông Yoon Seok-youl của Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) đối lập.

Giới phân tích cho rằng, thanh niên Hàn Quốc sẽ là “chìa khóa” để quyết định cuộc bầu cử vào tháng 3-2022. Hiện nước này có tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao và chi phí sinh hoạt tăng. Không hài lòng với sự lãnh đạo của chính quyền đương nhiệm, những người trẻ tuổi đã thúc đẩy sự gia tăng của PPP trong các cuộc bầu cử địa phương.

Ngày 10-4: Bầu cử Tổng thống Pháp

Nhiều nhà quan sát coi cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 với sự đối đầu của chính trị gia theo chủ nghĩa trung dung Emmanuel Macron và ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen là một phép thử của nền cộng hòa Pháp trước xu hướng dân túy gia tăng. Tới năm nay 2022, bà Le Pen với tư tưởng chống người nhập cư và chống Liên minh châu Âu có thêm đối thủ mới nổi: Éric Zemmour - một nhà bình luận truyền hình, từng nhận 2 bản án vì phát ngôn kích động thù địch. Mặc dù là con của người nhập cư gốc Algeria nhưng ông Zemmour thường xuyên khơi dậy nỗi sợ hãi về những người không phải da trắng và người Hồi giáo nói riêng ở Pháp. Trong khi đó, Tổng thống đương nhiệm Macron dù không được ưa chuộng trong nước, nhưng không loại trừ khả năng ông vẫn tái đắc cử.

Tính đến ngày 5-12-2021, đã có 38 người tuyên bố ứng cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ mới. Mặc dù nhiều điều có thể thay đổi trong những tháng tới, nhưng kịch bản rất dễ xảy ra là không có ai giành được đa số phiếu ngay từ vòng đầu tiên diễn ra vào ngày 10-4 và hai người về đầu sẽ phải “đấu” tiếp trong vòng hai.

Xu hướng cực hữu đang gia tăng nhanh chóng trên chính trường Pháp, hoàn toàn trái ngược với các nước láng giềng châu Âu. Pháp đã chứng kiến những tranh cãi luẩn quẩn về nhập cư, chủng tộc, giới tính, tình dục, ký ức lịch sử. Những thất vọng về kinh tế cũng đạt đến đỉnh điểm trong các cuộc biểu tình áo vest vàng vào năm 2018. Hiện giờ, tình hình thêm hỗn tạp với diễn biến của đại dịch Covid-19. Với tư cách là Tổng thống, ông Macron đôi khi đã tìm cách phủ đầu các lợi ích cực hữu bằng cách áp dụng các biện pháp gây tranh cãi. Rất có thể cuộc bầu cử năm 2022 sẽ đẩy ông Macron xa hơn trong nỗ lực dập tắt bước tiến của cặp đôi Le Pen - Zemmour.

Mặc dù bối cảnh mỗi quốc gia khác nhau, nhưng các cuộc bầu cử đều là những cuộc tranh đua gay cấn và hứa hẹn bất ngờ

Mặc dù bối cảnh mỗi quốc gia khác nhau, nhưng các cuộc bầu cử đều là những cuộc tranh đua gay cấn và hứa hẹn bất ngờ

Ngày 9-5: Bầu cử Tổng thống Philippines

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhậm chức năm 2016 là một trong nhiều nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc tận dụng làn sóng dân túy toàn cầu năm đó. Với tư cách là Thị trưởng thành phố Davao, ông Duterte khét tiếng vì cuộc trấn áp tội phạm ma túy, một chính sách mà ông hứa sẽ mở rộng trên toàn quốc. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi trong suốt nhiệm kỳ Tổng thống 6 năm sau đó, các chính sách và lời hùng biện của ông Duterte đã gây ra tranh cãi lớn, cả trong nước và trên trường quốc tế. Sau nhiều tính toán, Tổng thống Duterte cuối cùng đã quyết định nghỉ hưu, không tái tranh cử nhiệm kỳ mới.

Chiến dịch tranh cử ở Philippines chính thức bắt đầu từ tháng 2, nhưng đến đầu tháng 1-2022, gần 100 ứng cử viên đã đăng ký tranh cử Tổng thống. Có thể kể ra một số nhân vật nổi bật: Ferdinand “Bongbong” Marcos Jr., con trai của cựu độc tài Ferdinand Marcos; Phó Chủ tịch Đảng Tự do Leni Robredo; Thị trưởng Manila Francisco “Isko Moreno” Domagoso; cựu võ sĩ quyền Anh Manny Pacquiao… Đáng chú ý, năm 2016, ông Duterte đắc cử Tổng thống với chỉ 39% số phiếu bầu trên toàn quốc. Hệ thống bầu cử của Philippines không yêu cầu ứng cử viên Tổng thống phải đạt được đa số phiếu ủng hộ. Bởi thế, ai có lợi thế nhỉnh hơn, thậm chí là may mắn dẫn đầu sẽ trở thành người chiến thắng trong cuộc đua này.

Ngày 11-9: Bầu cử Quốc hội Thụy Điển

Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson đã gây xôn xao vào tháng 11-2021 vì hai lý do. Thứ nhất, bà đã trở thành phụ nữ đầu tiên đứng đầu Chính phủ của quốc gia Bắc Âu sau khi người tiền nhiệm Stefan Lofven từ chức. Nhưng điều kỳ lạ hơn là bà Andersson chỉ giữ chức được 7 giờ đồng hồ sau lễ nhậm chức đầu tiên do Đảng Xanh đột ngột rời bỏ liên minh với đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền. Và bà đã tái đắc cử vài ngày sau đó.

Năm 2022 này, kỳ bầu cử quốc hội theo lịch trình được tổ chức 4 năm một lần ở Thụy Điển sẽ quyết định liệu vai trò lãnh đạo của bà Andersson có khả thi hay không. Đất nước này hiện đang đối mặt với số ca nhiễm Covid-19 gia tăng, khiến người đứng đầu Chính phủ phải áp dụng lại một số quy tắc cơ bản về khẩu trang và giãn cách xã hội. Đối với hầu hết các đợt bùng dịch dưới thời ông Lofven, đất nước Thụy Điển áp dụng cách tiếp cận độc nhất trên toàn cầu - không làm gì cả. Mặc dù Chính phủ đã đưa ra một số hạn chế trong đợt dịch thứ hai vào tháng 12-2020, Thụy Điển phải đối mặt với tỷ lệ tử vong và số ca bệnh tăng cao. Thông điệp không đồng nhất khi xử lý đại dịch đã làm mất lòng tin của công chúng đối với Chính phủ Thụy Điển. Trước cuộc bầu cử vào tháng 9-2022, thành công của bà Andersson sẽ phụ thuộc vào việc kiểm soát tốt dịch bệnh hay không.

Ngày 2-10: Bầu cử Tổng thống Brazil

Rất ít cuộc bầu cử nào lại thu hút sự chú ý toàn cầu vào năm 2022 như Brazil, trong đó Tổng thống đương nhiệm Jair Bolsonaro tái tranh cử ganh đua với cựu Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva. Bị kết án vào năm 2017 và bị bỏ tù vào năm 2018 với tội danh tham nhũng, ông Lula đã được xóa án và ra tù vào năm 2019. Còn ông Bolsonaro, một “bản sao” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trải qua nhiệm kỳ 4 năm với những tranh cãi không ngừng.

Điều khiến nhiều nhà quan sát lo ngại là tình trạng bất ổn có thể xảy ra nếu cuộc bầu cử vào tháng 10-2022 không diễn ra theo ý muốn của ông Bolsonaro. Trong thời gian tại vị, ông đã kết hợp bổ nhiệm sĩ quan Quân đội vào giới lãnh đạo, tăng gấp đôi quyền sở hữu súng trong dân thường. Và khi xếp hạng tín nhiệm giảm do đại dịch Covid-19, đặc biệt sau khi Brazil trở thành quốc gia có số người chết vì Covid-19 cao thứ hai thế giới, sau Mỹ, Tổng thống Bolsonaro bắt đầu đặt câu hỏi về tính toàn vẹn của hệ thống bầu cử và tòa án tối cao. Người ta bắt đầu nhìn thấy tiếng vọng của cuộc nổi loạn ở tòa nhà Quốc hội Mỹ vào ngày 6-1-2021. Thế nên, cuộc bầu cử lần này ở Brazil được đánh giá là vô cùng căng thẳng và có thể có bước ngoặt bất ngờ.