'Đôi cánh ma thuật' Su-22 uy lực cỡ nào?

ANTD.VN - Cường kích Su-22 là một trong những loại máy bay mạnh mẽ thời điểm chúng ra đời. Hiện nay, loại máy bay này được trang bị tên lửa không đối đất Kh-29 có thể nhấn chìm chiến hạm 10.000 tấn. 
Su-22 là phiên bản xuất khẩu của Su-17 Fitter do tập đoàn Sukhoi chế tạo vào thập niên 1970.
Đây là loại máy bay đầu tiên của Liên Xô có thiết kế độc đáo với cánh cụp - cánh xòe
Chiến đấu cơ Su-22 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 2/8/1966.
Dòng máy bay này được sản xuất hàng loạt trong suốt hơn 30 năm, từ năm 1969-1990.
Đã có hơn 2.800 chiếc đã được chế tạo cho Không quân Liên Xô và xuất khẩu rộng rãi cho các nước Đông Âu và khu vực khác.
Để cơ động, những chiếc Su-22 được trang bị động cơ phản lực Lyulka AL-21 F-3.
Cửa hút không khí bố trí ở mũi máy bay. Đây là kiểu thiết kế điển hình của những máy bay do Liên Xô chế tạo trong thập niên 50-60.
Su-22 có thể đạt tốc độ tối đa 1.860 km/h ở độ cao lớn, 1.400 km/h ở độ cao thấp, phạm vi hoạt động 1.150 km, lên đến 2.300 km với thùng nhiên liệu phụ.
Cánh cụp - cánh xòe hay còn gọi là "đôi cánh ma thuật" là một trong những điểm nổi bật tạo nên sức mạnh cho Su-22.
Thiết kế này cho phép máy bay hoạt động tốt ở độ cao thấp, giúp thực hiện các phi vụ ném bom bổ nhào ở tốc độ cao.
Khi xòe cánh hết cỡ, máy bay có thể hạ cánh trên đường băng rất ngắn, điều này có lợi trong các cuộc chiến khốc liệt.
Máy bay có 12 điểm treo có thể mang theo 4 tấn vũ khí. Su-22 được vũ trang 2 pháo tự động 30 mm, cơ số đạn 80 viên mỗi khẩu.
Su-22 được xem là cũ khi so với những chiến đấu cơ hiện đại. Tuy nhiên, nó vẫn là chiến đấu cơ đáng gờm trong nhiệm vụ tấn công mặt đất.
Su-22 đã trải qua nhiều lần nâng cấp để mang vũ khí dẫn đường công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu của chiến trường hiện đại.
Đặc biệt, Su-22 có thể mang tên lửa hành trình không đối đất Kh-29.
Tên lửa này được thiết kế để tiêu diệt kho tàng, bến bãi nhưng khi cần có thể tấn công và gây thiệt hại nặng cho tàu chiến có lượng choán nước tới 10.000 tấn.
Dù đã nghỉ hưu ở Nga, tuy nhiên Su-22 vẫn được sử dụng tại một số nước trên thế giới.