Thê thảm chứng khoán Trung Quốc: Mù chữ cũng... đầu tư

ANTĐ - Thị trường chứng khoán Trung Quốc đổ vỡ có một nguyên nhân chính từ chất lượng nhà đầu tư. Đa số các nhà đầu tư Trung Quốc có trình độ học vấn ở mức thấp. Cụ thể, 68% số nhà đầu tư chưa học hết phổ thông, 25% học tiểu học và gần 6% mù chữ. 
Thê thảm chứng khoán Trung Quốc: Mù chữ cũng... đầu tư  ảnh 1

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đổ vỡ một phần do làn sóng đầu tư theo phong trào không đi liền với hiểu biết của nhà đầu tư

Làn sóng đầu tư theo phong trào

Sau quá trình tăng trưởng kéo dài suốt 1 năm, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã xuất hiện những dấu hiệu đổ vỡ đầu tiên khi quay đầu giảm mạnh kể từ ngày 15-6-2015. Thị trường đã trải qua gần 1 tháng giảm giá liên tục trong tâm lý bán tháo của các nhà đầu tư. Mặc dù xuất hiện xen kẽ những phiên phục hồi ngắn sau những biện pháp giải cứu của Chính phủ nhưng không thể giúp thị trường thoát ra khỏi xu thế giảm điểm. 

Nhìn nhận về nguyên nhân lao dốc không phanh của thị trường chứng khoán Trung Quốc, các chuyên gia phân tích thuộc Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BSC) cho rằng, thị trường đã tăng trưởng bong bóng nhờ các biện pháp kích thích kinh tế. “Kể từ cuối năm 2014, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) liên tiếp giảm lãi suất và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Mục đích của PBOC chủ yếu nhằm kích thích kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, nhưng cũng tạo ra niềm tin về việc nới lỏng tiền tệ giúp giá cổ phiếu tăng nhanh. Bên cạnh đó, giá vàng, giá bất động sản giảm và lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức thấp khiến dòng tiền trong cư dân đổ dồn sang thị trường cổ phiếu”, chuyên gia phân tích của BSC chỉ rõ.

Các chuyên gia của BSC cho rằng, sự hấp dẫn về lợi nhuận từ xu thế tăng điểm liên tục của thị trường đã khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô tham gia đầu tư, tạo thành làn sóng đầu tư theo phong trào lan rộng trong khắp cả nước. Số liệu từ Công ty Lưu ký và thanh toán chứng khoán Trung Quốc cho biết, hiện có hơn 90 triệu người dân tham gia đầu tư. Trong vòng 12 tháng (tính đến hết tháng 5-2015), nước này có thêm 40 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán mới được mở. 

Trong khi đó, tăng trưởng của thị trường chứng khoán không đi kèm với tăng trưởng kinh tế. Giá cổ phiếu tăng không đi kèm với sự cải thiện kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính luôn ở mức cao.  Mặt khác, chất lượng nhà đầu tư lại ở mức thấp do tỷ trọng nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường cao. Đa số các nhà đầu tư là nhà đầu tư cá nhân và có trình độ học vấn thấp. Theo khảo sát, hơn 2/3 (68%) số nhà đầu tư chưa học hết phổ thông, 25% học tiểu học và gần 6% mù chữ. Trong khi đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút dần ra khỏi thị trường để lại lớp nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ với trình độ hiểu biết hạn chế, chạy đua theo xu hướng đầu tư phong trào.

Cẩn trọng với hiệu ứng phụ

Theo các chuyên gia, thị trường chứng khoán Trung Quốc đổ vỡ là bài học giá trị cho các thị trường đang phát triển, trong đó có Việt Nam.  “Mục tiêu chính sách nới lỏng tiền tệ của Chính phủ Trung Quốc về cơ bản là nhắm vào việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, những hiệu ứng phụ dẫn tới sự gia tăng quá mức của thị trường chứng khoán và đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ nước này. Điều đó cho thấy, bất kỳ rủi ro nào cũng có thể xảy ra nếu thiếu sự chặt chẽ và đồng bộ trong điều hành kinh tế”, chuyên gia phân tích của BSC cảnh báo. 

Một bài học nữa cũng được các chuyên gia chỉ rõ, đó tầm quan trọng của các  nhà  đầu tư đối với thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Sự đổ vỡ của thị trường chứng khoán có nguyên nhân chủ yếu từ phong trào đầu tư mang tính chất dây chuyền của số đông nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ với kiến thức hạn chế về kinh tế, tài chính.

“Xét ở khía cạnh tích cực, những vấn đề của thị trường chứng khoán Trung Quốc lại là cơ hội đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

 Vốn rút ra khỏi Trung Quốc sẽ chuyển dòng sang các thị trường mới. Việt Nam đang tạo ra được nhiều sự chú ý đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang trên đà hồi phục tích cực, với nhiều cải cách và thay đổi mang tính “mở” hơn đối với quốc tế, trong đó có chính sách tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp của Việt Nam gần đây”, chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán BSC đánh giá.