Đủ chiêu trò đối phó của chủ các điểm trông giữ xe trái phép

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Không chỉ mạo danh các công ty được cấp phép, những tay “anh chị” đứng ra nhận trông xe trái phép còn giở đủ chiêu trò để đối phó khi bị lực lượng Công an kiểm tra…

Cấp phép một đằng, nhận trông một nẻo

Như An ninh Thủ đô đã nêu tình trạng trông giữ xe trái phép quanh khu vực phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, chợ Trung thu Hàng Mã và vùng phụ cận, không ít đối tượng đã mạo danh Công ty cổ phần Đồng Xuân, hoặc một số đơn vị được cấp phép trông giữ phương tiện để nhận trông xe trái phép.

Thực tế, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm đã phối hợp với Công an các phường và các lực lượng có liên quan thường xuyên tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm.

Tuy nhiên, một phần xuất phát từ nhu cầu của người dân về việc trông giữ phương tiện để đến với không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, một phần do lợi nhuận “khủng” nên chỉ cần vắng bóng lực lượng chức năng, các đối tượng lại ngang nhiên mời chào.

Khu vực dọc tuyến phố Hai Bà Trưng, các điểm trông giữ thu vé từ 20 - 30.000 đồng và rất đông người dân đến gửi

Khu vực dọc tuyến phố Hai Bà Trưng, các điểm trông giữ thu vé từ 20 - 30.000 đồng và rất đông người dân đến gửi

Tiếp tục đóng vai người gửi xe tại trước cửa Ngân hàng Techcombank nằm trên đường Trần Nhật Duật - đây là điểm được Sở Giao thông vận tải Hà Nội cấp phép cho Công ty cổ phần Đồng Xuân trông giữ ô tô từ ngày 1-7 đến 31-12-2022. Tuy nhiên, lợi dụng việc này, một số đối tượng đã ra nhận trông giữ xe máy với mức giá “cắt cổ” 30.000 đồng/ lượt. Đó là khi vắng bóng lực lượng Công an.

Nhưng khi phát hiện cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ, lập tức mức giá thu của người dân bất ngờ “được” giảm xuống chỉ còn 10.000 đồng/ lượt, rồi xin xỏ, trình bày hoàn cảnh khó khăn để được bỏ qua.

Thanh niên này ban đầu khẳng định điểm trông giữ của mình tại trước cửa số 22B Hai Bà Trưng là có phép, song khi lực lượng Công an hỏi tới thì không xuất trình được giấy phép, đồng thời cho biết, nếu thấy lực lượng Công an sẽ bỏ đi. Vậy, tài sản của người gửi lấy gì đảm bảo?

Thanh niên này ban đầu khẳng định điểm trông giữ của mình tại trước cửa số 22B Hai Bà Trưng là có phép, song khi lực lượng Công an hỏi tới thì không xuất trình được giấy phép, đồng thời cho biết, nếu thấy lực lượng Công an sẽ bỏ đi. Vậy, tài sản của người gửi lấy gì đảm bảo?

Còn dọc tuyến phố Hai Bà Trưng, vẫn là những chiếc biển cắm nhận trông giữ phương tiện. Đây là các điểm được cấp phép song có thể dễ dàng nhận thấy, dọc hai bên lòng đường là những chiếc ô tô của người dân gửi để vào phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm. Trực tiếp đi cùng tổ công tác và phóng viên An ninh Thủ đô, ông Vũ Hoài Nam, Phó Trưởng phòng Đô thị, quận Hoàn Kiếm khẳng định, khu vực này cấm dừng đỗ ô tô, không được phép trông giữ loại phương tiện này. Ấy vậy mà, người gửi, kẻ thu tiền vé vẫn diễn ra ngang nhiên khiến cả tuyến phố Hai Bà Trưng đoạn giao cắt Ngô Quyền, Hàng Bài, Bà Triệu tắc cứng, các phương tiện di chuyển rất khó khăn.

Dù không được cấp phép, nhưng lòng đường phố Hai Bà Trưng, dọc hai bên được các đối tượng nhận trông giữ ô tô cho khách. Thấy phóng viên, người phụ nữ trông xe kia nhanh chóng rời đi, còn vị khách thì hoang mang không hiểu chuyện gì xảy ra. bản thân người này cũng không hề biết là không được phép dừng đỗ

Dù không được cấp phép, nhưng lòng đường phố Hai Bà Trưng, dọc hai bên được các đối tượng nhận trông giữ ô tô cho khách. Thấy phóng viên, người phụ nữ trông xe kia nhanh chóng rời đi, còn vị khách thì hoang mang không hiểu chuyện gì xảy ra. bản thân người này cũng không hề biết là không được phép dừng đỗ

Chưa hết, một số đối tượng khá nhạy bén, “đánh hơi” thấy sự kiểm tra của lực lượng Công an và thậm chí cả phóng viên đã tìm cách đối phó.

Một chiếc biển trông giữ xe máy nhưng lại viết đè thêm chữ "ô tô". Có lẽ bị kiểm tra nên hai chữ này đã được xóa vội

Một chiếc biển trông giữ xe máy nhưng lại viết đè thêm chữ "ô tô". Có lẽ bị kiểm tra nên hai chữ này đã được xóa vội

Khi phóng viên An ninh Thủ đô đến hỏi gửi xe tại điểm trông xe vỉa hè Hai Bà Trưng cắt Hàng Bài, ban đầu người đàn ông lớn tuổi hồ hởi chào mời, nhưng chỉ vài giây sau đã trả lời “hết chỗ”. Dù báo hết chỗ song nếu có người khác vào gửi vẫn… nhận bình thường.

Thêm một chiêu trò rất hài hước là một số điểm trông giữ phương tiện trên tuyến phố Hai Bà Trưng vô tư nhận là có phép, như tại điểm trước số 22B. Tuy nhiên, khi Trung tá Vũ Thế Cường, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Hoàn Kiếm hỏi giấy phép thì thanh niên tên Nguyễn Thanh Tùng, SN 1992, trú tại nhà số 26 phố Trại Găng, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng lấp liếm: “Em nói thế tưởng các anh tin sẽ bỏ qua không kiểm tra nữa. Em sai em xin nhận…”.

Mạnh tay xử lý vi phạm

Tính đến ngày 1-9-2022, phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận đã chính thức hoạt động được 6 năm. Khoảng thời gian 6 năm với sự phát triển cùng nhiều loại hình vui chơi giải trí đã khiến phố đi bộ trở thành một “đặc sản” tinh thần mà bất cứ ai đến với Hà Nội đều muốn trải nghiệm.

Một mặt phát triển kinh tế, mặt khác vẫn phải đảm bảo trật tự đô thị. Song, với nhu cầu trông giữ phương tiện quá lớn như hiện nay của người dân, cùng với cơ sở hạ tầng còn thiếu dẫn tới quá tải, từ đó phát sinh những điểm trông giữ xe tự phát, hoặc những điểm được cấp phép thì “tranh thủ” thu quá giá quy định, hoặc lấn chiếm diện tích để nhận trông giữ…

Một điểm trông giữ trên đường Trần Nhật Duật sau khi báo An ninh Thủ đô phản ánh, cùng sự vào cuộc quyết liệt của Công an phường Hàng Buồm nay đã không còn những đối tượng mời chào gửi phương tiện

Một điểm trông giữ trên đường Trần Nhật Duật sau khi báo An ninh Thủ đô phản ánh, cùng sự vào cuộc quyết liệt của Công an phường Hàng Buồm nay đã không còn những đối tượng mời chào gửi phương tiện

Áp lực nhiều chiều khiến lực lượng Công an như đang “bơi” trong việc. Đại úy Phạm Văn Bá - Phó trưởng Công an phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm cho biết, dọc tuyến phố Trần Nhật Duật thuộc địa bàn của Công an phường quản lý, đơn vị đã thường xuyên tuần tra, nhắc nhở và xử phạt mạnh tay với những trường hợp trông giữ xe tự phát. Tuy nhiên, lực lượng quá mỏng, lại phải đảm nhiệm việc đảm bảo ANTT bên trong khu vực phố ẩm thực, nên không thể quán xuyến hết được.

Trung tá Vũ Thế Cường thông tin thêm, việc xử lý các điểm trông giữ xe tự phát, sai phép, có phép nhưng vi phạm đã được Công an quận Hoàn Kiếm chỉ đạo quyết liệt. “Chúng tôi phối hợp với Công an các phường và các lực lượng có liên quan thường xuyên tuần tra, xử lý, quyết không để tình trạng các đối tượng tự ý trông xe, “chặt chém” giá vé khiến người dân bức xúc”.

Đại tá Hà Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm khẳng định, sẽ quy trách nhiệm cho Chỉ huy Công an các phường, không lơ là trong việc xử lý. Nhưng xét cho cùng, lực lượng Công an có mạnh tay đến mấy cũng chỉ xử lý được phần ngọn. Gốc rễ vấn đề là phải bố trí được hạ tầng cơ sở, quy hoạch cấp phép và quản lý chặt việc trông giữ của các đơn vị đã được cấp phép.

Nhức nhối tại điểm trông giữ trước cửa Ngân hàng Techcombank trên đường Trần Nhật Duật, các đối tượng lợi dụng điểm cấp phép trông ô tô để tự ý ra nhận trông cả xe máy. Khi không có Công an thì thu vé 30.000 đồng/ xe. Còn khi thấy lực lượng làm nhiệm vụ liền thu 10.000 đồng và trình bày hoàn cảnh để được bỏ qua

Nhức nhối tại điểm trông giữ trước cửa Ngân hàng Techcombank trên đường Trần Nhật Duật, các đối tượng lợi dụng điểm cấp phép trông ô tô để tự ý ra nhận trông cả xe máy. Khi không có Công an thì thu vé 30.000 đồng/ xe. Còn khi thấy lực lượng làm nhiệm vụ liền thu 10.000 đồng và trình bày hoàn cảnh để được bỏ qua

Ngoài ra, bản thân chính người dân phải nhận thức được việc vô tư gửi xe vào các điểm trông giữ trái phép này vô hình trung đã tiếp tay cho các đối tượng hoạt động ngày một nhiều và ngang nhiên hơn. Lo ngại hơn là khi vắng bóng lực lượng Công an thì nhận trông giữ vô tội vạ. Nhưng khi thấy lực lượng làm nhiệm vụ là “bỏ của chạy lấy người”, vậy phương tiện của người dân lấy gì để đảm bảo sẽ không xảy ra mất mát?

Như trường hợp anh Phạm Văn Hiếu, trú tại huyện Đông Anh, Hà Nội gửi xe tại điểm trông giữ trái phép trên đường Trần Nhật Duật. Được phóng viên An ninh Thủ đô phân tích, những người này ngay lập tức trả vé, đòi tiền vì lúc đó mới nhận ra bản thân đang tiếp tay cho hành vi vi phạm. Anh này khẳng định, sẽ tìm điểm trông xe được cấp phép và gửi ở đó.

Ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết, quận đã có những đề xuất lên thành phố về việc quy hoạch tầng hầm của các cơ quan, trường học trên địa bàn để phục vụ cho giao thông tĩnh và hiện đang chờ ý kiến chỉ đạo của thành phố.

Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm cũng tiếp tục rà soát lại, có thể triển khai một số điểm trông giữ với diện tích lớn tại dọc các phố như Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, tuyến Vành đai 1… và sử dụng hạ tầng bên ngoài để hỗ trợ cho không gian đi bộ bên trong.

Tuy nhiên, đến bao giờ đề xuất mới được thông qua? Và trong thời gian chờ những biện pháp, giải pháp, kiến nghị của quận Hoàn Kiếm được triển khai, đề nghị Sở Giao thông vận tải vào cuộc, kiểm tra lại các điểm đã cấp phép và quản lý chặt việc trông giữ, không để tình trạng cấp phép một đằng, trông giữ một nẻo, thu quá giá hoặc trông giữ quá diện tích cho phép.

Bên cạnh đó, chính quyền các phường của quận Hoàn Kiếm cần sát sao hơn, tránh buông lỏng, lơ là khiến tình hình trở nên phức tạp. Đặc biệt, bản thân người dân phải có nhận thức đúng đắn, không nên tiếp tay cho các đối tượng thu lợi bất chính.