Sinh hạ được 7 người con những tưởng đó là cái phúc, là của để dành nương nhờ lúc tuổi già. Vậy mà những ngày cuối đời đôi vợ chồng già Nguyễn Văn Quý và Nguyễn Thị Chén (Đồng Lư, Đồng Quang, Quốc Oai, Hà Nội) bị đàn con hắt hủi phải sống lay lắt, cơ cực tại đình làng gần 10 năm. Người thì bảo do con cái bạc đãi, rồi cũng có người bảo hai cụ thích thế! Câu chuyện ấy làm xôn xao cả ngôi làng nhỏ này bao năm nay. Có tiếp xúc với hai con người bất hạnh và những người con đeo tiếng bạc ác kia chúng tôi mới hiểu: Họ vẫn còn rất cần nhau.
Phía trong sân đình làng Đồng Lư có rất nhiều xe máy, ôtô. Hỏi ra mới biết đó là xe của những tấm lòng hảo tâm. Họ tìm đến để sẻ chia và bù đắp một phần bất hạnh mà đôi vợ chồng già đang phải gánh chịu. Hồng Nhung (sinh viên Đại học Ngoại Thương, Hà Nội) nói: “Tối qua em đọc bài báo viết về hai cụ cho mẹ em. Đọc xong, hai mẹ con đều khóc. Vừa bất bình với lũ con bất hiếu vừa xót thương cho cảnh già nên sáng nay em rủ mẹ đi xe máy xuống đây có chút quà gọi là biếu hai cụ”. Ngay sau Hồng Nhung là một đoàn từ thiện từ mãi tận Sài Gòn cũng đã ra thăm hai cụ. Trước những tấm lòng của các nhà hảo tâm ở nhiều miền Tổ quốc, ông bà đã rất xúc động.
Trong gian phòng chật chội của ông bà, của nả chẳng có gì ngoài những bộ quần áo cũ, hai chiếc giường một và một chiếc tivi 14 inch kiểu cũ. Ơn trời, cả hai cụ sức khỏe vẫn còn khá tốt so với cái tuổi ngoài tám mươi. Hỏi cụ bà về những tháng ngày đen tối đã qua, cụ chẹp miệng rồi bảo: “Cơ cực lắm cô chú ạ. Chả ai muốn vạch áo cho người xem lưng làm gì. Nhưng những đứa con của tôi nó sống thất đức quá nên vợ chồng tôi mới ra cơ sự này”.
Cứ “kể tội” con được một câu, cụ Chén lại chêm vào một câu như thể cụ sợ chúng tôi không tin những điều cụ nói vậy: “Tôi ở đình nên cấm có dám nói sai đâu cô chú ạ. Có thế nào tôi nói thế”. Và rồi cụ kể lại một chặp cho chúng tôi nghe về câu chuyện dài đầy nước mắt: “Ở với thằng cả, vợ chồng tôi chẳng khác nào kẻ ăn người ở. Hàng ngày chúng tôi phải đi vớt bèo nuôi bảy tám con lợn, rồi cày cấy. Thế mà đến khi chúng tôi vơi sức thì vợ chồng nó đuổi thẳng cổ, bảo là chúng tôi đến đâu ở được thì ở, cút ra khỏi cái nhà này càng nhanh càng tốt. Con dâu cả nhà tôi nó ác lắm".
Có lần ông nhà tôi đi làm về, trời thì mưa lạnh. Ông ấy vào giường nằm được một lúc thì cứ thấy nước ở đâu hắt thẳng vào mặt. Nhìn lên thì thấy ngói phần ông ấy đang nằm đã bị giỡ ra mất mấy viên. Thấy thế vợ chồng tôi lại phải lúc túc kéo nhau xuống gần chuồng lợn ngủ, nhưng rồi chúng nó cũng không để cho yên đâu. Có lần thằng cả còn kề dao vào ông nhà tôi dọa giết nữa cơ. Vợ chồng tôi sợ quá nên bỏ đấy đến ở nhà thằng thứ ba. Ai ngờ vợ chồng nhà nó cũng chỉ lợi dụng nốt chút sức lực còm cõi của vợ chồng tôi thôi. Lúc vợ nó đẻ, tôi ở đó chăm sóc cơm nước, giặt giũ rồi trông cháu. Đến khi con chúng nó miệng nói chân chạy thì chúng nó lại tìm cách đuổi vợ chồng tôi đi.
Kể từ lúc ấy vợ chồng tôi nay đây mai đó, ở nhờ nhà anh em họ hàng mỗi ngưòi một thời gian. Sau thấy bất tiện nên ra tá túc nhờ ở đình làng, cũng ngót nghét chín năm rồi”. Vừa kể cụ Chén vừa quay sang chỉ cụ ông: “Chỉ tội ông ấy nay ốm mai đau, gần chín mươi tuổi mà vẫn phải mò cua bắt ốc để sinh sống. Có những lần chăm ông ấy ốm tôi cực thân lắm. Không nghĩ đến con thì thôi, hễ cứ nghĩ đến thì lại thấy uất lắm. Đẻ từng đấy mặt con mà hai thân già vẫn phải nương tựa vào nhau. Chắc chẳng ai khổ như vợ chồng tôi đâu cô chú ạ”.
Mang những bức xúc từ những câu chuyện rớt nước mắt mà chúng tôi nghe được từ đôi vợ chồng già bất hạnh đến nhà người con trai thứ ba để hỏi cho ra nhẽ. Đến nơi, người con trai thứ ba của ông bà là anh Đại đang đi làm phu hồ, tiếp chúng tôi là chị Nguyễn Thị Thắng (vợ anh Đại). Vừa bước vào nhà, chị Thắng than thở: “Báo chí mà cứ đưa thông tin một chiều như thế này thì khổ cho vợ chồng tôi và các cháu quá. Sao các anh chị ấy không vào thẳng nhà tôi hỏi vợ chồng tôi, rồi hỏi bà con làng xóm để biết sự thật”.
- Người ta vẫn nói "không có lửa làm sao có khói?" không lẽ những gì bố mẹ chồng chị kể với báo chí là không đúng sự thật?
- Với các anh chị em bên chồng nhà tôi có đúng không thì tôi không biết, nhưng với riêng vợ chồng tôi thì hoàn toàn oan uổng. Chuyện bố mẹ chồng tôi bảo là chồng tôi cầm dao kề cổ dọa giết bố mẹ là không bao giờ có. Tôi là người Mường chỉ biết làm thật nói thật. Không bao giờ chuyện có mà tôi nói là không có.
- Được rồi. Cứ coi như chồng chị chưa từng kề dao vào cổ bố mẹ. Vậy vì sao ông bà đang sống với anh chị lại phải bỏ đi lang thang rồi lấy đình chùa ra làm nơi trú ngụ.
- Vợ chồng tôi chưa từng làm điều gì quá đáng với ông bà cả. Hồi vợ chồng tôi chắt chiu mua được mảnh đất và xây căn nhà này nên kinh tế gia đình khó khăn. Ông bà đã không thông cảm cho vợ chồng tôi thì thôi lại còn gây khó dễ cho con cái. Ông thì lành nhưng cục tính, mẹ chồng tôi lại là người ghê gớm, đáo để. Bà cằn nhằn, móc máy rất nhiều. Lần đó chồng tôi đi làm về mệt lại nghe mẹ chồng tôi nói nhiều nên chồng tôi có quát là: “Nếu ông bà thấy ở với chúng con khổ quá thì ông bà đến nhà anh trưởng mà ở”. Trong lúc nóng giận, chồng tôi nói một câu như thế mà ông bà sắm quần sắm áo đi luôn rồi còn bảo vợ chồng tôi là xây được nhà xong lấy cớ đuổi bố mẹ đi. Tôi sợ mang tiếng nên tìm mọi cách ngăn ông bà lại nhưng ông bà không nghe. Bố chồng tôi còn nói: “Đứa nào đụng vào đồ đạc của tao tao đánh chết”. Tôi sợ quá nên không dám ngăn nữa.
- Kể từ khi ông bà vào đình làng ở đã được gần chín năm. Có lần nào anh chị vào thăm ông bà không?
- Có chứ. Vợ chồng tôi vào rất nhiều lần để động viên ông bà về ở với chúng tôi nhưng ông bà không nghe. Có thể ông bà cố tình ở đó để bêu rếu các con với làng nước. Ông bà cố tình để cho chúng tôi không thể ngẩng mặt lên với dân làng được. Tôi thấy bố mẹ chồng tôi như thế là rất ác. Ông bà giận con cái đã đành, đằng này còn các cháu. Chúng nó đang tuổi đi học, làm thế chúng nó cũng xấu hổ với bạn bè, thầy cô.
- Về già ai chả muốn được sống quây quần bên con cháu. Tôi nghĩ nếu anh chị không hành xử quá đáng với các cụ thì đời nào các cụ phải sống lang thang như thế?
- Anh chị không tin cứ hỏi làng xóm thì biết. Bố mẹ chồng tôi cố chấp lắm. Hôm 29 Tết, vợ chồng tôi sắp mâm cơm tất niên, chồng tôi ra mời ông bà về ăn uống rồi đón Tết cùng con cháu cho vui, ông bà cũng không về. Rồi cách đây mấy hôm nhà tôi làm cơm hết tết, tôi cũng ra tận nơi mời ông bà về ăn ra Tết ông bà cũng không về. Ông bà bảo ông bà ở đó còn bận tiếp khách thế thì anh chị bảo chúng tôi còn biết làm sao.
Cụ Nguyễn Văn Quý và Nguyễn Thị Chén đang phải ở nhờ đình làng.
- Nghe nói, cách đây không lâu cụ bà bị đau dạ dày phải đưa đi cấp cứu, anh chị có biết không?
- Không những biết mà vợ chồng tôi chính là người đưa cụ đi chữa bệnh ở Bệnh viện 103 Hà Đông mà. Từ viện về, mẹ chồng ở nhà tôi thêm một thời gian cho lành hẳn bệnh. Vợ chồng tôi lại tiếp tục động viên bà về ở với chúng tôi nhưng bà không nghe. Bà bảo, ông ở đâu thì bà ở đó. Vì ông không chịu về nên bà lại ra đình ở với ông. Thật lòng giờ vợ chồng tôi chỉ mong sao ông bà nghĩ lại mà về ở với chúng tôi cho khỏi mang cái tiếng bất hiếu.
Người con gái út của hai cụ là chị Nguyễn Thị Thoa cũng có mặt khi chúng tôi tìm đến gian phòng hai cụ ở tại đình làng Đồng Lư.
- Là con gái của hai cụ vậy sao chị không mời họ về nhà mình sống cùng?
- Thực tâm em không dám mời bố mẹ em về, từ khi em đi lấy chồng gia đình nhà chồng em hoàn cảnh lắm. Hơn nữa nhà bố mẹ chồng thì đông con, đất cũng không có, đất vợ chồng em ở là đất của ông chú ruột nhượng lại cho. Bố mẹ chồng còn đó lại nghèo nên dù muốn em cũng không bao giờ nghĩ đến việc đưa bố mẹ đẻ về nuôi.
- Biết các cụ ở đây khổ sở chị có giúp đỡ được gì không?
- Em thương bố mẹ thì cũng chỉ có cách thường xuyên tạt qua hỏi han chăm sóc thôi. Chẳng hạn những lúc ông bà ốm đau, mệt nhọc, em xuống giặt quần áo, nấu cháo rồi lấy thuốc cho ông bà
- Hàng ngày các anh của chị có ai hỏi han đến hai cụ không?
- Không! Tuyệt nhiên là không hỏi han gì, đặc biệt là bác cả, vợ chồng bác ấy bỏ rơi bố mẹ em hơn chục năm nay rồi.
- Vậy còn các anh khác thì sao?
- Anh út ở gần đây, khoảng 9 năm nay, từ ngày bố mẹ làm nhà cho xong là bỏ rơi bố mẹ luôn. Có đúng năm nay vợ chồng hai bác có lên bảo ông bà về ăn Tết nhưng ông bà không về.
- Trước khi ở đình làng ông bà còn ở đâu nữa không?
- Cách đây khoảng 17 năm, ông bà lo hết vợ chồng cho con là ông bà lang thang khắp nơi, khi thì ở nhờ người nọ người kia, khi thì về đình làng ở.
- Vậy theo chị thì do những mâu thuẫn gì mà khiến các anh trai của chị hắt hủi bố mẹ đến mức thế này?
- Cũng chỉ là những mâu thuẫn nhỏ nhặt thôi. Con giai thì lạm quyền, ông bà không được tự chủ. Giả sử muốn đi cắt tóc cũng phải xin tiền các anh ý, có lúc thì các anh ý cho, lúc thì không.
- Thấy bảo có lần các con còn cầm dao kề vào cổ ông bà? Có phải là sự thực không? Chị có chứng kiến không?
- Đúng là sự thực, cái ngày mà em còn chưa đi lấy chồng. Em chứng kiến tận mắt có chuyện đó. Chuyện đó xảy ra lâu rồi, lúc đó bố mẹ em cắn răng chịu đựng để lo nốt cho em. Bố mẹ em luôn bảo là “xấu chàng thì hổ ai” nên luôn giấu kín mọi chuyện.
- Cứ cho các con trai của hai cụ là bất hiếu, thế còn con gái thì sao?
- Con gái lấy chồng thì phải theo chồng. Thế nên kể cả có thương có xót thì cũng đâu dễ mà đón bố mẹ về nuôi...
Ông Vương Duy Hường, Bí thư chi bộ thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang: “Những gì báo chí đưa tin trong thời gian vừa qua là chưa chính xác và khách quan. Trước đó ông Quý và bà Chén đi khai hoang ở Tiến Xuân mới trở về làng, chuyện ông bà ấy bị con kề dao vào cổ có xảy ra ở Tiến Xuân hay không thì tôi không biết nhưng kể từ khi trở về đây thì chuyện đó không hề có. Chuyện ông bà ấy ra ở đình có thể phần nhiều do uất ức con cái nên muốn bêu riếu chúng nó, chứ kỳ thực ông bà ấy chưa đến mức không còn chỗ dung thân. Em trai ông Quý đã từng họp gia đình với ý định dựng cho ông bà ấy gian nhà trên đất của em trai rồi bảo ông bà về đó ở nhưng ông bà không nghe vẫn một mực ở ngoài đình làng. Bản thân các con của ông bà ấy cũng là những người hiền lành, chưa từng va chạm với ai. Thế nên trong chuyện này tôi nghĩ lỗi thuộc về cả hai phía. |