Gấp rút tháo gỡ “điểm nghẽn” giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù quyết định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân đã có hiệu lực từ 28-3-2022 và hạn “chót” nhận hồ sơ chỉ còn tính bằng ngày nhưng đến nay số lượng hồ sơ được phê duyệt và giải ngân còn thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Nếu không có giải pháp quyết liệt, việc giải ngân gói hỗ trợ này cho công nhân khó về đích đúng hạn.

Người lao động ngóng hỗ trợ

Quyết định 08/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng về hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động trong khu công nghiệp, chế xuất, vùng kinh tế trọng điểm có hiệu lực từ ngày 28-3-2022. Theo đó, người lao động được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ trong tối đa 3 tháng, thời gian thuê, ở trọ trong khoảng từ ngày 1-2-2022 đến ngày 30-6-2022. Hạn nhận hồ sơ tới hết 15-8-2022. Sau hơn 3 tháng triển khai, đã có người lao động làm việc tại các doanh nghiệp được nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản ATM, vượt qua khó khăn trước mắt.

Tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân chưa đạt kỳ vọng

Tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân chưa đạt kỳ vọng

Theo số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, ngoài Lai Châu, Điện Biên không có đối tượng hỗ trợ, đến ngày 22-7-2022 đã có 52 tỉnh có người sử dụng lao động nộp hồ sơ. Trong đó đã có 344.070 người lao động tại gần 4.000 doanh nghiệp được hỗ trợ với kinh phí là 196,711 tỷ đồng. Ước tính ban đầu có khoảng 3,4 triệu lao động thuộc diện thụ hưởng của chính sách với kinh phí 6.600 tỷ đồng. So với con số này, số tiền giải ngân được vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp, trong khi thời hạn cuối tiếp nhận hồ sơ hỗ trợ theo quy định đã cận kề.

Là người lao động thuộc diện được thụ hưởng chính sách, anh Nguyễn Đăng Mạnh (ở Lạng Giang, Bắc Giang) cho hay, khi biết tin những người lao động thuê nhà trọ sẽ nhận được hỗ trợ tiền thuê nhà là 500.000 đồng/tháng, dù không nhiều nhưng đối với anh là khoản tiền thực sự có ý nghĩa. Từ tháng 5-2022, anh và nhiều công nhân đã nộp hồ sơ ngay khi công ty thông báo nhận đơn đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà. Công ty nơi anh Nguyễn Đăng Mạnh làm việc cũng đã thống kê danh sách, tuy nhiên không biết do nguyên nhân gì tới nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Cùng chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Trang (ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, theo yêu cầu của công ty, chị đã điền vào mẫu đơn xin hỗ trợ tiền thuê nhà và nhờ chủ nhà trọ xác nhận rồi nộp lại khoảng hơn 1 tháng nay. Thế nhưng đến nay, chưa nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà. Người lao động đi thuê trọ ai cũng mong chờ khoản tiền này, nhất là trong bối cảnh giá cả sinh hoạt tăng cao, có thêm đồng nào hay đồng đó.

Chậm vì nhiều vướng mắc

Liên quan đến việc triển khai gói hỗ trợ thuê nhà cho người lao động còn chậm ở nhiều địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đã lập đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh dẫn đầu làm việc với một số địa phương có đông công nhân lao động các tỉnh phía Nam. Tại các buổi làm việc, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM và Đồng Nai phản ánh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng triển khai gói hỗ trợ còn chậm là do người lao động muốn nhận hỗ trợ một lần cho cả 3 tháng. Bên cạnh đó, một số nơi, chủ nhà trọ không đồng ý cung cấp thông tin để hỗ trợ người lao động do tâm lý ngại phải chịu trách nhiệm hoặc chủ nhà trọ lại ở địa phương khác nên khó liên lạc.

Với các vướng mắc như nếu các chủ nhà trọ không chịu cung cấp thông tin, không xác nhận cho người thuê trọ, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) Tào Huy Bằng đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn nhờ chính quyền, cơ quan công an hỗ trợ. Nếu chủ nhà trọ không ký xác nhận cho người lao động thì địa phương xử lý, với những trường hợp chủ nhà trọ ở xa không thể ký xác nhận có thể ủy quyền cho người quản lý ký thay. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ hướng dẫn các địa phương cần đơn giản hóa thủ tục để tiền hỗ trợ thuê nhà sớm đến tay người lao động. Chẳng hạn như chỉ cần xác định người lao động đang làm việc ở doanh nghiệp trên địa bàn, có tham gia bảo hiểm xã hội và có thuê nhà, còn không quan trọng họ đóng bảo hiểm xã hội ở tỉnh nào hay thuê nhà ở quận, huyện nào.

Đối với các địa bàn có đông công nhân lao động như TP.HCM, Bình Dương, quy định người sử dụng lao động phải đảm bảo chính xác, minh bạch về đối tượng và điều kiện hưởng, do đó cần có nhiều thời gian để rà soát kỹ về tính chính xác của thông tin liên quan đến tình trạng nhà ở của người lao động. Trong khi đó, một số phòng LĐ-TB&XH ở cấp quận, huyện quá tải khi chỉ có một vài người phụ trách. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do chưa có sự thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trong việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà đối với trường hợp doanh nghiệp có nhiều chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh với lý do người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tại nơi đặt trụ sở chính, không cùng tỉnh, thành phố với chi nhánh công ty…

Trước đó, tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ đầu tháng 7-2022, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cũng thừa nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tỷ lệ giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà còn “khiêm tốn” là do nhiều địa phương chờ quyết định về nguồn kinh phí hỗ trợ. Bên cạnh đó, một số địa phương sợ sai nên yêu cầu thêm các xác nhận. Trong quyết định chỉ yêu cầu xác nhận của chủ nhà trọ nhưng có nơi yêu cầu cả xác nhận của chính quyền địa phương, xã, phường.

Liên tục đôn đốc, tháo gỡ khó khăn

Trước việc chậm trễ giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên tục có văn bản yêu cầu đẩy nhanh tốc độ chi trả. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngay việc giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo đúng quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngay việc giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo đúng quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 và Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 3-7-2022 của Thủ tướng Chính phủ, không được để chậm trễ, bảo đảm hỗ trợ đúng tiến độ, yêu cầu đề ra, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc này.

Về phía Bộ LĐ-TB&XH, cơ quan này đã đề nghị các địa phương chỉ đạo các khu công nghiệp, doanh nghiệp tập trung đẩy nhanh tốc độ làm hồ sơ. Ngoài hướng dẫn chi tiết gửi về các địa phương, Bộ LĐ-TB&XH còn cử nhiều đoàn công tác tại những địa phương trọng điểm như TP.HCM, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Đồng Nai, Bình Dương... để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc và đôn đốc triển khai chính sách. Với các vướng mắc như nếu các chủ nhà trọ không chịu cung cấp thông tin, không xác nhận cho người thuê trọ, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) Tào Huy Bằng đề nghị các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn nhờ chính quyền, cơ quan công an hỗ trợ.

Nếu chủ nhà trọ không ký xác nhận cho người lao động thì địa phương xử lý, với những trường hợp chủ nhà trọ ở xa không thể ký xác nhận có thể ủy quyền cho người quản lý ký thay. Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ hướng dẫn các địa phương cần đơn giản hóa thủ tục để tiền hỗ trợ thuê nhà sớm đến tay người lao động. Chẳng hạn như chỉ cần xác định người lao động đang làm việc ở doanh nghiệp trên địa bàn, có tham gia bảo hiểm xã hội và có thuê nhà, còn không quan trọng họ đóng bảo hiểm xã hội ở tỉnh nào hay thuê nhà ở quận, huyện nào.

“Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho công nhân lao động thực chất là hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân lao động. Doanh nghiệp cần phối hợp với cơ quan quản lý thực hiện nhanh thủ tục để triển khai thẩm định, giải ngân trước ngày 15-8-2022, sớm nhất, nhanh nhất để tiền hỗ trợ đến tay người lao động. Qua đó, người lao động có nhìn nhận đúng đắn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về các chính sách an sinh xã hội” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh chia sẻ.