Đức mua 35 tiêm kích tàng hình F-35 giữa lúc chiến sự tại Đông Âu căng thẳng

ANTD.VN - Đức mua 35 tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ trong nỗ lực điều chỉnh chiến lược, giữa tình hình an ninh căng thẳng tại châu Âu.
Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhắm vào Ukraine, nhiều nước châu Âu đã quyết định tăng chi tiêu cho quốc phòng, trong đó Đức đã quyết định mua 35 tiêm kích tàng hình F-35 từ Mỹ.

"Sau khi xem xét kỹ lưỡng mọi phương án, chúng tôi quyết định đặt mua tiêm kích F-35 thay thế cho tiêm kích Tornado để đảm bảo vai trò chia sẻ năng lực răn đe hạt nhân", Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambretcht ngày 14/3 thông báo.

Tornado là dòng cường kích duy nhất mà Đức đang sử dụng có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ.
Hai nước có thỏa thuận trữ vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Đức trong khuôn khổ phòng thủ chung NATO. Ngoài ra, Mỹ còn cất vũ khí hạt nhân tại Bỉ, Italy, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đều là những thành viên liên minh quân sự.
Quyết định đặt mua F-35 được chính phủ Đức thông báo không lâu sau khi Thủ tướng Olaf Scholz tuyên bố chi ngân sách 100 tỷ euro (hơn 109 tỷ USD) để hiện đại hóa quân đội.

Đức đang điều chỉnh mạnh mẽ chính sách an ninh quốc gia sau khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang thành xung đột vũ trang từ ngày 24/2.

Chính phủ Thủ tướng Scholz đã cam kết nâng chi tiêu quốc phòng đạt mức 2% GDP theo mục tiêu chung của NATO cho mỗi quốc gia thành viên.

Giới lãnh đạo Mỹ trước đó, đặc biệt là cựu Tổng thống Donald Trump, nhiều lần bày tỏ không hài lòng với mức đóng góp của Đức cho năng lực phòng thủ chung.

Berlin đặt mục tiêu từng bước thay thế tiêm kích Tornado bằng tiêm kích tàng hình F-35 trong biên chế với lộ trình từ năm 2025 đến năm 2030.
Bộ trưởng Lambrecht đánh giá tiêm kích F-35 sẽ mở ra cơ hội để Đức tăng cường hợp tác cùng đồng minh NATO và đối tác ở châu Âu do nhiều nước cũng đặt hàng dòng máy bay quân sự này từ Mỹ.
Ngoài ra, Đức dự kiến mua thêm 15 tiêm kích Eurofighter của Airbus phục vụ tác chiến điện tử. Chức năng này cho dòng Eurofighter trên thực tế vẫn chưa được hãng phát triển.
Bộ Quốc phòng Đức dưới thời cựu bộ trưởng Annegret Kramp-Karrenbauer từng dự tính mua tiêm kích F-18 của Boeing thay vì F-35 của Lockheed Martin.

Kế hoạch đặt mua F-35 của Bộ trưởng Lambretcht cũng có thể ảnh hưởng tốc độ hợp tác phát triển tiêm kích thế hệ mới giữa Pháp và Đức, dự kiến hoàn thiện trong thập niên 2040.

Có thể mang 10,5 tấn vũ khí với 16 tên lửa các loại, chiến thắng các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 hàng đầu như F-15E, Rafale, Typhoon ở tỷ số không tưởng 14-1, F-35 vẫn là một trong những chiến đấu cơ hàng đầu của Mỹ.

Ở chế độ tấn công hỗn hợp F-35 có thể mang được 14 tên lửa AIM-120 và 2 tên lửa AIM-9X nhỏ hơn cho các nhiệm vụ trên không, hoặc 6 quả bom GBU-31 cùng với 4 AIM-120/9X cho các nhiệm vụ hỗn hợp trên không và mặt đất.
Việc F-35 có thể mang tới 10,5 tấn vũ khí khi chỉ là máy bay một động cơ khiến giới quan sát bất ngờ.
Trong các cuộc thử nghiệm Mỹ đã cho thấy chiếc F-35 đồng thời thả 5 quả bom rồi chính xác rồi nhanh chóng thoát ly khỏi trận địa tấn công. Điều này xóa tan nghi ngờ rằng F-35 "to béo và chậm chạp".
Bên cạnh việc trang bị cho F-35 vũ khí và cảm biến hiện đại, Lầu Năm Góc còn áp dụng hệ thống dẫn đường và cảnh báo tầm xa cho siêu tiêm kích trong các hoạt động chiến đấu.
Nếu nhìn vào những công nghệ mà nó sở hữu, đối phương có rất ít cơ hội để tiếp cận siêu chiến đấu cơ này. F-35 trong trường hợp này biến thành máy bay ném bom và tấn công.
Lúc này F-35 có thể được nhìn thấy rõ ràng trên các radar, vì lượng đạn như vậy không thể được giấu trong khoang bên trong. Tuy nhiên sức mạnh của máy bay chính là kho vũ khí khổng lồ mang theo để tấn công đối phương.
Khi ở chế độ tàng hình F-35, nó chỉ có thể mang theo 2,6 tấn tải trọng chiến đấu gồm hai quả bom GBU-31 hoặc Paveway IV và một cặp AIM-120.
Nhiều người cho rằng F-35 không có chế độ cơ động tốt bằng dòng Su của Nga. Tuy nhiên chiến tranh hiện đại là tiêu diệt đối phương ngoài tầm nhìn và ẩn mình trước đối phương. Các cuộc không chiến quần vòng với ưu thế về độ cơ động vốn đã lùi vào dĩ vãng sau khi thế chiến thứ 2 kết thúc.
Điểm cho thấy sự đáng sợ của F-35 đó chính là chúng đã thực chiến. Những chiếc F-35I của Israel đã liên tục thực hiện các màn không kích và qua mắt hệ thống phòng không Syria.
Thậm chí Israel còn bật mí những chiếc F-35I của họ còn có thể vượt qua lưới lửa radar của Iran và có thể là cả Nga tại chiến trường này.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tổng cộng khoảng 1000 chiếc được xuất xưởng với ba biến thể khác nhau, trong đó biến thể F-35A được sản xuất nhiều nhất và cũng được nhiều quốc gia đặt mua nhất.