G20 tiếp tục hành động để khôi phục hệ thống y tế, tài chính chống dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã đồng thuận tiếp tục hợp tác với nhau để thực hiện các hành động toàn cầu nhằm đối phó với tác động của đại dịch Covid-19 trong các lĩnh vực y tế, kinh tế, xã hội, và đặc biệt là sự tiếp cận công bằng với vaccine phòng chống Covid-19.
Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tiếp tục hành động nhằm khôi phục hệ thống y tế, tài chính để phòng chống dịch Covid-19

Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tiếp tục hành động nhằm khôi phục hệ thống y tế, tài chính để phòng chống dịch Covid-19

Phục hồi hệ thống y tế và tài chính

Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, các quốc gia là thành viên Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã nhất trí tiếp tục hợp tác với nhau để thực hiện các hành động toàn cầu nhằm đối phó với tác động của đại dịch Covid-19 trong các lĩnh vực y tế, kinh tế và xã hội. Thực tế, đại dịch Covid-19 là một lời cảnh tỉnh cho thế giới về tầm quan trọng của việc đầu tư vào việc phát triển khả năng sẵn sàng ứng phó với đại dịch.

Bà Sri Mulyani, Bộ trưởng Bộ Tài chính Indonesia cũng cho biết, Chính phủ Indonesia cũng sẽ tiếp tục tăng cường lĩnh vực y tế để đảm bảo mọi người được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng. Không chỉ vậy, Chính phủ Indonesia cũng đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế bằng cách hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng, bao gồm các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và giới kinh doanh. Các bước xử lý chắc chắn sẽ yêu cầu phân bổ ngân sách lớn, do đó yêu cầu tăng cường các ưu tiên ngân sách và duy trì tính bền vững tài khóa.

Những việc khác nhau này cũng được thực hiện bởi các nước G20 vì theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) không có quốc gia nào được chuẩn bị đầy đủ để đối mặt với đại dịch. Đại dịch Covid-19 lây lan rất nhanh, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và vẫn còn sự mất cân đối về năng lực sẵn sàng đối phó với đại dịch ở cả cấp quốc gia và toàn cầu. Ở cấp quốc gia, khoảng cách năng lực nhìn chung nằm ở năng lực của hệ thống giám sát đại dịch không đủ, hệ thống y tế hạn chế, sự phối hợp giữa các cơ quan không hiệu quả và thông tin liên lạc cộng đồng chưa đầy đủ.

Trong khi đó, ở cấp độ toàn cầu, khả năng hạn chế trong việc thực hiện các quy trình giám sát và phòng ngừa, năng lực hệ thống y tế và chuỗi cung ứng yếu kém, điều phối lãnh đạo toàn cầu chưa tối ưu, điều phối nghiên cứu và phát triển không đầy đủ. Do đó, các Bộ trưởng Bộ Tài chính và Y tế G20 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nguyên tắc công bằng, bình đẳng và giá cả hợp lý để tiếp cận các thiết bị y tế và thuốc cần thiết bao gồm cả vaccine phòng ngừa Covid-19.

Để hỗ trợ điều này, G20 khuyến khích hành động toàn cầu thông qua Covid-19 Tools Accelerator (ACT-A) và sáng kiến Cơ sở COVAX, hỗ trợ cấp phép tự nguyện sở hữu trí tuệ. Sau đó, các cơ quan phát triển đa phương được khuyến khích tăng cường hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu tài chính của các quốc gia có nhu cầu. Các nước G20 sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách nhằm bảo vệ cuộc sống, bảo vệ việc làm và thu nhập, hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu và tăng khả năng phục hồi của hệ thống y tế và tài chính.

Tiếp cận công bằng đối với vaccine phòng Covid-19

Các Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Tài chính G20 khẳng định sự tiếp cận công bằng và hợp lý đối với vaccine phòng ngừa bệnh Covid-19 cho tất cả mọi người là “chìa khóa” để vượt qua đại dịch và hỗ trợ phục hồi kinh tế toàn cầu. Trong tuyên bố, G20 nêu rõ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng mọi công cụ chính sách sẵn có để bảo vệ cuộc sống, công việc và thu nhập của người dân. Một kế hoạch hành động sẽ được đưa ra tại hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20 vào tháng 10-2020 và tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 vào tháng 11-2020”.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Singapore Heng Swee Keat cho biết Singapore là nước ủng hộ rất sớm sáng kiến Cơ sở Tiếp cận vaccine Covid-19 toàn cầu (Cơ sở COVAX) và hiện cùng với Thụy Sỹ đang đồng chủ trì Sáng kiến Những người bạn của Cơ sở COVAX nhằm thúc đẩy chủ nghĩa đa phương về vaccine. Singapore cũng là một trong những nước đầu tiên bày tỏ quan tâm tham gia Cơ sở COVAX vào tháng 6 vừa qua.

Ông Heng Swee Keat nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 là cuộc khủng hoảng toàn cầu và do vậy hợp tác quốc tế là rất quan trọng. Nhóm G20 (đóng góp gần 80% kinh tế toàn cầu) và WHO có vai trò chủ chốt trong vấn đề này. Ông Heng Swee Keat cũng cho rằng khi khởi động lại nền kinh tế một cách an toàn, các quốc gia cần phải có sự phối hợp trong việc nối lại các hoạt động.

Theo ông Heng Swee Keat, đối với việc khởi động lại du lịch bằng đường không thì vấn đề xét nghiệm sẽ là chủ chốt để bảo đảm an toàn cho du khách và các cơ quan y tế công cộng. Ông Heng kêu gọi việc phối hợp giữa các quốc gia để phát triển các tiêu chuẩn quốc tế và chia sẻ kết quả xét nghiệm một cách nhanh chóng, kể cả thông qua các phương tiện điện tử.

Kế hoạch hỗ trợ tài chính COVAX cho phép tiếp cận nhanh chóng và công bằng đối với vaccine phòng ngừa dịch Covid-19 cho 76 nước tham gia, cùng với 92 quốc gia kém phát triển hơn được hỗ trợ bởi kế hoạch này. Kế hoạch tài chính này được Liên minh vaccine quốc tế Gavi, WHO và Liên minh Đổi mới sáng tạo Sẵn sàng về Dịch bệnh, đồng dẫn dắt.

Thông qua việc phối hợp với các nhà sản xuất vaccine đa quốc gia và các nước đang phát triển, Cơ sở COVAX có mục tiêu cung cấp khoảng 2 tỷ liều vaccine hiệu quả, an toàn đã được chấp thuận hoặc chứng nhận ban đầu từ WHO vào cuối năm 2021. Thực tế, cuộc họp Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tài chính G20 diễn ra sau khi một nghiên cứu do Tổ chức Oxfam công bố cho thấy nhóm các quốc gia phát triển giàu có chỉ chiếm 13% dân số thế giới nhưng đã đặt mua hơn một nửa số lượng vaccine phòng Covid-19 tiềm năng.

Trước đó, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã từng khẳng định cam kết hỗ trợ hơn 21 tỷ USD cho cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Thông báo này của G20 nêu rõ nhóm này và một số quốc gia bên ngoài đã phối hợp các nỗ lực quốc tế để hỗ trợ cuộc chiến đẩy lùi đại dịch Covid-19.

Tính tới nay, các thành viên G20 và một số nước khác đã cam kết hàng chục tỷ USD để hỗ trợ tài chính trong lĩnh vực y tế toàn cầu. Những cam kết này được triển khai trực tiếp hỗ trợ các hoạt động chẩn đoán, phát triển vaccine, các biện pháp chữa trị, các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Vào tháng 4-2020, G20 đã kêu gọi tất cả các quốc gia, các tổ chức phi Chính phủ, các nhà từ thiện và lĩnh vực tư nhân cùng chung tay đóng góp khoản tài chính hơn 8 tỷ USD còn thiếu hụt cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Saudi Arabia - Chủ tịch luân phiên của G20 cam kết ủng hộ 500 triệu USD hỗ trợ các nỗ lực chống dịch toàn cầu. Quốc gia này cho biết sẽ phân bổ 150 triệu USD cho Liên minh ứng phó và sáng tạo đẩy lùi dịch bệnh toàn cầu; 150 triệu USD cho Liên minh vaccine và chủng ngừa toàn cầu; 200 triệu USD cho các tổ chức và chương trình y tế khác.

Kể từ khi khởi phát tại thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc hồi tháng 12-2019, tới nay, dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế thế giới vào tình trạng tê liệt vì các biện pháp phong tỏa trên diện rộng để ngăn chặn virus lây lan. Hiện giới khoa học và y tế vẫn đang nỗ lực tìm cách phát triển các phương pháp điều trị và tìm kiếm loại vaccine giúp phòng ngừa hiệu quả.