Du lịch Hà Nội chia sẻ khó khăn với miền Trung

ANTĐ - Sáng 4-5, Sở Du lịch Hà Nội cùng đại diện hiệp hội, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch đã tổ chức hội thảo để đưa ra giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường miền Trung sau sự cố môi trường xảy ra trong thời gian vừa qua.

Các bãi biển miền Trung luôn là điểm đến hấp dẫn với du khách 

Kịp thời tư vấn cho khách hàng 

Sự cố về môi trường xảy ra tại các tỉnh miền Trung vào cuối tháng 4 vừa qua đã tác động không nhỏ đến hoạt động du lịch tại đây. Để chia sẻ khó khăn với các tỉnh miền Trung, sáng 4-5, Sở Du lịch Hà Nội cùng đại diện Hiệp hội Du lịch Hà Nội, các doanh nghiệp lữ hành, vận tải trên địa bàn đã tổ chức gặp gỡ để tìm giải pháp khắc phục thiệt hại du lịch do môi trường gây ra. 

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ thực trạng cũng như kinh nghiệm trong việc ứng phó và giải quyết những thắc mắc, nghi vấn của du khách đối với sự cố về môi trường xảy ra tại một số tỉnh Bắc Trung bộ như Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình... Bà Dương Thanh Hằng, Giám đốc Sun Smile Travel, một trong những doanh nghiệp du lịch chuyên tổ chức tour cho khách Nga cho biết: “Ngay khi xảy ra vụ việc cá chết ở bờ biển miền Trung, doanh nghiệp đã chủ động gọi cho những đoàn khách có lịch trình tại khu vực bị ảnh hưởng để nắm bắt được suy nghĩ của họ chứ không đợi để khách liên lạc với chúng tôi. Lo lắng là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, sau khi được thông tin tình hình, nhiều du khách đã gửi lời cảm ơn và an tâm tiếp tục hành trình”.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành và Dịch vụ quốc tế Ánh Dương chia sẻ: “Trong bất cứ trường hợp nào, trách nhiệm cao nhất trong việc đảm bảo an toàn cho du khách luôn thuộc về đơn vị tổ chức tour”. Đại diện của Công ty Ánh Dương cũng khẳng định, ngay khi xảy ra vụ việc, công ty cũng đã kịp thời thông tin, đồng thời tư vấn cho khách hàng trong việc lựa chọn địa điểm khi đi du lịch. Bởi vậy, số trường hợp hủy tour không lớn.   

Tổ chức tour kích cầu miền Trung

Sự cố môi trường tại các tỉnh miền Trung đã làm gián đoạn hoạt động của các công ty du lịch, cũng như tâm lý của du khách. Với vị trí là những người làm du lịch có kinh nghiệm, đại diện các công ty lữ hành đã có những kiến nghị, góp ý và giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trước mắt.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Transviet Travel nhận định: “Khách Việt Nam khá thận trọng với những thông tin “nhạy cảm”, không chỉ đối với tình hình trong nước mà ở cả nước ngoài. Chẳng hạn một số vụ việc như khủng bố ở Thái Lan, bom nổ ở Bỉ hay Pháp… đã xảy ra trước đây. Tôi cho rằng chúng ta nên học tập Hàn Quốc trong việc xử lý khủng hoảng. Khi bùng nổ dịch Mers, Hàn Quốc đã kịp thời đưa các đoàn khảo sát, báo chí quốc tế đến các địa điểm du lịch của nước họ, thường xuyên cập nhật lên mạng Internet và khẳng định điểm đến này là an toàn. Nhờ đó du lịch Hàn Quốc đã phục hồi nhanh chóng”.

Cũng tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp du lịch đã đề nghị, các cơ quan chức năng nên tổ chức kiểm tra và cấp chứng nhận cho các khách sạn, nhà hàng kinh doanh hải sản đạt chuẩn để du khách có thể thoải mái và yên tâm ăn uống, nghỉ ngơi khi đi du lịch. 

Đánh giá cao sự ứng xử của các doanh nghiệp du lịch tại Hà Nội, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, Hà Nội với vị thế là Thủ đô cả nước, luôn ủng hộ, sát cánh và chia sẻ khó khăn với các tỉnh miền Trung sau sự cố môi trường vừa qua. Sở Du lịch Hà Nội cũng sẽ tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp để hoàn chỉnh báo cáo gửi lên Tổng cục Du lịch, đồng thời có kiến nghị gửi cho Sở VH-TT&DL các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế vào cuộc nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch miền Trung, tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại.

Ông Đỗ Đình Hồng cũng đề nghị các doanh nghiệp đưa ra những gói du lịch kích cầu tới thị trường miền Trung, đồng thời cho biết sẽ sớm tổ chức các đoàn khảo sát đến khu vực miền Trung để nắm bắt thông tin cũng như thúc đẩy, xây dựng các tour du lịch đến khu vực này.