Đầu tư trên Thị trường chứng khoán: Có thể trắng tay sau một đêm

ANTĐ - Anh bạn tôi - một nhà đầu tư chứng khoán đã từng nói: Không có gì nghiêm túc bằng thị trường chứng khoán (TTCK). Ở đó, người có kiến thức sẽ thắng và người thua chỉ là do dốt nát mà thôi. Chỉ xuống đường, nơi chiếc xe ô tô đời mới của anh đỗ: Đấy, sản phẩm của kiến thức đó. Tôi vừa mua nó với gía 1,7 tỷ. Vừa rồi, nhân dịp TTCK Việt Nam tăng vèo một lúc gần 100 điểm, cỡ 20% trong vòng hơn chục ngày, anh đến gặp tôi trên chiếc xe cà tàng. Anh bảo: Nó lừa tôi, nó lừa tôi. Bây giờ tôi trắng tay rồi…
Đầu tư trên Thị trường chứng khoán: Có thể trắng tay sau một đêm  ảnh 1

Không sao. Đó là cảnh thường thấy, những hồi hộp, những tiếng rú và cả tiếng than não ruột sau những phiên giao dịch. Đã ai chơi số đề chưa? Nếu chơi rồi sẽ thây nó cuốn hút và dễ gây nghiện như thế nào. Chứng khoán cũng vậy.

Chết vì giá

Đây là tâm sự thật của một người mới rời khỏi TTCK, tạm thôi vì rất có thể vài ngày nữa lại thấy anh trong quán cà phê nào đó, dán mắt vào màn hình máy tính, tay bấm lia lịa. Anh ta tâm sự: Trên thị trường chứng khoán hôm nay có rất nhiều nhà đầu tư chơi chứng khoán, gọi là nhà đầu tư, nhưng thực tế đầu tư thì có bao nhiêu người? Hay chỉ toàn các nhà đầu cơ?

Đừng tưởng đơn giản, giá cổ phiếu lên xuống có quy luật. Nếu nó có quy luật thật, những người tham gia TTCK giàu cả rồi. Đáng tiếc, người giàu lên quá ít, người nghèo đi thì bao la. Dĩ nhiên tiền của người mất sẽ đổ vào túi người thắng mà. Định luật bảo toàn nó vậy. Bởi vì giá cổ phiếu, sự thật đắng cay nó nằm trong tay khống chế của các tổ chức đầu cơ lớn.

Một loạt lệnh mua khủng cộng với tin đồn thập thò có thể đẩy giá một cổ phiếu lên vài chục phần trăm để 10 phiên sau biến thành giấy lộn, một loạt lệnh bán bất thường có tính cảnh cáo có thể đánh sụt giá một cổ phiếu nào đó xuống để sau khi các nhà đầu tư (đầu cơ) bán ào ạt, nó lại được đẩy lên chót vót. Một tổ chức muốn khống chế một cổ phiếu thì cần phải năng lực kinh tế rất hùng hậu, tổ chức đó có thể là ngân hàng, các công ty chứng khoán, các tổ chức tín dụng tư nhân v.v... Các tổ chức khác nhau sẽ quyết định biện pháp thao tác của họ.

Trong thị trường chứng khoán, các biện pháp thao tác khống chế cổ phiếu rất lắm trò nhiều kiểu, do các tổ chức tính chất khác nhau, nên các thủ đoạn thao tác cũng khác nhau, do cá tính của người thao tác thủ (người lập kế hoặc thao tác) khác nhau, cũng tạo ra biện pháp khống chế khác nhau, đồng thời do chỉ số thay đổi bởi chính sách của nhà nước, bắt buộc phải thay đổi biện pháp thao tác trong báo cáo kế hoặc. Cho nên, có thể nói là hết một đời của mình cũng không thể học hết được. Trăm sự chỉ tại cái giá, trăm sự chỉ tại cái tham, trăm sự chỉ tại cái sợ… Cứ tâm niệm như vậy để trắng tay không ân hận.

Phân loại thua lỗ

Có mấy thủ đoạn lừa dễ thấy. Doanh nghiệp niêm yết lừa các nhà đầu tư bằng việc cung cấp thông tin không trung thực, hoặc giấu thông tin để dành cho giao dịch nội gián. Một doanh nghiệp gặp sự cố, trước khi thông tin được tung tóe ra ngoài, người trong cuộc đã lén lút bán hết cổ phiếu trong tay với giá cao. Sắp công bố thắng lợi một thương vụ, người trong cuộc đã mua vét trên thị trường cổ phiếu với giá rẻ, hoặc cố tình thông báo, truyền tin đồn thất thiệt để hạ giá cổ phiếu tạo điều kiện mua vào. Đến khi công bố thương vụ, giá ào lên, những giao dịch nội gián thắng lớn.

Ngoài giao dịch nội gián, còn có thông đồng để thực hiện việc mua bán chứng khoán nhằm tạo ra cung cầu giả tạo, giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác liên tục mua, bán để thao túng giá chứng khoán, kết hợp sử dụng các phương pháp giao dịch để thao túng giá chứng khoán. 

Ngoài doanh nghiệp lừa các nhà đầu tư còn có các tổ chức đầu tư lừa các nhà đầu tư nhỏ. Các nhà đầu tư nhiều tiền, các tay to, các “đội lái” nhiều khi quyết định giá lên giá xuống của cổ phiếu. Trong giai đoạn TTCK sôi động, tầm ảnh hưởng của “đội lái” lớn đến nỗi mà ngay cả môi giới chuyên nghiệp của các công ty chứng khoán cũng phải săn lùng thông tin mã nào sắp bị làm giá, lấy đó làm “hàng hot” tư vấn cho khách hàng của mình. Phân tích kỹ thuật trong giai đoạn này gần như không có tác dụng. Hầu hết các nhà đầu tư muốn “ăn” được thì buộc phải tìm kiếm sóng và nhảy theo sóng của “đội lái”.

Các nhà đầu tư túm tụm với nhau tại sàn giao dịch mỗi buổi sáng chỉ quanh quẩn chuyện hôm nay mã nào được đánh lên hay đánh xuống mà gần như không hề quan tâm đến hoạt động của công ty đó như thế nào. Vậy mà, đa số đánh cổ phiếu vẫn thắng lớn. Vì vậy, biết là nhảy sóng lắm rủi ro nhưng hầu như các nhà đầu tư đều rất ưa thích kiểu đầu cơ này. “Đội lái” thừa tỉnh táo để biết có một hàng dài các nhà đầu tư đang xếp hàng để nghe ngóng động tĩnh sóng của mình, họ sẽ nhân cơ hội đó đánh nhanh, rút nhanh và phần rủi ro thường rơi vào các nhà đầu tư theo đuôi “đội lái” với đống cổ phiếu mắc kẹt.

Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2015, đã có 40 trường hợp là các cá nhân, tổ chức vi phạm về lĩnh vực chứng khoán với số tiền phạt lên tới 2 tỷ 300 triệu đồng. Đáng chú ý nhất là hành vi thao túng giá chứng khoán, với thủ đoạn chủ yếu là dùng nhiều tài khoản khác nhau, giao dịch chéo, tạo cung cầu ảo, đẩy giá cổ phiếu để trục lợi. Dù phát hiện được hành vi thao túng giá, nhưng việc chứng minh chúng là thao túng lại vô cùng khó khăn.

Gần đây có một sự kết hợp rất lạ, đó là kết hợp giữa các hành vi đẩy giá cổ phiếu kết hợp công bố tỷ lệ macgin (cầm cố cổ phiếu vay tiền mua cổ phiếu) cao. Đó là việc các công ty chứng khoán đưa ra những nhận định tốt đẹp về một cổ phiếu nào đó, ví dụ JVC trong một tháng qua và bây giờ là HHS… rồi cho một tỷ lệ macgin khá cao (có khi đến tỷ lệ 1/1 với các nhà đầu tư có nhiều tài sản). Sau khi đã nắm số lượng cổ phiếu macgin cao, lợi dụng tin đồn các tổ chức này tung cổ phiếu cầm cố bán ra, đánh sập tài khoản và mua lại giá hời chỉ 20, 30% thực giá cổ phiếu. 

Trên thị trường bỗng nửa kín nửa hở về một kế hoạch tự doanh của một Công ty chứng khoán. Bí mật “công khai” kiểu này thật ra là một cái bẫy mà người cầm dây giật là người có thực lực tài chính và là tác giả tin đồn. Nhưng cũng rất có thể công ty chứng khoán nọ đã bị nhân viên bán đứng và chạy theo tin đồn sẽ kiếm được lợi nhuận. Một nhà đầu tư ở TP. HCM đã thắng được mấy phi vụ chạy theo tin đồn như vậy để một lần sập bẫy tin đồn trắng tay sau 3 phiên giao dịch với số tiền trên 20 tỷ đồng.  

TTCK từ trước tới nay luôn bị đánh giá là thiếu minh bạch, không có sự công bằng giữa các NĐT. Sự việc rò rỉ thông tin này đã khiến những người nắm được thông tin, đoán xu hướng thị trường sẽ có tỷ lệ thắng cao hơn. Những nhà đầu tư không có thông tin phải chấp nhận rủi ro lớn hơn. Không chỉ khống chế giá một cổ phiếu, một số “tay to” còn có thể “đẩy” hoặc “đạp” cả chỉ số chứng khoán chỉ bằng vài ba lệnh bất thường với giá trị giao dịch nhỏ cuối phiên và những người đi sau không cẩn trọng sẽ bị cuốn đi.

Trên thị trường, chỉ số chứng khoán còn được các công ty chứng khoán làm nền tảng đưa ra các công cụ chứng khoán phái sinh như hợp đồng tương lai, đầu tư theo chỉ số... Vì vậy khi chỉ số chứng khoán bị sai, NĐT sẽ bị rủi ro dẫn đến thua lỗ do kết quả không như dự báo.

Có thể nói, vô vàn các thủ đoạn có thể làm cho các nhà đầu tư trắng tay chỉ sau một đêm ngủ.