EU chia rẽ sâu sắc bởi các lệnh trừng phạt chống Nga

ANTD.VN - Các lệnh trừng phạt chống Nga đang khiến nội bộ Liên minh châu Âu bị chia rẽ nặng nề và không dễ để tìm được sự đồng thuận.

Đại diện của những quốc gia EU đang cố gắng đạt được một thỏa thuận chung về gói biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga, tuy nhiên cho đến nay họ vẫn chưa thể thực hiện được điều này.

Trong quá trình thảo luận về gói hạn chế mới, một số quốc gia châu Âu đã cùng lúc phản đối lệnh cấm nhập khẩu các nguồn năng lượng của Nga. Theo ông James Gray, tranh cãi về lệnh trừng phạt đối với Liên bang Nga đang khiến EU chia rẽ.

Tác giả bài viết trên tờ Daily Express lưu ý rằng cách đây một thời gian, cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu đã diễn ra, trong đó những biện pháp trừng phạt chống Nga mới đã được thảo luận.

Hiện tại, khi tiến tới thảo luận về khả năng áp dụng lệnh hạn chế hoặc cấm nhập khẩu dầu của Nga, một số nước đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất này. Kết quả là sáng kiến ​​trên đã bị đại diện của Đức, Áo và Hungary chặn đứng.

Tháng trước, các nước EU đã đồng ý giảm phụ thuộc vào việc nhập khẩu năng lượng từ Nga. Mặc dù vậy, giới phân tích cho rằng đây rõ ràng là một bản kế hoạch cực kỳ khó thực hiện.

Điều này được khẳng định bởi những tranh chấp liên tục nổ ra mỗi khi có đề xuất hạn chế mạnh nguồn cung cấp khí đốt và dầu của Nga được đưa ra. Hiện nay, khoảng 40% nguồn năng lượng sử dụng ở EU có nguồn gốc từ Nga.

"Nhưng khi các quốc gia châu Âu tiếp tục tranh cãi với nhau, liệu Vương quốc Anh có thể viện dẫn điều này như một lời biện minh cho việc chấm dứt tư cách thành viên EU của mình hay không", nhà báo James Gray đặt câu hỏi.

Người phụ trách chuyên mục của tờ Daily Express tin rằng những gì đang xảy ra cho thấy sự thiếu thống nhất giữa các thành viên của Liên minh châu Âu. Về vấn đề này, Anh có một lý do khác để biện minh cho việc rút khỏi EU.

Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý thêm đó là trong vài ngày tới nhiều khả năng sẽ xảy ra hành động mang tính bước ngoặt, nếu Mỹ và châu Âu kết luận Nga phải chịu trách nhiệm cho những gì xảy ra với dân thường tại thị trấn Bucha.

Dưới sức ép và sự thúc giục mạnh mẽ từ Tổng thống Ukraine Zelensky về việc phải đưa ra lệnh trừng phạt cứng rắn hơn, một số quốc gia châu Âu vốn được xem như rất thân thiết với Nga đã có dấu hiệu thay đổi quan điểm của mình.

Điều này là dễ hiểu bởi các chính trị gia nói trên cũng đang phải chịu áp lực từ một bộ phận không nhỏ cư dân trong nước, những người không muốn đánh đổi lợi ích kinh tế để duy trì quan hệ với Nga.

Để sẵn sàng trường hợp gặp phải bất lợi từ châu Âu, Nga có lẽ phải lập tức tìm nguồn tiêu thụ mới cho năng lượng của mình, đích nhắm số 1 của Moskva hiện nay chính là Trung Quốc và Ấn Độ.