Einstein và bức thư 5.000 năm

(ANTĐ) - Trong “Phi thuyền thời gian” được chôn tại công viên Flushing Meadows Corona của New York , (Mỹ) năm 1938, bức thư gửi cho hậu thế 5.000 năm sau của Albert Einstein chỉ chiếm một góc cực kỳ khiêm tốn.

Einstein và bức thư 5.000 năm

(ANTĐ) - Trong “Phi thuyền thời gian” được chôn tại công viên Flushing Meadows Corona của New York , (Mỹ) năm 1938, bức thư gửi cho hậu thế 5.000 năm sau của Albert Einstein chỉ chiếm một góc cực kỳ khiêm tốn.

Einstein khi viết bức thư cho hậu thế

“Phi thuyền thời gian” 1938

Phần không gian còn lại chứa những vật khác nhau như vải, kim loại, hạt giống và vật dụng sinh hoạt hàng ngày, gồm điện thoại, dao cạo râu chạy điện, búp bê, thậm chí còn có cả một bao thuốc lá Marlboro.

Đây là một món quà đặc biệt mà Công ty Westinghouse Electric của Mỹ chuẩn bị cho Hội chợ triển lãm quốc tế New York lần thứ 2. Để phù hợp với chủ đề “Thế giới tương lai” của Hội chợ, họ quyết định chôn xuống bên dưới nhà triển lãm một “phi thuyền”, còn bên trên làm một tấm bia ghi: 5.000 năm sau mới được mở.

Trong quá trình làm chiếc “phi thuyền” này, Chủ tịch Westinghouse Electric  Andrew Robertson từng động viên những người công nhân trực tiếp lắp đặt: “5.000 năm sau, khi nó được mở ra, những thứ bên trong sẽ trở thành những món quà tốt nhất mà chúng ta để lại cho hậu thế”.

Chiếc “phi thuyền” vượt thời gian này có hình giống như viên đạn khổng lồ được làm bằng crôm với lớp vỏ hợp kim đồng dài 2m. Ngoài những phát minh đã khiến một thế hệ đương đại tự hào và nhiều vật phẩm sinh hoạt hàng ngày, còn có một đoạn phim tài liệu, những bức thư gửi cho hậu thế của 3 nhân vật “đã có cống hiến lớn lao cho thời đại”, trong đó có Einstein.

Các nhà khoa học chế tạo “Phi thuyền thời gian” 1938 

Trong thư ông viết: “Thời đại của chúng ta đầy những phát minh mang tính sáng tạo, và nó đã giúp ích rất nhiều cho cuộc sống của chúng ta. Điện năng mà chúng ta sử dụng đã giải phóng con người khỏi lao động chân tay. Chúng ta có thể vượt qua biển lớn, chúng ta có thể bay lên bầu trời, thậm chí thông qua sóng điện từ, chúng ta có thể truyền thông tin đến mọi góc của thế giới một cách nhanh chóng nhất.

Tuy nhiên, việc sản xuất và phân phối hàng hóa vẫn hoàn toàn vô tổ chức, con người không thể không lo lắng cho đời sống của mình. Những con người sống ở những quốc gia khác nhau luôn tìm cách sát hại lẫn nhau. Điều này khiến những người biết nghĩ đến tương lai luôn cảm thấy bất an và lo ngại.

Điều đó là vì, trái ngược hẳn với những người thực sự cống hiến cho xã hội, trình độ và phẩm chất đạo đức của đại bộ phận công chúng đều thấp hơn rất nhiều. Tôi tin rằng hậu thế của chúng ta sẽ đọc những dòng chữ trên đây với lý trí vượt trội hơn”.

Mâu thuẫn giữa công nghệ và nhân văn

Thời của Einstein, rất nhiều phát minh của các nhà khoa học bị dùng vào mục đích quân sự, phục vụ việc cho ra đời những thiết bị vũ khí với sức công phá lớn, thúc đẩy con người sát hại lẫn nhau. Đó chính là nguyên nhân vì sao Einstein cảm thấy bất mãn với “trình độ và phẩm chất đạo đức” của phần đông dân chúng. Trong suy nghĩ của ông, vào thời đại đó, công nghệ phát triển như vũ bão, song môi trường nhân văn lại giảm sút đi.

Sau này, sự mâu thuẫn giữa công nghệ và nhân văn chưa bao giờ kết thúc. Một năm sau ngày viết bức thư trên, Einstein viết một bức thư khác gửi Tổng thống đương nhiệm Franklin Roosevelt, đề nghị triển khai sản xuất bom nguyên tử trước Đức Quốc xã. Vài năm sau, hai quả bom nguyên tử kết tinh của công nghệ mới nhất đã dội xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người vô tội.

So với 72 năm trước, hiện giờ con người đã có “lý trí vượt trội” hơn, song sự lo lắng của Einstein đối với hiện thực xã hội vẫn còn nguyên. Con người vẫn tiếp tục giết chóc lẫn nhau để tranh đoạt lợi ích, và những nguy cơ trong tương lai vẫn đang tiếp diễn. Rất nhiều người đã được đọc bức thư của Einstein trước và cả sau khi nó được chôn xuống, song họ rất giống nhau ở một điểm là luôn chú ý đến sự phát triển công nghệ mà quên đi khía cạnh nhân văn, cũng giống như trong “phi thuyền thời gian”, bức thư ấy bị nằm quên trong góc nhỏ.

Bảo Trâm

(Theo Sohu)