EU sẽ phải dỡ bỏ phong tỏa Kaliningrad sau tối hậu thư của Nga?

ANTD.VN - Tối hậu thư của Nga đã được đưa ra liên quan đén việc Lithuania phong tỏa Kaliningrad theo yêu cầu từ EU, Moskva cảnh báo sẽ có hành động đáp trả cứng rắn nhất.

Ủy ban châu Âu (EC) trong những ngày tới có thể yêu cầu Lithuania dỡ bỏ phong tỏa Kaliningrad, cho phép vận chuyển hàng hóa tới khu vực này một cách bình thường sau khi nhận được tối hậu thư của Nga.

Ủy ban châu Âu sẽ công bố thông tin làm rõ việc vận chuyển hàng hóa bị trừng phạt đến vùng Kaliningrad từ những khu vực khác của Nga. Moskva sẽ được phép sử dụng quá cảnh để vận chuyển bất kỳ mặt hàng nào. Điều này do hãng tin Der Spiegel của Đức đăng tải.

Trong tài liệu mới, nhiều chuyên gia dự đoán Ủy ban Châu Âu sẽ chỉ ra rằng Nga được phép đưa hàng hóa tới Kaliningrad với khối lượng trước khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt trên đất Ukraine.

Đây là cách Brussels hy vọng có thể ngăn chặn việc vi phạm chế độ hạn chế và xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba. Đồng thời trong những tình huống đặc biệt, EU có thể cho phép vượt quá khối lượng cung cấp thỏa thuận.

Các chính trị gia Lithuania sẽ không tự mình đưa ra quyết định về việc chấm dứt phong tỏa Kaliningrad, theo ấn phẩm của Đức. Việc giảm leo thang quan hệ với Nga đã được Đức vận động. Kể từ ngày 18/6, Berlin đã gây áp lực lên EC để đưa Kaliningrad ra khỏi các lệnh trừng phạt.

Nhà khoa học chính trị người Lithuania Dovile Jakniunaite khi bình luận về tin này đã nói rằng: "Nga cố gắng đe dọa Ủy ban châu Âu thông qua tối hậu thư và hậu quả của tranh chấp sẽ do Vilnius chủ yếu cảm nhận".

"Về vấn đề địa chính trị, bao gồm cả việc phong tỏa Kaliningrad, quyết định cuối cùng không phải do Vilnius mà là của Ủy ban châu Âu", ông Marat Kasem - tổng biên tập của Sputnik Lithuania nói với tờ PolitExpert trong cuộc trả lời phỏng vấn.

Vị chuyên gia đặc biệt nhắc tới chi tiết, theo các ấn phẩm phương Tây, chính Đức đã vận động để dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt đối với việc vận chuyển quá cảnh hàng hóa từ Nga sang lãnh thổ hải ngoại của họ.

“Có thể Nga đã khiến Đức sợ hãi, hoặc có thể nước này đã thảo luận vấn đề với toàn bộ Liên minh châu Âu và buộc EC phải đưa ra quyết định hợp lý".

"Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng nói: EU không cần thiết phải đối đầu với Nga. Thay vào đó, tốt hơn hết là nên làm rõ cách thức vận chuyển hàng hóa bị hạn chế từ một phần của quốc gia này sang nước khác sẽ được thực hiện ra sao”, ông Kasem nhấn mạnh.

"Trên thực tế, Liên minh châu Âu dưới áp lực từ tối hậu thư của Nga có thể bắt đầu thuyết phục Lithuania 'đừng làm những điều ngu ngốc' và Vilnius sẽ gật đầu chấp thuận".

Tuy nhiên, các quốc gia Baltic và Ba Lan nằm dưới sự bảo hộ của Mỹ - điều này phải được tính đến khi tương tác với các quốc gia trong khu vực, nhà khoa học chính trị người Nga lưu ý:

“Vilnius đã nhiều lần đối đầu với các chính trị gia ở Brussels để lấy lòng Mỹ. Lithuania không phải lúc nào cũng tuân theo các giá trị của châu Âu. Hiện các nhà chức trách của nước Baltic này cân nhắc liệu có cần thiết phải tuân theo Brussels hay không".

"Thủ tướng Đức Olaf Scholz hiện đang rất tức giận, bởi vì ông đang phấn đấu để trở thành Angela Merkel mới, và ở đây một số quốc gia đang cố gắng thách thức sự lãnh đạo của Đức trong Liên minh Châu Âu”, chuyên gia Kasem tin tưởng.

Ông Kasem nói thêm rằng Moskva không cần phải "thở phào" sau khi EC ban hành văn bản cho phép vận chuyển hàng hóa bị trừng phạt từ lãnh thổ Nga đến Kaliningrad. Điều quan trọng là phải đảm bảo rằng Lithuania tuân thủ thỏa thuận mới.

“Liên minh châu Âu không muốn để xảy ra một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Kết quả của tình huống trực tiếp phụ thuộc vào hành động của họ trong việc dỡ bỏ phong tỏa Kaliningrad".

"Nếu điều này xảy ra thì quan hệ giữa Liên bang Nga và Liên minh châu Âu sẽ bình thường hóa. Nguy cơ đối đầu trực tiếp sẽ giảm đi đáng kể”, nhà khoa học chính trị nhấn mạnh.

Cần nhắc lại, ngày 18/6, Lithuania đã thông báo ngừng vận chuyển hàng hóa bị trừng phạt từ Nga đến Kaliningrad. Bộ Ngoại giao Nga lưu ý rằng hành động của Vilnius là không hợp pháp và vi phạm các thỏa thuận quốc tế, cảnh báo sẽ đáp trả cứng rắn nhất.