Đón bắt xu hướng thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2015

ANTĐ - LTS: Trong số báo hôm qua, Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong đã có những phân tích kỹ lưỡng về giá vàng cùng những tư vấn “sát sườn” với bạn đọc khi ông cho rằng: Chưa có nhiều “cơ hội vàng” cho người kinh doanh lướt sóng. Tiếp theo thị trường vàng, TS Nguyễn Minh Phong có những phân tích về thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2015. Đây có thể là thông tin tham khảo toàn cục và hữu ích trước khi bạn quyết định đầu tư, sinh lợi ở lĩnh vực chứng khoán. 
Đón bắt xu hướng thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2015 ảnh 1

Giao dịch chứng khoán tại sàn Giao dịch Chứng khoán Hà Nội

Về tổng thể, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2015 đang tiếp nối những quán tính và động năng có từ nửa cuối năm 2014, đồng thời sẽ tiếp tục được điều chỉnh bởi những xung lực trực tiếp tích cực từ chính sách tài chính - tiền tệ, cải thiện môi trường đầu tư và ổn định kinh tế vĩ mô.

Định giá cổ phiếu rẻ, thu hút nhà đầu tư ngoại

TTCK Việt Nam đang có định giá khá rẻ so với nhiều TTCK. Một diễn biến đáng chú ý là TTCK trong nước đang tiếp tục bổ sung những gương mặt mới, sáng giá. Gần đây nhất, ngày 17-7, hơn 4 triệu cổ phiếu của Công ty CP Chế tạo máy - Vinacomin, mã chứng khoán CTT sẽ tham gia vào giao dịch tại Sở GDCK Hà Nội (HNX). Bên cạnh đó, xu hướng tự do hóa kinh doanh và “nới room” cho nhà đầu tư nước ngoài cả trong ngân hàng và chứng khoán, bất động sản… đã có tác động mạnh đến TTCK nội địa. Điều này giúp TTCK Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư ngoại hơn. 

Nhưng cũng trong lúc này, thực tế vẫn ghi nhận những động thái trái chiều “truyền thống” của TTCK Việt Nam, đó là tình trạng khi nhà đầu tư nội tháo chạy, thì khối đầu tư ngoại lại tranh thủ gom vào mạnh mẽ và ngược lại. Điều đó cho thấy nhận thức, bản lĩnh, công nghệ và quyết định đầu tư trên TTCK của nhà đầu tư nội có sự khác biệt nhất định với nhà đầu 

tư ngoại.

Kiểm soát dòng tín dụng đổ vào chứng khoán

Yêu cầu đánh giá và xếp hạng phân loại nợ chặt chẽ hơn theo tinh thần Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, một mặt tiếp tục tạo sức ép cho các doanh nghiệp và ngân hàng trong tiếp vốn cho thị trường chứng khoán, mặt khác, cũng tạo chuẩn hóa tín dụng giúp các nhà đầu tư đánh giá đúng khả năng và “độ sạch” tài chính các chứng khoán của những doanh nghiệp mà mình đầu tư.

Nhờ vậy, dòng tiền sẽ ngày càng  tập trung vào các mã chứng khoán đáng tin cậy, thay vì mang tính đầu cơ. Nói cách khác, sự minh bạch thị trường sẽ giúp dòng tín dụng ngân hàng đổ vào TTCK năm 2015 được kiểm soát chặt chẽ hơn về chất, giảm bớt tính rủi ro và đầu cơ, dù ít nhiều được “nới room” về lượng. 

 Số liệu cho thấy, thanh khoản của thị trường có sụt giảm; cụ thể ttrong 3 tháng đầu năm 2015 khối lượng giao dịch giảm 34% và giá trị giao dịch giảm 25% so với cùng kỳ 2014. Đó là do tác động của Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (có hiệu lực từ tháng 2-2015), khi dòng tiền từ các ngân hàng bị khống chế từ mức được cho vay tối đa 20% vốn điều lệ, xuống còn 5% vốn điều lệ với đầu tư cổ phiếu.

Thực hiện quy định mới này, các ngân hàng vì thế buộc phải thu hồi tiền đã cho vay mua cổ phiếu, đồng thời không thể thực hiện các khoản cho vay mới. Ngoài ra, các công ty chứng khoán chịu thêm nhiều ràng buộc, đặc biệt là không được huy động vốn từ các tổ chức, cá nhân khác, chỉ được vay vốn từ ngân hàng với mức vay không quá 3 lần vốn điều lệ. Nhưng về lâu dài, chính sách nói trên làm lành mạnh hóa hoạt động của ngân hàng, cải thiện chất lượng dòng vốn trung dài hạn, đồng thời, tạo áp lực và giúp các công ty chứng khoán có cơ hội tái cấu trúc. 

Sự ổn định tỷ giá giúp ổn định kinh tế vĩ mô và củng cố niềm tin thị trường, đồng nghĩa với tạo cơ hội khơi rộng các dòng vốn đầu tư trên TTCK. Đặc biệt, việc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay 1-1,5% giúp giảm chi phí đầu vào sản xuất kinh doanh, kể cả vốn kinh doanh chứng khoán, gia tăng lợi nhuận cơ hội cho doanh nghiệp, do đó, hy vọng cải thiện các mức cổ tức cũng sẽ làm tăng hấp dẫn đầu tư vào các loại cổ phiếu trên thị trường.

Những tác động kích thích

Sự sụt giảm đầu năm và đi ngang của giá dầu ở mức thấp, thậm chí có thể giảm nhẹ thêm trong nửa cuối năm gắn với thỏa thuận lịch sử về hạt nhân và sự tiếp tục tham gia của Iran trên thị trường dầu mỏ trong thời gian tới, đang và sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp giảm chi phí đầu vào từ xăng dầu và mở rộng sản xuất kinh doanh. Sự khởi động chuỗi FTA mới đã và sẽ ký kết với sự tham gia của Việt Nam sẽ tạo những hợp lực 2 chiều tới các doanh nghiệp, nhất là ngành thủy sản và dệt-may.

Sức hấp dẫn từ kỳ vọng tăng cổ tức cổ phiếu của các doanh nghiệp có liên quan nhờ đó sẽ tăng và kéo theo dòng vốn vào các doanh nghiệp này cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Ở chiều ngược lại, chứng khoán của các doanh nghiệp bất lợi trong cạnh tranh trên sân chơi của các FTA, như ngành thép và phân bón sẽ chịu nhiều áp lực.

Luật Nhà ở sửa đổi sẽ được thực hiện từ ngày 1-7-2015 với việc nới lỏng quyền sở hữu nhà ở mà không bị hạn chế về số lượng và loại nhà ở cho người Việt định cư ở nước ngoài có và công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của các cá nhân và tổ chức nước ngoài sẽ làm tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư và cải thiện sức mua thị trường, giúp giải quyết hàng tồn kho và nợ xấu cho ngành bất động sản trong ngắn hạn và tạo cầu tiềm năng trong dài hạn, tạo cơ hội mới tích cực cho hoạt động kinh doanh và phát hành chứng khoán các doanh nghiệp bất động sản. 

Việc ban hành Luật Doanh nghiệp 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2015) đồng thời mang lại những hiệu ứng tốt, tạo hợp lực tác động tích cực và cho phép tin rằng TTCK Việt Nam tiếp tục có sức hấp dẫn các nhà đầu tư chuyên nghiệp, cả trong nước và nước ngoài. 

Ảnh hưởng từ sự “bốc hơi” của chứng khoán Trung Quốc

Ở góc độ khác, mặc dầu Việt Nam và Trung Quốc không có các cổ phiếu niêm yết chéo trên các TTCK hai nước, song những chấn động mạnh của TTCK Trung Quốc mới đây có tác động như lời cảnh tỉnh không thể bỏ qua cho những nhà đầu tư Việt Nam.

Bài học từ TTCK Trung Quốc cho thấy trước những rủi ro kinh doanh chứng khoán thì phải hết sức tỉnh táo, nhất là trước hiện tượng bùng nổ bong bóng giá ảo do đầu cơ và kỳ vọng lướt sóng bằng nguồn vốn vay ngắn hạn của những nhà đầu tư không chuyên, khiến tổng cung vượt quá tổng cầu và sự mất kiểm soát của phản ứng bầy đàn, tâm lý đám đông. 

Về tác động qua lại với Việt Nam, khi chứng khoán Trung Quốc “bốc hơi” kinh khủng như vậy, thì việc kinh doanh chứng khoán thua lỗ ở nước họ có thể có tác động làm giảm nhu cầu hàng Việt và lại có thể tăng tranh chấp trong thanh toán với các nhà xuất khẩu hàng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới... Đây là diễn biến cần lường trước.