Đề xuất sửa đổi quy định về quy mô vốn tối thiểu đối với dự án đầu tư tương tự

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị điều chỉnh quy mô vốn tối thiểu với dự án đầu tư tương tự vì quy định này không cần thiết.
Đề nghị sửa đổi quy định về quy mô vốn tối thiểu dự án đầu tư tương tự

Đề nghị sửa đổi quy định về quy mô vốn tối thiểu dự án đầu tư tương tự

VCCI vừa góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi của Bộ trưởng Bộ KH-ĐT về hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư và dự án đầu tư có sử dụng đất.

Theo VCCI, Luật Đấu thầu quy định kinh nghiệm thực hiện các dự án đầu tư kinh doanh tương tự là một trong những tiêu chuẩn để đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư.

Hiện dự thảo quy định, các dự án đầu tư kinh doanh tương tự phải có tổng vốn đầu tư/tổng mức đầu tư tối thiểu thông thường trong khoảng 50% – 70% tổng vốn đầu tư của dự án đang xét hoặc trong khoảng 30% – 70%, tuỳ thuộc loại dự án.

Việc đặt ra quy định về quy mô vốn tối thiểu của dự án tương tự khi đánh giá kinh nghiệm của nhà đầu tư có tác động hạn chế các nhà đầu tư tham gia đấu thầu dự án. Đối với các dự án quy mô nhỏ, quy định này có thể không có nhiều tác động vì thường sẽ có nhiều nhà đầu tư đáp ứng.

Tuy nhiên, đối với những dự án quy mô lớn, việc tìm được các nhà đầu tư có kinh nghiệm dự án tương tự quy mô vốn 50% là điều tương đối khó khăn.

Ví dụ, trên hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia có đăng tải dự án lên đến hơn 80.000 tỷ đồng. Theo quy định này, nhà đầu tư phải có kinh nghiệm thực hiện dự án từ 40.000 tỷ đến 56.000 tỷ đồng trở lên thì mới được tham gia thầu. Kết quả là chỉ có một số rất ít các doanh nghiệp có thể tham gia đấu thầu, không phù hợp với nguyên tắc bảo đảm tính cạnh tranh tại Điều 6 và Điều 16 của Luật Đấu thầu năm 2023.

Thêm vào đó, quy định này rất bất lợi cho các nhà đầu tư Việt Nam khi phải cạnh tranh với nhà đầu tư nước ngoài nhiều kinh nghiệm hơn, dẫn đến nguy cơ nhiều dự án lớn sẽ rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài thay vì doanh nghiệp trong nước.

Các tổ chức quốc tế thường khuyến nghị các quốc gia xây dựng hệ thống đấu thầu sao cho tăng sự cạnh tranh. OECD khuyến nghị không nên xây dựng các tiêu chí đấu thầu ưu tiên nhà thầu có kinh nghiệm hoặc gây ra sự khó khăn không cần thiết đối với cả nhà thầu mới. Do đó, việc đưa yếu tố quy mô vốn tối thiểu của dự án tương tự khi đánh giá kinh nghiệm của nhà đầu tư cần được hết sức cân nhắc.

Trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền mời thầu thường có xu hướng muốn tăng cao điều kiện về kinh nghiệm của các bên tham gia thầu. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, các cơ quan này thường cố gắng đưa ra điều kiện về quy mô dự án tương tự ở mức cao nhất trong biên độ cho phép tại Thông tư này (thường lên đến 70%).

“Đứng từ góc độ một Thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu, nội dung về quy mô dự án tương tự nên được xây dựng theo hướng đưa ra giới hạn tối đa để tránh các cơ quan mời thầu lạm dụng đưa điều kiện quá cao. Đối với giới hạn tối thiểu thì nên cho phép các cơ quan mời thầu chủ động quyết định, có thể rất thấp nếu họ thấy điều kiện này là không cần thiết”- VCCI nêu.

VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi quy định về quy mô vốn tối thiểu đối với các dự án tương tự khi đánh giá kinh nghiệm tham gia đấu thầu cần cân nhắc việc bỏ giới hạn dưới (mức sàn) mà chỉ quy định về giới hạn trên (mức trần) của quy mô dự án tương tự. Theo đó, các cơ quan mời thầu có quyền chủ động đưa ra điều kiện kinh nghiệm về quy mô dự án tương tự nhưng không được vượt quá ngưỡng quy định trong Thông tư này.

Trong trường hợp không bỏ mức giới hạn dưới thì có thể quy định mức này thấp hơn, từ 0% đến 20% tuỳ loại dự án;

Đồng thời, giảm mức giới hạn trên xuống, tối đa chỉ là 50% giá trị dự án đang xét, để tăng cơ hội tham gia thầu của nhiều nhà đầu tư hơn.