Đức giao hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine 'nhanh chóng mặt'

ANTD.VN - Ukraine sẽ nhận được hệ thống phòng không IRIS-T ngay trong tuần tới thay vì phải sang đầu năm 2023 như thông báo ban đầu.

Sau nhiều chỉ trích về những hành động "không đẹp" với Ukraine khi trì hoãn giao vũ khí hay cung cấp loại kém chất lượng, chính phủ Đức có vẻ quyết tâm thay đổi hình ảnh khi cấp tốc chuyển giao cho Kyiv hệ thống phòng không IRIS-T.

Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao Đức, công tác chuẩn bị hiện đang được tiến hành để đưa hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T của nước này tới Ukraine, khi mọi công tác chuẩn bị hiện đã hoàn tất.

Đồng thời, nếu như trước đây người ta cho rằng chỉ có một tổ hợp IRIS-T được điều tới Ukraine thì hiện nay có thông tin cho biết chúng ta đang nói về cả một tiểu đoàn phòng không, gồm 4 bệ phóng di động và 2 đài radar.

Theo thông tin sơ bộ, trong đợt giao hàng đầu tiên sẽ là các tên lửa có phạm vi tấn công mục tiêu trong khoảng 25 km. Điều này nghĩa là Đức "để dành" phiên bản nâng cấp với tầm bắn lên tới 40 km cho đợt giao hàng sau.

Tuy nhiên 4 bệ phóng di động theo đánh giá vẫn tạo ra được sự răn đe và hiệu quả đáng kể trong việc đánh chặn các mục tiêu trên không như máy bay và tên lửa hành trình, đặc biệt khi xét đến thực tế là IRIS-T được trang bị cả đài radar thụ động.

Ngoài ra với khả năng tương thích giữa các hệ thống IRIS-T và NASAMS - cũng sẽ đến Ukraine đầy đủ trước cuối tháng 8, lực lượng vũ trang Ukraine sẽ nhận được một số lượng đủ lớn tổ hợp phòng không có khả năng bao phủ những khu vực quan trọng của vùng trời.

Hệ thống phòng không IRIS-T (hiện gồm hai phiên bản SLS và SLM) do công ty Diehl Defense của Đức phát triển, đây là một tổ hợp vũ khí module được xây dựng trên nguyên tắc kiến ​​trúc mở. Nhà sản xuất đã công bố thử nghiệm thành công một nguyên mẫu vào tháng 1/2014.

Tổ hợp này dựa trên tên lửa dẫn đường IRIS-T SL (Surface Launched), đây là bản hiện đại hóa sửa đổi từ tên lửa không đối không IRIS-T cũng do công ty Diehl sản xuất, nó được trang bị động cơ cải tiến, thêm kênh liên lạc, thiết bị định vị GPS và tấm chắn mũi mới giúp giảm lực cản.

Tên lửa sử dụng sử dụng phương thức dẫn đường chỉ huy vô tuyến (kết hợp với hiệu chỉnh quán tính - vệ tinh) trong phần chính của quỹ đạo, với việc thu nhận tham số mục tiêu từ đầu dò tìm kiếm hồng ngoại (loại IIR) trong pha cuối cùng.

Hệ thống phóng thẳng đứng IRIS-T SL được đặt trên khung gầm của một chiếc xe việt dã hạng nhẹ và cung cấp khả năng bắn trúng mục tiêu trong khu vực bao quát 360 độ, với tầm bắn tối đa 40 km, tầm cao 20 km (tùy loại đạn sử dụng).

Theo giới thiệu từ nhà sản xuất, tổ hợp tên lửa phòng không IRIS-T SLM / SLS được thiết kế để bảo vệ các đơn vị quân đội và cơ sở hạ tầng khỏi tên lửa hành trình, máy bay cánh cố định cũng như trực thăng tấn công của kẻ thù.

Tên lửa IRIS-T có thông số kỹ thuật cơ bản bao gồm: trọng lượng 87,4 kg; chiều dài 2,93 m; đường kính thân 127 mm; sải cánh 447 mm; lắp đầu nổ phá mảnh uy lực cao.

Đầu dò hồng ngoại của tên lửa IRIS-T có độ nhạy cao và chống lại được các biện pháp đối kháng điện tử của đối phương. Kết cấu thân cùng động cơ mạnh mẽ trang bị vòi phun kiểm soát vector lực đẩy giúp nó có khả năng chịu quá tải cực tốt.

Đặc tính ưu việt khác của tên lửa IRIS-T đó là nó có khả năng bao quát phạm vi lên đến 360 độ do góc nhìn rất lớn của đầu dò, phi công có thể chỉ định mục tiêu bằng mũ bay JHMCS, tính năng này vẫn rất hữu dụng khi phóng đi từ mặt đất.

Tên lửa IRIS-T có hai chế độ bắn: khóa trước khi phóng (LOBL) và khóa sau khi phóng (LOAL), cho phép tiêu diệt hiệu quả mục tiêu tại mọi góc độ, trong nhiều điều kiện giao tranh.

Ngoài hệ thống phòng không IRIS-T, Đức còn cung cấp cho Ukraine cả đạn pháo dẫn đường 155 mm thế hệ mới có tầm xa 70 km, đây là loại mà ngay cả Quân đội Đức cũng chưa được trang bị. Thái độ của Berlin có thể liên quan tới những căng thẳng gần đây với Moskva.