Đường về Quảng Nam ta nhớ...

ANTĐ - 3 giờ sáng. Khi thành phố còn chìm trong giấc ngủ, chiếc xe chở đoàn công tác xã hội tình nghĩa gồm 14 cán bộ chiến sĩ của Báo An ninh Thủ đô và y bác sĩ Bệnh viện CATP lặng lẽ chuyển bánh rời Hà Nội.

Chiếc xe 29 chỗ vừa vặn xếp kín hàng chục thùng carton chở thuốc men, đường, sữa bắt đầu cuộc hành trình vượt nửa chiều dài đất nước về với mảnh đất Quảng Nam Anh hùng.

Trở lại miền Trung...

Dọc theo Quốc lộ 1A, xuyên qua nhiều tỉnh thành phía Bắc, ngang qua khúc ruột miền Trung quanh năm nắng lửa, bão biển và lũ nguồn, những cánh đồng bạc trắng nối nhau trải dài tít tắp chỉ còn trơ gốc rạ. Cũng bởi sợ lũ về nên người dân thường hò nhau gặt sớm. Miền Trung là thế. Nắng hạn chưa qua, bão lũ đã kéo về...

Đến cầu Bến Thủy, Trưởng đoàn công tác - Thượng tá Vũ Kim Thành, Phó Tổng Biên tập Báo An ninh Thủ đô chỉ về phía sông Lam trước mặt bùi ngùi nhớ lại lần đoàn công tác của Báo ANTĐ về huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh làm từ thiện năm 1996, ngang qua đây gặp đúng cơn lũ quét tràn về ngập trắng Quốc lộ 1, các xe nối nhau xếp dài hàng mấy cây số từ cầu Bến Thủy. Vì không muốn để bà con nơi đoàn đến cứu trợ phải chờ đợi lâu, đoàn công tác quyết định đi vòng đường núi qua huyện Nghi Xuân, Can Lộc bất chấp đoạn đường cheo leo hiểm trở.

 Thượng tá Vũ Kim Thành - Phó tổng biên tập Báo ANTĐ tặng quà người dân xã Cẩm Thanh - TP Hội An, Quảng Nam

 Thượng tá Vũ Kim Thành - Phó tổng biên tập Báo ANTĐ
tặng quà người dân xã Cẩm Thanh - TP Hội An, Quảng Nam

Vượt qua chặng đường dài gần 900 cây số, cuối cùng chúng tôi cũng về đến xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An đúng như kế hoạch dự kiến. Gọi là trở lại thì đúng hơn, bởi cách đây 2 năm, nhiều người trong đoàn công tác đã từng đến với Cẩm Thanh xây dựng 3 ngôi nhà tình nghĩa cho bà con nơi này. Lạ cái là suốt dọc đường đi, thời tiết mát mẻ, trời quang mây đãng là thế mà đến Cẩm Thanh thì nắng như đổ lửa, nắng chói chang như thể muốn thách đố lòng người. Như đã định với nhau từ trước rằng sẽ “làm hết sức mình và không được phép mệt mỏi” nên ai nấy trong đoàn đều hồ hởi bắt tay vào việc.

Đến Bệnh xá xã Cẩm Thanh lúc 7h sáng (sớm hơn thời gian bắt đầu khám chữa gần nửa tiếng đồng hồ), nhưng  cả đoàn đều phải ngạc nhiên vì thấy nhiều bà con đã kéo ghế ngồi chờ từ trước ở ngoài cổng. Hỏi ra mới biết, nhiều cụ sốt ruột nên rủ nhau đi sớm. Thế nên đội xe được CATP Hội An cử đi đón các cụ già tuổi cao, nhà xa, sức khỏe yếu đến nơi khám chữa bệnh cũng bị... hụt mất vài chuyến. Không thể để bà con phải chờ đợi thêm, mỗi người một chân một tay tức tốc chuyển thuốc men, quà bánh vào bệnh xá, còn các y bác sĩ thì lập tức mở sổ khám sớm hơn thời gian dự kiến.

Thượng tá Vũ Kim Thành - Trưởng đoàn công tác, Phó Tổng biên tập Báo ANTĐ, thăm hỏi trò chuyện với người dân xã Cẩm Thanh, TP Hội An 

 Thượng tá Vũ Kim Thành - Trưởng đoàn công tác, Phó Tổng biên tập Báo ANTĐ,
thăm hỏi trò chuyện với người dân xã Cẩm Thanh, TP Hội An

“Mai đoàn còn khám nữa không?”

Nắng mỗi lúc một gay gắt, người đến khám càng lúc càng đông. Tấm mái tôn phủ gần kín sân Bệnh xá xã Cẩm Thanh như quá tải trước cái nắng oi ả dội xuống ngày càng dữ dội. Phần lớn bà con đến khám đều là người cao tuổi thuộc diện gia đình chính sách, thương bệnh binh và thân nhân liệt sĩ. Nhiều bà, nhiều mẹ tuổi cao sức yếu được các cán bộ chiến sĩ đón từ ngoài sân rồi dìu vào phòng khám. Nhiều cụ đi vội chưa kịp ăn gì, bảo đợi khám bệnh xong, nhận quà tặng của đoàn công tác rồi ăn luôn một thể. Nghe vậy, chẳng ai bảo ai, mọi người bảo nhau bóc sữa hộp để các cụ uống tạm mà trong lòng không khỏi xót xa. Càng xót lòng hơn khi có cụ cầm trên tay hộp sữa như cụ bà Phạm Dân (thôn 2, xã Cẩm Thanh) nhưng dứt khoát không uống, chỉ kéo tay một cán bộ trong đoàn ra hỏi nhỏ: “Thứ này để đến mai liệu có hỏng không, tôi mang về để dành cho cháu nhỏ ở nhà, chắc nó thích lắm“.

Phấn khởi nhất trong số hơn 200 người đến khám phải kể đến ông Võ Cây, dù là một trong những người đến sớm nhất nhưng ông sẵn lòng nhường suất khám trước cho một số cụ tuổi cao sức yếu hơn mình. 67 tuổi, từng chiến đấu trong đội quân du kích xã, sau bị địch bắt và cưa cụt cả 2 chân. Không có con cái, sống với người vợ bị tai biến nằm bất động gần 4 năm nay, chỉ còn lại đôi bàn tay lành lặn để lo cho cả hai thân già nhưng ông không nề hà bất cứ việc gì từ trong nhà đến ngoài xã. Vậy nhưng khám chữa xong, nhận thuốc men và quà từ đoàn công tác, thoáng chốc nhíu mày, ông ghé tai bảo: “Vẫn còn nhiều xã miền núi khó khăn lắm, mình ở đồng bằng có khổ thì khổ thật mà vẫn đỡ hơn”. Rồi không quên hỏi tiếp: “Mai đoàn còn khám nữa không?”

 Bác sỹ Bệnh viện CATP khám bệnh cho đối tượng chính sách

 Bác sỹ Bệnh viện CATP khám bệnh cho đối tượng chính sách

Về lại đây mới thấy chiến tranh đã đi qua gần bốn mươi năm nhưng di chứng thảm khốc mà nó để lại cho người dân nơi này thì không gì xóa được. Quê hương Cẩm Thanh xưa từng là nơi đặt căn cứ Thị ủy Hội An, được ví như “cái nôi” cách mạng của dải đất miền Trung Anh hùng, từng bị giặc ném bom dội đạn trắng xóa, nhiều đến mức tính ra bình quân mỗi ngày một người dân phải “gánh” cả chục quả bom nhưng người dân vẫn quyết bám trụ đào hầm nuôi giấu cán bộ và chống giặc càn quét.

Nắng lịm dần sau rặng cau, rặng dừa cuối xã. Buổi khám chữa bệnh và tặng quà cho 200 người trong dự kiến phụ trội lên 215 người bởi nhiều bà con trong xã nghe tin có đoàn công tác về khám chữa bệnh miễn phí nên cũng rủ nhau qua. Đã rục rịch thu dọn đồ nhưng thấy bóng người đến khám, không chút chần chừ, các y bác sĩ và cán bộ chiến sĩ lại vui vẻ đón tiếp và hướng dẫn tận tình.

Cũng trong ngày khám bệnh, nhân dân xã Cẩm Thanh và đoàn công tác còn có dịp đón tiếp một vị khách đặc biệt, đó là Thiếu tướng Lê Ngọc Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL - Bộ Công an. Vốn là một người con sinh ra, lớn lên và trưởng thành từ vùng đất Cẩm Thanh, lần này nhân chuyến đi công tác, ông trở lại quê nhà. Được gặp lại những người dân đã làm nên huyền thoại Cẩm Thanh Anh hùng kiên trung ngày nào, Thiếu tướng không giấu được niềm xúc động trào dâng.

Khép lại ngày khám bệnh ở xã Cẩm Thanh, lên xe về lại Thủ đô, bác sĩ Nghiêm Xuân Hà, Phó Giám đốc Bệnh viện CATP Hà Nội ngậm ngùi nói bà con ở xã đa phần là bị bệnh về đường hô hấp vì phải dầu mưa dãi nắng nhiều, lại chịu ảnh hưởng từ hai cuộc chiến tranh ác liệt. Câu chuyện về người dân Cẩm Thanh theo chuyến xe suốt dọc đường đi. Câu hỏi “Mai đoàn còn khám nữa không?” cứ lặp đi lặp lại trong suy nghĩ chúng tôi. Bất giác thấy nao lòng như nghe câu hát từ xa vọng lại: “Trập trùng Trường Sơn giăng mắc ngàn thước khe sâu, ngàn thước non cao/ Đường về Quảng  Nam xa lắm rừng núi mênh mông, ghềnh thác lênh đênh/ Đường về Quảng Nam, ta nhớ người, người ơi!...”.